Truyện Kiều với nhà nghệ sĩ phê bình Hoài Thanh
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô Hà Nội được tự do mở thêm năm trường đại học (1956). Lớp thanh niên chúng tôi hăm hở bước vào các trường. Phần tôi được vào trường Đại học Tổng hợp (trường Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay). Thời gian trôi qua nhanh chóng, mới ngày nào từ mùa thu 1956 đến nay đã hơn 65 năm. Điều may mắn đối với tất cả sinh viên Khoa Văn học ngày ấy là được thụ giáo với các giáo sư giỏi nổi tiếng khắp nước thời bấy giờ. Đó là các giáo sư: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Xuân Nhị… Với giáo sư Hoài Thanh (1909 - 1982), mãi đến năm thứ hai, chúng tôi mới được nghe Thầy tới giảng trực tiếp về “Truyện Kiều” và “Truyện Hoa Tiên”, thơ “Chinh phụ ngâm”…
Nhà phê bình Hoài Thanh
Một thời ấu trĩ, hẹp hòi nên Truyện Kiều và truyện Phan Trần bị xếp vào loại “dâm thư” theo câu nói “Đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thuý Kiều”. Ngược lại tại miền đất Nghệ Tĩnh, sau khi thi hào Nguyễn Du từ trần (1765 - 1820), thì vào nửa cuối thế kỷ XIX, nhân dân miền đất này đã tổ chức hát diễn “trò Kiều” và hát ví giặm xung quanh Truyện Kiều giữa các đôi nam nữ thanh niên vào những đêm nông nhàn trăng sáng.
Thế mà mãi vào năm 1949, ở Liên khu IV, lớp 9 thế hệ chúng tôi vẫn bị cấm học Truyện Kiều. Thêm nữa, ngành Văn hóa thông tin khu Bốn cũng cấm không được diễn hát “Cải lương”!
Mãi đến năm 1957, ở giảng đường Khoa Văn học, GS. Hoài Thanh bắt đầu giới thiệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Thầy mở đầu:
- Ở miền quê Nghệ Tĩnh, các cụ bà thường nói “Nước Nam ta đẹp nhất là cô Kiều, mà khổ nhất cũng là cô Kiều”.
Thế rồi thầy cứ nhẹ nhàng phân tích theo từng tính cách nhân vật chính… Cả lớp khá đông nhưng vẫn im phăng phắc chú ý nghe giảng.
Tranh minh họa "Truyện Kiều"
Thời bấy giờ, trong đời thường có lời bàn tán hồn nhiên vớ vẩn về Thúy Kiều “Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”, tức thuộc thành phần trung nông lớp trên khá giả, khác hẳn giai cấp bần cố nông? Thế thì Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu theo quan điểm của tầng lớp nào? Thật khác với dư luận vu vơ, thì trong giảng đường, thầy Hoài Thanh giới thiệu hoàn cảnh Thúy Kiều nhân lúc “hai thân còn dở tiệc hoa chưa về” bèn “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” tới nhà trọ của Kim Trọng cùng nhau tình tự là khát vọng chính đáng của tuổi trẻ, song vẫn giữ khoảng cách đúng đắn theo khuôn phép đạo đức Khổng Mạnh của Nho giáo là hợp lý. Còn về sau phải cam chịu cảnh “bán mình chuộc cha”, phải lâm vào tình huống 15 năm lưu lạc giang hồ là do Thúy Kiều bị cuộc đời xô đẩy, vùi dập một nạn nhân bất lực trước thế lực đồng tiền không thể nào thoát khỏi vòng vây! Vậy đâu phải là “tà dâm” như lời bàn vu vơ hời hợt bề ngoài?
Nghe thầy giảng, sinh viên ai nấy đều cảm nhận được mức độ thâm thúy, mà bay bổng qua lời bình thích đáng vừa đậm đà nhân nghĩa! Không thuyết giảng về lý luận thi pháp, mà thầy cứ phân tích các hình tượng thơ gắn kết với ý tưởng, ngôn từ của tác phẩm. Không tách rời hoàn cảnh vật chất của đời sống xã hội. Và cứ thế, bài giảng của tThầy đã nâng cuốn truyện thơ bay cao, bay xa theo dòng chảy cảm xúc. Lạ thật, “thầy cứ xuýt xoa như ăn phải ớt?” (bấy giờ sinh viên lớp tôi còn rất trẻ, chỉ trên dưới hai mươi nên cứ nói đùa với nhau như thế! (xin tạ lỗi trước vong linh của thầy).
Phần tôi, tuy ở trường PTCS chưa được học Truyện Kiều, nhưng tình cờ tôi lại mượn được cuốn sách nghiên cứu của Hoài Thanh “Quyền sống của con người trong Truyện Kiều” (xuất bản năm 1949) từ một thầy giáo trong làng. Vùng nông thôn, thời đó là cuốn sách hiếm và lạ. Thật ra còn ít tuổi, tôi cũng chưa hiểu được gì nhiều, nhưng đọc xong tôi cảm nhận rõ nét hơn về quyền của con người sống ở trên đời cần được có cơm ăn, áo mặc đầy đủ và nhất là cần có quyền tự do được hưởng hạnh phúc đôi lứa vợ chồng một cách êm đềm chính đáng.
Điều nổi bật đáng quý của cuốn sách là tác giả đã mạnh dạn khắc họa rõ ràng khái niệm “Quyền sống” cụ thể trực tiếp bằng tiếng Việt, mà không viết, hai từ “Nhân quyền” với nội hàm bao trùm có phần rộng lớn hơn? Vào thời đoạn lịch sử bấy giờ, đó là điểm đáng ngợi ca tác giả. Thế rồi cuối học kỳ, lớp chúng tôi bước vào kỳ thi. Theo thói quen của học trò, ai cũng thì thầm đoán già đoán non?. Khác hẳn với các lời bàn, thầy đọc đề thi: “Phân tích, so sánh hai cảnh đêm trăng thề nguyền giữa Kim Trọng - Thúy Kiều trong Truyện Kiều và cảnh Lương Sinh - Dao Tiên trong Truyện Hoa Tiên…
- Thúy Kiều và Kim Trọng:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Tóc tơ căn dặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương!
- Lương Sinh và Dao Tiên:
Trên hiên bút giá hương bình,
Tiên hoa ngày trước sẵn dành hai trương.
Tiên thề tay thảo một chương,
Chặn lời đắp bể, đầy hàng tạc sông.
Chứng trên vằng vặc vầng trong…
Thế là nhiều bạn trong lớp bị lệch tủ nhớn nhác phàn nàn rằng, đề thi nghiêng về tả “Trăng”; đúng là đề thi thuần túy “vị Nghệ thuật”? Năm mươi năm về trước việc thi cử nghiêm túc như cảnh thi Hương, thi Hội. Vả chăng cũng chẳng có tài liệu sách vở gì để làm phao cứu sinh. Nhiều bạn cứ ngồi “ngẩn tò te như chú Tàu nghe kèn!”.
Nhưng rồi thầyThày cũng lấy chữ Nhân làm trọng, nên cả lớp không có ai phải thi lại, mà chỉ có hai bạn đạt điểm bảy. Vậy mới biết thế nào là “vị nghệ thuật” “khác với “ vị nhân sinh”!
Nghiệm lại, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những lời bình về Truyện Kiều của thầy đều gắn liền với các tính cách nhân vật và hoàn cảnh lịch sử xã hội trong quá khứ, từ Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Giác Duyên, Từ Hải, Sở Khanh v.v… “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Cũng từ đó, lớp trẻ chúng tôi mới phân biệt được đầy đủ hơn về sự khác nhau giữa “vị nhân sinh” và “vị nghệ thuật”.
Tranh minh họa "Truyện Kiều" của nữ họa sĩ Ngọc Mai.
Trước khi chia tay lớp, thầy Hoài Thanh có lời dặn thân mật:
- Các anh, các chị làm nghề Văn cần phải thuộc cuộc đời, phải am hiểu cuộc sống và con người.
Tôi nghĩ, thầy giảng dạy lớp sinh viên chúng tôi tuy lượng thời gian không nhiều, nhưng thầy đã tạo được một ấn tượng sâu đậm mãi mãi không thể nào quên trên bước đường học tập và nghiên cứu về sau.
Đã nhiều lần, tôi từng được nghe nhà thơ Xuân Diệu bình luận về thơ; nếu như ở nhà thơ tình tài hoa này bao giờ cũng toát lên khí chất nồng đượm, say mê, sôi nổi từ một trái tim tràn trề khát vọng chiếm lĩnh cuộc sống và tình đời, thì ở Hoài Thanh lại dồi dào chất “đạm như thủy”, mà vẫn cuốn hút, sâu lắng thấm vào tâm hồn người nghe, người đọc một nét dịu ngọt nên thơ.
Phần tôi, cứ mỗi lần biết tin Hoài Thanh sẽ nói chuyện về thơ tại Thư viện Quốc gia, tôi lại rủ các bạn đồng môn đến nghe cùng. Nhớ mãi những lời bình về tập thơ mang nhan đề lạ Gà gáy của nhà thơ trẻ Ca Lê Hiến (liệt sĩ Lê Anh Xuân). Những lời bình tinh tế đã nêu bật vẻ tươi mát hồn hậu từ các tứ thơ trẻ trung cuốn hút. Dường như trong nhà phê bình Hoài Thanh có năng lực cảm xúc trực giác về “vẻ đẹp nghệ thuật”, mà vẫn sâu sắc, uyên bác không phải ai cũng cảm nhận được? Chính vì thế mà Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã tặng Hoài Thanh một từ rất xứng đáng và rất đẹp: “Nhà nghệ sĩ phê bình Hoài Thanh”.
Hoài Thanh và cuốn "Thi nhân Việt Nam".
Nếu bạn theo dõi cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh xuất bản 1941, xin hãy đọc kỹ phần bình phẩm về nhà thơ Xuân Diệu. So sánh với các nhà thơ mới đầu những năm 30 của thế kỷ XX như Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Tượng Lư cùng một số ít nhà thơ mới khác thì nhà phê bình Hoài Thanh đã khẳng định Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” vào năm 1937…
Quả thật, nếu bạn đọc một đoạn ngắn trong bài Tương tư chiều của thi sĩ trẻ Xuân Diệu, chắc hẳn bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn về lời bình chính xác trên.
Yêu là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu!
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết,
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt,
Tưởng trăng tàn hoa tạ với hồn tiêu!...
Phải chăng, điều cảm nhận của nhà phê bình là mang tính khoa học rõ nét, nếu chúng ta phân tích các thuộc tính của phong trào Thơ Mới so với hệ thống Thơ Đường luật thất ngôn bát cú từng xuất hiện hàng mấy trăm năm về trước?
Sau khi đọc được các sách nghiên cứu, nhất là sau khi nghe giáo sư Hoài Thanh giảng về Truyện Kiều và nói chuyện thơ trực tiếp, tôi càng cảm nhận rõ nét những nhận xét và phê bình của Hoài Thanh bao giờ cũng gắn liền với sự thật đời sống lịch sử của tác phẩm cùng những thuộc tính của văn bản chứ không hề áp đặt như một số bài phê bình khác./.
Khi vừa được nhà thơ Nguyễn Đức Bình tặng tập thơ “Khói trầm ngược gió”, nếu chưa kịp đọc, chỉ lướt nhanh các...
Bình luận