Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn

Đêm hôm ấy, bộ đội cùng nhau xông ra mặt đường với khí thế thật hào hùng, khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Tiếng máy húc ầm ầm, tiếng mìn phá đá vang vọng khắp núi rừng. Chúng tôi đi bộ suốt đêm, nghe đài thông báo tin chiến thắng, ai cũng rạo rực, quên hết cả mệt mỏi. Đường thông, những đoàn xe tăng, xe kéo pháo, ô tô chở quân, chở hàng lại nối đuôi nhau suốt đêm ngày rầm rập ra trận để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào

Bài 2: Khảo sát đường kín

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 hiệp định Paris được ký kết, Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương. Các đơn vị của Bộ tư lệnh Trường Sơn lần lượt rút hết về phía đông, Tây Trường Sơn trên đất Lào chỉ còn Sư đoàn Công binh 472 và Trung đoàn Bộ binh 39.

Để bảo đảm vận chuyển cho chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo tập trung xây dựng cơ bản đường Đông Trường Sơn. Tháng 8 năm 1974, Sư đoàn 472 rút về nước để tập trung cả 3 sư đoàn Công binh: 470, 472, 473 xây dựng đường Đông Trường Sơn. Để lại bộ phận thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây chỉ đạo Trung đoàn Công binh 34 và 4 tiểu đoàn độc lập ở lại và Trung đoàn bộ binh, đảm nhiệm cải tạo và bảo đảm giao thông toàn bộ tuyến đường Tây Trường Sơn từ Bản Đông - Đường 9 đến Phi Hà (ngã ba biên giới).

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng thuận lợi, Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30/9/1974 - 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 18/12/1974 - 8/01/1975) hạ quyết tâm: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Nếu thời cơ đến sớm hơn, thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thực hiện quyết tâm Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh sớm chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu xây dựng hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Dự thảo này đã được Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 18/12/1974 - 8/01/1975) thông qua, chính thức trở thành “Kế hoạch tác chiến chiến lược”, gồm hai phương án.

Phương án cơ bản, có hai bước: Bước 1 (năm 1975), mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy, làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, tạo ra thời cơ thuận lợi mới có lợi nhất cho cách mạng. Bước 2 (năm 1976), tiến hành tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giành toàn thắng. Phương án thời cơ: khi ta đánh mạnh, địch suy yếu nhanh có thể tạo ra thời cơ phát triển “đột biến”, lập tức tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng trong năm 1975.

Trên thực tế, chính nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, Chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi quan trọng bước đầu. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã họp, bàn bổ sung quyết tâm chiến lược, quyết định chuyển từ phương án cơ bản sang phương án thời cơ, thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay năm 1975.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn - 1

Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi. Ảnh tư liệu 

Sư đoàn công binh 565 ra đời 

Do đường xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn đang thi công, mới hoàn thành từng đoạn, phải chuyển hướng bảo đảm cầu đường bên Tây Trường Sơn. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm vận chuyển cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đầu năm 1975, Sư đoàn  565 được thành lập. Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây phát triển lên thành Bộ Tư lệnh Sư đoàn Công binh 565. Do yêu cầu cấp bách, nên lấy con dấu của Đoàn chuyên gia quân sự 565 đã kết thúc nhiệm vụ làm con dấu của Đoàn 565 mới, thực tế là Sư đoàn 565.

Bộ tư lệnh sư đoàn 565 gồm:

Trung tá Đào Kim Sơn - Tư lệnh Sư đoàn 472 bên Đông Trường Sơn chuyển sang làm Tư lệnh Sư đoàn 565.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn - Chính uỷ Sư đoàn Bộ binh 968 chuyển sang làm Chính ủy Sư đoàn 565.

Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Trưởng ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây chuyển sang làm Phó tư lệnh Sư đoàn 565.

Trung tá Nguyễn Văn Hiểu - Chính uỷ Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây chuyển sang làm Phó Chính uỷ Sư đoàn 565.

Các trợ lý của Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây chuyển sang làm trợ lý các cơ quan sư đoàn, nhiều cán bộ được điều động từ Sư đoàn 472 và các đơn vị phía Đông sang.

Lực lượng gồm Trung đoàn Công binh 34 do Thiếu tá Đào Minh Trình làm Trung đoàn trưởng, thành lập Trung đoàn Công binh 576 do Thiếu tá Nguyễn Đình Xường làm Trung đoàn trưởng, bao gồm 3 Tiểu đoàn độc lập trực thuộc Mặt trận Miền Tây(d29, d35, d41); nhận hai Tiểu đoàn nữ quân nhân mới của Nghệ An và Ninh Bình từ miền Bắc vào bổ sung quân cho 3 tiểu đoàn độc lập trên. Điều Trung đoàn Bộ binh 39 do đồng chí Kiên làm Trung đoàn trưởng, thuộc Sư đoàn Bộ binh 968 sang bảo đảm đường vận chuyển khi Sư đoàn 968 cơ động sang Tây Nguyên.

Toàn Sư đoàn triển khai từ Bản Đông vào đến Phi Hà (Ngã ba Đông Dương), do yêu cầu cấp bách, Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều Trung đoàn Công binh 35 tử phía đông quay sang tây Trường Sơn tăng cường cho Sư đoàn 565. Các lực lượng tập trung sửa đường bảo đảm giao thông cho cuộc hành quân đưa lực lượng vào chiến trường tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Tôi là Trợ lý Phòng Công binh Sư đoàn 472, khi Sư đoàn rút về phía đông, để lại một bộ phận thành lập Ban Chỉ đạo Miền Tây trong đó có tôi. Khi thành lập Trung đoàn Công binh 576, tôi được điều về làm Trợ lý kế hoạch trung đoàn. Sau đó, Sư đoàn 565 thành lập, Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn 565 lấy tôi lên làm Trợ lý Ban Công binh thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn, thủ trưởng gọi điện lên nhận nhiệm vụ ngay, quyết định điều động sau.

Bảo đảm đường vận chuyển Tây Trường Sơn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975  

Đầu tháng 4 năm 1975, Thượng tá Phạm Tề, Phó cục trưởng Cục chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm phái viên của Bộ Tư lệnh vào kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc Sư đoàn 565, bảo đảm cho hành quân cơ giới vào chiến trường. Lúc này, đường Đông Trường Sơn đang xây dựng cơ bản, chưa thông suốt, nên cơ động lực lượng, tăng pháo đi theo đường Tây Trường Sơn vào chiến trường là chính.

Trung tá Nguyễn Đức Lơi - Phó Tư lệnh Sư đoàn 565, Đại uý Mông Văn Quắn, Thượng sĩ Hoàng Kiền, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tuý tháp tùng đoàn, đi suốt chiều dài tuyến Tây Trường Sơn từ Bản Đông - Đường 9 đến Phi Hà, ngã ba Đông Dương. Đến các đơn vị, Thượng tá Phạm Tề đều tập trung đơn vị phổ biến tình hình, tuyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký ngày 7/4/1975 "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Khí thế cả Trường Sơn bừng lên hừng hực.

Trên đường vào thị xã A Tô Pơ, dọc theo quốc lộ 18, con đường làm từ thời Pháp thuộc, đường bằng, còn khá tốt. Mấy năm sống trong rừng núi âm u, nay mới nhìn thấy những cánh đồng lúa rộng bên nam đường, bản làng trù phú tươi đẹp. Bên phải là cao nguyên Bô lô ven, một vùng đất cao bằng chạy dài theo suốt dọc đường mấy chục cây số.

Đến thị xã A Tô Pơ ven sông Sê Công mới giải phóng, quang cảnh thanh bình tươi đẹp. Sáng nghe tiếng bộ đội Pha thét Lào hô: Nưng - xong - xam - xi (1, 2, 3, 4), bồi hồi nhớ lại những ngày huấn luyện chiến sĩ mới, sáng nào cũng dậy ra sân kho hợp tác tập thể dục, tập trung đại đội, hô vang: 1, 2, 3, 4....

Bên bờ sông những thiếu nữ váy hoa ra tưới rau, thật là thơ mộng. Hôm sau quay về Sê Sụ. Anh em Công binh tại bến phà kể: cách đây mấy tuần, một đoàn xe 12 chiếc đi ra, đang vượt ngầm thì một cơn lũ ập về, cuốn trôi hết cả đoàn, nhìn thấy mấy chiếc còn mắc vào các bụi cây. Các chiến sĩ lái xe phải bám vào ngọn cây cao trên các gò nổi giữa sông. Hôm sau nước rút, anh em mới vào được bờ, may không ai bị thiệt mạng.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn - 2

Ảnh minh họa 

Đi qua sông bằng phà, đến trưa, trời nắng chang chang, xe pháo chạy rầm rầm, bụi bay mù mịt. Rừng khộp bạt ngàn, đất đá khô như rang, nắng hun hầm hập, tìm mãi mà không có nước nấu ăn. Dừng lại một vũng nước, tôi và Kỹ sư Tuý, Công vụ Hồng đi nấu cơm. Chỉ có một vũng nước, trên mặt kín đặc xác xúc vật chết thối rữa, do chúng khát nước, đến uống, rồi chết tại đây.

Loanh quanh mãi, Thượng tá Phạm Tề quát: gạt ra, múc nước lên mà nấu, ở Nam Bộ có nơi người ta còn phải gạt "C" ra, lấy nước để dùng. Đành quay mặt đi, gạt đống xác thối bùng nhùng, múc nước lên nấu cơm ăn. Bữa ăn muộn còn ngon hơn cả mầm đá vua ăn.

Dọc đường suối cạn dừng chân

Nấu cơm tìm nước mấy lần chẳng ra

Thượng tá Phạm Tề quát la

Gạt xác xúc vật ra mà múc đun

Giữa trưa nắng lửa như hun

Bữa cơm "mầm đá" ngồi cùng khen ngon.

Đi qua ngầm Sê Sụ gần mười ki lô mét, đến khu vực đèo 88, thấy xác một số xe ô tô bị bắn cháy lửa vẫn còn đang toả ra trên thân xe, sắt thép, nhiều xe bị bắn hỏng nằm ngổn ngang trên đoạn đường dài, nhìn mà thật căm thù.

Sau khi ký hiệp định Paris, bộ đội Phòng không Trường Sơn rút hết về phía đông. Sau khi ta giải phóng Ban Mê Thuật 14 tháng 3 năm 1975, nhu cầu bảo đảm các mặt cho quân đội và nhân dân thị xã Ban Mê Thuật rất khẩn trương. Sư đoàn 471 tổ chức cho 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Ô tô 32 vận chuyển hàng theo đường Tây Trường Sơn vào Tây Nguyên.

Hôm ấy một tốp 3 máy bay A37 của không quân nguỵ sài gòn bay từ  miền Nam bay sang đánh phá. Chúng thả bom chặn đầu, khoá đuôi, đánh vào đội hình của Tiểu đoàn 62 Trung đoàn 32 Sư đoàn 471, gây cho ta nhiều thiệt hại. Có 5 xe bị cháy, 20 xe bị đánh hỏng, 5 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đó có đồng chí Tuấn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62, một số người bị thương.

Đây là trận bom cuối cùng do Mỹ nguỵ đánh phá trên đường Trường Sơn.

Rừng khộp vẫn còn đang cháy nghi ngút chiều dọc cả chục cây số, chiều ngang mỗi bên đường hàng cây số. Khói, bụi cuốn lên  bay mịt mù. Qua đoạn đường này mới thật gian nan, cây cối đang bị cháy trơ trụi hết, nắng mùa khô càng thêm nóng nực, phả vào xe vào người hầm hập. Đất rừng khộp mùa mưa nhão nhoét lầy lội, mùa khô tơi ra, xe chạy mặt đường thành bột, lại bị bom mới đánh trúng đường nữa, bánh xe sục xuống trồi lên nhảy chồm chồm, bui đất đỏ bay lên kèm theo những cơn gió khô hanh cuốn lan ra bám kín lá cây rừng còn lại hai bên đường như rừng cây lá đỏ. Chúng tôi ngồi trong xe Bắc Kinh đít vuông, đóng cửa kính thì nóng, mở ra bụi bay bám vào, toàn thân ai cũng màu đỏ đất bột, chỉ còn hai con mắt màu đen thôi.

Vào đến vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 41 trời đã tối, đoàn dừng chân. Bom từ máy bay ngụy đánh trúng doanh trại Tiểu đoàn bộ, nhiều quả chưa nổ nằm trên sân, ngay đầu nhà Chỉ huy Tiểu đoàn. Toàn đơn vị tập trung nghe Thượng tá Phạm Tề phổ biến, quán triệt nhiệm vụ, động viên bộ đội mau chóng thông đường cho xe ra tiền tuyến. Giữa đêm hôm ấy, bộ đội cùng nhau xông ra mặt đường khắc phục hậu quả.

Do tắc đường, xe con không đi được, Thượng tá Phạm Tề và Trung tá Nguyễn Đức Lợi giao cho nhóm trợ lý chúng tôi: Hoàng Kiền, Nguyễn Văn Tuý, Nguyễn Quốc Thiện – trợ lý Trung đoàn Công binh 576 cùng Chỉ huy Tiểu đoàn 41 đi bộ gần hai chục ki lô mét đến Phi Hà ngã ba Đông Dương, đến biên giới Kon Tum để đôn đốc các đơn vị tập trung thông đường.

Đêm hôm ấy, bộ đội cùng nhau xông ra mặt đường với khí thế thật hào hùng, khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Tiếng máy húc ầm ầm, tiếng mìn phá đá vang vọng khắp núi rừng. Chúng tôi đi bộ suốt đêm, nghe đài thông báo tin chiến thắng, ai cũng rạo rực, quên hết cả mệt mỏi. Đường thông, những đoàn xe tăng, xe kéo pháo, ô tô chở quân, chở hàng lại nối đuôi nhau suốt đêm ngày rầm rập ra trận để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thâu đêm máy húc vang rền

Xe ra mở lối vượt lên Phi Hà

Điểm chung biên giới ngã ba

Con đường đánh Mỹ nối đà hoà chung

Trường Sơn điệp điệp trùng trùng

Đông Dương kết nối một vùng mở ra

Hiệp đồng đoàn kết xông pha

Kiên cường dũng cảm vượt qua bom thù

Xe reo bụi cuốn đỏ mù

Bộ binh, tăng, pháo vù vù hành quân.

Đứng chân tại biển chỉ đường ngã ba Đông Dương, hướng về phía trước là đất Việt Nam, con đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, ngược về phía sau là đất nước Lào. Con đường Trường Sơn đã đi qua nước bạn suốt 14 năm để chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước Lào, Campuchia.

Rẽ về bên phải là đất Campuchia, Đường Trường Sơn có giai đoạn đi qua 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, đặc biệt là con đường C4 ở hướng phía trước mặt chúng tôi, con đường mà "Nhà Tư sản" Đức Phương đã tìm cách mở ra. Nhớ đến con đường quá cảnh qua Campuchia và câu chuyện về "Ông chủ lớn" Đức Phương.

Con đường "quá cảnh" Campuchia 

Sau sự kiện Vũng Rô năm 1965, đoàn tàu không số đã bị lộ. Việc chi viện vũ khí đối với chiến trường Tây Nam Bộ là vô cùng khó khăn. Năm 1966, Trung ương quyết định mở ra hướng mới chuyển hàng qua cảng Sihanoukville của Campuchia. Lúc này Hoàng thân Sihanouk làm Quốc trưởng Campuchia có tư tưởng trung lập, thân thiện với Việt Nam. Các tàu chở hàng của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa viện trợ vũ khí trang bị, hậu cần cho Việt Nam cập cảng Sihanoukville.

Ta thành lập Đoàn hậu cần 17, có kho để tiếp nhận hàng. Từ đây, hàng được vận chuyển bằng đường bộ, đường sông, kênh rạch về chiến trường miền Tây Nam Bộ. Tất cả hàng cập cảng, quân đội Campuchia do tướng Lon Non cầm đầu lấy 1/3, còn 2/3 ta chở về, nhưng phải hối lộ cho quân Lon non.

Từ năm 1966 đến 1969 ta nhận được: 20.478 tấn vũ khí, 1.284 tấn quân trang, 731 tấn quân y, 65.810 tấn gạo, 5.000 tấn muối. Tiền chi lót đường là : 36.642.653,52 USD.

Việc vận chuyển quá cảnh qua cảng Sihanoukville cũng là một hướng, nhưng chi phí lớn và cũng rất phức tạp, đến tháng 3 năm 1970 cuộc đảo chính lật đổ quốc trưởng  Sihanouk xảy ra, con đường này chấm dứt hoạt động.

Ông chủ lớn Đức Phương 

Để có nguồn hàng hậu cần tại chỗ, một phương thức bảo đảm mới được mở ra. “Ông chủ lớn” Nguyễn Đức Phương và những câu chuyện huyền thoại về Nhiệm vụ đặc biệt.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có một nhánh ít người biết đến, nhưng vô cùng độc đáo, vô cùng hiệu quả, âm thầm lặng lẽ cung cấp lương thực, xăng dầu, thuốc men, vũ khí... cho chiến trường Miền Nam. Một trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam đóng vai “Ông chủ lớn”.

Một ngày tháng 7-1963, đang là học viên Trường Văn hóa Quân đội đóng ở Lạng Sơn, Trung tá Nguyễn Đức Phương được Bộ Quốc phòng gọi về Hà Nội nhận nhiệm vụ đặc biệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với Trung tá Nguyễn Đức Phương: "Đường Trường Sơn do Đoàn 559 đảm trách rất có hiệu quả trong việc chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam, nhưng đang bị địch ngăn chặn, gặp rất nhiều khó khăn. Cần có thêm một tuyến đường nữa trợ giúp, bắt nguồn từ các tỉnh biên giới của nước bạn Lào và Campuchia giáp với vùng Tây Nguyên nước ta...". Đại tướng giao Trung tá Nguyễn Đức Phương làm Đoàn trưởng Đoàn 763, với nhiệm vụ chính là tạo nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men để cung cấp cho chiến trường miền Nam. Đoàn hoạt động độc lập, nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng.

Đại tướng căn dặn:

- Vào trong đó, xa Trung ương, xa hậu phương, các đồng chí sẽ thiếu thốn đủ thứ, cần đoàn kết, khéo làm ăn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.

Đoàn được Bộ Quốc phòng cấp cho 30 người, 30 con dao rựa, 10 kg hạt giống rau để làm “vốn” tăng gia và được giao 5 triệu kíp (tiền Lào) để sử dụng thu mua vũ khí, đạn dược, hàng hậu cần. (Hồi đó, 5 triệu Kíp là một số tiền rất lớn).

Một ngày cuối tháng 7-1963, Đoàn 763 lên đường. Sau gần ba tháng dầm mưa, dãi nắng, đi bộ dọc theo dải Tây Trường Sơn, Đoàn 763 đã đến địa điểm đóng quân. Đó là khu rừng ven sông Sê Kông thuộc huyện Xa Ma Khi Say, tỉnh A Tô Pơ (Lào), cách ngã ba Đông Dương khoảng 60 km. Bên kia sông là Đồn Biên phòng Đôn Phầy của Campuchia. Đây là địa điểm rất thuận lợi cho đoàn về thu mua và vận chuyển hàng hóa ở Lào và Campuchia, lúc bấy giờ còn trung lập, để chi viện chiến trường miền Nam và vùng Hạ Lào.

Cuối tháng 10-1963, Đoàn 763 điện về Bộ Quốc phòng: “Đã lập được 3 kho, bước đầu có 100 tấn lúa dự trữ”. Bộ trả lời: “Rất hoan nghênh. Chú ý khai thác thêm nguồn hàng mới trong lòng địch. Cần bao nhiêu tiền báo cáo”.

Nhận chỉ thị, Nguyễn Đức Phương nhờ bạn xoay xở giấy tờ hợp pháp để cử người vào buôn bán ở Pakxe, một thị xã giàu có, nhiều hàng hóa của tỉnh Champasack do Chính phủ Hoàng gia Lào thân Mỹ kiểm soát. Kết quả, lượng hàng hóa thu mua vượt chỉ tiêu được giao.

Ban đầu, việc thu mua lương thực ở Lào thuận lợi, tuy nhiên ông Bun Mạc, Thường vụ Tỉnh ủy Attapeu phụ trách kinh tế băn khoăn:

- Xưa nay chưa bao giờ chúng tôi chủ trương thu mua lương thực. Thu mua rồi có thành lệ không? Sang năm, nếu nhân dân không ủng hộ, cứ yêu cầu thu mua thì làm thế nào?

Nguyễn Đức Phương giải thích:

- Muốn thắng Mỹ, ta phải có lương thực, thực phẩm dự trữ nuôi quân. Không thu mua, các đồng chí và chúng tôi sẽ không có đủ gạo ăn để nuôi mình, nói gì đến nuôi quân. Không thu mua, nhân dân không có tiền mua sắm vải vóc, kim chỉ, thuốc men... Đoàn chúng tôi còn ở đây lâu dài, tôi bảo đảm thu mua chỉ có lợi, không có hại.

- Tỉnh ủy Attapeu chấp nhận ý kiến của Đức Phương. Bí thư Tỉnh ủy Thoong Đăm ký 40 giấy giới thiệu cho phép cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, lấy danh nghĩa Bộ đội Pathet Lào, được về các bản vùng Hạ Lào để thu mua lương thực.

Cuối tháng 10-1963, Đoàn 763 điện về Bộ Quốc phòng: “Đã lập được 3 kho, bước đầu có 100 tấn lúa dự trữ”. Bộ trả lời: “Rất hoan nghênh. Chú ý khai thác thêm nguồn hàng mới trong lòng địch. Cần bao nhiêu tiền báo cáo”.

Nhận chỉ thị, Nguyễn Đức Phương nhờ bạn xoay xở giấy tờ hợp pháp để cử người vào buôn bán ở Pakxe, một thị xã giàu có, nhiều hàng hóa của tỉnh Champasack do Chính phủ Hoàng gia Lào thân Mỹ kiểm soát. Tại đây, nhờ sự khéo léo và tài trí của mình, các anh móc nối với Đại tá Khăm Lượm, Quân khu phó Quân khu 4 và vợ của y là em gái Hoàng thân Bun Ùm, nhân vật phái hữu có thế lực nhất vùng Hạ Lào.

Biết là người của Pathet Lào, nhưng do hám tiền nên vợ chồng Khăm Lượm chấp nhận “làm ăn” với ta. Từ đó, lương thực do vợ chồng Khăm Lượm chuyên chở ùn ùn về kho dự trữ của Đoàn 763. Tuy nhiên, đề phòng địch vừa chở hàng vừa thăm dò lực lượng của ta, việc khơi nguồn hàng từ Pakxe tạm chấm dứt.

Tuyến đường bí mật C4

Năm 1964, tiếp tục phát huy thắng lợi đã đạt được, đồng chí Đức Phương đã đề xuất với Bộ Quốc phòng cho mở đường buôn bán sang Căm Phu Chia và được Bộ đồng ý cho thành lập đơn vị mới có mật danh là “Ấp 97” sau đổi thành “K20”. Đơn vị có nhiệm vụ khai thác nguồn hàng ở Campuchia.

Trung tá Nguyễn Đức Phương tiếp tục là Đoàn trưởng Đoàn K20, thuộc quân số của Binh trạm 37, Đoàn 559, nhưng nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng. Tuyến đường bí mật mang tên C4 theo đề nghị của anh, bắt nguồn từ Đồn Tà Ngâu, điểm cuối cùng của Binh trạm 37 (Đoàn 559) sang Đồn Biên phòng Đôn Phầy, đến huyện Xiêm Pạng (đều thuộc tỉnh Stung Treng, Campuchia). Từ đó nối xuống tận cảng Sihanoukville của Campuchia. Nhiệm vụ của K20 là phải lập ra cơ sở buôn bán tại chỗ dưới danh nghĩa một công ty; mở được tài khoản ngay trong hệ thống tài chính của Campuchia để ta chuyển tiền vào; thu mua và chuyển hàng vào chiến trường Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Trung tá Nguyễn Đức Phương đã chọn vị trí đóng quân mới của K20 đối diện đất Lào, cách con sông Sê Công, đoạn đường từ Xiêm Pạng đến đồn Đôn Phầy của Campuchia 60 km. Ông chủ Đức Phương có trong tay 1.000 cu ly, 150 xe ô tô vận tải các loại. Ông đã chỉ huy đơn vị liên lạc được với Đoàn 17 của B2, đoàn nhận hàng viện trợ qua cảng Sihanoukville. Đồng thời móc nối được các nhà tư sản Hoa Kiều - Công ty Quách An, thuê xe của Công ty Hắc Lí chở gạo đơn vị thu mua được, chở thẳng từ Phnôm Pênh lên Đôn Phầy, và tổ chức cho các nhà buôn ở Xiêm Pạng, ở Stungtreng ùn ùn chở hàng lên cho ta.

Nhu cầu gạo cho bộ đội ở chiến trường Miền Nam ngày càng lớn. Năm 1968 địch tập trung đánh phá đường Trường Sơn vô cùng ác liệt, hàng không vận chuyển vào được. Nhiều đơn vị cấp Sư đoàn cũng không còn gạo, dù chỉ để nấu cháo cho bộ đội. Mục tiêu lúc này là, làm thật nhanh con đường dài 60 km nối Xiêm Pạng với Đôn Phầy để có đường chở gạo, cứu đói cho Bộ đội tại B2, Tây Nguyên và Bộ đội Đoàn 559. Đồng thời với việc tổ chức cho các nhà buôn ở Xiêm Pạng, Stung treng chở gạo lên Đôn Phầy được đặt ra cho đồng chí Nguyễn Đức Phương và K20 hai nhiệm vụ cùng một lúc.

Nhưng với sự thương thuyết tài tình của “Ông chủ” Nguyễn Đức Phương, quan huyện Xiêm Pạng đã đồng ý để “Culi” của “Ông chủ lớn” (là các chiến sỹ của Trung đoàn 98 Công binh) nhanh chóng, thần tốc hoàn thành con đường trong thời gian đặc biệt ngắn (chỉ trên 1 tháng). Nhờ có đường C4 nên Bộ Tư lệnh 559 đã kịp thời đưa xe ô tô vào lấy hàng tại kho K 20 do "Ông chủ lớn, nhà tư sản" Đức Phương mua của Campuchia để cứu đói khẩn cấp cho các đơn vị ở Tây Nguyên và Khu 5 trước mùa mưa.

Lần đầu tiên, qua C4, đoàn 20 nhận được ngót 40 tấn hàng trong một ngày. Gạo dự trữ tăng vùn vụt, từ 100 tấn lên 2.000 rồi 3.000 tấn...kịp thời cứu đói cho bộ đội và đáp ứng đủ lương thực cho Bộ đội của chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên và đưa ngược sang Lào cấp cho Bộ đội Trường Sơn.

- Đồng thời, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung tá Nguyễn Đức Phương đã chỉ huy đơn vị tổ chức mua xăng chuẩn bị cho chiến dịch. Trước yêu cầu của mặt trận, Ông đã cử cán bộ, chiến sỹ của đơn vị sang tận Thái Lan để mua xăng, móc nối với tướng tá ngụy ở Sài Gòn mua xăng dầu cho bộ đội ta. Chiến dịch mua xăng đã thắng lợi giòn giã. Ban đầu ta chỉ mua mỗi ngày được 100 thuyền (mỗi thuyền 4.800 lít ), sau tăng dần, lúc nhiều nhất 240 thuyền, kịp thời cung cấp được xăng dầu, đầu cho các xe, thuyền, vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang ...phục vụ hậu cần cho các đơn vị tham gia những chiến dịch lớn của Quân giải phóng và Bộ đội Trường Sơn.

- Đặc biệt, trong chiến dịch lần này tại Campuchia, đồn Đôn Phầy gần như biệt lập, không có đường bộ, đường thủy cũng không sử dụng được, do có nhiều thác lớn, nước chảy xiết. Nhưng, chỉ sau vài tháng, đồng chí Nguyễn Đức Phương và đơn vị, đã khôn khéo, mưu trí, sáng tạo “biến” Đồn trưởng Sun, thành cầu nối để quân ta đến các tỉnh thành khác của Campuchia kéo nguồn hàng về đồn Đôn Phầy để ta thu mua. Cũng từ đây, đồng chí Nguyễn Đức Phương đã mưu trí qua “Sếp Sun” mà K20 đã khai thông được đường thủy, mở ra một hướng vận chuyển mới bằng đường thủy từ Nam Lào qua Campuchia kết hợp đường bộ về Việt Nam, kịp thời cung cấp được một lượng lương thực, xăng dầu, quân trang... cho chiến trường Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

- Không chỉ mua lương thực, thực phẩm, các mặt hàng chiến lược cho mặt trận Tây Nguyên và một phần Nam Bộ, K20 còn vận chuyển “mặt hàng đặc biệt” là A22 (tên lửa vác vai) vào chiến trường B và nhiều lần đưa đón thành công, an toàn tuyệt đối các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, các Đoàn đặc công của ta ra Bắc, vào Nam công tác. Đưa, đón, bảo vệ an toàn đoàn Quốc vương Xi Ha Núc và Chính phủ lưu vong của Campuchia theo đường Tây Trường Sơn qua đất Lào về nước trên con đường mà đồng chí Đức Phương và K20 đảm nhiệm.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn - 3

Đường Tây Trường Sơn qua đất Lào. Ảnh tư liệu 

CIA của Mỹ phát hiện được, ngày 18 tháng 3 năm 1970 xảy ra cuộc đảo chính do Lon non cầm đầu lật đổ Sihanouk, "Nhà tư sản Đức Phương” ngừng hoạt động.

Trung tá Nguyễn Đức Phương được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Sư đoàn 470, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thu mua hàng ở Campuchia và Lào trong điều kiện khó khăn hơn.

Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho công tác hậu cần chiến lược mà Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh 559 giao cho. Tháng 3 năm 1974, đồng chí Nguyễn Đức Phương được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Hậu cần - Bộ Tư lệnh 559, giai đoàn này đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trực tiếp xuống các hướng chiến dịch, chỉ đạo các đơn vị đảm bảo hậu cần đầy đủ cho các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội Trường Sơn và các địa phương trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (tháng 3/1975), giải phóng Huế, Đà Nẵng và duyên hải miền Trung, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam (cuối tháng 4/1975).

Từ tháng 3/1974 đến tháng 9/1976, đồng chí Nguyễn Đức Phương đã hoàn xất sắc mọi nhiệm vụ được giao và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 2.

Sau giải phóng miền Nam, từ 10/1976 - 12/1979, đồng chí Nguyễn Đức Phương được Quân ủy trung ương và Bộ Quốc Phòng bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hậu cần - Tổng cục Kĩ thuật. Trong giai đoàn này đồng chí đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được thăng quân hàm Đại tá và được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Sống mãi trong lòng đồng đội 

Tháng 10 năm 1981, Đại tá Nguyễn Đức Phương về nghỉ hưu tại xóm Quán Triều, Khu Bắc, Thành phố Thái Nguyên. Với quân hàm Đại tá, Cục trưởng Cục Hậu cần - Tổng cục Kĩ thuật, cấp trên phân nhà ở Hà Nội nhưng Ông từ chối không nhận, giành cho các đồng chí trong đơn vị.

Thanh thản về quê, Ông chỉ xin đơn vị cho mang theo một chiếc cuốc bàn, một chiếc cuốc chim, một dao quắm (những vật dụng mà Ông đã mang theo khi vào chiến trường năm 1963) và tư trang cá nhân. Ông sống cuộc sống giản dị với vợ con như một lão nông. Bà con hàng xóm không hề biết ông từng đóng vai “ông chủ lớn” với tài khoản hàng triệu đô la.

Trong những ngày nghỉ hưu khi còn sức khỏe, ông là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Song Hào và các tướng lĩnh, cùng nhiều cựu chiến binh, đồng đội đến thăm, học tập và chúc thọ. Do tuổi cao, sức yếu Ông đã từ trần ngày 16/12/2001, hưởng thọ 77 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn với gia đình, anh em, đồng chí, đồng đội và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Quân đội....

Đại tá Nguyễn Đức Phương - hình ảnh một cán bộ có tâm, có tầm nhìn sâu rộng, quyết đoán, mưu trí sáng tạo, dũng cảm, ứng xử nhạy bén trong công việc, gần gũi, hòa đồng với cán bộ, chiến sĩ, đức độ, liêm khiết, hoàn thành đặc biệt xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho. Những ai đã từng đi qua đường Trường Sơn, đều biết đến tên tuổi Trung tá Nguyễn Đức Phương “ông chủ lớn”.

Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí Nguyên Đức Phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Tập thể Ban Thường vụ Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Sư đoàn 470 đã đề nghị lên Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, để đề nghị tiếp lên Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng và Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp: xét, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Phương - Nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 470/ Bộ đội Trường Sơn.

Đường Trường Sơn trên đất bạn Lào 

Những năm tháng chiến đấu công tác trên đường Trường Sơn đều ở bên Tây Trường Sơn, chuyến đi này là dài nhất, tôi đã đi đến ngã ba Đông Dương, một điểm thật ý nghĩa bên Tây Trường Sơn, rất nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Đường dây 559 mở ra từ tháng 5 năm 1959 bên Đông Trường Sơn. Được sự thống nhất của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, năm 1961 đường dây 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn. Từ đường giao liên, phát triển lên thành mạng đường ô tô dọc ngang, rộng khắp 7 tỉnh của Nam Lào.

Từ năm 1961 đến năm 1975, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đường ô tô bảo đảm cho vận chuyển chi viện chiến lược chủ yếu đi trên đất Lào, có 4/5 trục dọc và khoảng ba phần tư trong số 21 trục ngang nằm trên đất Lào. Đường mở đến đâu, máy bay Mỹ đánh phá đến đấy, nhân dân các bản làng tươi đẹp phải di dời, sơ tán vào rừng sâu. Hàng triệu tấn bom đạn đủ các loại của giặc Mỹ ném xuống khắp núi rừng Trường Sơn, phá hủy đốt cháy các bản làng. Hàng triệu lít chất độc hoá học rải xuống, những cánh rừng Lào bạt ngàn bị biến thành đất chết.

Bộ binh địch mở các cuộc tấn công, các chiến dịch đánh ra hành lang, chiến lược rất ác liệt và liên tục.

Cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ diễn ra trên đất Lào, cả trên không và trên bộ đã gây thương vong về sinh mạng, tồn thất về nhà cửa, ruộng nương, vật chất là vô cùng lớn cho nhân dân Lào.

Quân đội Pa thét Lào, nhân dân các bộ tộc Lào cùng phối hợp, giúp đỡ bộ đội Việt Nam đánh địch, mở rộng và bảo vệ vững chắc hành lang chi viện chiến lược Trường Sơn.

Bộ đội Trường Sơn tăng gia sản xuất trên đất Lào để bảo đảm hậu cần tại chỗ, thu hái rau rừng, măng rừng, thu mua lương thực, thực phẩm của nhân dân cung cấp, bảo đảm đời sống.

Sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đối với Bộ đội Trường Sơn là vô cùng to lớn. Có thể nói, nếu không được sự giúp đỡ của bạn Lào, không có đất Lào, bộ đội Trường Sơn không thể hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược được giao. Đường Tây Trường Sơn trên đất Lào là con đường quan trọng nhất, góp phần lớn nhất chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước Lào và Campuchia

Mối quan hệ Việt Nam - Lào thật là vĩ đại!

Không có con đường ấy

Không có thắng lợi này

Đón đọc Bài 4: Những đêm đi gác

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất