Nhà văn Khái Hưng: Câu văn kết tinh hồn thơ man mác

Trong những trụ cột của nhóm văn chương Tự Lực văn đoàn (TLVĐ), những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, Khái Hưng (Trần Giư) là nhà văn nổi tiếng, lại là “cậu ấm” con quan…

Thiếu gia nhà họ Trần     

Viên quan tuần phủ Trần Mỹ (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có 5 người vợ. Bà cả sinh được ba trai một gái. Người con trai đầu Trần Xuân làm thương tá nhưng mất sớm, đã đôn Trần Giư lên thành con trưởng trong gia đình, là anh của Trần Tiêu và Trần Thị Ngọc.

Nhà văn Khái Hưng tên thật là Trần Giư. Thời trẻ đi học, chỉ vì quá hâm mộ  tính cách lãng tử của vị tướng đời Trần là Trần Khánh Dư, nên thiếu gia nhà họ Trần đã tự thêm chữ “Khánh” làm đệm thành “Trần Khánh Giư”. Còn  tỷ mỷ tháo rời 8 chữ cái trong hai chữ Khánh Giư, rồi sắp xếp  lại  thành  “Khái Hưng” làm bút danh  của mình. 

Ban đầu Khái Hưng theo học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Tây, lấy bằng tú tài phần một ban cổ điển. Sau ra Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long, tham gia viết văn đăng báo. Cũng trong khoảng thời gian 1930 - 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Nhất Linh để ý tới Khái Hưng,  biết đây là một con người kín đáo, dễ mến và tin cậy. Đặc biệt khi biết Khái Hưng có khả năng về văn chương, có đủ điều kiện và thế lực ra làm tri huyện, mà từ chối thì càng mến phục. Hai người kết bạn và mau chóng trở thành một cặp tác giả nổi tiếng, là trụ cột của nhóm văn chương TLVĐ sau này. 

Khái Hưng lấy vợ là ái nữ của tổng đốc Bắc Ninh, có biệt hiệu Nhã Khanh. Là người thông thạo Hán văn, viết chữ nho rất đẹp, bà Nhã Khanh tâm đầu ý hợp với chồng, thường đàm đạo văn chương. Khi sáng tác nếu có chương đoạn nào viết về các bà, các cô thuộc phái thượng lưu, Khái Hưng thường hỏi thêm ý kiến vợ cho cẩn thận. Có lần Khái Hưng viết truyện “Bông cúc huyền”, có đoạn “đôi ủng đan bằng kim tuyến” bị vợ chê là sai, bởi kim tuyến không thể đan được, cần phải sửa. Vợ chồng sống với nhau thuận hoà, rất thương yêu như vậy nhưng không có con. Người bạn chân tình là nhà văn Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam đã cho người con trai mình là Nguyễn Tường Triệu làm con nuôi (tức Trần Khánh Triệu).

Văn sĩ của thanh niên 

Văn chương Khái Hưng chủ yếu là tiểu thuyết, mà ái tình làm đề tài chính, thường đề cao tình yêu tự do, chống lễ giáo phong kiến. Nói như Vũ Ngọc Phan thì Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam. 

Nhà văn Khái Hưng: Câu văn kết tinh hồn thơ man mác - 1

Khái Hưng và tòa soạn báo “Ngày Nay” đi thực tế (người đứng giữa bức ảnh, áo vest, mũ phớt, chống batoong)

Khái Hưng rất hiểu tâm lý phụ nữ. Trong truyện phần kết bao giờ cũng gây cảm giác bâng khuâng, man mác trong lòng bạn đọc. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Khái Hưng viết truyện ngắn tuyệt hay, linh hoạt và cảm người ta hơn là truyện dài. Vì nó vui tươi và rộng mở. Khái Hưng quan sát lão luyện và dùng ngòi bút tài tình. Truyện ngắn Khái Hưng có một đặc biệt là ông tìm ra ý nghĩa của mọi việc trên đời, dùng ngôn ngữ giản dị trong sáng ghi lại, làm cho người ta cảm nhận chứ không gò ép cám dỗ người ta bằng lý trí”.

Khái Hưng viết đủ các thể loại, mà đều hay gây ấn tượng. Năm 1933 một lần cùng anh em toà báo đi lễ chùa ở Bắc Ninh, Khái Hưng đã xúc động trước con người và phong cảnh, sau đó ra đời tiểu thuyết, đương thời  coi là bản tình trường độc đáo. “Hồn bướm mơ tiên” là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, cũng là tác phẩm đầu tiên của TLVĐ, đã cuốn hút thanh niên vào tình ái lý tưởng, với đủ tâm trạng, cung bậc.

Khái Hưng đã cho ra mắt tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” gây xôn xao dư luận nhiều năm trong lòng bạn đọc. Đây là chuyện về số phận con người bị kẹp vào luân lý, lễ giáo. Rồi “Gánh Hàng Hoa” ca ngợi vẻ đẹp ngây thơ, hết lòng yêu chồng của cô gái quê trẻ đẹp tên Liên nhưng lại chịu nhiều bất hạnh. Lại có cả “Đời mưa gió” hay “Trống Mái” đều có những khám phá về cuộc sống cá nhân  của tầng lớp thanh niên…  

Sức khám phá và thích tìm tòi sáng tạo trong văn chương đã làm cho tên tuổi Khái Hưng lan tỏa, tạo ra nhiều “fan” hâm mộ. Đi thăm cảnh một ngôi chùa, có những ngôi tháp cổ kính huyền bí, sau đó ông đã tạo ra bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tiêu Sơn tráng sĩ” đồ sộ nhiều chương hồi  vô cùng hấp dẫn.

Khái Hưng viết kỹ thuật tinh xảo, bố cục truyện giản dị, khéo léo. Tình tiết truyện thưa ít, động tác nhân vật ngắn gọn. Nhân vật trong truyện thường có tác phong cử chỉ thanh thoát, lời nói hóm hỉnh duyên dáng, hoa lệ của tầng lớp trí thức... Văn ông có chất thơ, giàu trí tưởng tượng, bay bướm, có hình ảnh nhạc điệu, hợp với truyện tâm lý. Có nhiều trang viết đẹp như tranh, tươi mát cảnh làng quê Việt Nam, ví như trong cuốn truyện “Gia Đình”, có đoạn tả thế này: “Những cây cau thân thẳng và mảnh toả từng buồng hoa vàng xuống  một mùi thơm phảng phất, thanh thanh của hoa chè: hai hương vị của nơi thôn dã”.

Những câu văn có hội họa: “Mặt trời vừa mọc và ẩn sau  đám mây tím trải ngang trên làn nước đủ màu, từ màu lam sẫm, lam nhạt ngoài xa cho đến các màu hồng, màu vàng ở gần bờ. Trên nền trời sắc da cam chói lọi, những vạch đỏ thẫm xòe ra như bộ nan quạt là bằng ngọc lựu”. (Trống Mái)

Là một trong những người sáng lập TLVĐ, ông viết cho tờ Phong hóa, Ngày nay, thường giữ mục “Câu chuyện hàng tuần”. Thời kỳ đầu, TLVĐ có 6 người, Khái Hưng đã giới thiệu người em là Trần Tiêu, giáo viên trường huyện, đang viết tiểu thuyết  “Con trâu”  cùng gia nhập.

Về sau theo đề nghị của Nhất Linh, kết nạp thêm Xuân Diệu thành ra 8 người - bát tú. Vậy là trong bát tú ấy, có ba anh em nhà Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) và hai anh em  Khái Hưng, Trần Tiêu.

Phong cách Khái Hưng 

Đọc hồi ức của Trần Khánh Triệu, con nuôi của Khái Hưng mới biết rằng nhà văn say mê quần vợt, bơi ếch rất tài, thích đi bộ, chơi đàn tam thập lục rất hay.  Ông thường viết vào sáng sớm, hoặc về khuya. Nếu trời lạnh, ông xếp bằng trên ghế mây, trước hết gây cảm hứng bằng cách ngâm nga vài câu chèo cổ hay câu hát  trống quân. Ông quen dùng bút máy ngòi vàng loại Waterman, dùng giấy pelure dày để sáng tác. Ông hút thuốc lá thơm, cà phê tự pha, có chiếc đèn cồn đun  nước sôi bên cạnh… Lại có thú vui vừa viết vừa nhâm nhi và nghe từng giọt cà phê nhỏ  tí tách,  khẽ khàng dở kính lúp soi những hàng chữ nho nhỏ li ti vừa đọc vừa gật gù… Và đôi khi nhà văn còn chơi trò “ô chữ” trong tờ báo Volonté Indochinoise (Nguyện vọng Đông Dương). Mỗi lần tìm được một chữ thích hợp, lại vỗ đùi khoái chá.

Nhà văn Khái Hưng: Câu văn kết tinh hồn thơ man mác - 2

Bìa tác phẩm của Khái Hưng.

Khái Hưng yêu con vật nhưng chỉ thích mèo, ghét chó, vì ông cho rằng chó là loài nịnh bợ, bị đá vào mõm nó vẫn ve vẩy đuôi, hí hửng, lè lưỡi liếm ngoen ngoét. Còn mèo thái độ dứt khoát, ai yêu nó, nó âu yếm, ai trêu nó, nó cào hoặc gầm gừ.

Có thể nói trong TLVĐ, Khái Hưng là nhà văn viết nhiều nhất. 

Chỉ tính 8 năm (1934 đến 1942) ông đã xuất bản trên hai mươi cuốn sách, gồm 12 truyện dài, 5 tập truyện ngắn, 3 vở kịch, 4 tập truyện thiếu nhi. Ông còn viết chung với Nhất Linh ba tiểu thuyết nổi tiếng: “Anh phải sống”, “Gánh hàng hoa”, và “Đời mưa gió” làm mê mẩn giới thanh niên đương thời. 

Trương Chính trong “Dưới mắt tôi” khen Khái Hưng “có lối văn giản dị thanh tao, bóng bẩy nhưng trong sáng, nhịp nhàng nhưng không mất vẻ tự nhiên. Nhiều câu văn phảng phất âm điệu thơm tho, thấm vào hồn ta như mùi hương đượm... Ông kết tinh được cả cái hồn thơ man mác bao trùm  cảnh vật và ghi được màu sắc rất hay biến đổi bằng một ngòi bút điêu luyện... Vào hồi 1933 một quyển như “Hồn Bướm Mơ Tiên” là một hòn châu báu”. (Tổng tập Văn học Việt Nam tập 24B- NXB KHXH, 1997)

Còn đây: “Với Khái Hưng, đó là một nhà tiểu thuyết có biệt tài, và người ta có thể gọi ông là nhà văn của thanh niên. Ông rất am hiểu tính tình tuổi trẻ. Phần đông thanh niên trí thức Việt Nam là những độc giả trung thành của ông và phụ nữ chiếm số đông nhất.” (Nhà văn hiện đại, tập 2- NXB KHXH, 1989).

Sinh năm 1896, ông mất vào mùa xuân năm 1947 ở Nam Định. 

Người đời sau chẳng ai nhớ thiếu gia Trần Giư, cậu ấm con quan tuần phủ Trần Mỹ ở Vĩnh Bảo. Độc giả chỉ biết trong lòng họ có một nhà văn Khái Hưng, nhà văn của thanh niên.

Khúc Hà Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất