“Ngọt khúc đồng dao” bao la một tấm lòng yêu trẻ
Từ sau Đại hội Đại biểu lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam (2020-2025), thơ viết cho thiếu nhi nói riêng và văn học thiếu nhi nói chung đã khởi sắc sau khoảng gần 20 năm chững lại. Văn kiện Đại hội đại biểu nhà văn lần X đề ra phương hướng trong nhiệm kỳ này là: đặc biệt chú trọng tới văn học thiếu nhi. Nội dung này từng bước được thực hiện sau đại hội. Tháng 1 năm 2022, mở đầu là cuộc phát động sáng tác văn học cho thiếu nhi được tổ chức trọng thể tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam, đích thân Chủ tịch nước khi ấy tới dự và phát biểu. Hai năm tiếp theo, Hội Nhà văn Việt Nam mở hai trại sáng tác cho văn học thiếu nhi, năm 2022 ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc; tháng 4-2023 ở Tuy Hòa, Phú Yên tập trung các cây bút viết cho thiếu nhi trên toàn quốc. Các tác giả cũng quan tâm viết cho thiếu nhi nhiều hơn.
Riêng tôi, thật vui một ngày cuối thu, trong một ngày nhận 2 tập thơ viết cho thiếu nhi: “Cây Trăng” của Nguyễn Thị Phương Anh, Nhà xuất bản văn học, tháng 10- 2023 và “Ngọt khúc đồng dao” của Nguyễn Thu Sang. Cả hai chị đều là nhà giáo, sinh ra và sống làm việc tại Hà Nội và cùng là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Thu Sang cho tôi biết chị sinh vào mùa thu, nên trong thơ viết cho người lớn và trẻ em chị có nhiều bài về mùa thu, hoặc những đề tài liên quan đến mùa thu như: hoa cúc, hương cốm, mùa thu và ngày khai trường, nhịp trống mùa thu, em yêu mùa thu...
Bìa thập thơ “Ngọt khúc đồng dao” của Nguyễn Thu Sang
Tập “Ngọt khúc đồng dao”, Nhà xuất bản Hội nhà văn, tháng 10 năm 2023 của Thu Sang gồm 65 bài thơ gọn gàng, xinh xắn. Thi tứ trong toàn tập cũng ngọt ngào, lan tỏa như hương vị mùa thu. Chắc chắn chị cũng nghĩ như vậy, nên đặt tên cho tập thơ là “Ngọt khúc đồng dao”. Chị viết theo thể đồng dao, một trong thể thơ truyền thống lục bát là đồng dao. Thể thơ này và ý thơ trong từng bài - dù là phi vật thể mà ngọt ngào làm sao. Nghe tiếng trống, báo mùa khai trường rạo rực trong lòng, trong trái tim tuổi thơ, một con người cụ thể, nhưng ở Thu Sang thì khác, tứ rất mới: “Tiếng trống trường náo nức
Rạo rực cả mùa thu
Gió biểu diễn hát ru
Bầu trời thay áo nắng...”
Chủ đề giáo dục đạo đức, lối sống, ca ngợi thiên nhiên, cây cỏ, hoa trái, chim muông là chủ đề thường thấy trong tập thơ này. Đây cũng là chủ đề mà nhiều tác giả khác viết cho thiếu nhi. Nhưng nổi trội là trong “Ngọt khúc đồng dao”, Thu Sang đã dành hẳn một chùm thơ ngót chục bài dạy các em nói, viết về tiếng Việt - bằng những vần thơ lục bát rất nhuần nhuyễn, chuẩn chỉ dễ đi vào lòng người.Chị cho các em những bài học về tiếng Việt đa thanh, đa nghĩa trên mọi bình diện của ngôn ngữ và ký tự: Bà ơi cháu hỏi câu này:
Cùng tên gọi cả mà rày rà ghê:
Bò con lại gọi là bê
Trâu con là nghé, chó thì cún cưng
Gà con- gà nhép hay không
Lợn con- lợn sữa chổng mông “bú tì”
Khoai bé lại gọi khoai bi
Chuột con - chuột nhắt chạy đi thật đều
Nhà bé lại gọi túp lều
Tôm nhỏ lại gọi tôm riu -hay là...
Cứ nhịp nhàng, uyển chuyển vậy thôi. Chị truyền đạt cho các cháu mẫu giáo, nhi đồng một ý tưởng: Vui mà học, học mà vui. Để cho sinh động, ngây thơ mà hóm hỉnh, chị dùng thủ pháp nhân hóa trong nhiều bài thơ. Cây, quả cũng biết nói cười, đi đứng, hát ca, chạy nhảy để cho các cháu đọc là thích: Na gọi là thím, bưởi gọi là lão, bà Trầu, ông Cau, rồi ả Mít, anh Hồng.
“Thím na mở mắt ngỡ ngàng
Nhìn lão bưởi trọc còn mang bụng bầu
Góc vườn quấn quýt bà Trầu
Vươn tay bám chặt ông Cau cao kều...”
(Hoa quả trong vườn)
Tôi chú ý tới câu “Nhìn lão bưởi trọc còn mang bụng bầu”. Nghe qua, lão bưởi mang bầu là phi lý, nhưng nghĩ kĩ thì thấy có lí và còn ngộ nghĩnh nữa: Bưởi cô, bưởi chị, bưởi bà thuộc giống cái mà mang bầu thì có lí, đây lại là… lão Bưởi thì vô lí, nhưng bưởi không có giới tính gì hết, bưởi chỉ là bưởi thôi. Thu Sang viết lão Bưởi mang bầu vừa hóm hỉnh, mang tính chất hồn nhiên của trẻ thơ. Chị nói những gì trẻ nghĩ, trẻ viết. Chị nhập vai đạt và nhuần nhuyễn. Chỉ những người yêu trẻ, yêu nghề, yêu thơ mới có thể viết lên những câu thơ có hồn như vậy .
Trong tập thơ, Thu Sang còn giáo dục, dạy dỗ các cháu có ý thức về gọn gàng, ngăn nắp không chỉ bằng những lời khuyên răn khô cứng.
Tưởng trong thơ viết cho trẻ em của Thu Sang chỉ những đề tài và chủ đề về gia đình, thầy cô, cây cỏ, hoa lá, chim muông như trên cũng là đủ. Nhưng mà không! Về thời đại 4.0 chị cũng có thơ cho trẻ. Nhà thơ bắt nhịp với cuộc sống đương đại thời, đưa “công nghệ thông tin” vào thơ cho các nhí... khó đấy. Không khéo sẽ biến bài giảng về công nghệ hiện đại này. Vì yêu trẻ, lại có con mắt trẻ thơ – Thu Sang viết câu mở đầu là một câu hỏi :
"Bố ơi sao thời đại
Lại là bốn chấm không (4.0)
Chúng con chỉ hằng mong
Sẽ là bốn chấm có?...”
Câu trả lời chỉ là khuyên con học hành giỏi giang sẽ trả lời được 4.0 là gì mà thôi. Điều đáng ghi nhận tài năng viết thơ cho trẻ em quả là cái khó viết, mà viết đúng, viết hay:
Như bài “Nông thôn đổi mới”
“Quê em lên phố, thành phường
Con đường đất đỏ đã “nhường” nhựa đen
Điện giăng nhiều tựa sao đêm
Trường học thoáng mát bởi thêm điều hòa..”
“Ngọt khúc đồng dao”(2023) là tập thơ đầu tiên viết cho thiếu nhi, trước đó chị đã có 5 tập thơ viết về các đề tài khác. Qua điện thoại, Thu Sang cho biết chị viết tập thơ này chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Vừa sáng tác, vừa tự vẽ, thiết kế và sưu tầm minh họa, vừa tự dàn trang, xếp chữ. Tôi không tin: Minh họa, biên tập, dàn trang thì có thể xong trong một tháng. Nhưng viết được 65 bài thơ hay đến mức chị như một nhà thơ chuyên nghiệp, chuyên viết cho trẻ em. 65 bài thơ là cả cuộc đời của chị đấy.
Ảnh minh hoạ
Với hơn 40 năm đứng lớp tại trường Tiểu học, đặc biệt với hơn 20 năm chị nuôi dưỡng dạy dỗ các cháu lớp học “Tình thương”, gồm những trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật, nhiễm chất độc màu da cam. Không thu một đồng kinh phí nào. Có lẽ lòng yêu nghề, mến trẻ và chút năng khiếu về thơ ca nên chị mới cho ra đời một tập thơ “đa thanh, đa nghĩa” như vậy. Tôi choáng ngợp những câu thơ hay của Thu Sang, đến nỗi đọc một lần ta nhớ đến tứ hay, lời đẹp :
“Bếp nhà ai khói vừa lên
Mỏng manh như dải lụa mềm buộc mây…”
(Nẻo quê)
Thu Sang dạy cho trẻ học âm “mờ” “bờ”... cũng bằng thơ lục bát. 5 chữ, 4 chữ . Bằng những bài đồng dao vui, những câu đố, cứ tự nhiên, tinh tế. Qua đó cho trẻ “Học mà vui, vui mà học”
“Miền Nam kêu má, kêu ba
Miền Bắc gọi mẹ, gọi cha, gọi thày...”
Đúng! Thu Sang là nhà sư phạm, nhà tâm lý. Biết trẻ thích gì, yêu gì, muốn gì. Chính vì thế chị như một nhà ngôn ngữ học, sử dụng một cách “sành điệu” trong “Ngọt khúc đồng dao”.65 bài thơ là 65 thông điệp khác nhau. Gần như chị đề cập đến mọi vấn đề trong cuộc sống của trẻ thơ. Bài nào cũng nhẹ nhàng mà mang tính giáo dục cao, thiết thực trong đời sống: Nào là phòng chống cháy nổ, phòng chống đuối nước, văn hóa đọc, tình cảm gia đình, yêu thiên nhiên môi trường, yêu bạn bè thầy cô, yêu trường yêu lớp, yêu lao động...“Ngọt khúc đồng dao”. “một phần thưởng tinh thần gửi đến trẻ thơ. Những khúc đồng dao ngọt ngào mà sâu lắng, ngắn gọn mà súc tích. Với trẻ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc.Hơn tất cả, chị là người mẹ, người bà, người cô đầy tình thương.
Bằng tấm lòng mình chăm chút cho cuộc sống của các em nhỏ có số phận không may mắn được an ủi, sẻ chia.Với hàng chục năm ở lớp Tình Thương- từ Tình thương đến Tình thơ. Và thơ của chị đã gây ấn tượng cho bạn đọc cả người lớn và trẻ em đều yêu thích. Tôi mừng vui, chúng ta có thêm một nhà thơ viết cho thiếu nhi. Thật đúng với ngữ nghĩa của từ này. Đặc biệt Thu Sang thành công ngay ở tập thơ đầu tay viết cho thiếu nhi. Một lãng hoa đa sắc màu và đậm hương “NGỌT KHÚC ĐỒNG DAO”
Nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm sinh nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao - một trong những gương mặt nghệ sĩ tài danh hàng đầu của...
Bình luận