“Có phút nào thầy không ở bên con?”

THĂM THẦY GIÁO CŨ

                                    Nguyễn Bùi Vợi

                                         (Kính tặng giáo sư Hoàng Như Mai)

Hai mươi bốn năm xa

Con ngồi lặng bên thầy

Phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa

Tóc thầy bạc phau

Mái tóc con nửa đời sương gió.

Đứa học trò thuở mười tám, đôi mươi

Lại lắng từng câu

lại nhập từng lời

Cái giọng nói một đời không quên được

Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt

Hai mươi bốn năm rồi mãi ấm trong con

Có những đêm, nhớ đều bồn chồn

Chiếc áo bông của thầy bạc màu nắng gió

Trời trở lạnh. Đông về cuối ngõ

Rét đầu mùa, thầy ngủ có ngon không?

Thầy đã giảng cho con về đất nước, nhân dân

Để khi mặc lành không quên người áo vá

Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoai, dỡ củ

Câu ca dao đau đáu một đời

Con ngước lên, con gặp mắt thầy

Đầm ấm quá: con thành trẻ nhỏ

Những vui buồn thầy lặng nghe con kể

Có phút nào thầy không ở bên con?

Con nghe rất nhiều trong lặng im

Thầy thấu cả những điều con chưa nói

Phút giao cảm: thầy là tia nắng dọi

Con: cây xanh đang nảy lộc trong vườn.

Thầy tiễn con về, phố lạnh hơi sương

Con để mãi bàn tay trong tay thầy ấm áp

Và con biết: đêm nay thầy lại thức.

Hà Nội, 1980

***

“Có phút nào thầy không ở bên con?” - 1

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013)

Nhà giáo, nhà thơ, Nguyễn Bùi Vợi (1933 - 2008) quê ở Thanh Chương, Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình và quê hương có truyền thống yêu nước và hiếu học, ông đã kế thừa và phát huy truyền thống cao đẹp đó của quê hương bằng tâm huyết và tài năng của mình.

Từ khi còn rất trẻ ông đã tham gia sôi nổi trong các hoạt động tuyên truyền đường lối giảm tô của cách mạng. Lớn lên, ông được gặp gỡ và kết giao với các nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, tài năng thơ ca sớm được tỏa sáng. Từ năm 1953, ông được đào tạo Sư phạm tại tỉnh Nam Ninh – Trung Quốc. Về nước, ông giảng dạy tại trường Sơ cấp Sư phạm Trung ương, rồi làm biên tập tài Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Sau đó ông chuyển  làm biên tập của báo Giáo dục và Thời đại. Năm 23 tuổi ông xuất bản tập thơ đầu tiên. Nói đến Nguyễn Bùi Vợi là nói đến tình yêu đất nước quê hương, yêu con người sâu sắc. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông đã nói lên điều đó như: Với quê, Tiếng Nghệ, Qua Thậm Thình, Thăm thầy giáo cũ…

“Có phút nào thầy không ở bên con?” - 2

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi

Uống nước nhớ nguồn, biết ơn thầy cô là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam xưa nay. Điều ấy được thể hiện thật tự nhiên và cảm động qua bài thơ "Thăm thầy giáo cũ"  nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết kính tặng thầy giáo cũ là Giáo sư Hoàng Như Mai năm 1980. Đây là một trong những sáng tác rất cảm động về tình thầy trò.

Bài thơ kể về một lần thi nhân thăm thầy giáo, bồi hồi nhớ lại những tháng ngày bên thầy, được thầy truyền dạy bao kiến thức và đạo lý làm người, đồng thời tái hiện lại chân dung người thầy đáng kính với lòng yêu quý và biết ơn sâu nặng.

Thi phẩm viết theo thể thơ tự do, bộc lộ cảm xúc phóng khoáng, đa dạng ở nhiều cung bậc. Mở đầu là những dòng tự sự nói về quãng thời gian "Hai mươi bốn năm xa". Hôm nay, giờ khắc này đây mới gặp lại thầy giáo cũ khi mái tóc học trò đã nửa đời sương gió. Nỗi xúc động nghẹn ngào trào dâng dào dạt khiến người học trò xúc động không nói nên lời: "Con ngồi lặng bên thầy/ Phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa/ Tóc thầy bạc phau/ Mái tóc con nửa đời sương gió ". 

Thầy Hoàng Như Mai là giáo sư đại học đa tài, một Nhà Giáo Nhân dân đức cao vọng trọng đã có công trực tiếp giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và một số nơi khác, đào tạo bao bậc trí thức chân chính cho đất nước. Học trò của Giáo sư, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi cũng là một thầy giáo dạy Văn, lại là nhà thơ nổi tiếng. Hai nhà giáo cùng đam mê văn chương, một thầy dạy và một học trò cũ gặp nhau, biết bao điều muốn nói. Phút ban đầu cả hai cùng ngồi lặng bên nhau. Dường như mọi ngôn từ cũng trở nên bất lực. Sự lặng im giữa hai thầy trò để ánh mắt và nhịp đập của con tim nói thay bao lời muốn nói…

“Có phút nào thầy không ở bên con?” - 3

Chân dung Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai.

Gặp lại người thầy giáo yêu quý năm xưa, tác giả chợt thấy mình như trẻ lại, được trở về cái thuở mười tám đôi mươi đầy khao khát và nhiệt huyết: “Đứa học trò thuở mười tám, đôi mươi/ Lại lắng từng câu/ lại nhập từng lời/ Cái giọng nói một đời không quên được…". Đoạn thơ khiến người đọc rưng rưng bởi ngôn từ dung dị mà nội hàm trữ tình sâu lắng, rung ngân  từ tấm lòng chân thành của người trò cũ. Tái hiện chân dung người thầy, nhà thơ không chú ý miêu tả ngoại hình mà nhấn mạnh ở lời nói, ở chất giọng thân thương của thầy giáo khiến bản thân "giọng nói một đời không quên được”.

Lời thơ cô đọng, ẩn chứa biết mấy yêu thương, trân trọng với người thầy, nhất lại là thầy giáo dạy Văn. Một hình ảnh rất ám ảnh khác trong bài được tái hiện đó là ánh lửa nồng nàn cháy sáng lên trong mắt thầy. “Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt/ Hai mươi bốn năm rồi mãi ấm trong con”. Đây là một phát hiện rất độc đáo. Trò nhìn vào mắt thầy, thấu cảm được biết bao nồng nàn, say đắm của tình yêu văn chương, tình yêu nghề và yêu người, yêu đời thiết tha ở thầy giáo của  mình. Điều này chứng tỏ người học trò yêu kính và thấu hiểu lòng thầy như với người tri âm, tri kỷ. 

Chân dung thầy giáo hiện lên mỗi lúc một rõ nét hơn từ mái đầu "bạc  phau”, giọng nói “suốt đời không quên được” đến ánh lửa “cháy lên trong cặp mắt” như muốn truyền trao cảm hứng, nhiệt tình  tới từng lớp học trò.  Nhờ sự hướng dẫn tận tình hết lòng vì lớp trẻ của thầy, học trò từng ngày bước lên được những bậc cao hơn của nấc thang kiến thức.

Không dừng ở đó, nhà thơ còn hiểu rõ tấm lòng thầy ngay cả khi thầy ngồi suy tư trong lặng im và trò cũng chưa kịp nói: "Con nghe rất nhiều trong lặng im/ Thầy thấu cả những điều con chưa nói/ Phút giao cảm: thầy là tia nắng dọi/ Con, cây xanh đang nảy lộc trong vườn". Đây là những câu thơ hay nhất trong bài. Biện pháp nghệ thuật tu từ so sánh và ẩn dụ được sử dụng đắc địa với những hình ảnh tuyệt đẹp, đăng đối, giàu sức gợi: thầy là tia nắng rọi, trò như cây xanh nhờ được tiếp nhận ánh nắng mặt trời mà quang hợp nên sắc  diệp lục để nảy lộc đâm chồi và vươn lên xanh tốt, dâng hiến tán xanh râm mát và  hoa thơm trái ngọt cho đời.

Toàn bài thơ không có một đơn vị từ ngữ nào nói đến tình cảm yêu thương và lòng biết ơn nhưng kỳ diệu thay, tất cả đều toát lên tấm lòng kính yêu, trân quý và biết ơn thầy giáo vô hạn và chân thành. Mấy câu thơ khép lại bài là những cảm xúc lắng đọng về tình nghĩa thầy trò sáng trong, cao khiết: “Thầy tiễn con về, phố lạnh hơi sương/ Con để mãi bàn tay trong tay thầy ấm áp/ Và con biết: đêm nay thầy lại thức”. Phố Nguyễn Du tuy còn trong sương lạnh nhưng lòng người thật ấm áp bởi được tình thầy trò sưởi ấm.

Thăm thầy giáo cũ quả là một trong những áng thơ hay nhất về tình thầy trò. Trân trọng cảm ơn cố nhà giáo – nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã nói hộ tình cảm của mỗi chúng ta đối với những người thầy đáng kính trong cuộc đời.

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Tin liên quan

Tin mới nhất