Chuyện tình người lính vệ quốc quân và cô hàng xén xinh đẹp

Bà Nguyễn Thị San là một cô gái quê Đức Thọ xinh đẹp, vốn là một cô bán hàng xén chợ làng được nhiều trai tráng làng xa xóm gần tơ tưởng. Người thì là lực điền cày ruộng, người thì dạn dĩ buôn bè, người lại lý tưởng trào dâng cầm súng ra mặt trận. Có một anh lính cùng quê hơn San 2, 3 tuổi si mê lắm. Người lính này lại hơn người là biết làm thơ, thơ rất hay từ mặt trận gửi về...

Sau mỗi trận đánh, người lính ấy thường thổn thức nhớ về quê hương, nhớ về con sông La nước xanh hiền hòa chảy trước cửa nhà, nhớ về phiên chợ quê có cô gái bán hàng xén xinh xắn tuổi 16 tên San khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Và thế là thao thức suốt đêm viết nỗi nhớ ấy thành lời, thành những bài thơ mà cô gái tên San nhận được đọc lên như thấy có tay ai bóp nghẹt trái tim mình…

Và thế là cô gái chấp nhận tình yêu của người lính vệ quốc xa nhà đi đánh giặc cứu nước, dẫu đi biền biệt nhưng San vẫn một lòng chờ. Người lính ấy tên là Xuân Thiều, cũng người cùng quê Bùi Xá Đức Thọ, và sau là nhà văn rất nổi tiếng, được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật do Nhà nước trao tặng.

Chuyện tình người lính vệ quốc quân và cô hàng xén xinh đẹp - 1

Bà Nguyễn Thị San qua nét vẽ của con gái Nguyễn Thiều Quyên.

Đất nước giặc giã chiến tranh, kết hôn với người lính không chỉ là tình yêu, mà còn là sự hy sinh. Bởi những người chồng ấy cưới nhau xong là đi, đi biền biệt để cầm súng đánh giặc... Nhưng rồi đến hòa bình, ông lại vẫn phải đi, làm một cán bộ chính trị Lữ đoàn Vĩnh Linh đóng quân bên cầu Hiền Lương chia cắt đôi miền. Chốn quê nhà Hà Tĩnh bà vẫn cảnh vò võ một mình đợi chờ, buôn bán và chăm sóc nhà chồng. Cũng bởi vậy mà đến 9 năm sau ngày cưới, ông bà mới có đứa con đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thiều Quang.

Rồi từ Vĩnh Linh, do văn hay chữ tốt, chàng sĩ quan Xuân Thiều được quân đội điều ra Hà Nội, làm cán bộ chính trị và viết văn chuyên nghiệp. Lúc ấy, ông mới có điều kiện đón vợ con từ quê nhà Hà Tĩnh ra Hà Nội sum vầy, trong một căn nhà nhỏ vài mét vuông đơn vị cấp cho trên đường Hoàng Hoa Thám. Rồi sau đó khi về Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà văn Xuân Thiều và nhà văn Nguyễn Khải được đơn vị ưu tiên cấp cho mỗi người một căn phòng nơi doanh trại bộ đội ở bãi giữa sông Hồng, gọi là bãi Phúc Xá.

Lúc này có nhẽ bởi vốn là cô hàng xén ít nhiều có kinh nhiệm buôn bán, nên cấp trên bố trí cho người vợ bộ đội một chân bán hàng nơi cửa hàng bách hóa tổng hợp Hà Nội, kể như cũng là an cư lập nghiệp. Bà lần lượt sinh hạ thêm hai người con: Nguyễn Thiều Hoa, Nguyễn Thiều Quyên, và năm 1970 khi nhà văn Xuân Thiều từ mặt trận Trị Thiên - Huế ác liệt trở về, ông bà sinh thêm một người con trai út mang tên Nguyễn Thiều Nam - là bút danh của nhà văn Xuân Thiều những năm tháng đi Nam chiến đấu, cũng là bút danh mang lại cho ông nhiều giải thưởng văn học của Mặt trân dân tộc giải phóng miền Nam.

Lại nhớ ở căn nhà bãi Phúc Xá, gia đình hai nhà văn Xuân Thiều và Nguyễn Khải cùng hàng xóm lân cận không năm nào không phải bồng bế nhau chạy lũ lụt sông Hồng. Thương nhất là lũ con còn nhỏ, bà dắt thằng con trai, ông bế hai đứa con gái ôm thêm củi gạo chạy lũ sông Hồng. Chiều đến ông sốt ruột lại bơi ra tìm lô bản thảo, dù đã được treo lên trần nhà nhưng mưa bão vẫn làm nước thấm nhòe hết nét mực.

Chuyện tình người lính vệ quốc quân và cô hàng xén xinh đẹp - 2

Nhà văn Xuân Thiều cùng vợ và con trai Nguyễn Thiều Quang năm 1961.  

Ở căn nhà ấy, ngày ngày bà đi làm một nhân viên cần mẫn của cửa hàng bách hóa tổng hợp, tan giờ làm lại tất bật về chợ búa, bếp núc, giặt giũ “hầu” chồng viết văn và “hầu” bốn đứa con thơ. Gần như cả một đời bà chịu đựng kham khổ, tiết kiệm chi tiêu lo cho chồng an tâm viết lách, đãi đằng bạn bè, lo cho con cái học hành nên người...

Sự hi sinh vất vả của bà luôn làm ông xúc động. Năm 1969, giữa chiến trường Trị Thiên ác liệt, ông gửi về bà những vần thơ thấm đẫm yêu thương:

Thương em lắm, hậu phương bề bộn

Dắt mẹ cõng con sơ tán đường trơn

Phiếu gạo, phiếu dầu chong đèn tính toán

Báo động nghiêng đêm giấc ngủ chập chờn.

Thư em viết liêu xiêu nét chữ

Chỉ báo tin vui và chuyện tốt lành

Em giấu kín những điều thắc thỏm

Để yên lòng người đối mặt chiến tranh.

Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại

Vẫn vững niềm tin, gánh nặng vai mòn

Và ta biết em cắn răng chờ đợi

Ngày sum vầy trọn vẹn nước non.

Chồng bà, ông Xuân Thiều, đã từng cầm súng chiến đấu và sau đó là cầm bút làm thơ, viết văn. Là nhà văn quân đội nên phần lớn cuộc đời ông ở chiến trường. Những trang văn của ông rực rỡ nhất khi sáng tác trong khoảng thời gian ấy. Ông viết nhiều và đã từng được trao Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng, Giải thưởng văn học Nhà nước 2001 và gần đây nhất là giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước - Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bà đã có vinh dự thay chồng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Có lẽ, đó cũng là phần thưởng cho chính bà, người vợ hiền, người đã thầm lặng gánh vác mọi việc nhà, việc con cái, đối mặt với mọi bão giông của cuộc đời, nuôi các con nên người và thành đạt, để cho ông yên tâm công tác và hoàn thành những sứ mệnh văn chương.

Chuyện tình người lính vệ quốc quân và cô hàng xén xinh đẹp - 3

Bà Nguyễn Thị San thay chồng là nhà văn Xuân Thiều nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.

Chồng vẻ vang về sự nghiệp, con thành đạt trên đường đời: Cả bốn người con của bà cũng đều rất thành đạt và cùng rất hiếu thảo với cha mẹ: Nguyễn Thiều Quang là Phó Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, Nguyễn Thiều Hoa (đã mất) - nguyên Phó Giám đốc NXB Thanh Niên, Nguyễn Thiều Quyên là nữ họa sĩ và là giám đốc một công ty tin học, và cậu út Nguyễn Thiều Nam là phó Tổng giám đốc tập đoàn Massan nổi tiếng.

Cách đây tròn một năm, bà đã hóa mây trắng bay về với ông trên bầu trời xanh Ba Vì, nơi “Đồi cao lộng gió nắng đầy tiếng chim”, nơi “Ba Vì đất lạ thành quen/ Bên cha chú bác và em sum vầy”, nơi có người chồng thân yêu của bà, cũng là một nhà văn lớn của đất nước “Một đời sâu nặng văn chương/ Một đời trọn vẹn con đường chúng sinh/ Nước non gửi một chữ tình/ Gia tài để lại: bóng hình thanh cao”.

Bà nằm bên ông, cô hàng xén xinh đẹp chợ làng năm xưa, đã trọn vẹn cùng ông và con cháu trên đường đời vất vả gập ghềnh, nhưng những hạnh phúc cũng vô cùng lớn lao, không mấy ai có được.

Tôi lại nhớ những vần thơ của người em ruột bà - ông Nguyễn Văn Hạp (nguyên là Giám đốc Sở Y tế Nghệ An) viết từ năm 1960 về tình yêu của anh chị mình Nguyễn Thị San - Xuân Thiều, với những vần thơ mộc mạc chân tình và rất xúc động:

Cô hàng xén gái nhà nông

Sống trong làng Hạ bên dòng sông La

Con nhà gia giáo nết na

Nét đi duyên dáng nước da hồng hào

Sáng tâm giác ngộ phong trào

Tuổi vừa 18 được vào Đảng ta…

Số Trời định phận duyên xe

Xuân Thiều người lính đi về ghé thăm

Giầy đen, bốn túi, sỹ quan

Chị San ưng thuận lặng thầm chờ mong

Điện biên chiến thắng về ta

Thủ đô Hà Nội cờ hoa đỏ trời

Văn nghệ quân đội gọi mời

Xuân Thiều đắc địa cuộc đời văn chương

Vội vàng về chốn quê hương

Vợ con sum họp phố phường bình an

Chị bách hóa, anh Hội Văn

Hạnh phúc anh chị muôn phần đẹp tươi…

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi