Đọc lại Hoài Thanh – nhà phê bình văn học đi tìm cái đẹp vị nhân sinh

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên, ông còn có bút danh khác như Văn Thiên, Le Nhà Quê. Ông và em trai Hoài Chân là hai tác giả nổi tiếng với cuốn sách “Thi nhân Việt Nam”.

Trước 1945, Hoài Thanh được xem là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật. Thời kỳ này ông viết và sáng tác các tác phẩm như: “Viết các báo Phổ thông”, ‘Le Peuple” (do Nguyễn Văn Trấn sáng lập), “La Gazette de Huế”, “Tràng An”, “Sông Hương”, “Tao Đàn”. Năm 1936, ra mắt cuốn sách “Văn chương và hành động”, “Thi nhân Việt Nam” 1932-1941 (cùng viết với em trai Hoài Chân, nhưng đóng góp chủ yếu là Hoài Thanh).

Đọc lại Hoài Thanh – nhà phê bình văn học đi tìm cái đẹp vị nhân sinh - 1

Hoài Thanh

Sau 1945, ông lần lượt giữ những chức vụ Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc tại Huế. Ông cũng tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Hà Nội từ năm 1945 đến 1946. Từ năm 1947-1948, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1950, là ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam. Là Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương từ năm 1950-1956. Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1958. Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện. Từ 1969-1975, ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa 2, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; nằm trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I và II. Năm 2000, Hoài Thanh đã được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí minh về Văn học nghệ thuật, đợt II với các tác phẩm: “Phê bình tiểu luận” (3 tập); “Nói chuyện thơ kháng chiến”; “Thi nhân Việt Nam”.

Hoài Thanh mất ngày 14 tháng 3 năm 1982 tại Hà Nội. Tác phẩm tiêu biểu:

1. Có một nền văn hóa Việt Nam

2. Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

3. Nhân văn Việt Nam

4. Xây dựng văn hóa nhân dân

5. Nói chuyện thơ kháng chiến

6. Nam Bộ mến yêu

7. Quê hương và thời niên thiếu của Bác (cùng viết với Thanh Tịnh)

8. Phê bình và tiểu luận tập 1 (1960), tập 2 (1965), tập 3 (1971)

9. Phan Bội Châu

10. Chuyện thơ

11. Tuyển tập Hoài Thanh (2 tập, 1982-1983)

12. Di bút và di cảo

13. Hoài Thanh toàn tập (4 tập, 1998)

Đọc lại Hoài Thanh – nhà phê bình văn học đi tìm cái đẹp vị nhân sinh - 2

Tác phẩm "Thi nhân Việt Nam"

Với Hoài Thanh, hành trình đi tìm cái đẹp trong văn chương vì cuộc sống của ông gặp hai lần khó. Cái khó đầu tiên là ở ông, ngoài ý thức dân tộc, không có một triết thuyết nào để bấu víu, hơn thế, ông còn tự thú “tôi nhát gan lắm, thấy bóng lý thuyết là sợ”. Đã thế lại phải đương đầu không mấy dễ dàng với những người quy kết, gán ghép cho nhà phê bình đứng về phía ‘nghệ thuật vị nghệ thuật”, mà sự quy kết không phải lúc nào cũng không có lý, đó là cái khó thứ hai. Thời gian, chân lý nghệ thuật, những quan điểm cởi mở và sáng tạo nghệ thuật của Đảng giúp cho người đọc, những nhà nghiên cứu hiểu rõ Hoài Thanh hơn chính ông hiểu mình. Bài viết này xin nêu mấy quan niệm về văn chương và phê bình văn chương của Hoài Thanh mà có lúc nào đó, có người nào đó chưa hoàn toàn hiểu ông hoặc thông cảm với ông.

I. Luận điểm: Văn chương trước hết là văn chương có nội dung hoàn toàn khác với lý thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Một bên đòi hỏi chủ thể sáng tạo (nhà văn và nhà phê bình) phải có tài năng văn chương, phải biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên, của xã hội, của nghệ thuật; còn người đọc thì phân biệt được tác phẩm văn chương và tác phẩm ngoài văn chương, câu thơ hay và câu thơ chưa hay... Còn nói văn chương có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người đời là đúng nhưng chưa đủ, vì chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo cũng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần không nhỏ, có khi rất lớn như thể chế chính trị tiến bộ, sự ổn định chính trị.

Đọc lại Hoài Thanh – nhà phê bình văn học đi tìm cái đẹp vị nhân sinh - 3

Vợ chồng nhà phê bình Hòa Thanh và các con.

Vì vậy sự phân biệt ở đây là hình tượng văn học, tài năng thơ ca, ngôn ngữ và kỹ thuật viết văn, làm thơ. Chúng ta không sợ nói như vậy là xa rời chính trị. Ý thức quan điểm chính trị cao nhất của nhà văn là tác phẩm hay, có ích. Sinh mệnh chính trị của nghệ sĩ được đảm bảo bằng vàng bởi các tác phẩm của họ đã được hàng triệu người đọc đón đợi, thưởng thức và chịu ảnh hưởng về mặt tinh thần, về lòng tin.

Trong cụm bài về đề tài này chúng ta thấy Hoài Thanh lập luận có lý, tương đối rành rẽ. Ông viết “Văn chương muốn gì thì trước hết cũng phải là văn chương đã... trong khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý đến cái đẹp trước khi chú ý đến những tính cách phụ (trang 24).

Trong quan hệ giữa nhà văn và đời sống xã hội có hai điều mà Hoài Thanh đã sớm ý thức và cảm nhận tương đối rõ, cho đến hôm nay vẫn mang ý nghĩa thời sự. Một là, nhà văn là một người sống giữa xã hội... tùy sức mình làm hết phận sự đối với xã hội, nhà văn phải biết bênh vực kẻ yếu, chống lại sức mạnh của tiền tài, của súng đạn (trang 26). “Nhà văn muốn lấy tài liệu ở đâu cũng được, miễn làm thế nào tạo nên cái đẹp, trao mỹ cảm cho người xem” (trang 26). Ông quả quyết “... một quyển sách chuyên tả nỗi khổ của kẻ lao động chưa hẳn đã là sách hay, hay là ở chỗ biết cách tả” (trang 33).

Hai là, mối quan hệ thân thuộc giữa nhà văn và người đọc được nhà phê bình ví như “người thiếu niên khát khao tình yêu mà người tình chính là công chúng” (trang 155). Công chúng rất độ lượng nhưng cũng rất nghiêm khắc, “dẫu sao tôi cũng tin ở trí thông minh của công chúng hơn. Công chúng thích tập truyện “Kép Tư Bền” không phải thích xem những chuyện họ vốn thừa biết từ bao giờ mà thích những câu văn ngộ nghĩnh, có ý tứ Nguyễn Công Hoan đã khéo lắp vào trong những cốt truyện...” (trang 250). Từ đó nhà phê bình phân biệt rõ thiên chức nhà văn và người cầm bút, cuốn tiểu thuyết và một tác phẩm báo chí. Ông viết: “Cầm bút chưa phải là viết văn. Văn chương là vật quý đâu có được nhiều thế” (trang 32”. Thật đúng chỗ khi dẫn ra đây lời khuyên nghiêm khắc của nhà văn bậc thầy Maksim Gorky đối với nhiều nhà văn trẻ: Đừng biến nhà thơ thành anh thợ văn. Người đầu luôn luôn đi tìm sự khái quát, thiên tài, tư tưởng có cánh, nghệ thuật tinh vi, sâu sắc; còn người thứ hai thì suốt ngày loay hoay chuyện vặt vãnh tầm thường, ý tứ nghèo nàn, ngôn ngữ nhạt nhẽo.

II. Có một phương pháp phê bình thơ đáng quý

Khi nói đến phương pháp phê bình thơ của Hoài Thanh, nhiều nhà nghiên cứu coi ông thuộc xu hướng phê bình ấn tượng (dựa vào ấn tượng chủ quan, cảm xúc cá nhân); thiên về bình giải, phân tích câu văn, chỉ bình mà không phê, sợ tổn thương đến cái đẹp; chú trọng thưởng ngoạn (cảm thụ câu văn hay, cốt truyện đẹp). Thật ra, không hoàn toàn như vậy. Tập “Bình luận văn chương” giúp chúng ta hiểu rõ thêm phương pháp phê bình của Hoài Thanh, mặc dầu ở ông không có một hệ thống lý luận chặt chẽ, một cơ sở mỹ học làm chỗ dựa cho việc phê bình văn chương. Thật đáng tiếc! Để bù lại trong một chùm bài như: “Cần phải có một thứ văn chương mạnh mẽ hơn”; “Văn chương là văn chương”; “Nỗi khổ tâm của nhà văn”; “Tiếng Nam phải giữ tinh thần riêng của tiếng Nam”; “Một thời đại trong thi ca”;... nhà phê bình nổi tiếng đã đi thẳng và đối tượng khảo sát, chỉ ra ít nhất là ba phẩm chất của sáng tạo thơ. Muốn có thơ hay, nhà thơ phải thành thật, phải có tài và thơ phải có ích cho xã hội, nhân quần.

Đọc lại Hoài Thanh – nhà phê bình văn học đi tìm cái đẹp vị nhân sinh - 4

Vợ chồng nhà phê bình Hoài Thanh

Để có kết luận: “Văn thơ không thành thực thì dẫu nói chuyện thời thế hay chuyện gió trăng, mây nước cũng là văn thơ bỏ đi” (trang 116), Hoài Thanh đã chứng kiến một sự thật trớ trêu của đời sống sáng tác vào những năm 30: Làm thơ thương nước mà chỉ bằng những lời tiếng than thở hão, ngồi trong ca lâu tửu quán mà nói chuyện anh hùng đầu lỗ miệng, thơ nói về lao động mà không thấy sự cảm động thành thật cảnh sống của người lao khổ, nên nhiều câu thơ rất dở, nhạt như nước ốc.

Vậy thế nào là thành thực trong văn chương? Bất cứ sự sáng tạo nào cũng cần tài năng và để trở thành tài năng thì một trong những điểm xuất phát của sáng tạo là tính chân thật. Trong văn nghệ, tài năng và khát vọng vươn tới tính chân thật (bao gồm cả yêu lẫn ghét) hòa quyện vào nhau. Sáng tác văn thơ, nhất là thơ trữ tình đòi hỏi sự chân thật tối đa. Một hiện tượng bất ổn trong tâm trạng, chao đảo trong lý tưởng chính trị, làm dáng trong triết học, vờ vĩnh trong cách tân đều làm phương hại đến sáng tạo nghệ thuật và không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện. Không phải sự chân thật nào cũng đưa lại bài thơ hay, nhưng đã là thơ hay thì phải lấy sự chân thật làm trọng. Sự cơ hội trong việc chọn đề tài, thói khôn khéo vặt vãnh, sự săn đuổi kỹ thuật thuần túy không thể nào dung hòa với thơ chân chính và là kẻ thù của tài năng.

Trong “Bình luận văn chương”, Hoài Thanh nói nhiều đến tài năng thơ. Ông thừa nhận “tác phẩm văn nghệ là cái tài của nhà văn được biểu diễn bằng tiếng nói, chữ viết... cái tài có một địa vị danh dự (trang 120). Nhà phê bình ngưỡng mộ những giá trị thơ ca của Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ,... coi họ là “những bậc chí sĩ có văn tài (trang 115); “tác phẩm của họ đã rung động cả một thời đại và sẽ lan truyền đến đời sau vì họ có tài, vì họ có thành thực” (trang 114). Ông dự báo tài năng một nhà thơ về sau sẽ tiến xa, đó là Chế Lan Viên (trang 213).

Ngược lại, ông coi thường những kẻ bất tài chỉ biết làm ra thứ “văn chương đàn bà” (trang 16), những câu văn “nước ốc” (trang 190); phê phán những ai nhắm mắt nói liều về sự hình thành của tác phẩm văn nghệ, không thừa nhận cái tài của nhà văn. Từ tâm, chí cao không thể thay thế được tài năng, may lắm là nghĩ được những câu thơ đúng.

Tuy vậy, Hoài Thanh cũng băn khoăn thừa nhận sự bất cập lý luận của mình và ông cũng không vượt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn thần bí “Tài cũng như sắc do trời cho” (trang 45); Tài năng là gì? Nào ai biết? (trang 129). Khi bàn về tài năng trong nghệ thuật từ trước để cho đến nay, không có một nhà lý luận lớn nào bỏ qua ba nội dung sau: Tài năng nghệ thuật là gì? Quan hệ giữa tài năng và đạo đức của nghệ sĩ; Tài năng và sự chân thật. Cả ba nội dung này đều được Hoài Thanh tiếp cận, cho dù là sự tiếp cận nhọc nhằn, chông chênh của người bộ hành đang đi trên truông cát. Có điều, cách ứng xử của nhà phê bình trước nhiều chuyện của tự nhiên, của xã hội là thái độ nghiêm khiêm nhường và dễ có lý... “Không biết, nói không biết, đó là nghĩa vụ thứ nhất của người muốn học, muốn hiểu. Đằng này họ (những người tranh luận với ông) lại làm như trong cái thế giới này cái gì cũng rõ ràng, minh bạch tựa như hai với hai là bốn vậy. Ai không tin thế, họ liền phê cho hai chữ “thần bí” (trang 120).

Một trong những đối tượng khảo sát của tác giả “Bình luận văn chương” là mối liên hệ giữa văn chương và cuộc đời con người. “Văn chương có ảnh hưởng lớn vì văn chương hun đúc phần tinh thần người đời. Văn chương không có quyền luôn luôn ở trên mấy tầng mây cao mới thẳm, lãnh đạm ngắm những cảnh phong ba dữ dội ở đời” (trang 17). Ông muốn vứt hết những lý thuyết viển vông, khó hiểu của triết học, những thuyết giáo vu vơ không thực tế của tôn giáo, để đi vào cuộc sống của những người chung quanh. Ông thích lối văn chương mạnh mẽ theo kiểu “Con hổ trong vườn thú” của Thế Lữ, “Cô Lâu Mộng” của Võ Liên Sơn, khen “Tôi kéo xe” của Tam Lang là “tập phóng sự có giá trị” (trang 48) nhưng lại dè bỉu lối văn cảm giác, yếu đuối, lâm ly, thiếu hùng tráng. Ông ý thức sâu sắc sự ích lợi của văn chương đối với người đời, văn chương giúp ta sống một cuộc đời rộng rãi hơn, thâm trầm hơn (trang 245). Nhà văn sĩ làm cho ta hiểu những điều ta chưa hiểu, gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có (trang 245).

Nói đến phương pháp phê bình của Hoài Thanh, chúng ta thấy ông bám sát văn bản, nội dung, hình tượng, ngôn ngữ, vẻ đẹp của từng câu từng chữ theo lối “văn bản học”. Ông quan niệm phê bình văn chương không phải là việc của anh bán sách, tránh kể lể cốt truyện dài dòng, mà phải tìm được cái đặc sắc, cái bất ngờ mà độc giả số đông không để ý tới; phê bình một cuốn sách không phải chỉ để những người chưa đọc sách ấy biết mà cả người đã đọc sách rồi, đọc bài phê bình vẫn hứng thú, những ý kiến phê bình có khi chính tác giả cũng không nghĩ đến (trang 38).

Phê bình theo lối văn bản học là cần thiết nhưng nếu chỉ thế thì sẽ thu hẹp sợi dây liên hệ giữa nhà văn với xã hội. Chúng ta đều biết hoạt động sáng tạo nghệ thuật có những tham số về tâm lý, về xã hội, về hệ thống tín hiệu liên quan tới xã hội, nhu cầu, thị hiếu công chúng. Vì vậy, đối tượng của phê bình không chỉ có văn bản mà còn hoàn cảnh xã hội nơi nhà văn sống, môi trường văn hóa sinh ra tác phẩm (xã hội học nghệ thuật), tâm lý của người đọc (tâm lý học nghệ thuật), ngay cả nghiên cứu văn bản thì ký hiệu học có quan hệ riêng của mình, ví dụ như cho thơ là dây chuyền tạo nghĩa trong đó có bề nổi và bề chìm, có ngôn ngữ mô phỏng và ngôn ngữ nội hàm, có cái nói ra và cái ẩn kín (ký hiệu học nghệ thuật).

Ở nước ta những bộ môn này phát triển chậm và ít phát triển nhưng khi vận dụng vào các ngành nghệ thuật thì cũng có một số đóng góp thiết thực. Dần dần, do nhiều nguyên nhân, nhất là do nhận thức sai lệch, do thiếu tri thức nghề nghiệp và năng khiếu mỹ học ở một số nhà phê bình, vào một thời điểm lịch sử nào đó, việc vận dụng trí thức xã hội học nghệ thuật thường trượt ra khỏi đường ray của con đường nghiên cứu phê bình mác xít, nên có hiện tượng thiên về miêu tả, bình giảng những cái ngoài nghệ thuật (xã hội học dung tục) hoặc ngược lại là đi quá sâu vào văn bản học một cách cứng nhắc mà quên rằng tác phẩm văn học, nghệ thuật vừa là đứa con tinh thần của nhà văn, vừa là sản phẩm của xã hội.

Thực trạng phê bình đó không thể không ảnh hưởng tới sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh. Cái thiếu hụt hôm qua (nhất là trong công trình “Thi nhân Việt Nam” và những tiểu luận viết về những nhà thơ mới) biến thành cái dư thừa của hôm nay là điều không lạ (nhất là trong những bài viết về ba tập thơ “Từ ấy”; “Việt Bắc”; “Gió lộng” của Tố Hữu).

Dẫu vậy, xét từ nhiều bình diện, Hoài Thanh vẫn là cây đại thụ phê bình văn học trong rừng văn hóa dân tộc, mà cái đáng quý hơn cả trong toàn bộ sự nghiệp của ông là con đường đi từ nỗi đau đời, ý thức dân tộc đến với chủ nghĩa Mác, mỹ học mácxít và đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Ghi chú: Xem Hoài Thanh: "Bình luận văn chương", NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998. Tất cả những đoạn trích dẫn trong bài đều lấy từ cuốn sách này, chỉ ghi số trang.

Hồ Sỹ Vịnh

Tin liên quan

Tin mới nhất