Nhà thơ Y Phương - Người thầy đáng kính

Với nhiều người Y Phương là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình… nhưng với tôi ông còn là một người thầy. Người thầy lặng lẽ, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi tiếp cận “Bản sắc văn hóa Tày” qua tản văn.

Tôi biết đến nhà thơ Y Phương qua sự giới thiệu của TS. Lê Thị Bích Hồng (lúc bấy giờ đang giữ chức vụ Phó Vụ trưởng vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương) - người trực tiếp hướng dẫn tôi làm khóa luận. Là người đang công tác trên mặt trận văn hóa, cô luôn đau đáu một nỗi niềm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số. Tôi được cô truyền lửa từ những buổi nói chuyện giữa văn hóa với văn học. Tôi đã yêu thơ Y Phương từ những câu thơ:

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”

Vài ngày sau khi tìm hiểu, tôi báo với cô, hiện tại nhà thơ Y Phương đã có rất nhiều người “cày xới”. Cô chỉ cười hiền hậu:

- Chắc em chỉ biết đến nhà thơ Y Phương qua mảng thơ. Nhà thơ Y Phương còn có cả “Chiếu nghỉ giữa khoảng thơ”

- Em chưa tìm hiểu về “Chiếu nghỉ giữa khoảng thơ” cô ạ?

- "Chiếu nghỉ giữa khoảng thơ" là hai tập tản văn Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm (xuất bản năm 2009) được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và Kungfu người o Xàu (xuất bản năm 2010). Hiện tại nhà thơ đang hoàn thành bản thảo cuốn tản văn Fừn Nèn – Củi Tết.

Tôi hơi nghi ngại bản thân:

- Em rất thích tản văn, nhưng em là người Kinh, em sợ mình viết không có cái “thần” thì hỏng.

Tôi thoáng thấy cô nheo mắt, những nếp nhăn xếp lên trên trán. Rất nhanh cô động viên tôi:

- Cô trò mình cùng cố gắng nhé! Em sắp xếp thời gian cô trò mình sẽ gặp người Tày “xịn”. Sau buổi nói chuyện em cảm thấy làm được thì chúng ta sẽ bắt đầu.

- Giữa thủ đô Hà Nội cũng có người Tày “xịn” hả cô?

- Có chứ? Nhà thơ Y Phương đang ở Hà nội em à!

- Em muốn gặp nhà thơ luôn cô ạ!

Cô dường như đọc được cái nôn nóng, vội vã trong tôi.

- Em cứ về đọc kĩ tản văn của nhà thơ Y Phương. Có gì thắc mắc chưa hiểu gì về văn hóa Tày em cứ mạnh dạn hỏi.

Nhà thơ Y Phương - Người thầy đáng kính - 1

Nhà thơ Y Phương.

Tôi ra về, lòng đầy hứng khởi với một hi vọng mới. Chiều đông, khi chiếc lá vàng cuốn theo chiều gió trở mình về với đất. Những cơ gió mang theo cái rét đượm của mùa đông chốn mình trong cái hanh hao của nắng. Tôi gặp nhà thơ Y Phương trong căn phòng đầy tình cảm ấm áp. Trước mắt tôi là người đàn ông dáng đầm đậm thanh cao như cây cổ thụ của núi rừng giữa đất trời thủ đô Hà Nội. Nụ cười như nắng tỏa trên ngàn. Tiếng nói trầm ấm vang chắc như núi đá.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một người dân tộc đã “xuống phố” nhưng đầy bất ngờ từ lời ăn, tiếng nói, đến cách ăn mặc giản dị, chân thành, mộc mạc xóa đi bao khoảng cách. Tình người cứ ấm dần lên qua câu chuyện văn hóa Tày. Nhà thơ bộc bạch luôn khắc khoải tìm kiếm một cách viết mới ngoài thơ, vượt qua cảm giác “lống loãng”, “rỗng ruột”, vịn vào câu nói cổ nhân của người Tày “Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước làm rẫy”, từ thơ, đến trường ca, ông đã mạnh dạn thử sức lấn sang một địa hạt mới đó là tản văn và đây chính là “Chiếc nghỉ giữa khoảng thơ”.

Nhà thơ Y Phương - Người thầy đáng kính - 2

Tập thơ song ngữ Việt - Tày của nhà thơ Y Phương.

Gắn bó với đá, với núi rừng nên trong cuộc trò chuyện từng cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao Trùng Khánh, non nước Cao Bằng – nơi thế kỷ XV là kinh thành của nhà Mạc, nơi các ngọn núi từ thấp đến cao đều lao vút lên trời nhọn hoắt hiển hiện qua từng lời nói trầm ấm vang rung trong trái trái tim ông với dòng sông, dáng núi, cây tre, cây trúc, quả trám, hạt dẻ…

Tôi được nhà thơ nhuốm trong bầu khí quyển văn hóa Tày với những lễ hội từ xuân đến mùa hạ sang mùa thu vắt qua mùa đông với “Tết cả”, “Tết thông minh”, “Tết Slip Sli thịt vịt”, “Tết Hạ chí”, “Tết trâu”, “Tết cốm”... đặc sắc của người Tày. Ông như một “vị đại sứ” văn hóa ẩm thực khi nói về hạt rẻ, bánh xì cheng, cốm, trám, xôi ngũ vị, bánh trứng kiến pẻng tải, bánh gai, bánh dợm, thịt vịt quay… Tôi được mở mang trước những phong tục tập quán ma chay, cưới xin đến lề thói ứng xử quan hệ trong họ ngoài làng, với trời đất, cỏ cây, con vật…

Trước mắt tôi là người đàn ông luôn “coi cái làng Tày như da bọc lấy người”, từng lời ông nói như mang theo cả “mảnh hồn làng” với tình cảm trong sáng, đôn hậu, trọng nghĩa tình, thường trực ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi chăm chú lắng nghe và không bỏ sót một chi tiết nào. Bên cạnh dấu nối hòa nhập trong ngôi nhà chung, nhà thơ Y Phương còn nhấn mạnh cho tôi về nỗi xót xa của nhân vật trữ tình trước sự mai một của bản sắc văn hóa dân tộc và ông muốn gửi gắm thông điệp: “Hãy bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc” trước thêm hội nhập và phát triển.

Cuối buổi nói chuyện, nhà thơ Y Phương đưa cho tôi một túi xách nho nhỏ trong đó có một vài cuốn sách và tạp chí, băng đĩa về văn hóa dân tộc thiểu số và đặc biệt là văn hóa Tày. Tôi cảm ơn nhà thơ, lòng cảm thấy đầy niềm vui sướng, nhìn túi xách nhỏ tôi như thấy mình được truyền thêm sức mạnh đầy yêu thương và cả sự tin tưởng. Sau buổi nói chuyện với nhà thơ Y Phương và đọc những cuốn sách tư liệu tôi bắt đầu ngấm.

Nhà thơ Y Phương - Người thầy đáng kính - 3

Những trang viết về bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng, của sông suối, của thác, động, về phong tục tập quán, đến kiến trúc, ngôn ngữ, trang phục, cốt cách tâm hồn con người miền núi… lần lượt hoàn thành. Tôi viết từ từ, cẩn thận mỗi khi đặt bút, mỗi tuần đều đặn dù viết được nhiều hay ít tôi đều gửi cho cô Bích Hồng và nhà thơ Y Phương. Mỗi lần chuyển mail tôi đều nhận được tin nhắn khích lệ động viên của cả cô và nhà thơ Y Phương. Cứ như vậy, không bao lâu tôi đã hoàn thành công trình nghiên cứu. Tôi đọc lại kỹ lưỡng, sửa sang chỉn chu lại rồi gửi cho cô. Cô bảo tôi:

- Em gửi cho nhà thơ Y Phương đọc rồi tham gia góp ý cho hoàn thiện vì phần tiếng Tày cần được xem xét kĩ, đặc biệt là những câu tục ngữ.

Tôi gửi cho nhà thơ Y Phương bản thảo. Những ngày chờ đợi phản hồi với bao suy nghĩ cứ lởn vởn trong đầu. Không biết mình viết như thế đã được chưa, có mất đi cái hồn của tản văn không, có lệch lạch chút ít văn hóa gì không? Tiếng điện thoại reo, tôi mừng quýnh, lòng nghẹ đi khi nhà thơ nói.

- Lần đầu tiên gặp, bác thấy rất lo lắng cho cháu, trong đầu bác đặt ra rất nhiều câu hỏi. Bác đã cố gắng truyền tải cho cháu tất cả những gì bác có về văn hóa Tày – nơi bác sinh ra và lớn lên. Bác cảm ơn cô trò đã nghiên cứu về văn hóa Tày qua tản văn của bác. Cô trò đã chạm đến cái hồn của dân tộc Tày, chạm đến nỗi đau đáu về sự mai một của bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt phần tiếng Tày rất ấn tượng…

Nhà thơ Y Phương - Người thầy đáng kính - 4

Ngày bảo vệ khóa luận, tôi có mời nhà thơ Y Phương tới dự. Chúng tôi đến sớm để chuẩn bị, bạn bè tôi bảo:

- Nhà văn, nhà thơ rất bận, chắc chắn không đến dự đâu. Nhà văn tớ làm ở tận thành phố Hồ Chí Minh nên nhiều khi trao đổi qua điện thoại cũng rất vội... mà hôm trước cậu được nhà thơ tiếp cả buổi như thế chắc là “khai thác” được nhiều “tư liệu” quý lắm nhỉ?

- Người khác tớ chưa tiếp xúc nên không biết, riêng nhà thơ Y Phương tớ thấy rất gần gũi, thân thiết, cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ nếu gặp rồi các cậu cũng sẽ bất ngờ cho xem…

Vừa dứt lời thì nhà thơ Y Phương đến. Tôi rất bất ngờ trước sự hiện diện, tình cảm của nhà thơ dành cho mình. Nhà thơ đi đến đâu như mang theo cả hình dáng núi rừng tỏa khắp. Tôi mừng rỡ cùng đám bạn chạy lại đón tiếp. Bọn bạn tôi xúm lại xung quanh hỏi han chụp ảnh, xin chữ ký, phỏng vấn… mãi mới thôi. Nhà thơ đến sớm để hỏi tôi xem còn gì thắc mắc cần chuẩn bị cho buổi bảo vệ không, và còn bí mật nói với tôi về một từ rất “hot” của “người đồng mình” đó là “Boong hây”. Tôi thấy như được tiếp thêm sự tự tin, sẵn sàng cho những câu hỏi “xoáy” của các thầy cô phản biện.

Xuất phát từ con số 0 tròn trĩnh nhưng tôi luôn chăm chỉ, cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu, dưới sự dìu dắt chỉ, hướng dẫn tận tâm của cô Bích Hồng và nhà thơ Y Phương:

 “Như còn tằm rút ruột mang tơ óng

 Cây được vun trồng nở rộ hoa”

(Bài Xướng – Doãn Mậu Côn)

Tôi nhận được điểm xuất sắc. Sau khi hoàn thiện công trình, nhà xuất bản đại học Thái Nguyên đã làm “bà đỡ” mát tay cho bài nghiên cứu ttrong tổng tập Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Tháng 11 về, mang theo cái se lạnh đầu đông, mang theo cái nắng dịu nhẹ vương trên cành hoa sữa nồng nàn. Cầm trên tay cuốn sách, tôi bồi hổi nhớ về nhà thơ Y Phương - Người thầy đáng kính trong trái tim tôi.

Hoàng Thị Kiều Trang

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống