Xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật: “sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc”

Chiều 11/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc làm việc của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa với Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, phê duyệt chương trình công tác năm 2023 và chỉ đạo, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trong thời gian tới.

Không ngừng đổi mới tư duy, phương thức hoạt động

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, trên hành trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, phát huy những thành tựu đã đạt được, văn học, nghệ thuật đứng trước những thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, những hạn chế đã được chỉ ra nhưng chậm được khắc phục đang tạo ra “rào cản” trong quá trình phát triển. Xu thế toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng, những trào lưu tư tưởng, lý luận, văn nghệ sẽ tiếp tục vào Việt Nam bằng nhiều con đường, nhiều cấp độ, cả tiến bộ, mới mẻ và cả lạc hậu, sai trái. Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ tư sẽ ngày càng tác động mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản tư duy, phương thức sáng tạo, lưu trữ, giới thiệu, phát hành, quảng bá, tiếp nhận các sản phẩm văn học, nghệ thuật...

Xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật: “sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc” - 1

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu định hướng buổi làm việc. 

“Thực tiễn đó đang đặt ra yêu cầu vừa cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài là: tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, có lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân; trong đó có đội ngũ những nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Những vấn đề và yêu cầu mới đặt ra đòi hỏi các cơ quan tham mưu, tư vấn của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật phải quyết tâm cao hơn nữa, bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới tư duy, phương thức hoạt động, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển phong phú, lành mạnh đời sống văn nghệ nước nhà trong tình hình mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, từ đó xác định tầm nhìn, đường hướng, giải pháp phát triển lĩnh vực quan trọng này trong dự thảo Nghị quyết mới với tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất…

Xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật: “sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc” - 2

Toàn cảnh buổi làm việc 

Báo cáo hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng cho biết, tính đến tháng 4/2023, Hội đồng đã trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, sau khi có Quyết định của Ban Bí thư về tái bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng và Quyết định của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về thành phần Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; sự phối hợp hiệu quả của các cục, vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban, bộ, ngành, địa phương. Hội đồng đi vào hoạt động ổn định, nhiều đổi mới; vị trí, vai trò, tác dụng và tầm ảnh hưởng của Hội đồng ngày càng được nâng cao.

“Năm 2022, Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và chuyên môn theo đúng chương trình, kế hoạch, trong đó một số nhiệm vụ hoàn thành ở mức xuất sắc. Các đơn vị trực thuộc Văn phòng Hội đồng và Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định.

Xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật: “sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc” - 3

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương báo cáo hoạt động của Hội đồng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, hoạt động của Hội đồng còn một số hạn chế như: Đội ngũ làm lý luận, phê bình ở một số lĩnh vực văn học, nghệ thuật vẫn còn rất mỏng và hoạt động còn nhiều hạn chế; Bộ máy tổ chức và nhân sự của hai đơn vị trực thuộc Hội đồng hiện nay quá ít về chỉ tiêu biên chế và nhân sự hợp đồng; Hoạt động khảo sát tình hình văn hóa, văn nghệ nước ngoài, nhất là mảng lý luận, phê bình do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không triển khai được…

Từ thực tiễn hoạt động của Hội đồng thời gian qua, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đề xuất một số ý kiến, kiến nghị như: Cần huy động và sử dụng tốt hơn các chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nên có chế độ đãi ngộ thích hợp cho lực lượng này; Xác định Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là đơn vị tương đương cấp Tổng cục để xác định rõ Văn phòng Hội đồng, Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là đơn vị cấp Vụ loại II, các phòng của Văn phòng và Tạp chí là phòng loại 2;

Xây dựng lực lượng đủ về số lượng, chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ để kịp thời nhận diện, phát hiện đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật với phương châm: Sắc sảo, đúng đắn, kịp thời, hiệu quả; Trong quá trình xét chọn các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, về khoa học và công nghệ (với các công trình nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ) thì nên có đại diện lãnh đạo của Hội đồng tham gia các Hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành và cấp Nhà nước; Xét tặng thưởng Huân chương bậc cao cho tập thể Hội đồng…

Buổi làm việc cũng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội đồng, các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Hội đồng qua các nhiệm kỳ, các nhà khoa học ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tập trung vào những vấn đề chính như: Đánh giá những kết quả Hội đồng đã đạt được trong thời gian vừa qua, trọng tâm là năm 2022; Góp ý đối với chương trình công tác năm 2023, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ Hội đồng được giao; Những nội dung cần được quan tâm nghiên cứu, tư vấn của Hội đồng xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; Đề xuất cơ chế phối hợp trong triển khai nhiệm vụ của Hội đồng và của các cơ quan, đơn vị…

Các ý kiến đã tập trung bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, đặt trong bối cảnh và những yêu cầu đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới.

Xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật: “sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc” - 4

GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại buổi làm việc 

Tiếp tục phát huy thành tựu của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đạt được trong thời gian qua.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong thời gian tới, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cần tập trung nghiên cứu, triển khai tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật;

Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết, định hướng đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thực hiện chức năng thẩm định, định hướng các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; Tiếp tục xây dựng cơ chế hiệu quả để thúc đẩy hợp tác quốc tế trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật;

Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc đấu tranh, phản bác các điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bảo vệ đường quan lối văn nghệ của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Phối hợp chặt chẽ với các vụ, đơn vị tham mưu, giúp việc của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan, tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào việc sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng, với truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ tiếp tục phát huy cao nhất những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất