Cuộc chiến với thủy thần

Như treo cái thước đo nước vào chiếc đinh móc trên tường, cởi chiếc áo mưa giũ cho bớt nước, treo lên cái đinh bên cạnh trước hiên phòng làm việc. Bước vào phòng, đã đầy đủ quân số của trạm túc trực tại đó, ai cũng sẵn sàng tư thế trực lũ.

- Nước lên nhanh quá, mới có 15 phút mà đã lên gần mét nước rồi ạ.

- Vậy chúng ta chuẩn bị đo thôi. Hiện giờ mức nước là bao nhiêu hả Như?

- Dạ… 4m20 ạ!

- Được. Ta lên “nôi” nào. 4m30 sẽ là điểm đo đầu của con lũ này.

Theo lệnh của anh Trúc trưởng trạm, mọi người nhanh chóng mặc áo mưa, mũ, ủng gọn gàng, cầm máy móc ra khỏi phòng. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, kèm gió rất lớn quật ngả nghiêng hàng cây hai bên đường ra bến. Những hạt mưa bị gió thổi bạt về một phía, như những viên đá lạnh ném xiên vào mặt, vào người đau rát rạt. Hàng cây đổ rạp, quật qua quật lại như những cánh tay khổng lồ, đang quay cánh quạt gió trời kêu ù ù bên tai.

Gió mưa cuồng nhiệt, tới tấp va vào bước chân gấp gáp của những quan trắc viên đang chạy đua với lũ. Anh Hoài nhanh chóng lắp đầu máy vào “cá sắt”. Anh Phin xách hộp báo tín hiệu trèo lên “nôi”, mở hộp máy, mở sổ, sẵn sàng giấy bút, anh Trúc trèo lên tiếp, lắp xong đầu máy, anh Hoài trèo lên sau cùng. Vừa bước chân vào nôi, anh tới tay tời nôi guồng một mạch ra “Thủy trực” đầu tiên. Anh Trúc thả cá… Mọi người nín lặng nghe tiếng chuông báo hiệu vang lên. Reng… reng… reng, từng chặp một ba hồi chuông cất lên, anh Phin chăm chú nhìn đồng hồ, ghi lại thời gian mau, thưa của từng nhóm tín hiệu.

- Xong điểm đáy! Anh Phin hô lên, anh Trúc liền quay tời cá sắt lên điểm giữa, lại reng, reng mọi người cùng chăm chú. Rồi lại nghe tiếng hô:

- Xong điểm giữa…

- Xong điểm mặt…

- Chuyển thủy trực.

Mọi thao tác phải thật nhanh gọn và chính xác. Mỗi ca đo chỉ có 3 người vì ngoài máy móc, cá sắt, thì trọng lượng nôi treo chỉ cho phép số kg dưới 2 tạ. Ở các trạm thủy văn đồng bằng, hoặc sông rộng thì đo lưu lượng nước bằng thuyền, ca nô. Còn các trạm miền núi đo sông nhỏ, độ dốc lớn thì thao tác bằng nôi treo vào mố cáp treo căng ngang sông.

Vào ca đo mỗi người đảm trách một khâu, tất cả phải đồng bộ và nhịp nhàng uyển chuyển. Người quay nôi phải lựa giữ cho nôi luôn được thăng bằng trên hai sợi cáp, người quay cá phải đứng sao cho trọng tâm vừa nhìn thấy dòng nước nơi thả cá, vừa quan sát những chướng ngại vật trôi trên dòng sông đề phòng cây to, rác rưởi quấn vào đầu máy, gây gián đoạn ca đo.

Người đo được ngồi, tưởng chừng nhàn nhất nhưng vô cùng căng thẳng, lắng tai nghe tiếng chuông reo, qua tạp âm của tiếng mưa ràn rạt trên mái bạt, của tiếng gió lùa, tiếng nước réo ngay dưới chỗ mình ngồi, rồi thì phải quan sát đồng hồ chính xác đến từng giây, rồi đếm nhóm tín hiệu, ghi vào sổ. Ba người trên nôi im lặng đến lạnh lùng, có lúc chỉ trao đổi với nhau qua ánh mắt và cử chỉ, tất cả cùng tập trung cao độ, mọi giác quan căng như dây đàn, để kíp trực lũ diễn ra nhanh chóng và an toàn.

Chiếc nôi của trạm thủy văn được coi như báu vật, được bảo dưỡng duy tu mỗi năm hai đợt lớn như thay dầu bôi trơn cáp. Ngoài ra sau mỗi lần đo phải kiểm tra thường xuyên, tất tật từ những chi tiết nhỏ nhất như con ốc vít, giẻ lau máy móc, sàn gỗ mặt nôi, mái bạt che nôi… Nôi được làm bằng khung sắt, có mái che và sàn gỗ để đứng thao tác đo. Nôi được treo bằng hai sợi cáp phi 40mm, nối từ mố cáp ở hai bờ sông.

Bình thường lúc không mưa gió, chiếc nôi cao lênh khênh trên mặt nước chừng 20m. Những lúc lũ lên cao, chiếc nôi gần với mặt nước tùy theo độ lớn nhỏ của con lũ. Gió đong đưa như lắc võng, khi thả cá, đường cáp thả cá theo tốc độ dòng nước, trôi xa về phía hạ lưu một góc 45 độ. Từ trên nôi nhìn xuống dòng nước đục ngầu, cây cối trôi vèo vèo, những cột nước sục sôi réo rít ầm ầm, trông như một con quái vật khổng lồ, đang trườn tới liếm tất cả những gì chắn đường nó.

Một con lũ ít nhất phải đo bắt được từ 3 đến 5 điểm. Từ chân tức là từ lúc lũ bắt đầu lên. Đến sườn lũ rồi đỉnh lũ, tương tự lúc rút cũng đo từ đỉnh xuống, sườn xuống và chân. Mỗi điểm lại đo vài thủy trực, mỗi thủy trực lại 3 lần thả cá. Cả trạm 3 người trên nôi, còn 3 người dưới mặt đất, mỗi người trực một tuyến, tuyến mực nước nằm giữa hai tuyến đo độ dốc, mỗi tuyến cách nhau vài chục mét. Đứng bên mép nước cầm thước đo, nhìn đồng hồ cứ 15 hoặc 20 phút lại đo và tính toán ngay tại chỗ, xem lúc đó nước đang lên, hay đỉnh, hoặc đang xuống rồi ra hiệu cho người trên nôi.

Cuộc chiến với thủy thần - 1

Minh họa Lê Huy Quang

Lúc này nôi đã di chuyển ra xa chỗ tuyến đo, cố gào lên thật to át cả tiếng mưa, để người trên đó biết được mà định liệu có đo tiếp hay không. Vì đo liên tục để kịp bắt lũ nên không có thời gian quay về bờ nghỉ ngơi. Lại đo tiếp tục từ bờ tả sang bờ hữu một lượt, cho đến lúc con lũ rút mới trở về. Từ trên nôi bước xuống ai cũng mệt mỏi, nhưng trên đôi môi nhợt nhạt vì mưa rét, ai cũng nở một nụ cười nhẹ nhõm, khi biết đã hoàn thành một ca trực lũ an toàn.

Khi mọi người trở về, riêng người trực ca vẫn phải túc trực ngoài tuyến đo, có khi mực nước phía thượng nguồn lại dồn về, nhiều khi lũ chồng lũ, cả trạm gồng lên hết công suất. Người trực nôi lúc trước lại đổi ca cho người đọc nước trèo lên nôi. Có ngày đo xong về trạm ai cũng mệt lả, nhưng cả trạm lại nhanh chóng xốc lại đội hình, chuẩn bị cho một trận thủy chiến sắp sửa tới.

- Nhìn tình hình này có lẽ căng đây. Có thể đêm nay lại phải thức trắng tóm nó.

- Chúng em chỉ cần nạp năng lượng là thành siêu nhân ngay thủ trưởng ạ.

- Thế nào, bên hậu cần hôm nay chiêu đãi các siêu nhân món gì?  Như nhanh nhảu.

- Dạ, thực đơn gồm có cơm trắng, tàu xì kho tóp mỡ, canh khoai toàn quốc và khuyến mại một đĩa ớt thóc cay đứt lưỡi để hâm nóng người ạ.

- Tốt, vậy sổ sách để bọn anh tính qua, Như nổi lửa nhanh nhanh lên nhé!

Như đội cái nón chạy xuống bếp, đong giá gạo ra vo sạch, đổ nước vào nồi bê đặt lên kiềng, chụm củi rồi lấy diêm quẹt lửa. Ôi thôi, đúng chỗ đặt bao diêm bị chỗ dột mái gianh rơi trúng, làm ẩm hết cả bao luôn. Xoa xoa vỏ bao vào chỗ áo còn khô, Như quẹt đầu que diêm, xòe… xòe… Sau mấy lần, đầu diêm sinh tở ra hết mà lửa thì không lên nổi, chỉ tóe ra vài tia sáng yếu ớt như lân tinh, hắt lên một tích tắc giây ngắn ngủi rồi tắt ngúm. Anh Ước vừa ra sau bếp mang vào cho Như một bó củi khô cho dễ cháy.

- Sao thế, không lên lửa à? Hay tại tay ẩm quá!

- Em lau khô tay rồi, tại bao diêm bị ẩm.

- Đưa anh xem nào.

Anh Ước cầm lấy bao diêm rút ra ba que chập làm một, cẩn thận quệt vào phần tím của vỏ bao. Vài lần quệt cho nóng mới quệt mạnh một cái, tia sáng yếu ớt lóe lên trong niềm hy vọng và sốt ruột của hai anh em. Nhưng rồi chả có ngọn lửa nào được cháy lên, đánh đến 3, 4 lần anh Ước thất vọng kêu trời: “Hỏng hết rồi các siêu nhân của tôi ơi! Hôm nay thì nhịn đói mà chiến đấu với thủy thần nhé!”. Như hết ủ lại bật, gần hết cả bao diêm mà lửa vẫn không lên ngọn, nước mắt tự dưng cứ trào ra, chảy dài trên khuôn mặt đã bị ngấm nước mưa cả ngày nay, tím tái nhợt nhạt.

Giờ không có lửa, cả trạm phải nhịn đói. Cả ngày trực lũ đã mệt lắm rồi. Đôi vai Như cứ rung lên bần bật, khi biết mình bất lực hoàn toàn trước hoàn cảnh này. Anh Ước vỗ vai an ủi: “Thôi, đừng khóc nữa, để anh tính xem nào”. Tính gì nữa hả anh, trời sắp tối rồi, bây giờ quay nôi qua sông, phải đi bộ ngược ra 2km mới tới được nhà dân gần nhất. Mà qua sông rồi chỗ khe nước dưới chân dốc đỏ ấy, chắc cũng ngập cả mét nước rồi ấy chứ, không thể lội qua được đâu, trừ khi chờ nước rút.

Trạm thủy văn nhỏ bé này của Như, những ngày này hệt như một tổ chim rừng, giữa bạt ngàn núi non của lau lách rừng già, của mua, sim cổ thụ… Đang chới với giữa màn mưa trắng xóa. Dưới kia, dòng sông xanh trong tới tận đáy, nhìn rõ những từng viên đá cuội đủ kích cỡ, to nhỏ lớn bé thiên hình vạn trạng, thì nay đang cuộn những cột nước đục ngầu, cùng những cây cối từ thượng nguồn xô nhau cuồn cuộn chảy về, gầm réo như con thú hoang sổng chuồng.

Trưởng trạm liền tập hợp mọi người tại phòng làm việc: “Từ giờ trở đi trạm mình luôn phải dự trữ diêm khô, hôm nay đúng là một sơ xuất, nhưng do khách quan… Chỉ tại mái bếp cũ nát bị dột… Thôi, giờ ta ăn tạm vài gói mì tôm, cố cầm cự qua đêm nay, mai nước rút bớt sẽ sang bản…”. Anh lôi ra 3 gói mỳ, loại 4 tôm vỏ nâu như bao xi măng. Như chạy về phòng mang sang một gói bích quy trứng nhện mà mẹ gửi lên tuần trước.

- Em còn gói bánh.

- Tốt rồi. Ta ăn nhanh rồi bắt tay vào công việc kẻo lỡ mất con lũ này.

Mì tôm sống được bẻ ra, cùng gói bánh trải lên tờ báo trên mặt bàn. Những tiếng nhai khô khốc vang lên, ai nấy đều muốn giấu đi những cảm xúc bùi ngùi, xúc động của tình đồng đội, đồng nghiệp, của một tập thể mà như một gia đình thực sự. Trong gian nan vẫn không chùn bước, quên đi cái đói, cái rét trong một hoàn cảnh nghiệt ngã của công việc, để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó.

- Mì tôm hảo hạng thương gia… Bích quy, bánh nhện thế là… thành siêu nhân… ha ha. 

Anh Ước vừa nhai mỳ vừa tức cảnh sinh thơ, để phá tan bầu không khí đang chùng xuống, nặng trĩu, dưới bầu trời xẩm tối đầy mây xám vần vũ.

- Thôi ông ơi, thơ thẩn tốn calo lắm… Tý lại không quay được cá sắt đâu.

- Úi trời! Chấp vài con nhá! Mà tối nay đo xong cắm vài cái cần, nước đục thế này kiểu gì cũng kiếm được vài em cá chày mắt đỏ cho mà xem.

Cá sắt là một trong những hạng mục quan trọng trong đo lũ Thủy văn. Tùy từng con lũ lớn hay nhỏ mà cá có thể là 50kg hoặc 100kg. Cá được đúc bằng sắt giống y chang một con cá thật, có đầu, đuôi, vây… Với tỷ lệ đã được các chuyên gia nghiên cứu, sao cho khi thả cá sắt cùng bộ máy đo lưu tốc kế (trong ruột cá). Cá không bị nhào lộn hay nghiêng ngả, mà vững chãi như một chú cá kình, giữ thăng bằng cho máy lưu tốc kế hoạt động. Cá là đối trọng đưa máy xuống tận đáy sông để đo lưu tốc dòng chảy.

Đo lưu lượng lũ diễn ra ban ngày đã khó khăn vất vả, thì ban đêm càng đòi hỏi những kỹ thuật viên phải nhanh nhạy, và hết sức linh hoạt, khéo léo, đôi khi cần cả sự từng trải và quyết đoán của trưởng ca. Trong bóng đêm chỉ nghe những tiếng gầm gào của con lũ phía dưới, những ánh đèn pin lia ngang dọc bờ sông, trên mặt nước, như những tia sét kèm theo những mệnh lệnh ngắn gọn, như cắt ngang màn đêm u tịch: “Quay tời lên. Tiến nôi đến thủy trực tiếp theo. Dừng lại. Thả cá đo…

Vì trời tối nên trưởng ca phải vừa soi đèn, vừa quan sát tình hình diễn biến trên sông. Những tiếng chuông đổ reng… reng… từ cánh quạt của máy đo từ dưới lòng sông truyền lên, như một sợi dây liên lạc thông suốt, báo những tín hiệu vui của ca trực suôn sẻ. Có những hôm ở nhà kiểm tra máy vẫn hoạt động bình thường, xong ra sông thả máy xuống đo lại không phát tín hiệu, hoặc tín hiệu kẹt đổ chuông không ngớt, lại phải kéo cá lên sát gầm nôi, nằm bò ra mặt sàn thò tay xuống gỡ rác, cây que vướng vào cánh quạt khiến máy bị đơ tạm thời. Còn biết bao nhiêu những tình huống khó lường, mà ta không thể đoán trước được với dòng sông đầy bí ẩn kia.

Mưa ngớt dần và gió cũng xuống bớt cấp, dòng nước đục ngầu cũng bớt phần lồng lộn gầm rít. Lũ bắt đầu xuống. Kíp đo một lượt từ trái sang phải, giờ bắt đầu lượt quay về từ phải qua trái. Từ trên nôi anh Hoài gọi lớn xuống tuyến mực nước:

- Mực nước bao nhiêu Như ơi.

- Dạ, 3m20 rồi ạ.

- Xuống chậm quá… Ta từ từ đo về thôi.

Ca trực đêm kết thúc lúc 11 giờ đêm, anh em trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhoài. Người trực mực nước vẫn phải thức đo đến 7 giờ sáng hôm sau, mới giao ca. Về nhà thay bộ quần áo ẩm phơi lên dây, lục tìm đôi pin mới thay cái đèn để đêm trực. Anh Ước gõ cửa:

- Để anh trực đêm nay cho. Em nghỉ đi cho lại sức.

- Ca em mà… Mai anh còn phải lên nôi, có lũ nữa thì sao?

- Đàn ông con trai mà, thức đêm nhằm nhò gì, mới lại đằng nào anh cũng thức canh mấy cái cần câu. Đảm bảo mai thể nào cũng có món ăn của hoàng đế cho mà xem.  Như biết anh nói dối cần câu đâu phải trông, chỉ cắm thật chặt ven bờ đến sáng mới đi thu cần.

- Chỉ mong đừng lũ nữa…

- Thôi ngủ đi, đưa sổ sách đây cho anh.

- Vâng ạ.

Đóng cửa rồi leo lên giường nằm, cuộn chiếc chăn chiên vào người cho ấm để lừa giấc ngủ đến thật nhanh. Nhưng không, lúc này mới nghe rõ cái bụng của mình cứ ì xèo phản đối ầm ầm. Quả là nửa gói mì tôm với vài cái bánh nhện, thì cái anh bao tử réo ùng ục là phải rồi. Như cố nhắm mắt… Đếm những giọt gianh đang nhỏ tí tách ngoài thềm nhà… 1, 2, 3… 100, 101… Như mơ thấy dãy cần câu cắm phía bờ sông, chiếc nào cũng mắc một chú cá thật lớn, Như chạy lại kéo cần, những chú cá được nhấc bổng khỏi mặt nước, cong mình giãy đành đạch.

Ôi chao, Như sẽ trổ tài nấu món cháo cá tuyệt vời, để cả nhà ăn cho lại sức quần thảo với lũ mấy ngày qua. Tiếng dao thớt, tiếng cháo sôi trên bếp, và cả tiếng anh “ruột” réo ầm ầm khiến Như tỉnh hẳn. Ô thì ra mình đang mơ. Ngại quá, đến ngủ mơ cũng nghĩ đến ăn, may mà chả ai biết, Như cười thầm rồi trở dậy gấp chăn màn, nhìn đồng hồ mới có 6 giờ sáng, chưa đến giờ giao ca. Mở cửa phòng bước ra sân, đập vào mắt Như 2 con cá trắm vẫn còn móc vào lưỡi câu, nằm giãy đành đạch trên sân xăm xắp nước. Từ dưới bến anh Ước đi lên, vẫn nguyên bộ áo mưa dính bết vào người, cười hớn hở với cái cần trĩu nặng một con cá đen dài ngoằng.

- Ui, rắn hả anh?

- Không, cá chạch chấu đấy. Cá này nấu cháo mới tuyệt ngon. Em chuẩn bị vào bếp nhá!

- Nhưng lửa… Chợt nghĩ tới tối qua mặt Như xịu xuống.

- Nước rút khá nhiều rồi, chốc anh sẽ qua bản.

- Vẫn chưa lội được đâu, nguy hiểm lắm anh ạ, để quay nôi mất công một chút nhưng an toàn.

- Ừ… Để chốc xem thế nào đã.

Bỗng anh Trúc kêu toáng lên trong phòng.

- A lúi… Sống rồi anh em ơi!

- Có chuyện gì đấy “Già bản”?

Anh Trúc ló mặt ra khỏi phòng, tay giơ cao một chiếc vỏ bao diêm nhảy tưng tưng như mừng mẹ về chợ, giả giọng ca cải lương mùi mẫn.

- Vẫn còn… là còn …ý a… một que diêm.

- Ở đâu ra của hiếm ấy chứ?

- Ở trong thùng rác. Hôm nọ hết tớ liệng vỏ bao vào đó, sáng nay thèm thuốc quá. Phúc tổ ba đời còn nhõn một que.

- Ai may mắn quyệt đi. Chuẩn bị đèn sẵn đi, nhỡ…

Anh Ước chạy lại giơ tay ra định cầm lấy bao diêm.

- Tay anh ướt quá, để… 

Ai cũng lo lắng nhỡ mình quệt mà không cháy thì… Cuối cùng trách nhiệm lớn lao lại được nhường cho vị già bản Trúc. Để cái đèn lên bàn, đóng cửa che gió cẩn thận, mọi người nín thở đứng xung quanh. Người trưởng trạm lúc này mặt căng thẳng như lúc trên nôi đo lũ. Xoẹt… Ngọn lửa bùng lên. Như đưa cái đèn dầu đã bỏ bóng châm ngay ngọn lửa quý giá lại, úp chiếc bóng cẩn thận. Như châm cả sang một chiếc đèn khác, phòng khi đèn thứ nhất tắt.

Chẳng mấy chốc mùi thơm nức mũi lan tỏa khắp gian bếp ấm nồng, tiếng lách cách của bát, thìa, tiếng húp sụp soạt nghe cứ rưng rưng: “Sao cái Như cho nhiều hạt tiêu thế. Cay quá!”. Như ngồi đầu nồi, cầm muôi múc thêm cháo cho cả nhà, làn khói thật nhẹ bay lên. Như nhìn thấy những đôi mắt hoe hoe qua làn sương mỏng. Vừa ăn anh Tuân vừa nhìn đồng hồ trên tay. Nay là ca của anh, 7 giờ vẫn chưa có lũ, nhưng biết đâu. Vẫn đang trực chế độ mùa lũ nên anh ăn khẩn trương rồi lao ra tuyến đo. Vừa ló mặt lên sân anh Tuân hô to.

- Có lượng nước bổ xung, nước lên khá nhanh rồi thủ trưởng ơi!

- Đồng chí Tuân cứ theo dõi thêm. Còn mọi người hãy chuẩn bị tư thế sẵn sàng.

- Rõ!

Dưới mé sông, những tiếng sôi sục réo gầm bắt đầu cuộn lên. Chúng tôi không ai bảo ai nhanh chóng rời bàn ăn trở lại phòng làm việc, bắt tay vào công tác chuẩn bị thật tốt. Sẵn sàng bước vào một cuộc chiến đấu mới. Cuộc chiến với thủy thần.

Truyện ngắn của Trần Mai Lan

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi