Để những câu chuyện văn học còn mãi cho thế hệ mai sau

Những hiện vật văn học có giá trị rất lớn, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá tôn vinh nền văn học Việt Nam đến với công chúng. Mỗi hiện vật chứa đựng những câu chuyện về lịch sử, văn hoá, chứa đựng hồn cốt, kỷ niệm, ký ức, làm hiện lên đời sống của các nhà văn và bạn đọc cần điều đó, các nhà văn thế hệ sau cần điều đó.

Mỗi hiện vật là một câu chuyện vô giá

Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, hiện vật có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của bảo tàng. Bảo tàng Văn học Việt Nam đã đi vào hoạt động gần chục năm nay, việc tổ chức vận động, sưu tầm, tiếp nhận hiện vật và tôn vinh, tri ân sự đóng góp của các nhà văn, gia đình các nhà văn trong quá trình xây dựng và phát triển bảo tàng là điều được ban quản lý chú trọng và dành nhiều sự quan tâm.

Để những câu chuyện văn học còn mãi cho thế hệ mai sau - 1

Trưng bày các hiện vật được nhà văn, gia đình các nhà văn hiến tặng cho bảo tàng. (Ảnh: Huyền Thương)

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật, Nhà văn Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho biết, đối với sự tồn tại và phát triển của một bảo tàng thì không có gì quý bằng hiện vật, hiện vật kể những câu chuyện về cuộc đời hoạt động của nhà văn, của thời kỳ nhà văn đó sống, mỗi một hiện vật chứa đựng những kỷ niệm, những thăng trầm gắn bó với chủ nhân của nó.

“Hiện vật đôi khi nhìn thì rất đơn sơ, mộc mạc nhưng trong đó chứa đựng một số phận, một cuộc đời, mỗi một hiện vật đều mang những dấu ấn riêng của nhà văn và chúng tôi nhận thức được rằng, một bảo tàng chỉ có thể phát triển khi được đông đảo mọi người quan tâm và yêu quý nó, mà muốn đạt được điều ấy thì bảo tàng phải là nơi người ta muốn tìm đến để chiêm ngưỡng những hiện vật độc đáo, đặc biệt”, Giám đốc Bảo tàng Văn học khẳng định.

Trích đoạn phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật phỏng vấn Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam:

Để đưa những câu chuyện về nhà văn đến gần hơn với công chúng

Việc sưu tầm hiện vật là hoạt động thường xuyên, liên tục, đi song song cùng với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của bảo tàng, nhằm xây dựng và làm giàu kho hiện vật của bảo tàng. Tuy nhiên, theo nhà văn Thu Huệ, hiện vật văn học ngày càng trở nên hiếm hoi và công tác sưu tầm đang gặp nhiều khó khăn.

Để những câu chuyện văn học còn mãi cho thế hệ mai sau - 2

Nhà văn Thu Huệ tại lễ tri ân và Hiến tặng hiện vật năm 2023 của Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Nhà văn chia sẻ: “Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng và bổ sung trưng bày của Bảo tàng, nhất là công tác sưu tầm hiện vật của các nhà văn thế hệ trước. Nhưng do chiến tranh, do sơ tán, chuyển nhà hay khi các nhà văn qua đời gia đình không giữ lại hiện vật,… làm cho hiện vật ngày càng mai một”.

Vì vậy, để hiện vật không bị mất đi, hư hại, để ý nghĩa của hiện vật được lan toả tới nhiều người, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã kêu gọi các nhà văn, gia đình các nhà văn hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Bên cạnh đó, việc các nhà văn, gia đình nhà văn hiến tặng hiện vật góp phần giúp bảo tàng ngày càng phát huy sứ mệnh lưu giữ, bảo quản, trưng bày và đưa những câu chuyện về nhà văn đến gần hơn với công chúng.

Về công tác bảo quản và trưng bày hiện vật, nhà văn Thu Huệ cho biết, tại bảo tàng, hiện vật được lưu giữ đúng cách, với hệ thống bảo quản chuyên nghiệp, tại đây có những kho phân loại và bảo quản lưu giữ hiện vật một cách an toàn và đảm bảo.

Trao đi để còn mãi

Đối với mỗi nhà văn, gia đình các nhà văn, việc họ chọn lựa Bảo tàng Văn học Việt Nam để gửi gắm những kỷ vật là việc làm đầy ý nghĩa, đồng thời cho thấy sự tin tưởng, gửi trọn niềm tin của họ với bảo tàng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa hiến tặng nhiều hiện vật quý giá của ông cho bảo tàng, đó là bức tranh chân dung ông do một nhà thơ Hàn Quốc vẽ tặng, chiếc đồng hồ cũ chứa đầy kỷ niệm, cây sáo mà ông hay thổi, cùng nhiều hiện vật rất gắn bó, gần gũi với đời sống hàng ngày của nhà thơ. Theo ông, chia tay những đồ vật đã gắn bó với mình tuy có phần luyến tiếc, nhưng việc hiến tặng sẽ tạo sự lan tỏa, từ đó giúp nhiều người thêm trân quý những giá trị lịch sử văn học, truyền thống của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu, hiện vật cho bảo tàng.

Để những câu chuyện văn học còn mãi cho thế hệ mai sau - 3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cây sáo đã đi vào rất nhiều bức tranh của ông, đây là một trong những hiện vật quý vừa được nhà thơ hiến tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Bà Hoàng Việt Hằng, vợ nhà văn Triệu Bôn đã hiến tặng nhiều hiện vật của nhà văn cho bảo tàng, bà chia sẻ, việc lưu giữ hiện vật ở gia đình càng ngày càng khó khăn, nhất là với những hiện vật bằng giấy, khó tránh khỏi bị ẩm mốc, mối mọt và úa màu theo thời gian. Vì vậy, với gia đình bà, bảo tàng là nơi tin cậy nhất để gửi gắm những đứa con tinh thần có giá trị của nhà văn Triệu Bôn.

Nhận thấy việc hiến tặng hiện vật cho bảo tàng là một việc làm mang tới nhiều ý nghĩa cho mảng văn học thiếu nhi mà mình đã dành cả đời để góp sức xây dựng, vun vén, nhà văn Lê Phương Liên đã trao tặng bảo tàng nhiều tư liệu ảnh, giấy (bản thảo viết tay, sác…), tranh vẽ…trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm từ cách đây 70 năm, 50 năm. Nhà văn hy vọng việc hiến tặng những điều quý giá của mình sẽ mang lại ý nghĩa với nhiều người, đó là điều khiến bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Để những câu chuyện văn học còn mãi cho thế hệ mai sau - 4

Một trong các hiện vật được nhà văn Lê Phương Liên trao tặng Bảo tàng - bức ảnh Nhà thơ Vũ Đình Liên cùng các học viên nữ tham dự khóa 7 “Lớp viết văn Trẻ” tại Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội, năm 1974. (Từ trái qua: chị Nguyễn Thị Mai (Lạng Sơn), chị Nguyễn Thị Bích (Hải Dương), nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn Hoàng Việt Hằng, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Lê Phương Liên.)

Cũng gửi gắm nhiều hiện vật trong suốt quãng thời gian sưu tầm, nghiên cứu văn học của mình cho Bảo tàng Văn học Việt Nam, Nhà văn Ngô Thảo mong muốn bảo tàng tăng cường việc tư liệu hoá, số hoá, theo ông, điều này là vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay.

“Tôi nghĩ rằng, các bảo tàng hiện nay còn rất nhiều việc phải làm, cần phải làm để tồn tại mà không bị biến thành những mồ chôn tư liệu. Tư liệu nó không có tiếng nói, phải bắt tư liệu cất lên tiếng nói bằng việc tận dụng đúng cách sự quý giá của tư liệu”, Nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.

Để những câu chuyện văn học còn mãi cho thế hệ mai sau - 5

Nhà văn Ngô Thảo (thứ hai từ phải qua) tại "Lễ tri ân và Hiến tặng hiện vật" của Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương kỳ vọng Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ trân trọng, lưu giữ, sắp xếp các hiện vật một cách khoa học, phù hợp để các hiện vật sẽ kể lại những câu chuyện có giá trị của mình về sự gắn bó với các nhà văn, nhà thơ, để hiện vật không chỉ nằm trong kho lưu trữ, mà sẽ luôn được sống trong đời sống thú vị, lan tỏa đến khắp mọi miền đất nước.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất