Đặt sứ mệnh của người viết lên tận cùng

Sáng 10/5, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với gia đình nhà thơ Thâm Tâm tổ chức buổi ra mắt các tác phẩm văn xuôi của nhà thơ Thâm Tâm mới sưu tầm. Đây được coi là nỗ lực lớn không chỉ của gia đình nhà thơ Thâm Tâm mà còn có sự hỗ trợ rất lớn của các nhà văn, nhà thơ nhằm góp phần đưa các tác phẩm văn học của Thâm Tâm đến với đông đảo bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nhà thơ Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12/5/1917 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương. Ông mất ngày 18/8/1950 trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc, được đồng đội và nhân dân địa phương mai táng tại bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Cố nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2007.

Đặt sứ mệnh của người viết lên tận cùng - 1

Toàn cảnh buổi ra mắt các tác phẩm văn xuôi của nhà thơ Thâm Tâm mới sưu tầm, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Phạm Hằng 

Các tác phẩm văn xuôi của nhà thơ Thâm Tâm ra mắt dịp này, gồm: Truyện ngắn Thâm Tâm, 4 truyện cổ tích và Tập truyện ngắn chọn lọc “Tháng ba sấm đông” (NXB Văn học ấn hành), “Thâm Tâm truyện vừa” (NXB Quân đội Nhân dân), bên cạnh đó, NXB Lao động và Công ty Linh Lan liên kết ấn hành bộ ba Tuyển truyện ngắn “Gió thu hoa cúc gẩy rồi” cùng 2 tiểu thuyết “Thuốc mê”, “Nỗi ân hận dài”, năm 2023. Ngoài ra, NXB Kim Đồng ấn hành bộ truyện thiếu nhi gồm 3 cuốn “Hai cây hoa nhài” (tập truyện cổ tích), “Thuồng luồng ở nước” (tập truyện dã sử) và “Con rùa đội vẹt” (tập truyện đồng thoại).

Đặt sứ mệnh của người viết lên tận cùng - 2

"Truyện ngắn Thâm Tâm" - một trong những tác phẩm văn xuôi của nhà thơ Thâm Tâm ra mắt dịp này. Ảnh: Phạm Hằng

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, Thâm Tâm sớm bước vào con đường văn chương và hy sinh khi còn rất trẻ, nhưng đã kịp để lại cho đời những tác phẩm có giá trị lớn nhờ hành trình dấn thân đến quên mình và đặt sứ mệnh của người viết lên tận cùng. Bên cạnh thơ ca, Thâm Tâm còn có một gia tài văn xuôi đồ sộ mà nhờ đó giới làm nghề, bạn đọc có dịp nhìn nhận lại cả một sự nghiệp, để một lần nữa khẳng định rõ nét hơn trong việc tôn vinh tài năng, tâm huyết và khát vọng sáng tạo của ông.

Đặt sứ mệnh của người viết lên tận cùng - 3

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại buổi ra mắt các tác phẩm văn xuôi của nhà thơ Thâm Tâm. Ảnh: Phạm Hằng 

Hành trình tìm về những di cảo 

Ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai cố nhà thơ Thâm Tâm cho biết, từ năm 1999, nhà văn Văn Giá đã sưu tầm được khá nhiều truyện và kịch của Thâm Tâm đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, lưu trữ trên microfilm, mang bản in từ Thư viện Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tiếp cận với gia đình và tiến hành số hóa, xuất bản “Truyện ngắn Thâm Tâm” gồm 38 truyện và kịch ngắn vào năm 2000.

"Trong suốt 3 năm qua, được sự giới thiệu của nhiều anh chị em nhà văn, gia đình tôi đã tiếp cận được cơ sở dữ liệu số hóa ảnh bộ Tiểu thuyết thứ bảy tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và bộ Phổ thông bán nguyệt san Truyền bá, Tuổi trẻ của Thư viện Quốc gia Pháp, tải về được bản ảnh của nhiều số Tiểu thuyết Thứ bảy và Truyền bá. Gia đình cũng liên hệ với một số nhà sưu tầm trong ngoài nước và đã mua được một số lượng khá lớn bản gốc Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ bảy Nguyệt san, Truyền bá, Sách của Tân Dân”, ông Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ. 

Đặt sứ mệnh của người viết lên tận cùng - 4

Ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai cố nhà thơ Thâm Tâm chia sẻ tại buổi ra mắt các tác phẩm văn xuôi của cha. Ảnh: Phạm Hằng 

Được biết, cho tới thời điểm hiện tại, được sự giúp sức của nhiều cá nhân, tổ chức, gia đình nhà thơ Thâm Tâm đã sưu tầm được 83 truyện ngắn và 29 kịch ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy (từ 1939 đến 1944), 27 truyện vừa đăng trên Truyền bá, cùng 2 tiểu thuyết “Thuốc mê” và “Nỗi ân hận dài” do Tân Dân xuất bản. Ngoài ra, gia đình còn sưu tầm thêm được một số bài thơ của Thâm Tâm trong các ấn phẩm này.

“Xin trân trọng cảm ơn các anh chị Hội Nhà văn Việt Nam, cảm ơn anh Văn Giá, người đầu tiên tìm kiếm các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm từ hơn 20 năm trước, cảm ơn các anh chị đã mách bảo, động viên và giúp đỡ gia đình chúng tôi trong việc sưu tầm, cảm ơn các nhà xuất bản đã giúp đỡ gia đình biên tập lại và xuất bản các tác phẩm của Thâm Tâm đăng trên những ấn phẩm cũ từ hơn 80 năm trước”, ông Nguyễn Tuấn Khoa bày tỏ.

Nhà phê bình Văn Giá - người đầu tiên nghĩ tới việc sưu tầm các tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm cho biết, vào những năm 1998 - 2000, ông có nhiều chuyến đi giảng dạy và làm nhiều công việc liên quan tới các tư liệu cũ - một cơ duyên quan trọng kết nối ông với tác phẩm của Thâm Tâm. Điều khiến ông xúc động là tình cảm, trách nhiệm rất cao từ gia đình cố nhà thơ.

Theo gia đình, quá trình tìm kiếm và sưu tầm những tác phẩm của Thâm Tâm vẫn sẽ được tiếp tục. Hi vọng sẽ tiếp cận được thêm những sáng tác của Thâm Tâm trong giai đoạn 1939 - 1945, cũng như trong thời gian ngắn ngủi sau Cách mạng Tháng Tám. Công việc này sẽ được con cháu Thâm Tâm tiến hành, như tìm về những di cảo của cha ông, góp phần nhỏ bé vào việc sưu tầm các di sản cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Do những điều kiện lịch sử cụ thể, nhiều thập kỷ qua, dân tộc ta luôn có một số lượng không nhỏ – với các nguyên nhân khác nhau – đã đến sống và lập nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, được gọi chung là “Việt kiều”; trong đó, Việt kiều tại Pháp đã đóng vai trò đáng kể, góp phần vào thắng lợi của đất nước qua hai cuộc kháng chiến. Trên con đường

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ trẻ” nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc và phát huy vai trò của thanh – thiếu niên trong sáng tạo nghệ thuật.

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Hoạ sĩ - Đại tá Lê Huy Toàn là một trong những nghệ sĩ - chiến sĩ có công lớn trong việc ghi lại những khoảnh khắc dấu ấn của chiến tranh. Tác phẩm của ông chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp, trong kháng chiến nó thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng quân và dân ta, trong thời bình nó đem đến niềm xúc động to lớn cho những người được may mắn được sống trong hòa bình.