Khát vọng hoà bình, thống nhất của Bác Hồ qua “Di chúc” và “Thư chúc mừng năm mới 1969”

Năm 1946, trả lời các nhà báo, Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc này đang ở cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bộc bạch: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Năm 1954, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước. Từ đây, nỗi đau đất nước bị chia cắt làm hai miền cùng niềm khao khát hoà bình, thống nhất trở nên thường trực, đau đáu khôn nguôi, trở thành ước mơ, ham muốn tột bậc của Bác. Nỗi niềm ấy được thể hiện qua nhiều tác phẩm, lời phát biểu. Trong đó, “Di chúc” và “Thư chúc mừng năm mới 1969”, hai trong số những tác phẩm cuối cùng của Bác, đã thể hiện một cách sâu sắc, cảm động tấm lòng của Người.

Di chúc là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong cuộc đời cách mạng của Bác Hồ. Bác khởi viết Di chúc vào ngày 15/5/1965 khi Người đã 75 xuân và bắt đầu sửa lần cuối vào ngày 10/5/1969. Trong vòng 10 ngày liên tục (10 đến 19/5/1969, sinh nhật cuối cùng của Bác), ngày nào Bác cũng dành trọn một giờ đồng hồ (từ 9 đến 10 giờ sáng) để đọc đi đọc lại, sửa chữa kỹ càng văn bản Di chúc. Điều này phần nào nói lên sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của Bác trong việc để lại di chúc cũng như những nội dung quan trọng mà Người muốn gửi gắm, căn dặn đồng bào cả nước trước lúc đi xa.

Thông thường, mở đầu một di chúc, người lập di chúc thường nói đến các vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, Bác lại mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng những lời về cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi quyết liệt. Bác khẳng định bằng một niềm tin sắt đá về kết quả toàn thắng nhất định thuộc về ta: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn!”.

Khát vọng hoà bình, thống nhất của Bác Hồ qua “Di chúc” và “Thư chúc mừng năm mới 1969” - 1Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28/2/1969. Ảnh tư liệu

Sự khẳng định này chính là một phương diện khác của ước mơ nước nhà độc lập, thống nhất luôn thường trực, cháy bỏng trên cơ sở sự tin tưởng tuyệt đối, khả năng nắm rõ tình hình và thiên tại dự đoán của Bác về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Tiếp sau những lời quả quyết hùng hồn trên, Bác nói đến ước mơ đơn sơ của mình: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Thật cảm động biết bao, cả trong một thoáng dự định cho bản thân bác cũng nghĩ đến đồng bào, đất nước, đến cái chung, đại cục. Và trên hết, ta vẫn thấy ước mơ về một ngày miền Nam ruột thịt hoàn toàn giải phóng, hai miền Bắc - Nam thống nhất, đất nước gấm hoa lại thu về một mối cứ thôi thúc, nung nấu trong tấm lòng, trong mọi suy nghĩ của Người qua dự định “đi thăm khắp hai miền Nam Bắc”.

Trong Di chúc, Bác đề cập đến nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Người dành khá nhiều dung lượng cho vấn đề “kháng chiến chống Mỹ”. Bác dự đoán những khó khăn, gian khổ không thể tránh khỏi của cuộc kháng chiến trường kỳ: “CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người”. Người động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta: “Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. […] Dù gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Người tin tưởng: “Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước ta”.

Đặc biệt, người không giấu niềm tin sắt đá cùng khát khao nung nấu về ngày thống nhất hai miền: “Tổ quốc ta nhất định thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Có lẽ đây là nội dung Bác cảm xúc nhiều nhất nên đây là phần duy nhất trong Di chúc Người viết thêm thơ (theo hình thức tập Kiều): “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”!

Cuối bản Di chúc thiêng liêng, Bác lại nhắc đến một lần nữa ước muốn đất nước hòa bình, thống nhất, vững bền qua lời căn dặn của Người đối với toàn Đảng, toàn dân: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Có thể thấy, trong một văn bản với dung lượng không dài, với rất nhiều nội dung hệ trọng bắt buộc phải đề cập đến, thuộc thể loại di chúc - một thể loại mang tính chất cá nhân, Bác bốn lần đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: hùng hồn, quả quyết, thiết tha, tin yêu, ân cần căn dặn… Có thể nói, Di chúc là một trong những tác phẩm thể hiện sâu sắc nhất ước mơ hòa bình, thống nhất miền Nam của Bác Hồ.

Từ năm 1941 trở về nước lãnh đạo cách mạng cho đến khi qua đời, Bác Hồ đã làm 22 bài thơ chúc Tết. Đây là di sản quý báu của Người để lại cho dân tộc ta. Thơ chúc Tết của Bác “là tiếng gọi của non sông, là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, là mệnh lệnh của trái tim được Bác truyền cho cả dân tộc […], chứa đựng trong đó những phong tục tập quán đẹp và thiêng liêng, […] mang tính dự báo của tư duy cách mạng, sự linh ứng tuyệt vời giữa quy luật trời đất, thiên nhiên quyện với lịch sử phát triển của dân tộc ở một nhà tiên tri, nhà cách mạng vĩ đại” (Đặng Duy Báu). Trong lịch sử văn học Việt Nam, với 22 bài thơ chúc Tết này, Bác Hồ trở thành một trong những nhà thơ thuộc loại hình thi nhân - lãnh tụ lớn nhất của dòng thơ xuân, thơ chúc Tết.

Bài thơ trong Thư chúc mừng năm mới 1969 gồm 6 dòng viết theo thể lục bát là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác trước lúc lên đường đi xa, được xem là một “bản di chúc bằng thơ” đầy cảm động của Người:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ, đồng bào

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

“Bài thơ vừa mang tính triết lý, tình thực tiễn; vừa là phương châm hành động cách mạng; vừa là lời hiệu triệu mà lại thể hiện được tư tưởng, tình cảm và sự tiên đoán tài tình về ngày thống nhất đất nước” (Đặng Duy Báu) của Bác. Đặc biệt, trong lời thơ giản dị mà đầy uy lực, qua lời hiệu triệu non sông hùng hồn mà như chia sẻ, tâm tình, ta còn thấy ở Bác nỗi khát khao, niềm ước ao mãnh liệt về nền hòa bình, thống nhất hai miền. Người tin tưởng cách mạng ta sẽ “thắng lợi vẻ vang”, “thắng to”. Người tin tưởng vào nền “độc lập”, “tự do” của nước nhà. Người ra chiến lệnh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Người ra lời hiệu triệu: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào”. Và Người tin tưởng, ước mơ về ngày chiến thắng khải hoàn: “Bắc Nam sum họp”.

Ta chú ý cách Bác so sánh trong câu thơ cuối: Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn. Tự cổ chí kim, nhất là trong truyền thống văn hóa phương Đông, mùa xuân luôn là mùa của sức sống mới, của sự khởi đầu, mùa của lễ hội, của niềm vui. Bởi đó, nói đến xuân, Tết là nói đến niềm vui và người ta lấy mùa xuân, ngày tết làm chuẩn mực cao nhất cho niềm vui trong cuộc sống: Vui như tết. Nhưng với Bác, có một niềm vui lớn hơn, cao hơn, làm chuẩn cho cả niềm vui ngày xuân. Đó là niềm vui miền Nam thống nhất, giang sơn thu về một mối, Bắc Nam lại sum họp một nhà… Thế mới thấy niềm tin, ước mơ về nền hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà của Bác lớn lao, bỏng cháy đến dường bao.

Sinh thời, Bác Hồ dành cho miền Nam những tình cảm vô cùng lớn lao, đặc biệt. Không chỉ “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhớ nhà” như nhà thơ Tố Hữu đã viết, Người còn xem miền Nam thân yêu là ruột thịt, máu mủ: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Không ít lần Người trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Bác đi xa khi chưa kịp nhìn nhìn thấy ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng chắc hẳn, nơi “thế giới người hiền”, Bác Hồ kính yêu của chúng ta sẽ “ngậm cười” thỏa lòng.

Bởi với niềm tin son sắt vào cách mạng cùng nhãn quan chính trị tài tình, khả năng quan sát và dự báo thiên tài, trước lúc đi xa Người đã biết trước được chiến thắng tất yếu của cách mạng ta. Và hơn hết, vẫn “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, bởi “lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng” (nhạc sĩ Phạm Tuyên). Và bởi khát vọng, ước mơ về nền hòa bình, độc lập, thống nhất, vững bền, giàu mạnh của nước nhà mà Bác gửi lại, qua những tác phẩm, qua mỗi di sản của Người vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc ta.

Bích Thùy

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.