Nhà văn Trần Thị Trường - Người phụ nữ nhiệt tình với nghệ thuật
Cùng với niềm hạnh phúc bền vững mà màu sắc và con chữ mang lại, trong mùa xuân mới, bà cũng vừa đón nhận niềm vui với giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam. Không khó để nhận ra rằng, chính nguồn năng lượng cống hiến cho nghệ thuật đã trở thành vẻ đẹp đầy tinh túy trong bức tranh về cuộc đời bà.
Không phải là say đắm, là đam mê, mà với Trần Thị Trường phải khẳng định rằng bà là một người nhiệt tình với nghệ thuật. Dù đã ngoài 70, nhưng người phụ nữ ấy lại như đang trẻ ra mỗi ngày cùng nghệ thuật, có lẽ vì bà đã luôn hết mình với nghệ thuật nên nghệ thuật cũng dành cho bà những tặng phẩm đẹp đẽ của mình.
Cũng như nhiều nghệ sĩ, tình yêu với nghệ thuật của bà được nhen nhóm từ khi còn rất trẻ, bà từng thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp với ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng ở bà, lại đặc biệt hơn khi đã từng có thời gian vì phải “đi tìm đường cứu nhà” bà đã sang tận đất nước Bulgaria xa xôi để làm việc, phải tạm gác lại tình yêu đó để trang trải với đủ thứ nghề từ phiên dịch, may quần bò, làm thủ công,… rồi viết báo, trình bày báo, thiết kế sân khấu, làm pano, áp phích,… khi về nước.
Nhà văn Trần Thị Trường
Đến khi nhận thấy đời sống vật chất đã đạt tới một cái ngưỡng nào đó bà đã dành nhiều thời gian hơn để chăm chút cho đời sống tinh thần. Dẫn lại câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy “Mẹ ru cái lẽ ở đời / Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn” bà cho rằng: “Khi cái bụng còn đói thì thứ chúng ta nghĩ đến đầu tiên là cơm, áo, gạo, tiền nhưng khi ta ấm bụng lên thì nhu cầu tinh thần cũng cứ thế mà lớn lên. Đơn giản như khi ta mua một cái áo, muốn mặc đẹp thì phải có mắt thẩm mỹ, khi nghe nhạc, ta cũng muốn biết đó là bài hát hay hay dở”.
Bà đã chăm chỉ lao động, tích lũy cho mình một vốn sống phong phú với nhiều trải nghiệm mà ít người có được nên khi trở lại với nghệ thuật, bà đã say mê nó bằng một tâm thế vững vàng hơn, mãnh liệt hơn và cũng lý trí hơn. Bước ngoặt ấy đã đánh dấu con đường nghệ thuật của người phụ nữ đã tài, hết mình với nghệ thuật bằng nhiều dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật.
Ngày ấy, ở độ tuổi 40, bà bước vào văn chương một cách đầy tha thiết vì bà đã tìm được cho mình một đề tài và lấy đó làm mục đích để sáng tác, đó là sự cảm thông với thân phận của những người phụ nữ. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tay đầy vang dội “Lời cuối cho em” cho đến các truyện ngắn “Bâng khuâng”, “Tình câm”, “Thị Lộ”, “Sóng vỗ mạn thuyền”,… bà đã lột tả được cái hiện thực đời sống với nhiều giá trị bị xé nát, những mảnh đời phụ nữ éo le và cảm thông, đồng cảm sâu sắc với họ.
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Thị Trường.
Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ: “Tôi nhận thấy xã hội Việt Nam mình và xã hội của một số nước Châu Á khác đều có một điểm chung, dường như nguyên tắc trong cuộc sống đa phần đều do người đàn ông đặt ra. Vì đã có thời gian sống ở phương Tây, nên tôi đã nhận ra điều đó và cũng hiểu rằng đó là điều bất thành văn nhưng lại được truyền từ đời này sang đời khác”.
Bà nhận ra những người phụ nữ thời đó không có nhiều tiếng nói trong gia đình, người đàn ông sau khi lấy vợ về thường có câu “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, rồi là những quy định, phép tắc khi người phụ nữ sống trong gia đình nhà chồng, tất cả những điều đó trở thành những rào cản lớn khiến nhiều phụ nữ rơi vào cảnh trớ trêu.
Bà cũng nhận ra xã hội khi đó ít việc làm cho phụ nữ có tri thức, khi những người phụ nữ lam lũ ở ngoài đường bị chê xấu xí thì những người phụ nữ có tri thức lại bị phán xét, soi mói, đố kỵ, đặt điều ở nơi làm việc. Bà đồng cảm với họ và cảm thấy đau đớn khi nhiều phụ nữ đã vô cùng vất vả để học hành, để có kiến thức nhưng lại không được gia đình và xã hội công nhận năng lực, vai trò của họ.
Bà cho biết, các câu chuyện của bà khi đưa vào trong văn chương đều là hình bóng của những con người thực cộng với cả những chiêm nghiệm của bản thân bà. Ở mỗi phần kết truyện, bà luôn gửi gắm vào đó những giá trị, những thông điệp và những người phụ nữ trong những câu chuyện ấy rất ít khi đầu hàng. Tuy họ có thể không dám lựa chọn một cuộc sống mới nhưng họ có cách để sống tự do theo kiểu mà họ chấp nhận được, họ bản lĩnh hơn chứ không chấp nhận sự an bài và đổ lỗi cho số phận.
Nhà văn Trần Thị Trường qua nét vẽ của họa sĩ Hải Kiên.
Nhà văn Trần Thị Trường cũng là một người phụ nữ bản lĩnh, cũng vì tính cách hòa nhã và lòng nhiệt thành của mình nên bà được rất nhiều nhạc sĩ yêu quý. Bà đã kết thân với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng và có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện với hầu hết các nhạc sĩ Việt Nam ở phía Bắc, có thời gian bà còn làm bầu show cho ca sĩ Ngọc Tân và đi diễn cùng nhạc sĩ Trần Tiến. Đối với âm nhạc, bà không sáng tác nhưng bà yêu nó, hiểu nó và biết trân trọng tài năng người nghệ sĩ, bà cũng biết cách lao động với âm nhạc để kiếm sống bằng các bài báo bình luận về âm nhạc.
“Tôi cứ sống nhiệt tình và hết mình, nhiều người tưởng rằng như thế sẽ thiệt thòi (sợ lương thấp, sợ khó, sợ khổ) nên đã đắn đo không làm nhưng tôi vẫn thấy có lãi dù lương thấp bao nhiêu, vì với tôi, chỉ khi hết lòng với cuộc sống thì mới có được những trải nghiệm tuyệt vời để làm nghệ thuật”, nhà văn tâm sự.
Sau khi về hưu, bà vẫn gắn bó với nghệ thuật và say sưa với công việc nghiên cứu về luật sở hữu trí tuệ, quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền tác giả, bà cũng từng làm việc tại Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Văn học và Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Vì là người am hiểu luật pháp nên bà chín chắn hơn trong lao động nghệ thuật chứ không cảm tính và để cảm xúc chi phối quá nhiều.
Bà cũng bắt đầu học vẽ một cách nghiêm chỉnh trở lại, theo đuổi niềm đam mê hội họa ở tuổi xế chiều nhưng bà lại không thấy mình già khi đặt bút vẽ lên toan. Bà dành thời gian nhiều hơn cho tranh chân dung và tĩnh vật, những bức tranh của bà được nhiều người yêu thích bởi chúng chứa đựng những mảng màu đầy sức sống, lại có sự hòa quyện giữa hiện thực và quá khứ và ngồn ngộn tư liệu cuộc sống mà tác giả đã chiêm nghiệm.
Một tác phẩm hội họa của nữ nhà văn.
Đầu tư cho mình một đời sống nghệ thuật phong phú, dành thời gian cho sách báo, âm nhạc, hội họa và văn chương,… nhà văn Trần Thị Trường cho rằng những thứ đó phải được nạp vào như là vắc xin, để phòng những tệ nạn lôi cuốn ngoài kia của xã hội.
Nhưng nhiều người thường lấy lý do vì công việc bộn bề, vì phải kiếm sống mà họ không thể dành thời gian cho nghệ thuật thì theo nhà văn Trần Thị Trường, đó chỉ là do cách chúng ta sắp xếp thời gian, ta ưu tiên cái gì trước, cái gì sau, bởi không ai là có 25 giờ trong một ngày. Nếu một người ưu tiên cho việc đi du lịch trước mà chưa hề đọc sách hay có hiểu biết về lịch sử vùng đất đó thì khi đi du lịch, anh ta cũng chỉ là nhìn người đi qua, đi lại. Người ta có thể thích một bức tranh nào đó bằng trực giác nhưng để hiểu nó một cách sâu sắc thì trực giác là không đủ. Khi đến bảo tàng nghệ thuật hoặc khi lựa chọn mua một bức tranh cần phải có kiến thức về mỹ thuật, cộng với một trực giác tốt thì những điều "thu hoạch" mới có giá trị thực.
“Chúng ta đều biết rằng, nếu con người không cân bằng giữa thể xác và tâm hồn, thì dù họ giàu có đến mấy về vật chất nhưng tâm hồn lại lệch lạc thì chúng ta vẫn thấy họ rất xấu xí, khi phát ngôn họ lộ ra mình kém cỏi, khi đánh giá nghệ thuật thì họ lại càng trở nên xấu xí hơn”, nhà văn Trần Thị Trường nhấn mạnh.
Nhà văn Trần Thị Trường vừa nhận được giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Bà chính là một nhân chứng sống hết mình cho nghệ thuật, với bí quyết “ưu tiên cho việc bồi bổ kiến thức nền tảng trước, rồi mới tìm đến nghệ thuật” bà đã có một đời sống cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Cùng với niềm hạnh phúc bền vững mà màu sắc và con chữ mang lại, trong mùa xuân mới, bà cũng vừa đón nhận niềm vui với giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam. Không khó để nhận ra rằng, chính nguồn năng lượng cống hiến cho nghệ thuật đã trở thành vẻ đẹp đầy tinh túy trong bức tranh về cuộc đời bà.

Đã đi qua những buồn – vui, được - mất, với nhiều nếm trải, chiêm nghiệm, thơ Nguyễn Bảo Chân như đằm lắng lại....
Bình luận