Hình ảnh ngày 30 tháng 4 trong sáng tác của các nhà thơ "Nhà số 4"

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một ngày trọng đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX. Đó là ngày của niềm vui chiến thắng, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Mĩ kéo dài đằng đẵng mấy chục năm trời; đó là ngày hội độc lập non sông tưng bừng khi hai miền Nam Bắc lại nối liền một dải như chưa từng bị chia cắt. Và đó cũng là ngày của hòa bình khi người lính đã có thể buông khẩu súng và trở về nhà với gia đình sau khi làm bổn phận với quốc gia, dân tộc.

Với những ý nghĩa lớn lao đó, nên không ngạc nhiên khi ngày 30 tháng 4 là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều nhà thơ, đặc biệt là thế hệ nhà thơ - chiến sĩ thời kháng chiến chống Mĩ, những người trực tiếp cầm súng chiến đấu và trải qua ngày lịch sử ấy. Các nhà thơ thời chống Mĩ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Nhà số 4) cũng không ngoại lệ.

Hình ảnh ngày 30 tháng 4 trong sáng tác của các nhà thơ "Nhà số 4" - 1

Cùng với cả nước, Sài Gòn ngợp cờ hoa, biểu ngữ ăn mừng chiến thắng. Ảnh: Tư liệu

Trong Trên đường phố, nhà thơ Xuân Sách diễn tả niềm vui sướng lâng lâng của mình và đoàn quân cách mạng khi Sài Gòn được giải phóng. Niềm vui quá lớn khiến tác giả ngỡ như mình đang lạc vào trong một giấc mơ, tâm hồn hóa trẻ thơ: Đường phố xôn xao đỏ rợp cờ /Người đi vừa thật lại vừa mơ /Nửa đời cầm súng đi đánh giặc /Nay bỗng hồn nhiên như trẻ thơ. Cũng Trên đường phố Sài Gòn ngày thống nhất, nhà thơ Vương Trọng lại khắc họa giây phút tình cờ gặp lại nhau của người lính giải phóng quân với người con gái giao liên ngày nào. Những người đồng chí đồng đội gặp nhau gặp gỡ mừng mừng tủi tủi, niềm vui dâng trào.:

- Xin chào cô gái giao liên

Lạ chưa, quên mất người quen ngày nào!

(Phố đông có dễ nhận đâu

Trách em cũng chỉ một câu trách đùa).

Em nhìn đôi mắt mở to:

- Ơ kìa, anh cũng đã vô đây rồi!

Mới đi một quãng đường thôi

Mà em gặp được bao người khách quen.  

Nhà thơ Hữu Thỉnh lại có một tứ thơ độc đáo khi viết về bữa cơm chiều của người lính xe tăng sau phút giây lịch sử tiến vào chiếm đóng dinh Độc Lập trong bài thơ Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập: Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà/ Trời còn đầy ắp hoa và pháo/ Nhìn nhau chưa vội mở vung ra. Đó là bữa cơm đặc biệt khi có vị khách đặc biệt: Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận/ Chia thêm tổng-thống-ngụy-đầu-hàng. Đó là bữa cơm của niềm vui chiến thắng. Niềm vui lớn lao ấy khiến những người lính xe tăng thường xuyên “buông đũa” để ngắm nhìn bầu trời Sài Gòn mênh mông, hít thở bầu không khí của hòa bình với niềm tự hào là binh chủng đã cắm cờ trên nắp dinh Độc lập: Kìa gắp đi anh, ai nấy giục/ Có gắp chi đâu, mải ngắm trời/ Tự do xanh quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi/ Bỏ lại đằng sau bao trận đánh/ Kịp vào thành phố sáng tên Người/ Độc lập theo tăng vào cổng chính/ Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!

Cũng trong tâm trạng chộn rộn, ngất ngây hạnh phúc khi đất nước thống nhất, khi Sài Gòn về đêm, nhà thơ Anh Ngọc đã có liên tưởng thú vị về người lính giải phóng và thành phố. Nhà thơ tự nhận: Chúng tôi là một mảng màu xanh/ Trong rực rỡ bức tranh Sài Gòn đêm giao hưởng (Sài Gòn đêm giao hưởng). Trong suy tưởng của nhà thơ, thành phố Sài Gòn ngày độc lập như một bản giao hưởng đẹp đẽ nhất, xoa dịu tâm hồn người lính sau bao năm dài chiến tranh đằng đẵng, thắp lên trong trái tim người lính ngọn lửa về tình yêu, về hạnh phúc, ước mơ về một ngày mai tươi sáng, êm đềm: Cát bụi đường xa, khẩu súng, ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bỗng trầm cung bậc tìm nhau/ Phút này đây ta giành trọn cho nhau/ Anh trọn của em đến tận cùng ý nghĩ/ Giai điệu đẹp cho hồn em cao quý/Anh nhắm mắt và uống cạn suối âm thanh/ Xanh như dòng sông ấy xanh xanh/ Đàn nhạc dây thổi vào ngọn gió/ Không sóng cho lòng lên tiếng vỗ/ Sài Gòn trong anh là ô nhịp bình yên (Sài Gòn đêm giao hưởng).

Hình ảnh ngày 30 tháng 4 xuất hiện nhiều trong các sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhất là trong các trường ca. Ở trường ca Sư đoàn, nhà thơ đã dành hẳn chương 4 Cánh rừng vào thành phố để khắc họa ngày 30 tháng 4. Điều này phản ánh ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày toàn thắng trong bản trường ca. Qua bốn phần Ngày 30 tháng 4 – Hành quân thần tốc – Trận cuối cùng – Diễu binh, thông qua thủ pháp thời gian đồng hiện và hàng loạt hình ảnh mang tính chất biểu tượng như đất, ngọn cờ, khẩu súng, người lính... nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã có những hình dung về một ngày 30 tháng 4 theo cách của riêng mình. 

Với ông, ngày 30 tháng 4  là ngày của niềm vui giải phóng, là giây phút hoa đào gặp gỡ hoa mai, của chiến tranh qua đi, hòa bình ở lại, nụ cười chiến thắng, nước mắt đoàn viên: Trăng trên trời rơi xuống buổi đoàn viên/ Rơi xuống mái nhà chồng Nam, vợ Bắc/ Đây mặt đất mùa hòa thay áo khoác/ Pháo hoa bay lên nước mắt, nụ cười/ Tiếng trống vỗ như mở đầu kết thúc/ Hòa bình về/ Cuộc chiến tranh qua

Ngày 30 tháng 4 còn là ngày chứng minh cho sức mạnh vô địch của quân đội ta. Quân đội ta đã có cuộc hành quân hùng vĩ nhất từ trước đến giờ, trải dài từ Bắc vào Nam: Cuộc hành quân đi từ phương Bắc đến phương Nam/ Bánh xe lăn suốt hai vùng đất, đã chiến đấu và chiến thắng đối thủ sừng sỏ nhất. Ngày 30 tháng 4 cũng là ngày mở ra một thời đại mới, kỉ nguyên mới cho dân tộc. Qua hình dung nghệ thuật độc đáo của nhà thơ, trận chiến ngày 30 tháng 4 tựa như một cơn sinh thành của người mẹ. Phải chịu bao đau đớn, vật vã để cho ra đời một thời đại mới, hòa bình, độc lập, tự do: Trời rung chuyển mọi hành tinh xa lạ/ Đất vặn mình, quặn thắt từng cơn/ Như người mẹ sinh con vật vã/ Hòa bình ra đời cùng buổi sớm mai lên.

Ngày 30 tháng 4 cũng là ngày tôn vinh, tưởng niệm những người lính đã anh dũng ngã xuống vì tổ quốc trước cánh cửa hòa bình: Xin đặt vòng hoa: thắp nén hương tưởng niệm/ Có khoảng trời xanh dưới đất nâu/ Một mét vuông kẻ nằm người đứng/ Nhưng hòa bình từ nay về ta.

Không chỉ dừng lại ở không gian Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu còn mở rộng cột mốc 30 tháng 4 sang một vùng không gian khác cũng rất đỗi thiêng liêng, anh hùng của đất nước: Không gian Côn Đảo. Trong trường ca Côn Đảo, nhà thơ cũng dành hẳn chương 3 Giải phóng viết về những sự kiện xảy ra trên hòn đảo ngục tù trong ngày lịch sử ấy. Đúng như tên gọi, ngày 30 tháng 4 ở Côn Đảo là ngày giải phóng những người tù cách mạng kiên trung khỏi xiềng xích, giam cầm: Đêm 30 tháng 4/ Cửa nhà tù mở toang như đá lở/ Rồi rất nhiều ánh lửa thắp lên/ Thay cho pháo hoa kín trời kín đất/ Đêm đầu tiên Côn Đảo phá tung xiềng. Trong ngày độc lập, nếu cảm xúc chủ đạo của người lính chiến ở Sài Gòn là lâng lâng niềm vui sướng thì ở không gian ngục tù như Côn Đảo, tâm tư tình cảm của người tù cách mạng lại là một màu sắc riêng, pha trộn giữa nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu rất tinh tế khi miêu tả nỗi nghẹn ngào, xúc động khi gặp nhau của những người bạn tù khi thoát khỏi xiềng xích: Cánh tay gầy choàng ôm vai lép/ Nhận ra nhau qua giọng nói nghẹn ngào; cảm giác bồi hồi, xót thương những người đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất này: Ngọn cờ cầm tay, chùm hoa vừa hái được/ Họ đi về nghĩa địa Hàng Dương/.../ Xa nhau đã mấy năm liền/ Chết không gặp mặt nay tìm thăm nhau/ Cỏ xanh che kín đất nâu/ Miên man màu cỏ hóa màu trời xanh và sự lưu luyến, bịn rịn không dời, không nỡ xa nhau khi chia tay về về với đất liền của những người đã cùng nhau đi qua những tháng năm gian khổ nhất cuộc đời: Chưa có cuộc chia tay nào dài thế/ Người với người/ Người với đất xa nhau/ Phút gặp lại cờ bay rợp bóng/ Khuôn mặt đầm nước mắt hóa mưa ngâu.

Có thể nói, thông qua tài năng thơ ca của các nhà thơ ở Nhà số 4, ngày 30 tháng 4 đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật quan trọng, có tính chất nhận diện của dòng văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng bề thế. 

Đoàn Minh Tâm

Tin liên quan

Tin mới nhất