Cội xanh... (bút ký)

“Lá rụng về cội” (Thành ngữ)

Cội xanh - nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại

Nhằm vào ngày Đông chí (7-11 âm lịch, tức ngày 19/12/2023), dù trời mưa rét, nhiệt độ xuống rất thấp lúc tinh mơ sáng, lại tuổi cao nên không thể nói không ngần ngừ, ngần ngại khi ra khỏi nhà dù trang bị đến tận… chân răng. Nhưng nỗi ham thích xê dịch, trải nghiệm nên tôi đã vui vẻ nhận lời mời của nhà văn - nhà báo Hoàng Dự (Tổng Biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật và tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam), thực hành một chuyến về nguồn Hạ Hòa, Phú Thọ để hoàn thành giai đoạn hai đề án xây dựng Nhà bia lưu niệm địa điểm hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những năm 1948 -1949, tại hai xã Yên Kỳ và Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Chuyến đi có ý nghĩa cả công, tư vì bản thân còn ấp ủ một nguyện vọng riêng tây, thầm kín bấy lâu bởi người bạn đời của tôi bốn mươi lăm năm nay sinh ra ở Hạ Hòa, Phú Thọ (ngày 14-1-1953, nhằm vào ngày 29-11 âm lịch Nhâm Thìn, 1952), nơi trong kháng chiến chống Pháp có nhà máy giấy Lửa Việt.

Lúc đi, vợ chỉ dặn “Nếu có điều kiện anh tìm về tận nơi em sinh xem quang cảnh nay ra sao?”. Chuyến đi trọn vẹn mọi bề một ngày đông giá rét nhưng lòng ấm nồng, song lời vợ thì chưa thực hiện được. Coi như còn nợ Hạ Hòa! Mà còn nợ thì còn phải trả. Cũng là một động lực để đi tiếp nếu có cơ hội, cơ duyên. May được vợ cảm thông bởi biết đi cùng đoàn nên không vì việc riêng của mình mà ảnh hưởng đến kế hoạch chung được. Đó gọi là tinh thần “dĩ công vi thượng”. Thở phào nhẹ nhõm vì chuyện “đặc xá” này xưa nay hiếm.

Tôi bỗng nhớ đến bút ký Chiêu đãi sở K26 của nhà văn Nguyễn Tuân (viết 1948) khi ông phóng đại căn bệnh “thiếu chân giời” của các văn nghệ sĩ đi kháng chiến, đang ở đồng bằng phố thị nay lên ở rừng nên có cảm giác bị bó buộc, bị hạn chế tầm nhìn. Nay, khi tôi đứng trên một quả đồi ken dày cây keo đang độ lớn ngút ngát triền xanh phóng thoát tầm mắt, dựng Nhà bia lưu niệm Nơi họp Đại hội Văn nghệ kháng chiến toàn quốc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam trong các ngày 23-25 tháng 7 năm 1948, thuộc thôn Dộc Phát (nay là Khu 1), xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Với diện tích đồi phủ xanh 2000 mét vuông, một công trình văn hóa sẽ hiện diện bề thế, khang trang, đẹp đẽ (với sự phối hợp tổ chức xây dựng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - Thời báo Văn học Nghệ thuật - Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật - Ủy ban Nhân dân xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ).

Sáng thì mưa rét, vậy mà kỳ lạ thay đến thời khắc Lễ động thổ xây dựng công trình này điểm giờ đẹp theo phép phong thủy và tâm linh, trời khô ráo và ấm lên. Những người tham gia sự kiện đều lòng nhủ lòng sẽ nhiều hứa hẹn và báo hiệu thành công trong tương lai gần và xa của hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Công trình nhà bia do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đầu tư kinh phí. PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong phát biểu nhân sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật quan trọng này đã bày tỏ lòng tri ân của hơn 40.000 văn nghệ sĩ cả nước (hoạt động sáng tác trong các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố) với đồng bào, đồng chí, các cấp lãnh đạo địa phương đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa như một trong bốn trụ cột của phát triển xã hội bền vững, bởi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), và “Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, 11/2021).

Nhà thơ Tố Hữu trong Đề từ tập thơ Việt Bắc (xuất bản 1954) đã viết “Nhân dân là bể / Văn nghệ là thuyền/ Thuyền xô sóng dậy/ Sóng đẩy thuyền lên/ Thuyền ra khơi xa/ Gió căng buồm lộng/ Buồm là lao động/ Gió là Đảng ta”. Ông chủ của đồi cây xanh hiện đang làm ăn ở tỉnh xa đã kịp trở về tham dự sự kiện, đã ký vào văn bản điền địa chuyển giao đất và nhận tiền, đã hào phóng tặng lại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam số tiền (10 triệu) góp phần nhỏ (vật lực) xây dựng công trình, bày tỏ tấm lòng thiết tha với văn hóa đất nước.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã lập tức đáp nghĩa, ủy quyền cho nhà văn - nhà báo Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật và tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam tặng lại chủ đất như một sự tri ân, qua đó biểu thị tấm lòng biết ơn với nhân dân địa phương đã thực sự quan tâm và bảo tồn, phát triển các di sản tinh thần, văn hóa - văn học nghệ thuật của địa phương và quốc gia.

Những hành xử đẹp của thế hệ hậu sinh khả úy cho thấy sức lan tỏa và tác động của văn hóa, văn học nghệ thuật đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô biên trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, với khẩu hiện “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Nhưng ý nghĩa sâu xa và lâu dài hơn từ tầm nhìn văn hóa là sự phối kết hợp của nhiều bên các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng Nhà bia lưu niệm trở thành một địa chỉ văn hóa - văn học nghệ thuật, tâm linh, nơi tiềm năng lưu giữ đạo lý cho các thế hệ trẻ trên quê hương cách mạng. Nơi đây ngoài công trình Nhà bia, tương lai sẽ có một cụm Bảo tàng văn học, Câu lạc bộ nghệ thuật… để đồng bào, đồng chí khắp mọi miền đất nước và bà con Việt kiều xa quê hương hàng năm có dịp về nguồn ôn cố tri tân. Lá rụng về cội là có ý nghĩa thâm sâu như thế.

Cội xanh - không gian và thời gian của các nghệ sĩ “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”

Trong tâm cảm tôi lưu giữ hai câu chuyện có thật, trở thành ký ức lương thiện trong mỗi người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - văn học nghệ thuật nước nhà (được thuật, ghi lại qua sử sách).

Câu chuyện thứ nhất: Vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, những năm 1947-1948, các văn nghệ sĩ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân đã chọn thôn Gốc Gạo, xã gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ làm nơi “định cư mới”. Nơi các văn nghệ sĩ chọn ở là nhà của bà cụ có tên Nguyễn Thị Gái, có con trai đi bộ đội, đơn côi một mình. Khi có khách văn đến, bà đã đã tự nguyện dọn xuống bếp ở, nhường nhà trên và giường nằm cho các chú cán bộ văn nghệ của Chính phủ kháng chiến.

Bà cụ ban ngày vẫn lên nương, xuống ruộng làm lụng chăm chỉ, bình thường (trồng đỗ, trồng ngô, cấy lúa). Nhưng ban đêm bà cụ thao thức, có lúc khóc nhưng kìm nén vì sợ người khác biết nỗi niềm, vì nhớ anh con trai đi Vệ quốc đoàn đã lâu không thư từ tin tức. Lòng người mẹ nóng như lửa đốt vì thương nhớ và lo toan cho con trai. Người mẹ vĩ đại nào trên trái đất đều thế khi con trai đi vào chốn binh lửa trận tiền, sống chết tấc gang.

Biết chuyện, các văn nghệ sĩ động viên Anh Lành (Bí danh của nhà thơ Tố Hữu) phát huy sáng kiến viết một lá thư bằng thơ để xoa dịu nỗi nhớ, nỗi lo trĩu nặng tấm lòng bà bủ, bà bầm. Vậy là nhà thơ Tố Hữu lĩnh một trách nhiệm, sứ mệnh cao cả được đồng chí, đồng nghiệp ủy thác tin tưởng, cổ vũ đã viết bài thơ Bầm ơi (1948), hình thức lục bát dễ đọc dễ nhớ. Đó là lời của người con trai nơi chiến trận gửi mẹ - người sinh thành mình, cũng là lời của những anh Vệ quốc quân gửi người mẹ mình ở hậu phương.

Trong hồi ký Nhớ lại một thời (NXB Hội Nhà văn, 2000) nhà thơ Tố Hữu viết “Đánh xong trận Phố Ràng, tôi bắt đầu sốt cao, phải về nằm nghỉ ở nhà bà Gái. Bà có một người con trai đi bộ đội ở Tây Bắc. Một mình bà đơn côi ở nhà, tối tối bà nhớ con khóc thầm một mình. Nghe tiếng khóc của người mẹ nhớ thương con, tôi không sao cầm lòng được, tự thấy mình phải làm một cái gì đó để an ủi bà.

Tôi nghĩ: có lẽ không gì tốt hơn là viết hộ cho con trai bà một lá thư bằng thơ gửi cho mẹ. Thế là bài Bầm ơi được viết ra rất nhanh. (...). Bài thơ Bầm ơi sau này đã dẫn đến một kỷ niệm khó quên đối với tôi. Gần đây thôi, khoảng ngoài năm 80, có một sĩ quan vào nhà tôi ở Hà Nội. Anh đeo lon Trung tá, hay Đại tá gì đấy chào tôi và tự giới thiệu “Cháu là con trai của bà Bầm được bác viết  thành thơ đây”. Thật là bất ngờ. Thế là ngót bốn mươi năm tôi mới được gặp anh con trai của bà Bầm mà tôi đã thay anh viết thư cho mẹ”.

Cội xanh... (bút ký) - 1

Nhà thơ Tố Hữu trước thềm nhà bà Gái ở Gia Điền, nơi ông làm bài thơ về bà chủ nhà có người con đi Vệ quốc đoàn mà bà rất nhớ thương - bài "Bầm ơi"

Đọc bài thơ này và bài Bà bủ (1948) của nhà thơ Tố Hữu, tôi nhớ tới câu nói của đại thi hào Đức thế kỷ XIX J. Gớt “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Nó khác với quan niệm thơ là vương quốc của sự bí hiểm, là “mỹ học của cái khác”, là sự vĩnh hằng (!?). Bà Bủ, Bà Bầm nay đã là người thiên cổ, căn nhà xưa cũng không còn dấu tích bởi qua bao nhiêu biến cải thế gian, bể dâu đời người. Nhưng hiện diện và lưu truyền những tấm “bia miệng”, năm này qua năm khác liên thời gian - không gian, luôn luôn là những lời chưa đủ để ngợi ca vẻ đẹp của “Con người – hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào”, “Tột cùng văn hóa là con người”, “Không có người mẹ - không có mặt trời, không có thi ca, không có người anh hùng”. Câu chuyện cảm động này được ghi lại đầy đủ trong tác phẩm Văn đàn - thời sự và bình luận (phê bình, 2003) của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Quý vị yêu văn chương cần tỏ tường hơn hãy tìm đọc cuốn sách này.

Câu chuyện thứ hai: Đó là cuộc gặp gỡ của nhà thơ Tố Hữu với đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng, liên quan đến những quyết sách lớn về đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến “Vào giữa năm 1948, sau khi điểm lại tình hình chung, khu căn cứ Việt Bắc đã có thể đứng vững chắc, anh Trường Chinh truyền đạt cho tôi ý kiến của Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Đại hội Văn hóa toàn quốc để động viên toàn giới trí thức vào cuộc kháng chiến. (...). Trong không khí đoàn kết, Đảng có uy tín lớn nên Hội nghị thành công khá tốt đẹp. Sau đó chúng tôi tranh thủ tổ chức ngay đại hội Văn nghệ Việt Nam với nhiều tham luận về văn học, nghệ thuật khá phong phú”.

Địa điểm Đại hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất, như lời kể của nhà thơ Tố Hữu, diễn ra trong ba ngày từ 23-25 tháng 7, năm 1948, tại thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nơi 75 năm sau, nhân Ngày truyền thống của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã dựng nên Nhà bia lưu niệm như một dấu son. Bảy mươi lăm năm (ba phần tư thế kỷ) với lịch sử chưa phải đã dài, nhưng với một đời người, một tổ chức văn hóa, văn học nghệ thuật thì đã được coi là một chặng đường thiên lý trải qua biết bao biến cố thăng trầm cùng số phận dân tộc, nhân dân và đất nước trong thời đại cách mạng và chiến tranh.

Đến bây giờ, chúng ta mới thấm thía những bài học quá khứ, nhất là trong thời kỳ chiến tranh. Trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Chiến thắng của Việt Nam trước các thế lực ngoại xâm suy cho cùng là chiến thắng của văn hóa và phản văn hóa, nhân văn và phản nhân văn, chính nghĩa và phi nghĩa dựa trên nền tảng sức mạnh truyền thống hàng nghìn năm “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo).

Một lần, nhà thơ Tố Hữu đang ở Phú Thọ thì có công vụ nên di chuyển lên Võ Nhai, Thái Nguyên, được gặp đồng chí Trường Chinh. Trong ý nghĩ của nhà thơ Tố Hữu, lần này chắc đồng chí Tổng Bí thư sẽ trao đổi về tình hình công tác nói chung, ai ngờ, câu hỏi của đồng chí Trường Chinh lại là “Này! Theo ý anh thì Gorki là lãng mạn hay hiện thực? Tôi thật bất ngờ. Làm sao trong tình thế nguy kịch này mà anh lại điềm nhiên nghĩ về văn chương như thế được. Nhưng cũng rất thích và mừng thầm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng mình trong tình thế hiểm nghèo mà vẫn bình tĩnh nghĩ đến cả vấn đề văn hóa. Thật là thú vị”. Một mai, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế có trở nên đẹp đẽ, thuyết phục nhân loại không gì khác chính là  các giá trị văn hóa Đại Việt từ truyền thống hàng nghìn năm đến văn hóa kháng chiến cứu quốc, nay là văn hóa kiến quốc.

Cội xanh - gọi cao vọng sáng tạo, hiến kế và hành động vì một nền văn hóa - văn học nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc và tiên tiến

Ôn cố là nhằm tri tân, đang như là một động hướng tinh thần thời đại trở nên quan thiết hơn bao giờ hết. Đất nước đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn lao chưa từng có. Hành trang tinh thần của chúng ta ngày hôm nay không chỉ cần có “tri thức là sức mạnh”, mà còn cần thiết hơn những bài học của quá khứ về văn hóa, đạo lý được xem như những chìa khóa giải mã những câu hỏi lớn mang ý nghĩa thời đại “tồn tại hay không tồn tại”. Quá khứ có thể góp phần định vị hiện tại. Hiện tại hoạch định tương lai. Đó là quy luật bất biến, như định đề trong toán học.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết: “Mỗi nhà văn chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng - không có một thứ nghề nào lại cần lòng tự tin đến kiêu ngạo, coi thiên hạ như rác đồng thời lại cần sự khiêm tốn thành thực thấy rằng mình bao giờ cũng dốt cũng thiếu như cái nghề này. (...). Tại sao ta lại cứ sản xuất ra toàn những sản phẩm loại nhì, loại ba của văn học thế giới, hoặc những bán thành phẩm, để rồi phải làm cái việc con hát mẹ khen hay, rồi con cứ lấy làm tự hào được mẹ khen? ” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, NXB Hà Nội, 2009).

Câu chuyện về “giấc mơ Nobel văn chương” gần đây quả thực có khuấy động văn giới Việt Nam (nguyên cớ là do có Thư của Ủy ban  Nobel  thuộc Viện Thụy Điển gửi Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều về việc đề cử giải Nobel văn học năm 2022; song vì Thư đến muộn, nên chúng ta bị “lỡ tàu” (?!). Dẫu sự thật đến bao nhiêu phần trăm thì cũng găm lại một điều căn cốt trong tâm thức chúng ta, khiến những người sáng tác văn học nghệ thuật không thể chỉ ngồi chờ “nhập siêu” các sản phẩm văn hóa - văn học nghệ thuật của nhân loại. Đã đến lúc chúng ta phải đóng tàu lớn ra biển rộng, khơi xa, vượt đại dương hòa nhập vào một thế giới mở và phẳng vì “ngoài trời còn có trời”./.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi