Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân

Việc thờ phụng Đức Thánh Tản được nhân dân các dân tộc quanh khu vực núi Ba Vì duy trì hàng ngàn năm qua. Và cùng với sự tồn tại đó, cứ mỗi độ xuân về, người dân bản địa lại nô nức tổ chức lễ hội. Không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt bởi tiếng cồng chiêng hào hùng, khỏe khoắn, tiếng hò reo của các chàng trai, cô gái trong các trò chơi dân gian truyền thống.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 1

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng, cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội. (Ảnh: Huyền Thương)

Để tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị thần đứng đầu Tứ bất tử trong thần điện Việt, ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng năm Quý Mão), tại di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), dưới chân núi Tổ Ba Vì đã diễn ra Lễ khai Hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2023.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 2

Biểu diễn trống hội, hát múa Trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai.

Tới tham dự có bà Trịnh Thị Thủy - Thứ Trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ông Dương Cao Thanh - Bí thư Huyện ủy Ba Vì.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 3

Lễ khai Hội diễn ra trong không khí từng bừng, náo nhiệt với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách.

Phát biểu tại Lễ khai Hội, ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích trong đó có tới hơn 120 di tích thờ phụng Đức Thánh Tản và các bộ hạ, tướng lĩnh của Ngài. Theo ông, việc thờ Tản Viên Sơn Thánh là hiện tượng rất đặc sắc trong tín ngưỡng bản địa của nhân dân ta từ xa xưa. Với địa thế đắc địa: “Tiền án hậu chẩm” Thủ đô Hà Nội dựa lưng vào núi Ba Vì vững chãi có Thánh Tản phù trợ và hướng ra sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đó là một vị trí có một không hai tạo nên một Hà Nội nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình vững vàng trên con đường phát triển.

Với ước muốn tìm về cội nguồn của những giá trị văn hóa dân tộc, trong những năm qua, huyện Ba Vì đã nổ lực rất lớn trong việc khôi phục và bảo tồn các lễ hội truyền thống, nhất là đối với lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Ban tổ chức mong muốn những giá trị văn hóa của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, những phong tục tập quán của Ba Vì được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 4

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phát biểu tại Lễ khai Hội.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm nay được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc. Nổi bật là lễ rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ, nghi lễ rước kiệu liên vùng dâng lễ bái tế Đức mẫu Thánh Tản tại đền Mẫu Lăng Sương (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ (huyện Ba Vì, Hà Nội) được thực hiện với đầy đủ nghi thức truyền thống, tạo nên một không gian văn hóa thiêng liêng và độc đáo.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 5

Màn rước kiệu đặc sắc ở lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 6

Việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã ăn sâu vào đời sống nhân dân.

Tại Lễ khai Hội, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách đã tham gia thắp nén tâm hương tỏ lòng thành kính các bậc tiền nhân, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 7

Các đại biểu cùng nhân dân thực hiện nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã được nhân dân ngàn đời lưu giữ, được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài Ba Vì, trong đó tập trung tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thuộc địa phân hai xã Minh Quang và xã Ba Vì. Hằng năm, dân dân và chính quyền địa phương tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vào dịp rằm tháng Giêng, bởi theo tương truyền trong dân gian, Đức Thánh Tản sinh đúng ngày Rằm tháng Giêng. Đặc biệt hơn, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 8

Biểu diễn nghệ thuật Cồng chiêng của người Mường tại lễ rước kiệu.

Đúng với ý nghĩa vốn có của Hội Xuân, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh có rất nhiều trò chơi và các hoạt động thể thao mang tính truyền thống thượng võ và cần cù, sáng tạo trong lao động của nhân dân, như múa lân, múa rồng, chơi đu, đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, bắt vịt, đi cầu leo... Những hoạt động này đều nhắc lại công tích của Tản Viên Sơn Thánh trong việc dạy nhân dân làm nghề nông và luyện quân…

Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng – Người dân Ba Vì nô nức trẩy hội Xuân - 9

Không gian hội xuân tấp nập người dân và du khách. 

Với ước muốn tìm về cội nguồn của những giá trị văn hóa dân tộc, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hằng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với người dân địa phương. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại, từng bước phục dựng có chọn lọc các nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất