Mùa gặt ở Na Lin

Câu nói của bà mẹ tràn vào lòng anh như dòng nước tràn vào hồ nước đang đầy. Những cảm xúc về mùa gặt ở làng quê đang dào dạt trong anh. Mùa gặt! Phải, mùa gặt không chỉ là mùa thu hoạch công sức đã nở hoa kết quả của mình. Mùa gặt còn là lúc người ta bộc lộ đầy đủ nhất những nhân phẩm cao quý của mình. Mùa gặt là mùa của tình nghĩa, của đùm bọc, yêu thương...

I.

Anh Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính huyện tên Tiến đưa cho Din tờ công văn, rồi nói :

- Báo cáo chị Phó Chủ tịch. Anh Sẩu Chủ tịch và các anh chị thường trực thì đi xuống xã cả rồi. Hôm kia chị chưa về, thường trực ủy ban đã họp với các đồng chí ở Ty lương thực, thống nhất mức huy động vụ chiêm xuân. Chị xem…

Din đỡ tờ giấy mỏng, đọc lướt những dòng số đánh máy theo từng cột.

- Mức thì vẫn như đầu năm ủy ban kế hoạch đã giao. Toàn huyện là 700 tấn. Đồng Cao: 60, Na Lin: 190, Xuân Đồng: 55... anh Sẩu dặn, nếu chị không mệt thì...

- Có gì mà mệt - Din gài mấy sợi tóc lên vành tai vui vẻ nói.

- Vâng, nếu chị không mệt thì chị đi kiểm tra tình hình khu vực hạ huyện xem thế nào. Tình hình này thì chỉ độ tuần nữa là các xã đều bước vào gặt cả.

Din nghĩ: “Các đồng chí có nhã ý cho mình qua thăm nhà một tí đấy”. Và chị đứng dậy, trở về phòng riêng.

Nơi sơ tán của ủy ban và huyện ủy trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần này là một khe núi kín đáo, cách con đường sắt chạy song song với sông Hồng nơi thượng nguồn chừng năm cây số. Cuối xuân rừng đã bắt đầu nhận những trận mưa lớn. Con suối dưới khe sâu dâng nước, đục ngầu, lấp cả những bụi rau dớn ngọn cuốn như con cuốn chiếu rừng. Khu rừng chuối trước mặt nhà ủy ban suốt ngày ướt rượt. Còn giải rừng gu-đay phía sau cơ quan, thau tháu bằng cổ tay một, vỏ nâu láng, óng ả, tán lá lưa thưa, xanh ngắt, vào mùa này âm thầm buông rơi sương hạt, ngồi trong căn nhà vắng lặng nghe thật tĩnh mịch.

Mùa gặt ở Na Lin - 1

Ảnh minh họa 

Cơ quan huyện đi vắng hết cả rồi. Tuần trước khi Din rời đây lên tỉnh họp sơ kết quý I thu mua thực phẩm, nơi đây còn tấp nập người vào ra. Còn nhớ, hôm đó là cuộc họp các xã phát động thi đua chào mừng chiến thắng Tết Mậu Thân của tiền tuyến. Khi Din đi qua phòng họp, chị còn nghe thấy Luông, em trai chị, Chủ tịch xã Na Lin, đang đỏ gay mặt, nói oang oang: “Na Lin chúng tôi năm ngoái bị lũ, đi như rùa. Năm nay, năm phải đi... tên lửa, phản lực...”. Và phòng họp rộ lên những tiếng cười, tiếng vỗ tay ấm áp, náo nhiệt tán thưởng.

- Chị định bao giờ lên đường, chị Din?

- Có lẽ sáng mai tôi đi sớm, anh Tiến ạ.

- Thế nào chị cũng về Na Lin, thăm bà cụ và cháu Sèn chứ?

- Thế nào cũng phải qua mỗi xã một lượt.

Tiến rút túi quần sau, ngần ngừ:

- Thế thì phiền chị một tí. Con em tôi, cái Vân ấy mà, nó đang thu mua ở đấy. Chị đưa cho nó cái thư hộ. Thư của người yêu nó. Hôm qua thư mới gửi về, cậu ấy chưa biết địa chỉ của cái Vân.

Din đút lá thư nhỏ, mỏng manh vào túi vải.

Việc sửa soạn để đi công tác chẳng có gì đáng thu xếp lâu la. Cuộc sống của cán bộ huyện vốn là ở cơ sở. Cơ sở là tất cả. Huyện ủy viên phải đi sâu vào nông nghiệp, phải một tay nắm ngành một tay nắm cơ sở. Vốn là một cán bộ xã trưởng thành lên làm cán bộ huyện, Din quen ngay với nếp làm việc ấy. Một tháng, Din ở cơ sở đến hai mươi ngày. Chị tập đi xe đạp. Xe đạp là tiêu chuẩn của anh Quế. Từ ngày anh Quế (Tỉnh đội trưởng - chồng chị) còn chưa đi chiến trường. Chị và anh Quế yêu nhau từ trước Chiến dịch Biên giới năm 1950, khi đơn vị anh về đánh đồn Phố Lu huyện này. Dạo ấy chị mới mười sau tuổi, là Bí thư Đoàn thanh niên xã Na Lin. Năm 1960 thì  hai người nên vợ nên chồng. Hai năm sau chị sinh bé Sèn. Một năm sau khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, gây ra cuộc chiến tranh đặc biệt thì anh Quế đi B. Và chị được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Anh Quế để lại cho chị chiếc xe Sterling. Chị đi đã thạo, lại biết vá săm, thay râu tôm ở líp xe. Nhưng xe đạp chỉ đi được trên con đường hàng tỉnh rải nhựa chạy qua các xã vùng thượng huyện. Còn hầu hết các xã, nhất là các xã ở vùng hạ huyện nằm từ bờ con sông Hồng tới chân dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn thì ngoài con đường trục đi xe đạp được vào mùa khô ra, việc đi lại từ thôn này sang thôn kia cứ bằng đôi chân là tiện hơn cả.

Giản dị lắm, vai đeo túi quần áo, sổ sách, chân đi dép lốp, cứ thế ngày qua ngày, Din đã qua hết xã này tới xã khác. Tất nhiên, ai cũng biết, là cán bộ thì phải kết hợp cả việc ở nhà thường trực họp hành nghiên cứu, tổng kết rút đúc kinh nghiệm, trên cơ sở nắm vững đường lối, chứ không phải chỉ có việc đi cơ sở giải quyết công việc sự vụ hàng ngày. Nhưng Din cảm thấy mình phù hợp với loại cán bộ gần gụi với cơ sở nhiều hơn. Ngồi với đồng bào đồng chí trong những căn nhà sàn, cạnh bếp lửa, trò chuyện với nhau không cần một nghi thức, không một chút cách bức, Din thấy dễ chịu hơn là phải ngồi ở văn phòng với những cuộc họp liên miên với hết ngành này tới ngành khác, đầu óc rối bù lên với chỉ thị này, thông tri kia.  

Trời sáng rất chậm vì những đám mù màu tro ngừng một lớp dầy là là mặt đất. Ra khỏi cơ quan, chị đi theo con đường sắt một quãng, rồi rẽ xuống bờ sông. Con sông Hồng vào mùa nước cuồn cuộn một dòng đỏ lựng phù sa. Từ bờ sông, chị ngẩng lên nhìn sang bờ bên. Cạnh sông là những ngôi làng của bà con Tày với bóng cọ lô xô xanh mướt. Cao hơn một nấc là những xóm đồng bào Dao Họ, Dao Tuyển, Dao Đỏ thường gọi là vùng giữa. Và ở nơi mù sương cao tít trên kia là nơi cư trú của những người Mông, người Hà Nhì ít ruộng, sống chủ yếu nhờ ngô trên nương.

“Trước hết, mình sẽ đi lên  các bản vùng cao rồi mới xuống rẻo lưng chừng, tiếp đó là các xã vùng thấp. Cuối cùng mới về Na Lin. Dù sao, Na Lin cũng là xã khá, Luông biết cách làm ăn rồi”. Din nghĩ như vậy và tìm mảng sang sông.

II.

Làng Tày Na Lin vào gặt mùa sớm hơn tất cả những làng rẻo giữa, rẻo cao. Từ mấy hôm trước, nhận được giấy triệu tập họp các đầu ngành ở ủy ban xã, Thàng, Chủ nhiệm hợp tác xã làng Thác, đã có ý cằn nhằn. Rằng thì là, ông Chủ tịch xã trẻ trung rõ hay bày việc. Mùa gặt thì chỉ có việc đem liềm ra ruộng mà cắt lúa về, chứ sao mà họp hành lắm thế. Thành ra sáng nay, lần chần mãi tới gần trưa, ông mới chụp cái mũ lá lên đầu đi. 

Qua khu đồng, rẽ vào làng Giềng, leo hai quả đồi cọ nữa, Thàng đã trông thấy trụ sở ủy ban. Quanh căn nhà gỗ vững chãi, đất đào, đất đắp hầm chữ A đỏ hồng còn tươi ẩm. Bước vào căn nhà Thàng thấy rõ ràng là cuộc họp đã xong. Các cán bộ đầu ngành đã ra về, chỉ còn lại Luông,  Chủ tịch xã, vóc cao lớn, mặt tròn, mày thẳng, mắt sáng, đang ngồi trò chuyện với mấy cô dân quân mặc áo lam dài, đeo vòng, cùng một cô gái người Kinh mặc áo xanh, tóc búi vóng trên gáy. Luông đang nói, giọng rất vang:

- Ai rổi (úi chà)! Bà tôi thì buồn cười lắm. Chẳng vụ nào là không đi rước hồn lúa về đâu. Sáng nay cũng vậy. Mâm cúng là đĩa xôi, mấy quả cau, vài lá trầu, dăm nén hương và một anh bù nhìn rơm. Bà cụ bảo Pửa đía, tức ngày xưa ấy, lúa chín cứ việc dòng dây cho lúa tự về nhà kia.

- Đấy là chuyện cổ tích mà. Một cô gái nói.

 Quay ra, chợt thấy Thàng, Luông reo to:

- A lúi (Trời ơi)! Anh Thàng! Anh Thàng đến chậm quá đấy.

- Xin lỗi, tôi có chút việc.

- Nhưng thôi, đến là được. Các hợp tác xã khác cùng tôi bàn việc xong cả rồi. Chỉ còn Thác của anh thôi. Ta vào việc ngay đi!

Mùa gặt ở Na Lin - 2

Ảnh minh họa 

Nhanh nhẹn, Luông dịch ghế sát lại bàn, giở quyển sổ tay. Cô gái mặc áo xanh ngồi ở đầu bàn  bên kia cất kim chỉ vào cái túi ni-lông, bước lại. Thàng bỏ mũ, vừa ngồi xuống ghế thì cô liền dịch lại, khép nép ngồi xuống cạnh ông. Gương mặt trái xoan với những đường nét dịu dàng và cặp mắt to, đen láy, rờ rỡ sáng nhưng cứ hay chớp chớp mắt như ngượng ngùng, khiến cô có vẻ là một cô gái khiêm tốn, thùy mị.

- Cô Vân ở phòng lương thực khu vực hạ huyện xuống hỗ trợ xã ta về thu mua - Luông giới thiệu.

Thàng đưa mắt lướt nhanh qua mặt cô gái. Luông đặt hai tay lên mặt bàn. Đôi vai rộng, mở căng sau lần áo chàm bạc, trẻ trung và gẫy gọn:

- Cho tôi hỏi, bên anh Thàng tuần này đã gặt được chưa?

Hơi bị đột ngột, Thàng ngây người một thoáng, rồi ậm ừ:

- À ừ… Có lẽ là khoảng dăm bữa nữa. Hiện chúng tôi đã sắp sẵn cả rồi. Đội xung kích gặt cũng đã lập xong.

- Tôi nghe nói xóm Tả Sán của anh đang rủ nhau đi ruốc cá. Kéo cả xóm đi mấy hôm. Cần phải có ý kiến!

-  À ừ… Để tôi về điều tra.

Cau cau trán, Luông dồn:

- Năm ngoái các anh còn nợ bao nhiêu?

- Nợ nghĩa vụ thì không.

 Thàng đáp. Vân nhìn vào quyển sổ tay của mình, rồi ngẩng lên, rành rọt:

- Nợ vay ăn sau lũ lụt: mười tấn.

 - Vụ này trả được chứ?

Luông hỏi. Thàng gãi đầu, lại  ậm ừ:

- Để… để  tôi tính toán lại đã.

- Tính toán gì thì cũng nhanh lên. Dứt điểm đi! Sân phơi của các anh ra sao?

- Ôi dờ! Cái ấy mới cưỡi hổ đấy! Có độc một cái, phơi mỗi lần được chừng một tấn.

Cúi xuống sổ tay, rồi ngẩng lên, nhìn thẳng vào Thàng, Luông ráo riết:

-  Hầy! Gay go là chỗ ấy đấy. Gặt nhanh gọn để kịp chuyển sang làm mùa. Nhưng quan trọng nữa là để nhập kho cho nhanh, dứt điểm. Vụ này lúa tốt. Bên Thác các anh thanh khoản hết đi. Tổng số là 68 tấn.

- Tôi biết rồi!

- Ủy ban chúng tôi muốn bàn với anh: phải nhập kho nhanh. Ruộng gặt trước, thóc tốt cho nhập kho luôn. Ruộng gặt sau hẵng tạm chia.

Vân chen vào:

- Kinh nghiệm là nhập kho sớm thì chất lượng tốt, có thể được tới 71 phần trăm gạo. Còn loại nhập muộn có khi chỉ còn có 68 phần trăm.

- Và dân cũng yên tâm, phấn khởi nữa - Luông thêm, giọng đầy hào hứng - Tiền tuyến đánh mạnh, thắng to, xã mình phải làm thế nào cho xứng, anh Thàng ạ. Quân, ta thừa rồi. Còn thóc? Nhất định không thiếu một cân. Cả bán giá cao nữa!

- Bán giá cao nữa à? - Thàng gãi gáy - Cũng gay đấy.

- Sao lại gay? Học “Bấu mì răng bất lên Độc lập, Tự do” (Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do) rồi mà còn gay à?

Thàng không đáp. Từ đó cho đến hết buổi bàn bạc, cả lúc Vân nói về kỹ thuật gặt sao cho không rơi vãi, cách phơi phóng, quạt xẩy thế nào cho thóc đủ tiêu chuẩn nhập kho, ông cũng im lặng, đầu gật gật lấy lệ.

Luông nghĩ: “Cả xã có hai hợp tác lớn, bên Giềng có ông Thèn bí thư, ổn rồi. Còn bên Thác của ông Thàng này thì gay đây! Chuối chặt chưa đứt đớt là ông chủ nhiệm đấy thôi. Mình phải sang bên ấy vậy!”.

III.

Luông là Chủ tịch xã trẻ nhất trong các Chủ tịch xã ở huyện. Anh mới hai mươi nhăm.

Ở những làng Tày vẫn được mang danh là Đín Cách mạng (Quê hương Cách mạng) của tỉnh. Luông thuộc sấp cán bộ thứ hai. Sấp đầu là Sẩu, Chủ tịch huyện, là chị Din, chị của Luông, là đồng chí Thèn, Bí thư Đảng ủy xã, là ông Thàng... người ít nhất như ông Thàng cũng đã bốn mươi. Đó là những du kích, dân quân, liên lạc viên của thời kỳ lập căn cứ trong hậu địch những năm 48, 49... Lớp cán bộ trẻ bây giờ đông hơn. Hạt lúa phải có thời gian để thành bông lúa.

Sự trưởng thành của lớp người như Luông cũng đã được chuẩn bị từ lâu. Các trường học dạy dỗ họ. Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên và cuộc sống sôi nổi ở nông thôn suốt từ thời kỳ cải cách dân chủ kết hợp hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp tới nay, với bao nhiêu phong trào: ba sẵn sàng, năm mũi tiến công, bốn nghĩa vụ… rèn luyện họ một cách hết sức tỉ mỉ và chu đáo. Họ có bộ mặt riêng.

Như Luông, mười sáu tuổi tính cách đã rõ nét. Hai lần trích máu tay đòi tòng quân, không đủ tuổi, bị gạt lại. Mười tám tuổi làm xã đội phó dân quân. Hai mươi tuổi làm ủy viên thư ký kiêm đội trưởng kỹ thuật hợp tác xã. Một mình có cả một tủ sách chính trị, kinh tế, kỹ thuật. Mấy lần, huyện, tỉnh định lấy đi thoát ly. Nhưng Luông không đi đâu, khăng khăng một nguyện vọng: ở lại xã để xây dựng xã.

Luông trẻ, trẻ trong công việc, trong cách sống. Anh làm việc năng nổ, say mê, tưởng như anh không có một cuộc sống nào khác, ngoài chức trách của mình. Lớn lên trong một làng Tày nhỏ, cách biệt địa vực cư trú với bên ngoài nhưng lòng anh lúc nào cũng âm vang những sự kiện lớn lao của đất nước. Người yêu của Luông là một cô gái xinh xắn, khỏe mạnh, hiện là đại đội phó thanh niên xung phong của tỉnh. Bà cụ giục cưới và sửa soạn hôn lễ đủ hết các nghi thức cổ truyền. Nhưng bà cụ không thực hiện được ý định của mình, cô ấy cứ đi và Luông thì nhiều lúc quên bẵng.

Chao! Cuộc sống phong phú và bận rộn vô cùng. Cho dù Luông có gấp đôi tuổi trẻ, Luông cũng không thể làm hết được mọi việc. Năm ngoái, trận lũ lớn chưa từng có đã tàn phá đồng ruộng. Thế là suốt mấy tháng trời, Luông xắn tay áo lên lãnh đạo cả xã moi đá, bới sỏi, khôi phục lại diện tích mấy chục nghìn cân giống. Xã được xác định là vùng lương thực, thực phẩm của huyện. Cây lúa, con lợn bây giờ phải được săn sóc kỹ lưỡng, chu đáo hơn. Đi sâu vào cây lúa, người ta đã viết hàng trăm ngàn trang giấy.

Chưa nói vội chuyện ấy, chỉ biết rằng cái công việc trồng lúa trong thung lũng Na Lin đã có từ bao đời nay, giờ hóa ra vẫn còn bỡ ngỡ xiết bao. Từ khâu hạt giống, qua lúc gieo, lúc cấy, cho tới nay thu hoạch cũng có bao điều mới mẻ. Vụ gặt đấy. Đâu chỉ là cái công việc dòng dây cho lúa về bồ như truyện cổ tích, đâu phải đơn thuần là việc đem liềm ra cắt, thu hoạch công sức lao động của mình sau mấy tháng trời vất vả, tích lại một số lương đủ ăn cho tới vụ sau.

Đất nước mình chưa giàu có. Có hạt lúa về phải tính toán ra sao để chia nhau ăn cho phải lẽ công bằng. Gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ, gia đình cán bộ, hộ neo đơn, ông già bà cả độc thân... thảy thảy đều phải suy xét, sao cho sự ấm no tới được muôn nhà. Ở xã đã vậy, còn người đi xa, còn Nhà nước... Ôi chao, việc phân phối hạt thóc đi các ngả thật không đơn giản đâu!

Con suối chảy bổ đôi thung lũng lúa, cắt đứt những ý nghĩ của Luông. Bên kia con suối, lúa của hợp tác xã Thác vàng thắm đến chân núi. Trời đã về chiều. Ánh vàng của mặt trời còn sót lại trên mấy chóp núi.

Lội qua con suối, Luông mới biết rằng không phải như ông Thàng nói, hợp tác xã Thác đã gặt từ hôm qua.  Lúa  trên tràn ruộng ở bờ suối đã cắt gọn. Giữa ruộng, một đống lúa chất cao lù lù. Gần đó, một cái loóng gỗ dùng để đập lúa, trong lòng đã đầy thóc. Rải rác trên ruộng, những lượm lúa đã cắt vàng sẫm nằm rũ trên gốc rạ.

“Lạ thật, phổ biến mãi rồi mà vẫn cứ gặt xong là chất lúa ở ngoài đồng là thế nào? Mưa xuống, lũ dâng lên thì làm sao?” Luông nghĩ, bực dọc. Vừa lúc ấy, anh nhìn thấy mấy bóng người đàn ông đi nhanh qua ruộng lúa phía trên.

- Các đồng chí ơi!

Luông gọi. Nhưng họ không đáp, cứ lủi xuống bờ suối. “Họ đi quăng chài kiếm cá rồi”. Luông nghĩ một lát rồi tìm bó lạt. Lát sau, anh đã vác một bó lúa lên vai.

Về tới sân kho, đặt bó lúa xuống. Luông thấy sân kho vắng ngắt. Anh hú gọi mấy lần, không thấy ai đáp, liền xách cái đòn dựng ở cạnh kho, chạy ra đồng.

*

Gánh hết chỗ lúa thì trời nhập nhoạng tối. Luông lội xuống suối rửa chân tay rồi đi tới nhà ông Thàng. Anh có vẻ như một người vừa ăn no, tắm mát. Mặt tròn căng trẻ trung, tóc đen nhánh, cặp lông mày thẳng ngang ướt như hai nét mực, hòa hợp với con mắt hơi sâu, thăm thẳm, một cặp môi hay mím chặt.

Nhà ông Thàng ở riêng trên một quả đồi trồng đầy tre, mai. Căn nhà sàn lớn, bề thế, chứa được phải dăm sáu chục người, cột to, lát gỗ dày, đến ba bốn loóng cốm giã cùng một lúc trên đó cũng không lay động.

Ông Thàng chăm chút cho cuộc sống gia đình chu đáo hơn rất nhiều người. Ông không phải là người xấu. Xưa ông là du kích. Kháng chiến lần thứ hai này, ông tình nguyện cho con trai cả đi chiến đấu. Năm 1965, ông đã làm chủ tịch xã. Nhưng sau đó, ông mắc sai lầm: vợ cả còn sống đấy mà dám cưới ngay một cô vợ hai. Uy tín của ông sa sút, nhưng không mất hết. Ông gắng xây dựng đời mình với ý thức để ảnh hưởng tốt đẹp cho con cháu. Ông được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã làng Thác vài năm nay, và là một chủ nhiệm ít bị chê trách nhưng cũng không mấy khi được ngợi khen.

Bước lên thang gác đi vào cửa, đập ngay vào mắt Luông là cái hòm thóc chiếm đến một phần tư gian nhà. Cạnh đó, trên một cái chiếu rộng có tới sáu bảy đứa trẻ lớn nhỏ đang ngồi chơi với cha. Mùi rượu, mùi chua nồng say say của men ngấu, tỏa ra đầy nhà khiến Luông thấy ngột ngạt, khó thở.

- Húi, đồng chí Luông, tôi đã định lát nữa lại phải sang gặp đồng chí.

Ông Thàng ngồi trên chiếu, tay cầm xe điếu chống vào cái điếu bát, bật đứng dậy. Trán ông hơi dô, mặt mỏng, nhưng da đỏ hồng, săn chắc - làn da của người uống rượu thuốc và có thể lực khỏe mạnh từ hồi niên thiếu. Ông Thàng đón Luông với một nụ cười cố làm ra vui vẻ, tự nhiên.

Luông ngồi xuống chiếu. Đuổi lũ con ra bếp, ông Thàng nhìn Luông:

- Đồng chí Luông à, đang định sang hỏi ủy ban một trường hợp: nhà chị Yên, đội phó đội Hai ấy mà. Mọi năm thì chị ấy là lao động giỏi nhất hợp tác xã này. Nhưng năm nay lũ con ốm yếu, một đứa đau mắt nặng, không hiểu nên xếp vào đối tượng gia đình cán bộ hay hộ nông dân neo đơn.

Luông hơi nhổm dậy:

- Chết thôi! Ông không biết chồng chị ấy à?

- Ừ nỏ (ừ nhỉ). Tôi lẫn cẫn quá. Hày, nhớ ra rồi. Cậu ấy đi bộ đội tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn hai (II) vào chiến trường năm sáu tám. Thế thì phải đưa lên đối tượng loại một. Nhất trí!

Ông Thàng gật gù, thích thú. Rồi tiếp đó, không để cho Luông kịp nói, ông tuôn ra hàng loạt chuyện khác quanh công việc gặt mùa: Đội Một vượt năng suất vụ này thì ta khen ra sao; đội Ba có anh đội phó tham ô hơn một tấn thóc thì phạt thế nào... Những chuyện ấy nói ra cốt để thu hút sự chú ý của Luông, để Luông quên đi cái mùi rượu mỗi lúc một nồng nàn, chứ chẳng phải là sự cần thiết và ý nghĩa thực tế của nó.

Luông cắt ngang câu chuyện:

- Ông có danh sách các gia đình bộ đội thương binh liệt sĩ ở đây không?

- Có chứ - Ông Thàng nghển lên lấy sấp giấy trên nóc hòm, đưa Luông - Chúng tôi đã duyệt kỹ từng hộ rồi. Đảm bảo tối thiểu mức sống của những gia đình này bằng mức sống trung bình. Chỉ còn một trường hợp ông mo Vềnh, con đi bộ đội, ông cứ đi cúng, cả năm được có hăm lăm công.

- Thế định sao?

 - Định cắt để giáo dục.

- Không nên. Nên gọi ông ấy lại giáo dục.

Luông cúi xuống xem danh sách dự tính tạm chia, chú ý xem xét thật kỹ những gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ. Mùi rượu cứ ngào ngạt. Anh ngẩng lên, nhìn về góc nhà, nơi khói bốc lên mờ mờ phủ cái chỗ gỗ lớn bằng hai người ôm đang cất rượu.

- Xem thế này thì… nếu đóng góp hết mức đã giao, bình quân nhân khẩu cũng được tới hơn 30 ki-lô một tháng, anh Thàng nhỉ?

- Vụ này được cái giống mới. Ấy, giờ mới nhớ ra, chính cái cô Vân hôm qua anh giới thiệu ấy đã đổi giống mới cho bọn tôi. Cô ấy ở cửa hàng lương thực hạ huyện nhỉ?

Luông vẫn theo đuổi ý nghĩ riêng:

- Như vậỵ mức ăn của bà con cũng khá đấy chứ?

- Nói chung thì cũng khá. Nhưng riêng gia đình tôi thì gay. Miệng ăn thì có, tay làm thì không. Ấy đấy, phải vay ít thóc trước cất mẻ rượu để tính chuyện riêng cho cháu gái lớn. Thôi thì cũng đành, đã nhấc chén là phải nhấc cho cao.

- Ông làm thế không sợ ảnh hưởng à?

- Đồng chí Luông à - Ông Thàng bỗng rạp người về phía Luông, giọng thấp hẳn xuống, vẻ tâm sự - Bà con cũng thông cảm cho tôi thôi. Mình là con sâu, sao dám đo trời đất. Dưới xuôi kia mới là vựa thóc, vựa gạo chứ. Diều hâu bay cao lưng trời, mình là chim chích bay sát mái nhà thôi. Làm ăn thi với đom đóm mới được hạt thóc, đồng chí còn trẻ, đồng chí chưa hiểu bà con quý hạt thóc thế nào đâu. Tôi qua tuổi trẻ rồi, tôi biết. Rồi đồng chí sẽ biết!

Luông thấy nóng nóng mang tai. “À, ra ông ấy định thách đố mình đấy. Được, còn sống với nhau vài chục năm nữa. Cứ đợi xem thằng Luông này có vợ, có con, có tuổi rồi, nó có như ông không”.

Ông Thàng thấy Luông im, lại nói tiếp:

- Đồng chí Luông à, bà con mới hửng lên sau vụ lụt. Ta cứ đề nghị với trên đi. Nợ vay ăn nhất định trả, nhưng thư thư đã. Còn bán giá cao thì thôi. Thôi hẳn đi! Đấy cứ như nhà tôi. Vụ này còn lo đám cưới cho cháu. 

- Trên nào giải quyết. Trên là ta đây này. Ta ở xã, ta không tính toán ra, còn nhờ trên à?

Ông Thàng cười nhạt:

- Đồng chí còn trẻ, đồng chí chưa hiểu bà con đâu. Anh nông dân bao giờ cũng cốt có hạt thóc, quý hạt thóc.

- Quý hạt thóc! Thế thì tại sao gặt rồi các ông còn vứt hết lúa ngoài ruộng kia.

- Đâu? - Ông Thàng ngẩng lên sửng sốt.

- Thì chính tôi gánh năm gánh về sân kho chứ đâu.

Khi ông Thàng lúng túng thì Luông lại thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng. Không phải là anh đã trả miếng được ông. Mà chính là anh đã nói cho ông hiểu rằng cái điều ông nghĩ là cũ kỹ, cổ lỗ rồi. Cái anh nông dân khư khư ôm lấy hạt gạo của mình, không nghĩ đến người khác là cái anh nông dân lạc hậu. Cái cách nhìn hạt thóc hạt gạo bây giờ nó mới mẻ chứ không phải như ông nhìn đâu. Bởi vậy, anh vẫn hoàn toàn chủ động:

- Ông Thàng, nếu ông là hũ rượu chưa nhạt thì ông nhớ chứ. Lũ lụt năm ngoái, hợp tác xã ông gần như mất trắng vụ mùa, ai xuất gạo cho ông?

- Thì thế mới là chính phủ của dân.

Luông cười to:

- Thế này thì quả là trời thấp, đất cao. Vậy mà khi được mùa ông lại nghĩ đến nồi rượu của ông.

Ông Thàng ngượng ngùng, im thít. Luông cao giọng:

- Lằm càn tác sloong, đòn gánh gãy đôi rồi. Ông đừng chối nữa. Nói thật nhé, ông cẩn thận đấy, gỗ tốt nhưng nẻ cũng bỏ đi thôi.

Trời tối sập từ lúc nào. Mâm cơm dọn lên. Đàn trẻ ngồi quanh lô nhô như măng mọc. Ông Thàng vào buồng cầm chai rượu ra:

- Rượu mẻ đầu cắm tăm đây. Mời anh.

Luông xua tay: “Mè tôi bảo: một chén rượu thành người khác, một chén rượu nữa thành người khác, một chén rượu nữa không thành người”. Và anh nhấc bát cơm lên.

*

Trưa hôm sau, Luông đến nhà chị Yên, Đội phó Đội Hai - Hợp tác xã làng Thác. Nhà chị Yên ở xóm Tà Sán, trên một quả đồi trẩu, từng chùm hoa trắng nổi bềnh như bọt nước.

Mùa gặt ở Na Lin - 3

Ảnh minh họa

Leo đến lưng đồi, Luông đã nhìn thấy chị Yên, áo dài, khăn trùm đầu, đang giê thóc. Chị đứng trên một cái ghế cao, hai tay bưng một sói thóc, đổ chầm chậm xuống nền đất. Bây giờ là lúc gió nồm đã bắt đầu thổi. Thóc tuôn rào rào xuống mỏng như cái màng nước. Cái đuôi áo của chị Yên bay lất phất và ở cuối ngọn gió, thóc lép, trấu bay mù mù khe khẽ đậu xuống đất, li ti như hoa xoan.

- Chào chị Yên!

- A lúi, nghe nói cậu sang bên này mấy hôm nay rồi sao bây giờ mới tới?

- Em ở bên Đội Một, các cháu đâu?

 Người phụ nữ đặt sói thóc xuống ghế, cởi khăn giũ bụi:

- Cậu vào nhà uống nước đi. Chúng nó cứ bám lấy như lợn con theo nái. Vừa đuổi đi chơi rồi.

Luông nhanh nhảu:

- Để em giê thóc cho.

Và anh đứng lên ghế, nghiêng sói thóc.

- Thóc cũ hả chị?

- Ờ, thóc vụ trước. Hợp tác xã tạm chia. Các bác ấy cho ăn bằng lao động giỏi, được ưu tiên. Năm nay chị làm ăn kém quá.

- Con bé Thi đỡ chưa?

- Đỡ rồi. Một đứa trẻ ốm, quá cả làng cả tỉnh lo cho. Các anh ở tỉnh đội tuần nào cũng xuống thăm cháu, mang theo bao nhiêu quà bánh!

Chị Yên là chị họ Luông. Ngày Luông còn là thiếu nhi, chị là chị phụ trách, một chị phụ trách mũm mĩm, trắng như cục bột, là cây lượn của xã, nổi danh tài sắc một thời. Vậy mà chỉ dăm năm, người con gái đã biến đổi thể chất nhanh chóng quá. Năm đứa con ra đời, đứa con gái thứ hai vừa qua bị teo giác mạc, chữa mãi mới đỡ. Giờ đây, trước mắt Luông là một thiếu phụ khổ người đẫy ra, nhưng gương mặt lại gầy gầy lúc nào cũng vương vấn nỗi lo âu. Không thể không lo được. Một mình độc lực gánh vác cả một gia đình.

Luông vét thóc vào sói, những hạt thóc được nắng, săn chắc, vàng sậm, mẩy như hạt quýt, rồi vác lên vai:

- Chị để em giã cho.

- Nhà còn có gạo ăn.

- Thế chị giê làm gì?

- Để bán cho lương thực.

Luông đặt sói thóc xuống cạnh cối trên thềm, ngạc nhiên:

- Chị bán giá cao à?

- Bán chứ! Chị chẳng được nhiều như người ta, nhưng thêm người thêm sức, cậu à. Ở nhà xẻ ná phung lăng, giật gấu vá vai, có bắp ngô, củ sắn cũng đủ. Vụ vừa rồi, chị làm ăn như cú ngày. Vì cứ phải theo con Thi ở bệnh viện. Con Thi nằm đấy, nó ngoan quá, cứ bảo chị: “Mè ơi, mè cứ để mình con ở đây với các cô các chú, mè về làm hợp tác đi”.

Luông quay đi, giấu những hạt nước mắt từ đâu ứa ra vành mi. Anh hiểu rằng trong lòng người phụ nữ rất bình thường kia, hình ảnh người chồng - người chiến sĩ - lúc nào cũng đằm thắm, thiết tha. Trong căn nhà, treo trên cái cột gỗ là cái khung ảnh, ở đó có những tấm ảnh của chồng chị. “Nếu như tất cả mọi người ở hậu phương lúc nào cũng nghĩ tới người ở tiền tuyến cụ thể như thế này nhỉ?” Luông nghĩ, quay ra:

- Chị Yên à, mình tạm đủ ăn. Nhà nước không yêu cầu bán đâu.

Chị Yên gạt mấy sợi tóc mai lên vành tai:

- Cậu cứ yên tâm. Chị không để các cháu đói đâu. Để các cháu đói, chị có tội với anh. Chị nghĩ mãi rồi. Gì thì mình cũng là gia đình bộ đội. Trâu mẹ còn trong chuồng thì trâu con chưa ra đâu.

Chị  Yên nói thế là có ý gì? Luông cau cau mày,  rồi đột ngột vỗ bộp vào trán. Bà này thế mà sâu xa gớm. Vâng, em sẽ gương mẫu , sẽ làm gương cho mọi người.

*

Vân trông lạ hẳn đi trong cái áo nâu bạc và cái quần vải thâm. Cô búi tóc cao và bịt đầu bằng một cái khăn sợi xanh lá cây đã bợt. Trong bộ quần áo đi gặt ấy, cô có vẻ dịu dàng, thùy mị hơn, mang nhiều dáng dấp một cô gái nông thôn hơn. Mặc dầu vậy, bộ quần áo xoàng xĩnh ấy cũng không che lấp được khiếu thẩm mỹ tế nhị, sự khéo léo và tính cẩn thận của một cô gái nết na. Cái áo cắt lấy khâu lấy, đường kim chỉ đều như máy, may rất vừa thân. Cái cổ áo lượn hình quả tim mềm mại, khuôn cái cổ trắng mịn như một cái cọng hoa.

Vân mới từ một làng quê Thanh Hóa lên huyện miền núi này được vài năm. Dạo đó, Luông mới lên làm chủ tịch xã. Một lần Luông lên huyện họp, anh thấy một cô bé gầy gầy, mặt buồn thiu, ngày hai bữa giúp chị cấp dưỡng nhặt rau ở bếp tập thể của ủy ban và nấu một xoong cơm nho nhỏ trên đống than mới cời ra đỏ hồng ở cửa lò cái bếp lớn. Tới bữa, cô bé bưng nồi cơm lên cùng ăn với anh Tiến, chánh văn phòng. Hỏi ra mới biết cô ấy là em gái Tiến. Gia đình, cả gia đình mười một người, vừa bị bom Mỹ đã chết cả. Còn sót lại một đứa em gái, Tiến đón lên đây. Chao, đối với Luông, một thanh niên Tày ở trong một cái làng nhỏ, nơi rất xa bom đạn, rất xa tuyến lửa, câu chuyện ấy đã như mũi kim nhói vào tim anh, in rất sâu trong lòng anh. Luông rất ít khi trò chuyện với cô bé, nhưng trong thâm tâm anh, anh trân trọng cô: nhìn thấy cô, anh như thấy một phần đất nước ở trong kia đau thương và dũng cảm.

Quanh đi quẩn lại mấy năm, Vân đã lớn vụt lên. Tiến nói vui: “Cơm gạo miền núi nuôi nó chóng lớn thế đấy!”. Vân vào làm cấp dưỡng ở văn phòng ủy ban rồi ít lâu sau chuyển sang bên lương thực. Từ dạo ấy, Luông ít gặp cô gái. Một lần họp xong, trời đã tối, Luông vội vàng ra ga ngược tàu thì anh gặp cô. Cô tiễn một anh bạn trai tòng quân. Anh này cũng ở cửa hàng lương thực với cô. Họ có vẻ như đã yêu nhau.

Ít lâu sau, trước khi về cửa hàng lương thực huyện thì Vân  được cử về trông nom một cái kho thóc của Nhà nước ở Na Lin. Cô đã làm việc hết sức mình. Cô phải nhanh chóng lớn lên, khỏe lên để đủ sức vần, vác những bao lúa nặng ngót tạ, xếp chúng lên cao sát mái hoặc đảo chúng luôn để chúng không ẩm mốc. Cô phải học cách chống chuột bọ, cũng phải tập sử dụng súng để bảo vệ kho. Cái kho thóc ở cạnh suối. Năm ngoái nước lũ dâng lên, Luông đang chống mảng đi cứu lụt bỗng nghe thấy ba phát súng trường nổ. Tiếng nước réo nhấn chìm cả tiếng súng. Tuy vậy, Luông cũng nghe thấy và chợt nhớ ra cái kho. Anh huy động dân quân chạy tới thì nước đã tới lưng kho. Nhưng trước mắt anh hiện ra một cảnh tượng suốt đời anh không quên. Vân đã một mình vác hàng trăm bao tải lúa lên cái lán ở đỉnh đồi. Mệt quá, cô nằm gục trên một bao tải lúa cuối cùng ở lưng chừng đồi. Quần áo ướt đầm. Mái tóc bết vào lưng. Mặt cô trắng bệch, nhợt nhạt như đã chết rồi...

Ba người đã ra tới cánh đồng.

Nắng chiều dậy lên màu vàng bóng bẩy. Vân rẽ xuống một thửa ruộng:

- Lâu lắm em mới được đi gặt lúa đấy chị Yên, anh Luông ạ.

Luông đùa:

- Cán bộ như cô thì gặt gì?

- Anh cứ gặt thi với em xem nào. Ở nhà hồi còn bé, em đã đi gặt rồi nhé. Hồi giặc Mỹ bắn phá xã em, các anh các chị ở hợp tác lập đội xung kích đi gặt, em cũng theo đi. Gặt ở chân cầu, bom nổ chậm hắn thả lúc chiều còn chưa nổ kia. Ban ngày thì hắn cứ thấy người là sà xuống bắn. Đi gặt phải có hầm ngay cạnh ruộng ấy chứ!

- Các cô ở trong ấy khổ quá nhỉ - Chị Yên nói, giọng thương cảm.

Vân rục liềm vào đám lúa, nhí nhảnh:

- Gian khổ nhưng mà vui lắm chị ạ. Tính em cứ thích thế cơ. Chính ra các anh ấy cứ bắt em ở nhà vụ này đấy chứ. Các anh ấy bảo: “Thu mua không dễ lắm đâu, cô Vân ơi”. Em bảo: “Thì tôi có thích việc dễ đâu”. Em biết chứ. Sáng nay em đến gặp ông Thàng. Vừa bước vào nhà, ông ấy nói ngay: “Sáng nay tôi ra cửa gặp con bìm bịp hay sao thế này?...”.

Luông cau mặt. Chị Yên vẫn chưa rút khỏi những ý nghĩ Vân gợi lên lúc nãy:

- Mỗi hạt lúa là một hạt máu đấy. Cô Vân à, hôm nọ Đại hội gia đình vẻ vang của xã, bà cụ anh Luông kể: hồi Kháng chién chống Pháp,đánh đồn Phố Lu huyện nhà xong, chị em phụ nữ cáng anh bộ đội bị thương đi qua ruộng lúa mới gặt xong, máu các anh giỏ giọt đỏ mặt ruộng. Nghe xong thương quá, ai cũng khóc.

Vân chớp chớp mắt, không nói. Im lặng mênh mang trong thung lũng. Chỉ có tiếng lúa chạm ran ran và tiếng liềm giật sựt sựt ngọt sớt.

Luông xóc đòn vào hai bó lúa nặng, lòng dạ xôn xao cả lên: “Máu người đã đỏ trên ruộng này đấy, lúa ơi!” Rồi tựa như có sức mạnh vừa thức tỉnh, anh đỏ căng mặt, nhấc gánh lúa lên vai, chạy băng băng về kho.

Cái sân kho trong ngày mùa bỗng nhỏ hẳn lại.

Lúa gánh về, xếp một đống cao. Ông Thàng cùng hai người nữa ôm từng bó rũ, rải ra sân. Ba con trâu mộng kéo trục đã đi vòng quanh. Trục đá đè mặt rơm quay rì rì, lắng nghe thấy tiếng thóc rung rào rào xuống nền xi-măng.

- Không còn chỗ nào tuốt lúa à? - Luông đặt gánh lúa xuống hỏi ông Thàng.

- Làm gì còn nữa?

- Thế mà năm ngoái không lên kế hoạch làm sân thêm? - Luông trách - Sang năm nên mua máy tuốt lúa, ông Thàng à!

Luông quay ra thì thấy Vân và chị Yên đang gánh lúa vào sân.

Chị Yên gượng nhẹ đặt hai bó lúa xuống sân, hổn hển gọi:

- Ông chủ nhiệm ơi, chỗ thóc tốt này để ở đâu?

- Để ở đấy, chứ ở đâu!

 Ông chủ nhiệm sẵng. Chi Yên đưa tay lên gạt mồ hoi trên trán, ngơ ngác:

- Sao nói ruộng tốt gặp sớm để nhập kho Nhà nước trước?

- Ấy dà...

Ông Thàng lầm bầm, bước lại. Cái trán dô hằn mấy nếp nhăn vẻ khó chịu, ông cúi xuống ôm bó lúa ném vào chỗ trâu đang trục.

Vân kêu: “Bác Thàng, chỗ lúa tốt này nên để riêng” thì ông Thàng quay lại, cặp mắt đỏ kè vì nắng giương lên, tiếng nói rít qua kẽ răng, đầy hàm ý xấu:

- Một hạt thóc chín hạt mồ hôi đấy. Tay có làm khó nhọc thì miệng ăn mới thấy ngon, cô ạ!

Một linh cảm lướt nhanh qua, Vân sa sầm mặt. Trong giây lát, Luông và chị Yên thấy cô gái như sắp bật khóc. Cặp mắt đen láng chìm trong một quầng thâm mệt nhọc, những đường nét dịu dàng ở cặp môi trễ xuống như cây rũ lá. Luông nao nao trong lòng, nhịp đập quả tim như lạc đi. Nhưng không, Vân đã ngẩng lên. Và chị Yên cầm cái đòn xóc bước lại trước mặt ông Thàng giọng nói nghe lạ hẳn:

- Ông Thàng, ông nói thế là thế nào?

- Lai pác lai cằm, nhiều miệng lắm lời. Làm đi!

- Ông ăn nói hồ đồ thế à? - Chị Yên cao giọng - Chúng tôi dành thóc tốt để cho chồng con chúng tôi ở ngoài mặt trận mà ông dám cấm à?

Rồi chị nhảy lên bờ sân:

- Pi noọng ơi! Chỗ lúa giống mới để riêng ở đây đập trước để nộp kho. Đừng có dối nhau đun lửa nồi không nhé.

Sự việc xảy ra đột ngột quá. Luông lặng người đi, nhưng không ngạc nhiên chút nào. Khi những tình cảm thiêng liêng bị xúc phạm, người ta phải đứng lên bảo vệ. Đó là lẽ thường tình.

Lát sau, Luông gọi ông Thàng ra cạnh kho:

- Ông Thàng, sao ông lại nói như thế với cô ấy. Ông bộp chộp quá. Một nhát dao còn chín lần ngắm mà. Mình là cán bộ, không nghĩ cao hơn bà con thì cũng phải nghĩ bằng bà con chứ!

V.

Khi cái thung lũng Na Lin đã quang bóng lúa, Din mới về tới làng quê.

Chị đã đi từ những thôn bản trên đỉnh núi cao xuống tới những xóm làng ở rẻo lưng chừng và bây giờ là Na Lin quê hương chị. Xúc động làm sao khi chị nhìn thấy những hạt mì tăng vụ đầu tiên trên đất núi cao giá lạnh của bà con người Mông, người Hà Nhì kìn kìn về kho. Sung sướng thật sự khi chị trông thấy những gùi ngô vàng ngậy như sáp ong của bà con người Dao ùn ùn kéo tới làm phần đóng góp với Nhà nước. Còn lúc này thì chị không kìm được cảm động khi nhìn thấy cái thung lũng hình bầu dục đang vào mùa rực rỡ ánh vàng, vựa lúa của huyện, làng Na Lin quê hương. 

Bước vào trong làng, ngay lập tức chị phải né vào bên đường để tránh một đàn trâu có đên ba  chục con, lưng con nào cũng thừng lững hai bao tải thóc căng, đã vượt qua một cái chợ nhỏ ở rìa làng,  để đi tới  kho thóc. Ở ngay đầu chợ, dưới một gốc sung già, có một chiếc lều mới dựng, mái lợp cọ, cửa treo một băng vải đỏ viết phấn trắng: “Nơi mua thóc gạo giá cao”.

Vân đang ở đó, cạnh một chồng bao tải và một cái cân bàn. Cô tíu tít cân, xúc, đóng bao cùng với mấy cô gái Tày ở cửa hàng hợp tác xã mua bán.

Vừa lúc Vân nhận ra Din đeo cái túi vải xanh đi trên con đường trâu vừa đi qua thì cô chợt thấy ông Thàng đang đứng tần ngần ở trước cửa túp lều của mình. Ông Thàng đưa trâu địu thóc đi nộp kho, tay còn cầm cái roi tre. Khuôn mặt dưới cái mũ vải xanh mới thoáng vẻ băn khoăn. Vân muốn lảng tránh ông thì ông bước vào lều:

- Cô Vân đấy à! Mua được nhiều chưa?

 Vân chưa kịp đáp thì một chị phụ nữ đã xấn tới trước cái cân:

- Cô Vân, cân cho tôi chưa?

- Chị Yên, em còn để bao của chị kia. Chị đừng làm thế!

Cặp mắt chị Yên long lên:

- Dỏ! Tôi có khả năng tôi mới bán chứ! Tôi không biết lo cho tôi như người khác à!

Câu nói khích làm mặt ông Thàng đỏ dừ. Ông chớp chớp mắt, gò mũi lấm tấm mồ hôi, đoạn lúng búng:

- Cô Vân à, hợp tác xã tôi họp đăng ký bán cho Nhà nước  nhiều đấy. Còn chuyện hôm nọ, bỏ ngoài tai nhé. Đừng chấp người già. Hầy...

Ông nghẹn lại, tay sờ sờ gáy rồi quay ra.

May cho ông Thàng, ông nhìn thấy bà cụ Luông xách cái tay nải gạo đi vào trong chợ. Ông cầm cái roi, vung vẩy, bước lại gọi bà cụ Luông:

- Bà cụ đi đâu đấy?

Bà cụ quay lại, hớn hở:

- Bán tí gạo cho Nhà nước thôi, ông Thàng à!  

- Nhất trí đấy! Bà cũng phải đánh thức hồn lúa dậy đi đấy, bà ạ!

Ông Thàng cười nói, đầu gật gật.

 Din nghe thấy hết, trông thấy hết những gì đang diễn qua trước mắt. Chị đứng ở trước cái lều cọ, nói như reo:

- Cô Vân ơi! Cô có thư đây này! Sao cô không gửi địa chỉ của cô để chú ấy phải gửi về chỗ anh Tiến.

*

Sắp về  tới nhà, gặp  một đám trẻ quàng khăn đỏ,   thì ra hóa   ra trong bọn có cả cái Sèn, con gái Din đang theo đội thiếu niên xã thực hiện kế hoạch nhỏ đi mót lúa. Về đến nhà thì  bắt gặp Luông đang mở vung  nồi cơm, lấy đũa cả bẩy lên một tảng sắp đút miệng, Din liền đặt cái túi xuống sàn, phì cười:

- Làm chủ tịch xã rồi mà còn háu đói thế à!

- Chị Din! - Luông quay ra, sau khi đã nếm một miếng cơm gạo mới, chùi mép, vui vẻ - Chủ tịch thì cũng biết đói chứ! Em vừa đi về. Cả đêm qua đập lúa ở bên Thác, đói sắp chết.

- Thế thì khá! Chủ tịch cũng biết đi đập lúa.

- Còn đi gặt nữa chứ!

- Gì nữa?

- Giã gạo nữa chứ!

- Sao lại giã gạo nữa?

Luông cười, cái miệng rộng chành ra, phô hàm răng trắng như ngà:

- Tàm lai, khau lai, chị Din à!

- Gạo càng giã càng trắng.

- Đúng thế!

Luông dằn giọng. Anh đã thôi cười, hai bên má còn đậu lại một nếp nhăn.  Din thoáng thấy em gầy và già đi một chút rồi. Nhưng ý nghĩ của chị liền bị giọng nói của Luông xóa bỏ vào ngay lập tức.

- Chị Din à! Đúng là cái kiểu hổ bắt lợn rồi mới sửa chuồng. Thế là không tốt. Nhưng cũng đành phải làm. Chị có hiểu ý em nói không?

- Hiểu!

- Cán bộ là con trâu đầu đàn. Cán bộ đem thóc nấu rượu, trong tư tưởng chỉ cần thoáng chút lần khân dây dưa một tí là hỏng rồi. Thành ra phải đấu tranh. Trong chi bộ phải nói thẳng với nhau: Các đồng chí ơi, xử sự thế nào cho phải với tiền tuyến. Hạt thóc là mồ hôi, hạt máu của bao nhiêu người nữa chứ. Ăn chia thế nào cho có tình có nghĩa, cho có đạo lý...

Luông càng nói càng sôi nổi và Din hiểu rằng anh chủ tịch xã trẻ tuổi đang trình bày, đang tự giới thiệu tư tưởng của mình sau những nghiền ngẫm, sau những ngày sống cật lực với cuộc sống nơi cơ sở. Rõ ràng là những quan điểm của Luông giờ đây sinh động hơn lên vì có cả cái khí lực, hơi thở của cuộc sống cần lao, của những người vô cùng đáng quý như chị Yên, phả vào.

Din cũng đang thể nghiệm điều ấy trong bản thân chị. Đi vào mùa gặt năm nay, chị hiểu thêm nhiều điều sâu sắc hơn. Mùa gặt là kết quả của bao nhiêu nỗ lực của con người trên đất này. Xưa kia, vùng cao không bao giờ có vụ gặt vào mùa này. Rét quá, cây lúa không mọc được. Huyện ủy chỉ đạo trồng thí điểm ngô xuân, đậu Mông. Thất bại lên, thất bại xuống; cây nào cũng có nhược điểm của nó. Cho tới khi có được giống mì chịu rét. Ngay Na Lin cũng vậy. Đã tưởng sau vụ lũ, đất đai và con người còn đang mệt lả. Cuộc sống là vậy. Trước khi niềm vui tới là một thời kỳ nỗ lực phi thường. Bởi vậy, mùa gặt đang đặt ra bao nhiêu vấn đề. Hệt như sự hoạt động của thực vật. Hạt lúa là kết quả cuối cùng, lại cũng là khởi thủy của một cây lúa khác. Vòng đời của hạt thóc là một sự chuyển động không ngừng.

Din đã làm việc với các ban chỉ huy, các ủy ban xã chị đã qua. Chị dừng lại ở làng người Mông, người  Hà Nhì  trên rẻo cao, bàn bạc việc gấp rút vỡ đất làm mùa, cho tới khi những bờ ruộng bậc thang đã được phát sạch cỏ và đất đã lật trắng như pha vôi, chị mới xuống làng Dao tham gia ý kiến việc đào một con mương dài lấy nước về ruộng của hai xã định canh.

Luông dọn cơm. Mùi cơm mới tỏa thơm phức gian nhà. Hai người ngồi vào mâm. Luông huơ đũa cả:

- Xã như cái phễu, việc gì cũng rót xuống.

Din cười:

- Biết nỗi vất vả của cậu rồi!

- Không phải ý em thế! Luông trợn mắt - Xã là cái phễu, cán bộ xã mà không thông thì tắc phễu.

- Thế sau ông Thàng có chuyển không?

- Không chuyển mà được à! Đấu tranh, đánh bật cái tư tưởng cũ kỹ ấy xong trong chi bộ, ông ấy đứng ra hứa năm ngày làm gọn nghĩa vụ.

- Thế là tốt rồi!

- Đáng lẽ không nên để đấu tranh mới phải chứ. Phải như chị Yên ấy mới được. Ở nhà ăn rau ăn cháo thế nào cũng được, nhưng phải đóng góp cho đầy đủ... Mặt khác mình ở nhà phải làm ăn thế nào để người đi xa người ta yên lòng. Nhếch nhác là không được.

 Ngoài cầu thang có bước chân người.

Din đứng dậy, mừng rỡ.

Bà cụ bước vào, buông cái vạt áo trước gài ở dải dây lưng hoa lý phía sau, hớn hở:

- Mè Sèn đã về đấy à? Hèn nào cứ thấy máy mắt. 

- Mè về ăn cơm. Con đói quá, con ăn trước đấy. - Luông nói.

- Thì mày cứ ăn đi! Tao còn nghỉ. Ai dà, chỗ cô Vân mua thóc đông quá. Tao đứng ê cả chân mới đến lượt.

Luông nhai nhồm nhoàm nhìn chị Din, nháy mắt đắc chí rồi hỏi mẹ:

- Mè bán được bao nhiêu tất cả?

- Non một tạ thế này thôi.

Bà cụ ngồi ở cạnh bếp, nhìn Din. Hình như lâu lắm bà mới lại gặp con gái. Hay là gương mặt Din, gương mặt tròn tròn, đôi mắt một mí dịu dàng, gợi nỗi lòng bà cụ nhớ tới một hình ảnh khác khiến bà cụ bâng khuâng?

- Sao hồi này mè Sèn gầy thế, con?

Nghe mẹ hỏi, chị Din liền tủm tỉm:

- Mùa làm ăn không xanh xám mạt mày là làm biếng, mè vẫn nói thế là gì.

Din cười. Rõ ràng là chị có gầy đi chút ít. Làn da hơi xanh và lưỡng quyền có hơi nhô lên, nhưng cái cảm giác là chị gầy còn bởi vì chị búi tóc chứ không vấn khăn. Và cái áo chị mặc không phải cái áo chàm chật ống tay: chị mặc áo vét nữ màu hồng, hai ống tay rộng.

Nhưng điều đó có lẽ không phải điều quan tâm chủ yếu của bà cụ. Bà cụ ngồi dịch lại đầu nồi, mở vung, đón bán cơm của Din. Cơm mới trắng bông, hạt dài, dẻo ngọt, thơm lừng. Bà cụ đánh nồi rồi bất chợt ngẩng lên:

- Khổ, anh Quế! Đi đánh giặc mấy chục năm trường, mấy khi được ăn bát cơm ngon thế này.

Bây giờ Din mới chợt hiểu ánh mắt bà cụ khi nhìn mình. Còn Luông thì cũng đặt bát cơm xuống rìa mâm. Câu nói của bà mẹ tràn vào lòng anh như dòng nước tràn vào hồ nước đang đầy. Những cảm xúc về mùa gặt ở làng quê đang dào dạt trong anh. Mùa gặt! Phải, mùa gặt không chỉ là mùa thu hoạch công sức đã nở hoa kết quả của mình. Mùa gặt còn là lúc người ta bộc lộ đầy đủ nhất những nhân phẩm cao quý của mình. Mùa gặt là mùa của tình nghĩa, của đùm bọc, yêu thương...

Truyện vừa của Ma Văn Kháng

Tin liên quan

Tin mới nhất