Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Kiến trúc sư vĩ đại của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam
Lãnh tụ Hồ Chí Minh là kiến trúc sư đặt nền móng kiến thiết nền báo chí cách mạng, nền văn học cách mạng Việt Nam thời hiện đại.
Trước hết, cần nói đến tầm kích chính là phẩm tính văn hoá Hồ Chí Minh - “Bậc đại nhân, đại trí, đại dũng” (nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng ca ngợi tác giả thi phẩm Nhật ký trong tù). Thủ tướng Phạm Văn Đồng có cách diễn đạt khái quát về cái riêng và cái chung: “Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một sự nghiệp”.
Trên thế gian này, trong nhân loại này một con người hội tụ cả ba phẩm tính tuyệt đích ấy thường “xưa nay hiếm”. Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez với tuyệt tác thơ ca Hồ Chí Minh - Tên Người là cả một niềm thơ được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của văn nghệ sĩ thế giới viết về Anh hùng giải phóng dân tộc - Nghệ sĩ Hồ Chí Minh như một suối nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Trên báo Ogoniok (Tia lửa) của Liên Xô trước đây (số 39, ra ngày 23/12/1923), nhà thơ, nhà báo Xô Viết tài năng Osip Mandelstam trong bài Thăm một chiến sĩ Quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã tiên cảm về con người bình thường mà vĩ đại này như sau: “Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”.
Với một dự cảm đặc biệt của một nhà thơ, nhà báo có năng lực tiên tri, Osip Mandelstam đã phát hiện ra phẩm tính văn hoá Việt Nam tiêu biểu nhất và đồng thời cũng kết tụ được tinh hoa văn hoá nhân loại trong một con người - Nguyễn Ái Quốc - người mà tất cả quốc dân (nghĩa đồng bào) Việt Nam yêu nước nào cũng đồng lòng gọi bằng một cái tên kính yêu: Bác Hồ.
Nhà thơ Xô Viết đã thực sự xúc động sâu sắc khi viết tiếp: “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”. Những phạm trù “Văn hóa tương lai”, “Tình hữu ái toàn thế giới” mà nhà báo, nhà thơ Mandelstam phát hiện ở Nguyễn Ái Quốc cách nay vừa tròn một thế kỷ chứng thực tinh thần “đón đầu”, “dự báo” mang ý nghĩa triết học - văn hóa của phát triển bền vững.Nhân loại từng nói đến tiềm năng kết tinh, hội tụ và tự sinh như là phẩm tính văn hoá của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết về vẻ đẹp này trong những câu thơ chân thành và sâu sắc: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, “Ta bên Người/ Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” (Sáng tháng Năm, 1951). Năng lực chiếm lĩnh văn hoá đã nâng con người Hồ Chí Minh lên ngang tầm vóc dân tộc và nhân loại trong thế kỷ XX.
Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích từ Tập biên bản của Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Paris, ngày 20/10/1987 do UNESCO xuất bản năm 1988, trang 144) ghi rõ: “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hoá của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang chụp cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh là kiến trúc sư đặt nền móng kiến thiết nền báo chí cách mạng, nền văn học cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác (bằng tiếng Pháp) truyện ngắn và ký tiêu biểu phổ biến trên báo chí ở Pháp, sau này được tập hợp in trong Nguyễn Ái Quốc -Truyện và ký (nhà văn Phạm Huy Thông dịch, NXB Văn học, 1974).
Sinh thời với tinh thần khiêm tốn, không thích tự nhận mình là một nhà văn, nhưng di sản văn chương của Người để lại đã đạt tới sự kết tinh của những thành tựu lớn trong mọi lĩnh vực truyện, kí, kịch, đặc biệt là thơ ca (tiêu biểu nhất là Nhật ký trong tù (1942 - 1943, như một “bức chân dung tinh thần tự họa bằng thơ”), áng hùng văn trở thành Quốc bảo - bản Tuyên ngôn Độc lập (1945).
Khi nói đến văn hóa nhà văn, chúng ta cần quan tâm đến ứng xử của Người đối với văn nghệ sĩ xét trên ba cấp độ sau: cấp độ của người lãnh đạo và người được lãnh đạo, cấp độ của người sáng tác với người sáng tác, cấp độ giữa con người với con người.
Trước hết ở cấp độ thứ nhất, chúng ta thấy Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường tiên phong: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, 1946): “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, viết ngày 10/12/1951).
Tuy nhiên trước đó rất lâu, trong bài Cảm tưởng đọc thiên gia thi (Nhật ký trong tù, 1942 -1943), Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tuyên ngôn bằng thơ: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Với tư cách Lãnh tụ cách mạng, tất nhiên Hồ Chí Minh cần công khai và thẳng thắn thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về văn học nghệ thuật.
Về phía các nhà văn, những người được lãnh đạo, thực tế đã chứng minh rất rõ, họ tự nguyện tiếp nhận quan điểm chỉ đạo này và hăng say sáng tác phụng sự kháng chiến theo phương châm “Kháng chiến hoá văn hoá. Văn hoá hoá kháng chiến” (khẩu hiệu do Người nêu lên trong Hội nghị văn hóa lần thứ hai, 1948). Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người tinh tế khi “đưa nghệ thuật vào chính trị” vì: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (khác hẳn lối “đưa chính trị vào nghệ thuật” một cách cứng nhắc, kiểu “Văn nghệ phục vụ chính trị”).
Là Lãnh tụ đồng thời là một nghệ sĩ ngôn từ đích thực, Người đã thể hiện năng lực chiếm lĩnh nghệ thuật trên các lĩnh vực khác nhau: nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật tạo hình. Nhiều câu chuyện được ghi lại (in trong sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, NXB Hội Nhà văn, 2010; Nguyễn Thanh Tú: Hồ Chí Minh - Một tâm hồn nghệ sĩ, NXB Hội Nhà văn, 2015) là bằng chứng sinh động về mối quan hệ đặc biệt, chỉ có ở Việt Nam, giữa một Lãnh tụ thiên tài với giới văn nghệ sĩ - chiến sĩ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), trên cương vị Chủ tịch nước làm việc với tinh thần “dĩ công vi thượng” toàn tâm, toàn ý, toàn lực, nhưng Người vẫn dành tình cảm cho văn chương, đặc biệt là thơ ca. Thơ Người ánh phản một tâm hồn tinh tế, rộng mở, phóng khoáng, gắn bó với thiên nhiên, tựa như: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau/ Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu/ Ấy tin thắng trận liên khu báo về” (Tin thắng trận); hoặc như: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Nguyên tiêu).
Trong tâm cảm của Người “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”. Trong chùm thơ xuân viết sau 1954 (sáu bài), hai chữ “Miền Nam” luôn ngân vang lên như một nốt nhạc cao thặng dư âm hưởng nghĩa tình để cuối cùng thỏa lòng mong ước: “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” (Mừng xuân 1969).
Nhà văn Trần Đình Vân, tác giả Sống như Anh (Truyện ký, 1965) viết về tấm gương của Anh hùng - Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, đã kể lại xúc động sự kiện cùng nhà văn Phan Tứ (tức Lê Khâm) từ chiến trường miền Nam ra thăm miền Bắc được gặp Bác Hồ ở Hà Nội. Bức ảnh Bác Hồ chụp cùng các nhà thơ, nhà văn Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân, có thể nói, là biểu tượng của cái đẹp, của tình cảm như trời cao biển rộng của Lãnh tụ với văn nghệ sĩ - chiến sĩ Việt Nam thời đại cách mạng.
Khi nói về quan hệ giữa Lãnh tụ và nghệ sĩ không gì sinh động và thuyết phục hơn được nghe/đọc lại câu chuyện của những người trong cuộc có điều kiện, cơ hội gần gũi Bác Hồ kể lại, như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong Nhớ lại một thời (Hồi ký, NXB Hội Nhà văn, 2000): “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, do yêu cầu an toàn nên thường thay đổi chỗ ở. Nhưng dù ở đâu, nơi ở của Bác cũng phải có cây xanh bóng mát, nguồn nước suối trong. Vào một ngày tháng 5 năm 1951 đáng nhớ ấy, tôi được Bác gọi lên làm việc. Lần đầu tiên ở chiến khu được đến gặp Bác, tôi rất hồi hộp. Cảnh Việt Bắc vào đầu hè trời trong sáng, bốn bề một màu xanh ngút mắt.(...). Thấy tôi đến, Bác gọi vào và bắt tay dịu dàng. Tôi hết sức cảm động khi được nắm bàn tay của Người, bàn tay nồng ấm, và ngay lập tức, nó cho ta cái cảm giác gần gũi, thân tình. (...). Bác viết xong, quay lại hỏi tôi: “Công việc của chú thế nào? Chú làm tuyên truyền mà ở trong rừng núi thế này thì nói với ai, và làm sao mà thấy được quân dân ta đánh giặc ra sao?”. Vậy là Bác đã nói với tôi một vấn đề mà chúng tôi đang cảm thấy khó xử”.
Sự kiện (câu chuyện này) gợi nhớ đến bối cảnh ra đời bài thơ Sáng tháng Năm được Tố Hữu viết vào mùa hè năm 1951, với những câu thơ nồng ấm tình cảm giữa Lãnh tụ và văn nghệ sĩ: “Vui sao một sáng tháng Năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn/ Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ/ Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/ Lát rồi chim nhé, chim ăn/ Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà”.
Sự kiện này cũng đồng thời nhắc nhở văn nghệ sĩ cần suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo, tích cực thực hành phương châm “sống đã rồi hãy viết”, hoặc “đến những nơi tiên tiến, viết về những con người tiên tiến”, vừa có ý nghĩa thời sự vừa có ý nghĩa lâu dài.
Không chỉ dành tình cảm đủ đầy sâu sắc cho văn nghệ sĩ với tư cách đồng nghiệp cùng “đồng ý, đồng chí, đồng tình”, Lãnh tụ Hồ Chí Minh còn chia sẻ các “bí kíp” (kỹ thuật) tác nghiệp nghề văn: “Lúc viết được báo rồi, lại có ý muốn là viết truyện ngắn. Đó là một sự cả gan. Dám viết thử, là vì có một hôm xem hai quyển truyện nhỏ, một của Anatôn Phrăngxơ, một quyển nữa là của ông Tônxtôi. Xem thấy các ông ấy viết giản đơn lắm, dễ hiểu lắm. Thử viết một truyện ngắn về đời sống của công nhân Pari mà mình biết rất rõ vì tự mình cũng là công nhân. Viết xong đưa đến ban văn nghệ của báo Đảng là báo Nhân đạo và nói với các đồng chí ấy: “Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí cho đăng, chỗ nào cần phải sửa, thì nhờ các đồng chí sửa cho, tôi không có tính tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”. Truyện ấy được đăng lên báo. Đó là lần thứ hai mà mình thấy sung sướng. Rồi mình chỉ viết truyện thật ở nước ta và ở các nước thuộc địa. (...). Cách mạng Tháng Tám thành công, viết bài Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là lần thứ ba mà mình thấy sung sướng” (Cách viết - Dẫn theo Hà Minh Đức: Báo chí Hồ Chí Minh - Chuyên luận và tuyển chọn; Tái bản lần thứ hai, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, trang 272 - 273).
Trong quan hệ của Lãnh tụ Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, xét về phương diện tư tưởng nghệ thuật, Người luôn chú ý dẫn dắt giới sáng tác hướng về nhân dân như một đối tượng quan trọng nhất của nghệ thuật chân chính. Quan niệm của Người đã thấm đượm vào nhận thức tư tưởng - tình cảm của văn nghệ sĩ.
Trong Lời đề tựa tập thơ Việt Bắc (1946 - 1954), nhà thơ Tố Hữu viết: “Nhân dân là bể/ Văn nghệ là thuyền/ Thuyền xô sóng dậy/ Sóng đẩy thuyền lên/ Thuyền ra khơi xa/ Gió căng buồm lộng/ Buồm là lao động/ Gió là Đảng ta”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kể chuyện về những chuyến công tác được chụp ảnh Bác, Bác đều nói: “Chụp Bác làm gì, quay máy ra ngoài mà chụp nhân dân” (Dẫn theo Nguyễn Thanh Tú: Hồ Chí Minh - Một tâm hồn nghệ sĩ, NXB Hội Nhà văn, 2015, trang 298).
“Quay máy ra mà chụp nhân dân” - câu nói giản dị như chân lý. Nếu chúng ta nhớ lại một trong ba nguyên tắc/ phương châm lớn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, năm 1943 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo là “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa”. Nếu như hiện nay trong lý thuyết văn học, khi bàn về các “tính”, giới nghiên cứu dè dặt (nếu không nói là lảng tránh) khi chạm đến “tính giai cấp” thì lại sôi nổi luận về “tính nhân dân”, cao hơn thế là “tính dân tộc” và “tính nhân loại”.
Nếu có sự thờ ơ của công chúng với các loại hình nghệ thuật hiện nay trong thực tế thì cần truy tìm nguyên nhân chính ở sự xa rời đời sống nhân dân cần lao của những sáng tác nhạt nhòa, yếu kém cả về nội dung tư tưởng, cả về chất lượng nghệ thuật. Nhà thơ kiệt xuất của đất nước Hungary S.Petofi đã viết: “Một tay cầm đòn cày/ Một tay mang gươm giáo/ Người dân thường suốt đời/ Đổ mồ hôi và máu/ Để đổi lấy đói nghèo” (Thường dân).
Khoảnh khắc quý giá “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”.
Trong chiều dài lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023), lực lượng văn nghệ sĩ Việt Nam với tinh thần đồng hành cùng nhân dân, đất nước đã ghi nhớ công lao trời biển của Lãnh tụ Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam, của nền văn học nghệ thuật cách mạng việt Nam thế kỷ XX.
Những thành tựu mà văn nghệ sĩ nước nhà đạt được trong ba phần tư thế kỷ qua chính là nhờ trước hết đồng tâm hiệp lực thực hiện triệt để lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Vì thế có thể khẳng định, bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp trong sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 9 năm 1960, tại Hà Nội (hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia) là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, bất hủ của nền nhiếp ảnh Việt Nam thời hiện đại, ghi lại thành công một khoảnh khắc đã đi vào lịch sử cái đẹp của MỘT CON NGƯỜI VIẾT HOA, biểu trưng cho quan hệ tuyệt đỉnh giữa Lãnh tụ và văn nghệ sĩ Việt Nam thời đại cách mạng. Vì thế “Nghệ thuật chính là cái đẹp” được coi như một tiên đề trong toán học.
Gắn với sự phát triển của nền ca khúc hiện đại Việt Nam, hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng...
Bình luận