Đêm sông Lô
Duyên nước mắt lưng tròng, chạy về phòng úp mặt xuống giường khóc nức nở. Duyên tủi thân, đau khổ trước chuyện lấy chồng hệ trọng của cả cuộc đời con người mà sao mọi người xem như công việc tập thể, một nhiệm vụ chính trị cần giải quyết cho xong?
Xe dừng trước quán cà phê, mấy anh em mở cửa bước vội vào. Trời lất phất mưa. Những hạt mưa nối đuôi nhau đan thành tấm lưới dệt nên bức tranh huyền ảo đêm trên sông Lô với những lồng cá được soi sáng bằng hàng ngàn bóng đèn lung linh dưới mặt nước. Dòng sông chảy chầm chậm, từng lớp sóng xô đuổi nhau làm rạn vỡ ánh đèn, hắt lên trời muôn ngàn tia sáng nhiều màu sắc. Quán ở sát mé sông, mới gần hai mốt giờ mà đã vắng khách. Cô tiếp viên khoảng hai mươi tuổi có khuôn mặt trái xoan, môi đỏ, da trắng… bưng ra mấy ly cà phê hương thơm ngào ngạt, làm tôi chợt nhớ lại câu nói của người bạn lúc sáng chia tay ở Sa Pa khi biết đoàn chúng tôi về Tuyên Quang làm việc đã buột miệng nói: “Chè Thái, gái Tuyên…” quả là đúng thật!
Chào các bác, các bác ở Đắk Lắk ra phải không?
Mọi người giật mình quay lại thấy một bà lão đầu quấn khăn mỏ quạ màu đen để lộ ra mái tóc bạc phơ, có đôi mắt sáng, mặc bộ đồ đen; chắc tuổi đã ngoài tám mươi, chống gậy trúc đến bên bàn từ lúc nào mà không ai biết. Cậu lái xe cơ quan nhanh nhẹn đứng dậy kéo thêm ghế mời bà ngồi.
- Nhìn biển số xe 47 đoán các bác ở Đắk Lắk ra, thế mà đúng thật. Các bác đi xe biển số xanh chắc là xe cơ quan nhà nước, vậy nhà có ở gần Buôn Ma Thuột không?
- Chúng cháu ở Buôn Ma Thuột, bác có người nhà trong đó ạ?
- Tôi có đứa con trai duy nhất đang ở Buôn Ma Thuột, vì thế buổi tối thường ra dạo quanh đây mong tìm thấy có người trong ấy ra trò chuyện cho vơi nỗi nhớ.
Anh ấy ở đường nào Buôn Ma Thuột ạ? Tôi vội hỏi.
- Em nó ở Nghĩa trang thành phố.
Tất cả mọi người lặng đi trước câu trả lời của bà cụ.
- Em nó hy sinh sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 khi tiến vào Ngã Sáu, giải phóng Ban Mê...
Bà cụ hạ giọng và câu chuyện người con trai duy nhất của cụ học chưa xong lớp 10 đã tình nguyện lên đường nhập ngũ… Là cán bộ phụ nữ xã, bà không ngăn cản mà đồng ý theo ý muốn của con, dù con bà thuộc diện ưu tiên, miễn nghĩa vụ quân sự. Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị cho nghỉ phép trước lúc vào Nam chiến đấu. Tâm lý người mẹ, ai cũng muốn có con dâu và đứa cháu để bồng cho đỡ vắng nhà khi con trai đi xa. Bàn chuyện hỏi vợ cho con, cu cậu gãi đầu gãi tai mãi mới thú thật đã yêu cô Duyên người cùng xóm. Mừng cho con có con mắt tinh đời, chọn được người hiền lại xinh đẹp. Duyên cùng lứa tuổi với con tôi, chúng học chung một lớp từ cấp một; học xong lớp 7, Duyên phải nghỉ học vì nhà nghèo, đông em, bố mẹ đau yếu luôn; nhưng nhờ học giỏi, đạt giải nhất môn toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp II của tỉnh nên Duyên được cử theo học sơ cấp chuyên nghiệp rồi chuyển làm nhân viên cửa hàng lương thực. Tưởng hai đứa có tình ý với nhau từ trước nên gia đình hối hả chuẩn bị đám cưới, thì…
* *
Vừa dọn dẹp kho xong đã thấy chị Chủ tịch Công đoàn cơ quan chạy xuống bảo:
- Cô em đáo để quá nhỉ, sắp cưới chồng mà bí mật thế; thủ trưởng mời lên gặp kìa!
- Chị nói gì em không hiểu?
- Sắp làm con dâu bà Phó chủ tịch Phụ nữ xã còn giả bộ “nghé non” à?
- Chị lại trêu em!
- Trêu là thế nào, bố cô và bà Phó đang ngồi ở phòng làm việc của cửa hàng trưởng đấy, lên ngay đi.
Minh họa Lê Huy Quang
Duyên vội bỏ cây chổi đang quét, khóa cửa kho rồi tất tưởi bước nhanh theo chị Chủ tịch Công đoàn lên phòng ông cửa hàng trưởng. Trong phòng làm việc, ông cửa hàng trưởng vẫn bộ quần áo bộ đội bạc màu cả tuần chưa giặt, khuôn mặt khắc khổ của một ông nông dân miền núi, lam lũ, đang trò chuyện rất sôi nổi với bà Giang, người cùng xóm hiện đương chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Bà Giang mặc áo xanh sỹ lâm còn mới làm nổi bật nước da trắng, khuôn mặt tròn, đôi mắt lá răm của người phụ nữ trung niên sắc sảo. Bố Duyên mặc chiếc áo nâu đã cũ ngồi bên chăm chú nghe hai người nói chuyện. Trên bàn ngoài đĩa kẹo Hải Hà còn có thêm gói trà Ba Đình, bao thuốc lá Thăng Long - những mặt hàng khan hiếm hiện nay trên thị trường chỉ cán bộ cao cấp mới được phân phối.
- Con chào thủ trưởng, chào cô, chào bố ạ!
A, Duyên vào đây cháu. Ngồi xuống nào. Hôm nay bố cháu và cô Giang đây lên đặt vấn đề xin cho cháu nghỉ về tổ chức đám cưới; kín tiếng thế, nhưng thôi, thời buổi chiến tranh ta phiên phiến đi, bác đồng ý cho cháu nghỉ một tuần, đúng quy định nhé.
- Thủ trưởng nói sao ạ, ai cưới và cưới ai mà cháu được nghỉ nhiều thế?
Bố cô, anh Đại con bà Giang đây mới được nghỉ phép hôm qua, sáng nay bà Giang đặt vấn đề xin cưới để anh ấy an lòng ra trận đánh giặc. Hôm nay bố lên xin cho con nghỉ mấy hôm về làm đám cưới.
- Con với Đại chỉ là người cùng xóm thôi, chứ đã có tình cảm gì đâu mà kết hôn được ạ? Với lại con nay mới 18 tuổi, để con học thêm chứ chuyện chồng con để nước nhà thống nhất rồi hãy tính.
- Thời buổi chiến tranh, người hậu phương phải cố gắng làm an lòng người ra trận bảo vệ Tổ quốc, cháu nói vậy là chưa trúng với yêu cầu chính trị của cơ quan ta.
- Thưa thủ trưởng, chuyện chồng con là chuyện riêng tư, chuyện của cả đời người làm sao vội vã được, xin tha cho cháu ạ.
- Tha là tha thế nào, chuyện này là trách nhiệm và nghĩa vụ của người đoàn viên đối với công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; mỗi người phải cùng hy sinh cái riêng vì lợi ích chung của cách mạng. Lấy chồng cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần làm yên lòng để các anh bộ đội yên tâm đánh thắng quân xâm lược chứ…
- Thôi thôi, xin anh đừng nóng, cháu nó còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn ta cần trao đổi thêm - bà Giang ngắt lời ông cửa hàng trưởng đã nổi nóng, nói tiếp: Cháu cứ về nhà rồi ta tính sau, dù sao cũng là người cùng xóm, học hành với nhau từ bé, nay em nó về nghỉ mấy hôm để lên đường vào Nam chiến đấu, cháu cũng nên gặp nhau một chút cho vui, tình làng nghĩa xóm mà. Thôi cháu về lấy đồ, cô chở về luôn.
Duyên nước mắt lưng tròng, chạy về phòng úp mặt xuống giường khóc nức nở. Duyên tủi thân, đau khổ trước chuyện lấy chồng hệ trọng của cả cuộc đời con người mà sao mọi người xem như công việc tập thể, một nhiệm vụ chính trị cần giải quyết cho xong? Có phải con lợn con bò đâu mà ai thích ghép đôi thế nào cũng xong…
Còn cái anh chàng Đại vừa lùn vừa đen, thời còn ở cùng Đội Thiếu niên cứ dài miệng ra gọi mình bằng chị, không biết bao nhiêu lần bị xách tai, cốc đầu vì làm sai, học dốt lại hay nhìn trộm bài người khác khi kiểm tra... A, có lần đi chăn trâu mấy đứa con trai lấy đất ném nhau, đúng lúc Duyên đi qua, Đại đã nhỡ tay ném cả cục bùn vào người Duyên; giận quá, Duyên lao lại đẩy Đại xuống hố bom đầy bùn và phân trâu nhận cho uống no… chiều về bị bố đập cho một trận tơi bời vì bà Giang đến mách. Chẳng lẽ hắn thù dai, định trả thù mình bằng cách bắt mình làm vợ hắn? Không, nhất định Duyên sẽ không để lề thói lạc hậu của quê nhà cướp mất hạnh phúc của mình; phải chống lại nó, bảo vệ mình và còn tương lai các con cái sau này nữa chứ.
Tối, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công đoàn… đến tận phòng động viên, phân tích… sao ai cũng muốn Duyên lấy người mình chẳng bao giờ để ý đến chứ nói gì đến yêu! Duyên bỏ ăn, nằm cả ngày; hôm sau mẹ từ nhà lên tận nơi đón về và nói đủ chuyện tốt về Đại: Con liệt sỹ, con cán bộ mà có chí lớn vì nước, sẵn sàng ra trận như thế là đáng phục lắm… Mưa dầm thấm lâu, lời nỉ non của các đoàn thể, gia đình; nước mắt của mẹ, cái nhìn đau đớn của bố… cuối cùng cũng khuất phục được cô gái 18 tuổi nhận lời cưới chồng để kịp sống với nhau một đêm…
Một cơn gió ào đến, làm những ngọn đèn treo trên các lồng cá chao nghiêng, hơi lạnh ùa đến, tôi khẽ rùng mình. Đang mùa thu mà sao lại có gió lạnh đến thế. Bà cụ ngừng lời kể, mắt nhìn ra sông, mưa mỗi lúc một nặng hạt làm bắn lên những đốm lửa ly ty trên mặt nước.
* *
Tiễn chân chồng mới cưới ra trận, con dâu không khóc, nhưng nét mặt đượm buồn, tôi nghĩ: đàn bà con gái ai mà không buồn khi chỉ được làm vợ một đêm để rồi biền biệt xa nhau biết khi nào gặp lại! Đêm, chắc khoảng hơn một giờ sáng, con gà nhà bên đã báo sang canh, tôi thấy tiếng con dâu nức nở… hình như nó đã cố nén nhưng không kìm được. Tôi cũng phải nhét khăn vào mồm của chính mình để không cho con dâu biết nỗi đau của người mẹ. Đến đêm hôm sau thì tôi không thể cầm lòng được, phải bước vào buồng con dâu ôm nó, cùng khóc đến sáng. Chiếc gối trắng thêu hai trái tim bằng chỉ màu hồng lồng vào nhau và hai con bồ câu con đậu con bay sau ba đêm đã chuyển màu cháo lòng vì đẫm nước mắt; không ngờ con bé thương chồng đến vậy! Rồi nó ốm, nằm liệt giường đúng chín ngày mới gượng ngồi dậy ăn cháo, rồi lên cơ quan làm việc.
Từ ngày ấy, nó thay đổi hẳn, không còn nụ cười thường xuyên trên môi, khuôn mặt u buồn, tôi tặc lưỡi: thời gian sẽ giúp nó nguôi ngoai. Thấm thoắt thu qua, đông đến, nhiều hôm mùa đông lạnh buốt, chừng một hai giờ sáng tôi giật mình thức dậy nghe nước xối ào ào… nó không ngủ được nên đi tắm, nằm lo nó cảm lạnh mà không dám lên tiếng; có đêm đang ngủ nghe trong buồng con dâu nằm như có người vật nhau, tôi giật mình vạch liếp nhìn trộm thấy nó hai tay ôm chặt gối úp lên mặt, lăn lộn trên giường; nhìn mà đứt cả ruột.
Cùng cảnh đàn bà xa chồng như nhau, tôi cũng có nỗi buồn riêng giống con dâu của mình; năm 16 tuổi, đang tuổi ăn ngủ thì bố mẹ bảo đi lấy chồng, lấy anh bộ đội mới về phép, người cùng làng, hơn tôi bốn tuổi. Đàn ông ở làng toàn mặc quần áo nâu nhuộm bùn, lấy dây rút buộc quanh bụng, chân đất; còn bộ đội có quần áo mới màu xanh, đóng thùng, chân đi dép cao su nhìn oách lắm, được làm vợ những người như thế là tuyệt vời rồi.
Thực ra lúc ấy cũng chưa hiểu lắm chuyện “làm vợ” thì bổn phận phải làm gì. Đêm trước khi về nhà chồng tôi mới hỏi mẹ; mẹ cốc đầu, đỏ mặt nói: làm vợ người ta là để sinh con, đẻ cái, nuôi dạy con cho chồng yên tâm đánh giặc, vậy thôi. Nghe mẹ nói vậy, lòng cũng vui lắm, chỉ có thế thôi thì mình làm được, làm tốt là khác. Nhưng khi chồng đi rồi, mới thấy sự trống vắng khủng khiếp, sự nhớ nhung đến thiêu cháy tâm can. Một tuần bên chồng chỉ như một cơn gió thoảng qua so với những ngày tháng vò võ một mình. Chiến tranh đã mang đi mất người chồng, người yêu thương của mình, và chỉ để lại đau đớn, dằn vặt… nhiều đêm tưởng không thể tự chủ nỗi với bản thân. May mà trời thương, ông ấy còn kịp để lại cho đứa con làm niềm vui vơi đi nỗi nhớ và hy vọng ngày đoàn tụ, nước nhà thống nhất; ông ấy về đi cày, tôi theo sau nhặt cỏ và thằng cu tý ngồi trên bờ ruộng xem bố mẹ làm… Ước mơ nhỏ bé là vậy cũng bị đứt giữa chừng, không bao giờ thực hiện được vì cuộc chiến tranh tàn khốc, ông ấy không bao giờ trở về nữa. Bao nhiêu yêu thương tôi dồn hết cho con trai và sau này là con dâu, người cùng cảnh ngộ và mong giúp cháu nguôi ngoai, đợi ngày chồng về.
* *
Mùa xuân 1975 đại thắng, nước nhà thống nhất, vợ đợi tin chồng, mẹ chờ tin con, mong đón tin vui gia đình đoàn tụ; thế mà con tôi vẫn biệt tăm không một dòng chữ gửi về. Một hôm tôi đang làm việc ở Ủy ban xã, thấy đồng chí Huyện đội trưởng dẫn một anh bộ đội bước vào, linh tính của người mẹ báo cho tôi điềm chẳng lành; tôi ngồi chết lặng. Đồng chí Huyện đội Trưởng nắm lấy tay tôi, nước mắt trào ra, tôi biết điều không bao giờ mong muốn đã ập tới. Tôi cắn răng lại để mặc cho nước mắt trào ra thành dòng mà không sao gào khóc được. Anh bộ đội còn trẻ, mặc quân phục còn mới lại nắm lấy tay tôi giọng nghẹn ngào:
-Trước lúc hy sinh, anh Đại có nhờ cháu chuyển cho bác bức thư này và dặn phải trao tận tay cho bác; nếu không may bác mất thì đốt bỏ, không được cho ai xem cả. Con xin giao lại!
Cầm chiếc phong bì, kỷ vật của con còn lại tôi như hóa đá; mọi vật cứ mờ dần trôi vào cõi xa xăm. Lễ truy điệu cháu được xã tổ chức long trọng, con dâu chưa tròn hai chục tuổi đầu đã trở thành góa phụ, đội tang chồng. Tôi nát cả ruột gan và có cả nỗi ân hận, giá như...
Đêm khuya, khi mọi người đến chia buồn đã về hết, con dâu tôi vẫn quỳ gối trước bàn thờ, cặp mắt vô hồn nhìn lên bát nhang khói bốc nghi ngút, thỉnh thoảng lại đỏ rực lên khi có cơn gió thổi qua. Tôi ngồi xuống bên cạnh ôm hai vai con dâu an ủi:
- Chiến tranh là vậy con ạ, biết làm sao được, ta phải chấp nhận thôi.
- Mẹ, con có tội với chồng con, có tội với mẹ!
Bất ngờ cô con dâu ôm lấy mặt gào lên nức nở, rồi vung hai tay xé tung chiếc áo tang đang mặc, đứng bật dậy bấu chặt vào bàn thờ, mắt trợn ngược. Tôi cũng đứng bật dậy ôm ghì lấy nó cùng khóc, dỗ nó, nhưng nó vẫn gào lên:
- Con có lỗi với anh ấy, có lỗi với chồng con mẹ ơi, con vẫn còn là… con gái!
Nói xong nó ngã vật ra, ngất xỉu. Tôi vội đưa nó lên giường xoa địa liền, đắp chăn ủ ấm; thế mà thỉnh thoảng nó vẫn nấc lên từng cơn, nước mắt trào ra ướt đẫm. Tội nghiệp con trai tôi đã có một đêm tân hôn duy nhất trong đời nhưng chưa được làm chồng; khổ thân con dâu đã chưa một lần được làm vợ đúng nghĩa. Âu đó cũng là lỗi tại chiến tranh, nếu không vì chiến tranh thì đâu có sự ngang trái như vậy. Nếu nước nhà không bị xâm lược, mọi người không phải hối hả cầm súng ra trận, sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự độc lập toàn vẹn của đất nước thì đâu có cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng… Là người mẹ, tôi có quyền và trách nhiệm lo cho con của mình bằng bất kể cách gì, còn đúng, sai thì tùy sự phán xét của thời gian.
Năm tháng trôi qua, tuổi xuân của con dâu cứ vèo vèo như lá bay qua của sổ. Nhiều đêm tôi khuyên nhủ, trách móc, giận hờn để mong nó đi bước nữa, nhưng nó nhất quyết không; thấy vậy tôi càng đau xót lắm. Năm con dâu bốn mươi tuổi, tôi tổ chức sinh nhật cho cháu và đề nghị:
- Con không lấy chồng nữa cũng được, nhưng mẹ muốn có một đứa cháu để bồng, và mai ngày con già yếu còn có nơi nương tựa, mẹ mới an lòng nhắm mắt.
Cháu nó ngồi lặng ngắt một lúc sau mới trả lời:
- Mẹ đã dạy vậy con xin nghe.
* *
Đầu xuân năm sau nó “ăn ra”, hạ sinh được một cô con gái mạnh khỏe, xinh xắn, tôi mừng lắm. Nói thật với các bác, ước nguyện đã thành, xem như đấy là cách tội tạ lỗi với con dâu.
- Thế bức thư anh Đại nhờ đồng đội chuyển về cho bà có vấn đề gì mà nghe quan trọng vậy bà? Cậu lái xe tò mò hỏi.
- Đó là bức thư của Duyên gửi cho nó.
Bà cụ nói xong thò tay vào túi áo móc ra tờ giấy pơluya mỏng tang, màu trắng đục có nét chữ viết bằng mực tím đưa cho tôi, nói nhỏ.
- Nó đây, bác xem đi!
Hôm nay vừa tròn ba tháng, đúng ba mươi ngày, ba mươi đêm em xa anh; trong ba mươi đêm ấy không đêm nào em nhắm mắt trọn vẹn vì luôn thấy hình bóng anh hiển hiện.
Anh ơi, em nhớ anh! Em có lỗi với anh!
Em không thể hiểu nỗi vì sao đêm tân hôn của chúng ta em lại xử sự như thế? Phải chăng từ trước đến nay chưa có người đàn ông nào đụng đến da thịt em, ngoài bố nên em sợ. Hay tại cuộc hôn nhân đột ngột quá, em chưa kịp chuẩn bị tâm thế, chưa kịp thương anh vì từ trước đến nay chúng ta chỉ là người quen cùng xóm, em xem anh như các bạn cùng lứa chăn trâu một thời! Cũng có thể em còn trẻ quá, trong đầu lúc nào cũng chỉ ao ước được học thêm để làm bác sỹ, chữa bệnh cho mọi người; chưa kịp nhìn nhận xã hội xung quanh. Những ước mơ, khao khát của con tim em là học và học chứ chưa một giây phút nào nghĩ đến yêu đương nam nữ chứ nói gì đến chuyện chồng con; vậy mà mọi người bắt em phải làm vợ anh. Khi ấy, em giận mọi người, giận đời và thấy cay đắng cho cuộc đời đã đẩy mình vào chỗ không lối thoát; mặc dù khi ấy em đã đồng ý cưới vì sợ tổ chức, thương bố, thương mẹ…
- Anh ơi!
- Khi anh đi rồi, em quay về đối diện với căn buồng trống trải, em mới thấy cô đơn biết chừng nào, em mới thấy ân hận biết chừng nào? Em sờ góc chiếu anh nằm hôm trước, muốn tìm lại chút hơi ấm của anh mà sao giờ lạnh ngắt. Em lôi chiếc gối đôi đêm ấy anh gối một mình để cố tìm xem có còn chút mồ hôi anh vương lại hay không mà không thấy... Em hối hận biết chừng nào anh ơi! Hãy tha lỗi cho em anh nhé. Em sẽ đợi anh, giữ nguyên vẹn người con gái để đợi anh về làm vợ trọn vẹn. Em sẽ đền cho anh, chúng ta sẽ có thật nhiều con trai, con gái để mẹ có nhiều cháu nội bồng bế.
Vợ của anh chờ anh!
Duyên.
Tôi đọc thư xong thấy cổ họng đắng nghét, bức thư mỏng manh mà sao nặng trĩu, tay tôi run run hình như không cầm nổi nữa. Bà cụ giơ tay nhẹ nhàng đỡ lấy lá thư, gấp lại bỏ vào túi, miệng mỉm cười:
- Lời ân hận muộn màng nhưng cũng ấm lòng người ra đi phải không bác!
Bà cụ nói với tôi hay nói với chính mình không biết, rồi đứng lên chào mọi người bước lên mặt đê. Trời đã hết mưa, một cơn gió lạnh ào đến làm mấy ngọn đèn trong quán lắc lư, chao đảo; chỉ chớp mắt không còn thấy bóng bà lão đâu nữa. Mặt sông Lô vẫn bình thản lăn tăn gợn sóng, nhấp nhô ánh đèn.
Bình luận