Đường đến thơ
(Thơ Võ Quang Diệm từ “Ký ức tình yêu” đến “Hương tình người xứ Nghệ”)
Duyên nợ thơ ca
Xuất thân là dân kỹ thuật (nhận học vị Tiến sĩ, Đại học Xây dựng Leningrad, 1987, Liên Xô trước đây); là học sinh giỏi toán từ phổ thông nên Võ Quang Diệm quyết chí theo nghề kỹ thuật để thuận cho sinh kế và tương lai con cái. Tất nhiên. Nhưng rồi anh bị Nàng thơ quyến rũ, song không theo lối “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Thơ anh bấu chặt lấy đời sống mà sinh thành, nói đúng hơn là tuân theo “triết lý lão thực”.
Tác giả Võ Quang Diệm
Trong vòng tám năm (2015 - 2023), Võ Quang Diệm đã trình làng văn sáu tập thơ: Ký ức tình yêu, Chốn quê neo đậu hồn tôi, Lời ru cho em, Bỗng dưng thèm trách mắng, Ta về lợp những mái che, Hương tình người xứ Nghệ. Võ Quang Diệm là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Cũng là một hiện tượng “rẽ ngang” thường thấy trong giới sáng tác nghệ thuật, không chỉ ở ta.
Phải nói rõ hơn, Ta về lợp những mái mái che (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023) và Hương tình người xứ Nghệ (Nhà xuất bản Văn học, 2023) là hai tập thơ mới nhất của Người thơ Võ Quang Diệm như một “cú đúp” văn chương. Có thể nói là một “điểm nhấn”, một “đại lượng” chữ nghĩa có ý nghĩa “thặng dư” rất đáng quan tâm trong bối cảnh nhiều người bi quan cho rằng văn chương nói chung, thơ ca nói riêng, đang “lâm nguy”. Tôi nghĩ khác, thơ ra đời như nó phải ra đời khi con người cần một cách giãi bày, chia sẻ, cảm thông và thậm chí là để phóng chiếu tinh thần của mỗi cá nhân trong một đời sống đầy những bể dâu - ngang trái, bất trắc, áp lực và nguy cơ tiềm ẩn.
Người Việt hôm nay có cái tính tự phụ, tự kiêu không phải lối, lúc nào cũng tự nhận mình là con người của văn minh kỹ thuật, của chốn thị thành náo nức hiện đại, nên sinh ra “sang chảnh” mà quên rằng “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê” (Nguyễn Bính - Chân quê).
Tôi thích cái cách bộc trực viết như nhà văn Sương Nguyệt Minh: “Tôi sinh ra ở nhà quê, lớn lên ở nông thôn. Ba mươi năm sống ở thủ đô Hà Nội, nhưng chưa bao giờ tôi là người thành phố của cây cơm nguội (…). Tôi luôn có một niềm tin vững chắc rằng: 30 năm, thậm chí 70 năm vẫn chưa đủ thời gian để biến một đứa trẻ đỏ hỏn ở xứ nghèo đồng chiêm trũng oằm oặp nước cả mùa giáp hạt Ninh Bình quê tôi trở thành một người Tràng An - Hà Nội” (Người chốn quê, Văn nghệ, số 1+2/2014). Tôi nghĩ, rất có thể Võ Quang Diệm cũng có cái tâm thế ấy, hành xử ấy.
Hồn quê chắt chiu hồn thơ
Một số tập thơ của Võ Quang Diệm
Thơ Võ Quang Diệm dựa trên cấu tứ “trở về” - về với cội nguồn quê hương xứ sở, gia đình mẹ cha, vợ con, anh em ruột thịt, bạn bè cùng trường lớp thầy cô, tuổi ấu thơ; cánh đồng và dòng sông thời thơ ấu lặn ngụp, với những sản vật dân dã khoai sắn ngô đậu, tương cà mắm muối… Vì sao lại trở về, nó có ngược với tâm thế phổ biến chỉ muốn “ra đi”, thậm chí “bỏ đi” như hiện nay không ít người sẵn sàng, vì “ở đâu sung sướng đó là quê hương”?! Bởi đã ra đi tận chân trời góc bể, vì đã tha hương, vì đã tục lụy, vì đã ăn cơm uống nước thiên hạ nên biết vị đắng chát chua cay của đời; vì đã nổi chìm bởi miệng thế gian như làn sóng biển...
Trở về là trở về với hồn quê, hồn làng, hồn cảnh, hồn người; trở về là về với nhân quần, những người dân bình thường lương thiện, những con người tử tế trong đời. Đừng nghĩ như thế thì thơ sẽ rơi vào “hướng ngoại”. Thật ra thì khó bề phân biệt hướng ngoại và hướng nội trong thơ hay.
Trở về nơi chôn nhau cắt rốn là mảng thơ đậm nét trong thơ Võ Quang Diệm. Tôi đã viết rất kỹ về mạch thơ này trong bài có tựa Hồn quê chắt chiu hồn thơ giới thiệu tập thơ Bỗng dưng thèm trách mắng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015). Đúng ra những bài thơ hay của Võ Quang Diệm khởi đầu đều viết về “quê hương là chùm khế ngọt”.
Tôi cũng có cái tâm thế như anh khi rời quê quán mới lên ba tuổi nói chưa sõi (1954), vì những lý do khách quan và chủ quan trong một cõi trần gian vật đổi sao dời, phi lý, đầy biến thiên, bể dâu. Nhưng vì tôi không làm được thơ về mảnh đất nơi mình sinh ra như Võ Quang Diệm. Nên mượn thơ anh để sẻ chia, đồng cảm.
Ai đó nói chí lý rằng, nhà văn là người có cái khả năng đặc biệt đem cái tình yêu thương của mình làm cho “lây” sang người khác một cách khéo léo và tinh tế, có sức lôi cuốn vô hình, bền lâu. Tôi có thể chọn ra một chùm thơ hay của Võ Quang Diệm về tình quê, hồn quê: Bức tranh quê, Sông Lam, Về quê, Thanh Lương quê mình, Chợ làng. Bằng một bàn tay năm ngón. Thơ viết về chốn quê mang vị chân quê, chân thành, chân chỉ, chân phương: “Tắm sông/ vắt kiệt phù sa/ Để cho đồng bãi/ mượt mà xanh tươi/ Về ăn “đặc sản” truyền đời/ “Cà chua nhút mặn”/ và nuôi chí bền” (Về quê).
Trở về với Bố Mẹ là “ngấn” đầu tiên trong những sải chân ngày đêm nung nấu nỗi niềm cố hương. Tác giả dành nhiều bài thơ viết trực tiếp, toàn phần về mẹ: Mẹ tôi, Mẹ là duy nhất đời con, Ước mong của mẹ, Kính mừng mẹ đại thọ 100 tuổi, Còn mẹ còn quê. Tác giả bài báo nhỏ này không có cái diễm phúc được lớn lên từng ngày trong vòng tay của mẹ (vì Người đã về “Cõi mây trắng” khi tôi mới ba tuổi). Nên khi đọc thơ Võ Quang Diệm bỗng thấy như tự mình viết về Mẹ: “Thơm ngon bổ nhất đời/ Chỉ có dòng sữa mẹ/ Không, không gì có thể/ Sánh tình mẹ yêu con/ Không gì ngọt ngào hơn/ Những lời ru của mẹ/ Thấm dần hồn con trẻ/ Từ nhân cách làm người/ Con mang theo bên đời/ Những điều nên mẹ dặn/ Giữa bao dung, trìu mến/ Là ánh mắt mẹ nhìn. (...)/ Duy nhất chỉ có mẹ/ Dõi từng bước con đi/ Người chẳng quản hiểm nguy/ Luôn chở che con trẻ/ Tình yêu thương của mẹ/ Mênh mông hơn biển trời/ Niềm hạnh phúc nhất đời/ Con là con của mẹ” (Mẹ là duy nhất đời con).
Nhiều người cứ định kiến cho rằng đưa “điệu nói” vào thơ sẽ làm thơ “phổ thông hóa”, hay “hạ cấp”. Xét đến cùng quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm, lý lẽ của nghệ thuật là lý lẽ của trái tim. Vì thế tôi thấy “điệu nói” trong trường hợp này lại đắc dụng, hiệu quả nghệ thuật cả trong những bài thơ khác như Ước mong của mẹ, Kính mừng mẹ đại thọ 100 tuổi, Còn mẹ còn quê... Một nhà văn lớn thế giới đã viết: “Không có người mẹ, không có mặt trời, không có thi ca, không có cả người anh hùng”. Viết về mẹ bằng ngôn ngữ thơ ca, nhà thơ luôn cảm thấy “những lời chưa đủ”.
Dân gian có câu “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Các bậc sinh thành chính là cội nguồn của cội nguồn. Lâu nay chúng ta chưa chú trọng hướng đạo trẻ thơ yêu trước hết ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Mỗi con người đều đầu tiên bước ra từ gia đình và sau đó trưởng thành từ nhà trường, xã hội, cuối cùng trở thành công dân toàn cầu hòa nhập thế giới.
Những bài thơ viết về bố cũng xúc động và thấm thía, như Bố tôi, Bên mộ bố. Tương tự, khi thơ “chạm” đến vợ con, đều tâm tình tha thiết (Viết cho vợ ngày sinh nhật, Biển và em, Sóng, gió và em, Chúc phúc các con, Dặn con...).
Theo tôi, thơ Võ Quang Diệm có “trường chữ” - vừa tập trung vừa tỏa rộng - đó là quê hương, gia đình, người ruột thịt hơn là hướng ra xã hội rộng lớn, nhân quần, thế sự nhân gian (dù số lượng bài thơ theo mạch này chiếm đến hơn bảy mươi phần trăm ). Nghĩa là giọng “trữ tình công dân” không nổi trội và ấn tượng bằng giọng “trữ tình riêng tư” trong thơ Võ Quang Diệm. Trong trường hợp này tôi không có ý bình giá ưu khuyết, mạnh yếu; chỉ muốn nói về sở trường và sở đoản của người viết văn làm thơ nói chung, hay nói cách khác là khi tiếp nhận nghệ thuật chúng ta cần biết rõ cái “tạng” của mỗi chủ thể sáng tác “mỗi người một vẻ”, còn “mười phân vẹn mười” hay không thì hạ hồi phân giải.
Đường đến thơ với Võ Quang Diệm đã rõ như dưới thanh thiên bạch nhật.
Tìm trong lục bát
Nói hồn quê chắt chiu hồn thơ Võ Quang Diệm, còn vì một lẽ khác - ấy là cái cách anh tìm đến hình thức lục bát truyền thống của thơ để thể hiện tư tưởng và tình cảm của một con người sống trong thời đại văn minh kỹ thuật. Lục bát sẽ trở nên hình thức trong tay những ai thích chuộng sự cân đối, vần vè, thích thơ mình để cho độc giả dễ nhớ, dễ thuộc. Nhưng lục bát hay thực sự đòi hỏi người làm thơ phải biết cách “chiết xuất” truyền thống của kho tàng bất tận ca dao, của vốn liếng thơ ca truyền thống kỳ vĩ từ các Cụ Nguyễn Du đến Nguyễn Bính. Và đây là hiện tượng đáng chú ý: đa số bài thơ hay trong các tập thơ đều khoác bộ “xiêm áo” độc đáo - lục bát.
Tôi không nghĩ Võ Quang Diệm chọn con đường bằng phẳng để đi trong thơ lục bát, trái lại. Bởi thơ lục bát “dễ viết khó hay”. Nếu ai đọc một cách có chú tâm, có suy ngẫm và so sánh sẽ thấy lục bát trong tay Võ Quang Diệm khá biến ảo, nói khác đi là anh biết biến báo để cho lục bát có cơ “phá cách”, trở nên “tung tẩy” hơn, phóng khoáng hơn, ví như: “Mùa thu là của đất trời/ Em đem rao bán/ Anh người hỏi mua/ Liệu em thách mấy cho vừa/ Một năm chỉ có một mùa thu thôi/ Chỉ xin em giữ lấy lời/ Thả con bươm bướm về trời trong xanh/ Trời thu mây biếc gió lành/ Dập dìu chim bướm lượn quanh rừng vàng. (...). Anh mua thu/ Mua đam mê/ Thứ đông không có/ Xuân hè cũng không/ Miễn là em được thỏa lòng/ Và em thoát cảnh đèo bòng đa mang/ Từ nay anh có thu vàng/ Hương thu lan tỏa mênh mang đất trời” (Mua mùa thu). Hình thức lục bát, tứ thơ độc đáo, tình cảm chân thành đã chắp đôi cánh cho bài thơ bay cao, ngân rung tha thiết và nhiều dư ba.
Đường đến thơ với Võ Quang Diệm đã rõ như dưới thanh thiên bạch nhật.
Lời mở Những năm gần đây, hoạt động văn hóa - giáo dục của nước ta nói chung và chất lượng sách giáo khoa (SGK) nói...
Bình luận