Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 2: Khảo sát đường kín

Bộ đội, dân công hỏa tuyến suốt mùa mưa không nghỉ để mở đường kín. Các công trường khí thế lao động sôi nổi để con đường dưới tán rừng già Trường Sơn như lao ra mặt trận [...] Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả. Cơ bản loại AC-130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn...

Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào

Khảo sát đường kín Tây Trường Sơn

Sau khi lật cánh mở đường giao liên Tây Trường Sơn vào tháng 4 năm 1961, tiếp theo đường ô tô được mở ra, tuyến đầu tiên nối từ đường 12 ở Lằng Khằng đến Đường 9 ở Kê Pô gọi là đường 129, tháng 8 năm 1961 khai thông. Tháng 7 năm 1964 Trung đoàn Công binh 98 của Bộ được trao lá cờ "Mở đường thống nhất", đơn vị hành quân vào Trường Sơn mở đường, hệ thống đường ô tô được đẩy mạnh xây dựng trên đất Lào.

Với 5 trục dọc có 4 trục trên đất Lào, 21 trục ngang có 3/4 số trục trên đất Lào, liên kết lại thành mạng đường chiến lược Trường Sơn.

Tất cả các con đường vào chiến trường đều đi qua Đường 9, địch tập trung đánh phá khu vực Bắc, Nam Đường 9 và cả trên Đường 9 tạo thành rất nhiều trọng điểm vô cùng ác liệt nhằm ngăn chặn việc vận chuyển của ta. Để đối phó với thủ đoạn đánh phá của địch, ta mở thêm nhiều đường tránh tạo thành mạng đường "trận đồ bát quái", làm cho địch không thể ngăn chặn được. Rừng Lào, đất Lào, nhân dân Lào đã tạo điều kiện, hết lòng giúp đỡ để bộ đội Trường Sơn mở đường. Đường mở đến đâu dân sơ tán đến đấy, nhiều bản làng bị máy bay Mỹ đánh phá, thả bom bi khiến người dân bị thương vong nhiều.

Đế quốc Mỹ đã dùng không quân đánh phá trên đường Trường Sơn với qui mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại nhất với 4 triệu tấn bom đạn đánh phá đường Trường Sơn phần lớn trên đất Lào trong tổng số hơn 7 triệu tấn trên toàn chiến trường Đông Dương.

Việc sử dụng không quân đánh phá từ năm 1964 - 1970 không ngăn chặn được sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, địch chuyển sang ngăn chặn bằng bộ binh. Quân ngụy Sài Gòn dưới sự yểm trợ của quân đội Mỹ đã mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh ra khu vực Đường 9 Nam Lào nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn.

Ta mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam ra lời kêu gọi: "...Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược... Quân đội ta nhất định phải thắng". Chiến dịch kết thúc thắng lợi, ta đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân của địch. Đó là thắng lợi lớn với sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt - Lào. Chiến thắng Đường 9 Nam Lào góp phần rất quan trọng làm thất bại cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 2: Khảo sát đường kín - 1

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Ảnh tư liệu 

Khi địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, Đường 35 bên Tây Trường Sơn bị uy hiếp, cần phải mở đường tránh. Tiểu đội khảo sát của Ban Công binh Binh trạm 32 tiến hành thật khẩn trương. Đang khảo sát tìm bến ngầm vượt sông Sê Băng Hiêng, chúng tôi gặp Đoàn cán bộ cấp trên, Trung tá Võ Sở - Phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh 559 kiêm Chính ủy Binh trạm 32, hỏi thăm tình hình và động viên anh em tích cực, khẩn trương để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngầm vượt sông đã bị lộ, chúng tôi tiến hành khảo sát đường và ngầm tránh về phía tây ngầm trên đường 32 A. Máy bay trinh sát OV-10 đến lượn mấy vòng, bắn một quả cối khói. Anh em đang lội dưới sông, chạy mau lên bờ tìm vị trí ẩn nấp. Lát sau, một tốp 3 máy bay phản lực đến dội bom liên tiếp xuống ngầm. Bom nổ ầm ầm, mảnh bom bay phạt qua cành cây ào ào, rơi lộp bộp xung quanh, may mà cả tổ cứ nấp sau gốc cây to quan sát, di chuyển quanh gốc cây để tránh mảnh bom, không ai việc gì.

Hôm sau, lại ra khảo sát, tìm ngầm tránh xa về hạ lưu, gặp Cục trưởng Cục Công binh Trường Sơn Phạm Văn Diêu, ông chỉ đạo cần tìm một chỗ lòng sông hẹp, bắc cầu cáp ngầm. Các kỹ sư nghiên cứu, đưa ra phương án, khoan neo cọc thép hai đầu căng dây cáp, lát ván ngầm dưới mặt nước, thành cầu ngầm cho xe đi.

Do nước sông chảy rất xiết, không thể nào lát ván được đành bỏ phương án này. Tiểu đoàn cầu phà 73 của Cục Công binh Trường Sơn được điều vào. Đội khảo sát tìm đường lên, xuống cầu. Công binh của Binh trạm 32 làm bến, Tiểu đoàn Công binh Cầu phà 73 chuẩn bị, đêm kéo các đoạn phà bằng khí tài LPP do Liên Xô viện trợ ra nối lại thành cầu, xe lần lượt đi qua cầu an toàn.

Đêm thứ hai, xe đầu tiên qua cầu, xe thứ hai ra đến giữa cầu thì máy bay AC-130 đến, bắn cháy xe, chìm cầu luôn, tình huống thật gay cấn. Cục trưởng Phạm Văn Diêu rất căng thẳng, chắp tay sau lưng, cứ đi đi, lại lại, lẩm nhẩm: "Bảy Ba ơi Bảy Ba, hôm qua là cầu nổi, hôm nay ra cầu chìm". Ông quyết định thu các khoang thuyền còn lại, tối hôm sau ghép phà chở xe qua sông.

Trời tối đen như mực, xe đi dùng đèn rùa, Công binh đi trước dẫn đường. Chuyến đầu tiên trót lọt. Chuyến thứ hai, phà ra đến giữa sông thì AC - 130 đến bắn cháy xe, chìm phà luôn. Các phương án vượt sông bế tắc. Giặc Mỹ nó ghê như thế đấy, phải tìm cách khác.

Đối phó với máy bay AC-130

Mùa khô 1970 - 1971, Mỹ sử dụng máy bay AC-130 cải tiến có lắp các thiết bị để đánh đêm với nhiều khí tài điện tử hiện đại nhất. Vũ khí có súng 20 ly 6 nòng, súng 40 ly, lùng bắn xe trên đường. Chỉ trong mùa khô năm 1970-1971 chúng gây cho ta thiệt hại rất nặng nề cả về vật chất và con người, ảnh hưởng đến tinh thần của bộ đội, 2.842 xe các loại bị bắn cháy, hỏng; 2.087 cán bộ chiến sĩ hy sinh; 4.627 cán bộ chiến sĩ bị thương. Trước tình hình ấy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tổ chức họp, đề ra chủ trương biện pháp đánh bại thủ đoạn dùng máy bay AC-130 của. Rất nhiều phương án đối phó được đặt ra nhưng chưa thành công.

Hàng đêm hai máy bay AC-130 thay nhau bay dọc Đường 9 tìm đuổi bắn xe suốt đêm từ chiều tối nay đến sáng mai, có đêm riêng Binh trạm 32 cháy gần hai chục xe ô tô. Binh trạm 32 do Trung tá Đặng Văn Ngữ làm Binh trạm trưởng, sau đó thiếu tá Bùi Thế Tâm thay. Thiếu tá Phan Hữu Đại làm Chính uỷ, sau đó Thiếu tá Nguyễn Văn Hiểu thay, tập trung chỉ đạo đối phó với máy bay AC - 130.

Ba tiểu đoàn Công binh tập trung mở đường tránh, làm các đường xương cá, đào hầm cho ô tô tránh. Ba tiểu đoàn Pháo cao xạ tập trung bắn báo động, bắn máy bay. Một tiểu đoàn Kho bốc xếp hàng khẩn trương cùng các phân đội khác. Tất cả tập trung bảo đảm cho ba tiểu đoàn Ô tô vận tải, nhưng không chống chọi lại được với sự đánh phá của máy bay AC-130.

Đốt lửa trong thùy phuy lừa máy bay AC-130

Đội công tác được thành lập. Tiểu đội Trinh sát phòng không của Ban Phòng không, được tăng cường một tổ khảo sát của Ban Công binh 4 người thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Trợ lý Ban Phòng không chỉ huy chung. Đội hành quân bộ từ Sở chỉ huy vào Đường 9, tìm vị trí trú quân phù hợp, mắc tăng võng, ăn ngủ trong rừng làm nhiệm vụ. Lúc này dân bản làng hai bên Đường 9 đã sơ tán xa hết vì địch đánh phá bom đạn liên tục dọc đường, hai bên đường.

Toàn đội chia làm ba tổ, hai tổ đi dọc Đường 9 về hai phía tìm phuy xăng, rất nhiều xe của ta bị bắn cháy trên các trục đường cắt ngang Đường 9, thật xót xa. Các phuy xăng rỗng bị cháy mềm ra, đục thủng một đầu, vần ra đặt dọc ven Đường 9 có cây cối che khuất để nguỵ trang. Tổ 3 chuẩn bị củi khô, chiều đem đến cho vào phuy xăng rỗng, đêm đốt lửa, nhử máy bay AC-130. Số phuy xăng tương đương với đội hình một trung đội xe ô tô.

Đêm đầu tiên, thấy máy bay AC-130 bay ra, lượn một vòng rồi bắn mấy loạt đạn nghe chói tai, cả đội chúng tôi reo ầm lên, nó mắc mưu mình rồi. Thế rồi nó lảng đi chỗ khác, lùng bắn xe trên đường vận chuyển, ô tô vẫn cứ cháy đùng đùng. Tối hôm sau, chúng tôi lại di chuyển các thùng phuy đến đoạn khác đốt lửa, nó chả ngó ngàng gì nữa.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 2: Khảo sát đường kín - 2

Tên lửa đối phó với AC-130. Ảnh tư liệu 

Suốt cả tuần liền, bao nhiêu công sức đều không thành công. Anh em bảo nhau về thôi, báo cáo Binh trạm trưởng, thằng Mỹ nó ranh ma lắm, không lừa được nó. Nó có thiết bị trinh sát bằng bức xạ nhiệt, bức xạ nhiệt do động cơ ô tô phát ra khác với lửa đốt trong thùng phuy, bắn vài phát là nó biết ngay. Phải tìm cách khác hiện đại mới đánh bại được nó.

Tiêu diệt máy bay AC-130 của địch

Quyết tâm đưa tên lửa vào áp sát Đường 9 tiêu diệt máy bay AC-130. Lực lượng Công binh tập trung sửa đường, mở rộng cua, đào gốc cây, sửa vá các đoạn xấu để giảm xóc. Trung đoàn Tên lửa phòng không 275 được kéo vào, áp sát đường 9. Cuối tháng 11/1971 trận chiến đấu hiệp đồng giữ Trung đoàn tên lửa 275, Trung đoàn pháo cao xạ 591 và 3 Tiểu đoàn pháo cao xạ của Binh trạm 32 diễn ra đúng phương án. Chiếc máy bay AC-130 rơi tại chỗ ở “ngã ba máy húc” gần thị trấn Sê Pôn trên Đường 9 Nam Lào, 11 tên giặc Mỹ cháy thui.

Với lực lượng tương đương một sư đoàn phòng không hỗn hợp, lần đầu tiên ta đã bắn rơi máy bay AC-130, từ đó chúng không dám ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía nam đường 9. Đây là một thắng lợi hết sức quan trọng. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay, nhưng sâu phía nam Đường 9 chúng vẫn hoạt động ráo riết gây cho bộ đội Trường Sơn rất nhiều khó khăn, tổn thất.

Mở đường kín

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, cần khẩn trương khảo sát thiết kế tuyến đường kín để tổ chức thi công. Tiểu đoàn khảo sát của Cục Công binh Trường Sơn tiến hành, Đội khảo sát của Ban Công binh Binh trạm 32 tham gia, do Thiếu uý Nguyễn Minh Hương phụ trách, anh Thu trợ lý dân vận Binh trạm 32 đi cùng đoàn.

Tháng 5 năm 1971, anh em lên đường làm nhiệm vụ. Đội mang theo quân tư trang, xoong nồi nấu ăn, lương thực thực phẩm, hành quân từ Binh trạm bộ Binh trạm 32 đến gần bờ sông Sê băng hiêng dừng chân, tiến hành khảo sát đường tránh vượt sông. Thời gian kéo sang mùa mưa, vô cùng gian nan.

Đêm mắc tăng võng ngủ trong rừng, phân công thay nhau gác vì Nam Lào vẫn có phỉ hoạt động. Đêm hôm ấy, trời mưa to tầm tã, anh em lên võng có tăng che để ngủ, gác cũng nằm trên võng vì cho rằng mưa to thế này phỉ không hoạt động. Cả đội ngủ say, sáng ngớt mưa, gọi nhau dậy nấu ăn để đi khảo sát.

Tôi ra đến gần suối, nhìn thấy chi chít các vết giày. Gọi anh em ra xem, thì ra một toán phỉ Lào mới đi qua đây. Do đêm tối, trời mưa to, nên chúng không phát hiện ra tổ khảo sát chúng tôi, thật may mắn. Rút kinh nghiệm, những đêm sau chúng tôi tổ chức phân công gác cẩn thận.

Vượt qua sông Sê Băng Hiêng vào phía nam, gặp một bản có khoảng hai chục nhà dân, đường sẽ đi qua gần đây, cả đoàn vào ở nhờ nhà dân. Tôi và anh Thu ở chung một nhà. Anh quê ở Ứng Hoà - Hà Tây, vợ anh là giáo viên cấp 1 nên nói chuyện cũng hợp nhau.

Mùa mưa đi khảo sát đường trong rừng gian nan lắm, núi cao rừng rậm, muỗi vắt, rắn rết nhiều vô kể, trên đường đi phải dùng dao vạc vào thân cây để còn nhớ đường về. Thế mà vẫn có tổ lạc, chỉ sơ xuất một chút là mất dấu vết. Đến chiều sắp tối vẫn không thấy anh em về, ai cũng lo, thế là đem súng AK ra, theo qui ước bắn hai phát lên trời. Bên kia nghe thấy, bắn đáp lại một phát, cứ thế, mất mấy loạt AK dẫn đường cho anh em tìm về, đến bản đã khá muộn. Sau gần một tháng đội di chuyển đến cung đoạn khác.

Tổ khảo sát chúng tôi đến một bản phía nam bờ sông Sê Băng Hiêng, vào bản tạm trú quân. Anh Thu là trợ lý dân vận vào làm việc với trưởng bản rồi họp dân bản lại thông báo bộ đội Việt Nam mở đường qua đây, đề nghị dân bản ủng hộ. Trưởng bản và một số người dân có ý kiến: bản chúng tôi ở bên bắc Đường 9, bộ đội Việt Nam mở đường (128 B ), máy bay Mỹ nó thả bom, phải sơ tán xuống phía Nam Đường 9, bộ đội Việt Nam mở đường làm kho, máy bay Mỹ nó lại thả bom bi, chết cả bộ đội cả dân nhiều lắm, bản lại di chuyển vào phía nam sông Sê Băng Hiêng, nay lại làm đường qua đây nữa thì dân biết chạy đi đâu.

Trợ lý dân vận Trần Xuân Thu đứng ra giải thích: để đánh thắng giặc Mỹ đem lại bình yên cho nhân dân hai nước, cho dân bản ta, cần phải làm đường, đây là tuyến đường kín bảo đảm bí mật để xe ô tô chạy ban ngày, tránh máy bay AC - 130 nó bắn ban đêm, bảo đảm an toàn cho bản ta, bà con dân bản không phải sơ tán, cùng bộ đội nguỵ trang bảo đảm bí mật cho con đường kín này. Già làng trưởng bản cùng toàn thể bà con dân bản vui mừng ủng hộ.

Có lẽ không ở đâu trên thế giới này người dân lại tốt như dân Lào, họ giúp đỡ bộ đội Việt Nam thật vô tư, không hề có đòi hỏi gì, điều đó đã là đặc điểm văn hoá của người Lào để xây đắp nên tình hữu nghị vĩ đại Việt - Lào ngày nay.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 2: Khảo sát đường kín - 3

Nhân dân Lào chào đón quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu

Đội khảo sát chúng tôi ở nhờ một nhà dân bản, gần một tháng trời, sáng sớm dậy nấu cơm ăn rồi đi khảo sát đường, tối mới về nên cũng ít có thời gian nói chuyện với gia đình. Hôm ấy trời mưa to quá, cả đội nghỉ, đi đổi đồ được hai con gà về liên hoan mời cả phò (bố) me (mẹ), ải (anh), nọong (em) cùng dự liên hoan. Gần một năm đi khảo sát đường, vào ngủ ở bàn nhiều, cũng võ vẽ chút tiếng Lào, tôi đọc bài thơ lục bát, ngôn ngữ Việt - Lào phối hợp, đội khảo sát cùng góp vào đã thuộc lòng cả.

“Phò me xích lại gần đây

Xói lửa pà hán tu cay nhầy nhầy

Khẩu niêu nưng típ cho đầy

Lục kin mứt lẹo, lục pay mưa hườn.”

Anh Thu dịch cho cả gia đình nghe đại ý như sau:

"Bố mẹ ngồi gần lại đây

Giúp đỡ bộ đội con gà to to

Cơm nếp một hộp cho đầy

Con ăn hết nhẵn con đi về nhà

Tất cả cùng cười thật là vui.”

Anh Thu nói: “Em gái Lào gia đình này yêu anh bộ đội Kiền của Việt Nam rồi đấy! Mấy hôm vừa rồi trăng sáng, đêm nào cũng có chàng trai đến gần nhà sàn chọc gậy rủ em gái đi tâm sự mà em không đi, mình ít ngủ nên nhìn thấy hết, do em đã yêu bộ đội Kiền của Việt Nam”.

Tôi nói: “Em cũng không để ý, chỉ tập trung công việc khảo sát hàng ngày, tối đốt đèn dầu cóng bơ lên tự học chương trình học kỳ 2 các môn Toán - Lý - Hoá lớp 10, vì học trung cấp sư phạm (7+3) rút ngắn có hai năm, mới hết chương trình học kỳ 1 lớp 10. Nguyện vọng sau này thắng Mỹ trở về sẽ thi đi học Đại học Sư phạm, kết bạn với cô giáo cấp hai”.

Lúc chia tay, em gái Lào xinh đẹp đứng ôm cột nhà nét mặt buồn buồn nhìn mãi, chỉ biết vẫy tay "xam bai đi" - chào tạm biệt.

Đoàn vào Bản nghỉ mấy tuần

Dáng cô thiếu nữ vẹn phần xinh tươi

Nọong (Em) trao ánh mắt nụ cười

Xin theo bộ đội giúp người nâng khăn

.....

Ngắm Em dưới ánh trăng rằm

Ải (Anh) còn nhiệm vụ xa xăm tháng ngày

Nhìn Em lưu luyến vẫy tay

Xam bai đi (chào tạm biệt) với nơi này nhớ ghi.

Đến hết tháng 9 chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Bộ đội, dân công hỏa tuyến suốt mùa mưa không nghỉ để mở đường kín. Các công trường khí thế lao động sôi nổi để con đường dưới tán rừng già Trường Sơn như lao ra mặt trận. Làm thêm các trục dọc, trục ngang với tổng chiều dài lên tới 3.140 km, thật kỳ diệu.

Những đoạn đi qua địa hình trống trải, các đơn vị nữ Công binh làm các khung dàn bằng cây gỗ, lấy cành cây che phủ nguỵ trang, nhiều nơi lấy phong lan rừng treo lên nguỵ trang. Có đoạn, Công binh dùng dây rừng neo buộc các ngọn cây hai bên đường cho chụm vào nhau để tăng độ che phủ tán cây ngụy trang, thật sáng tạo.

Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả. Cơ bản loại AC-130 cũng như các loại máy bay khác “ra khỏi vòng chiến đấu”. Một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn.

Khảo sát đường vào kho trên đường kín 

Khi đường kín mở ra, hệ thống kho hàng của các Binh trạm cũng phải điều chỉnh cho phù hợp, đều chuyển về bám sát các trục đường kín. Binh trạm 32 có hai kho, trong đó có một kho gần đường 128 B ở khu vực bắc đường 9, mới đi chuyển sang đường 32 A (sau này là đường 24). Đang xây dựng thì B52 đến thả bom bi nổ chậm, hơn hai chục cán bộ, chiến sỹ thương vong. Tổ khảo sát Binh trạm 32 chúng tôi tham gia ứng cứu kho và thương binh, tử sĩ.

Qua rà soát, phát hiện địch đã thả các thiết bị trinh sát điện tử, tìm ra kho của ta, cho B52 đến oanh tạc. Một trung đội Công binh của Tiểu đoàn 69 được điều đến cùng Tiểu đội khảo sát của Ban Công binh lùng sục, phát hiện, thu hồi được ba loại, điển hình là cây nhiệt đới ASIT. Đây là một thiết bị trinh sát điện tử thu tiếng động. Hình dáng của nó tròn dài, đầu nhọn. Chúng dùng máy bay bay thấp thả xuống các khu vực nghi có lực lượng của ta, nó cắm sâu vào đất, thò lên chiếc an ten có râu, gồm an ten đứng là an ten phát và 4 râu ngang là an ten thu, trông giống như cây rừng nhiệt đới. Nó thu tiếng động phát ra, báo về, sở chỉ huy phân tích là xe hay đoàn người.

Tìm thấy mấy chục cái, túm 4 râu an ten ngang vào râu an ten đứng buộc lại là nó mất tác dụng, bẻ quặp xuống càng an toàn hơn. Đây là loại thiết bị trinh sát điện tử hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ.

Hệ thống thám báo tự động của Mỹ với thiết bị điện tử thả xuống đại ngàn Trường Sơn gồm 100 loại khác nhau. Người Mỹ mệnh danh là “thám tử dấu mặt”, “những kẻ gác đường”. Nó thả xuống khắp các nẻo đường, các cánh rừng, các con đường giao liên... Các thiết bị này ngửi được mùi mồ hôi, mùi nước tiểu, các tiếng động và bức xạ nhiệt... Tất cả mọi hoạt động của con người, xe, pháo đều bị chúng phát hiện, báo về sở chỉ huy.

Trung tâm thu thập tin tức của Mỹ đặt tại Nakhon Phanom - Thái Lan. Với 2 máy tính khổng lồ IBM- 360-65, Trung tâm quán xuyến toàn bộ những thiết bị điện tử đã rải xuống 40.000 km2 trên địa bàn Trường Sơn. Chúng kiểm soát từng vùng theo mã số, đánh hơi người, thu âm thanh theo các tần số, phát hiện những vật di động... xác định chính xác thời gian, địa điểm rồi thông báo tức thì cho các loại máy bay thường xuyên túc trực trên không được gọi là “diều hâu săn mồi” đến đánh phá. Chi phí cho toàn bộ hệ thống thám báo tự động này là 1,7 tỷ USD.

Khu vực kho đã bị lộ, cần di chuyển kho đến địa điểm mới, vào sâu nam đường 9 khoảng 15 ki lô mét. Đội khảo sát của Ban Công binh do Thiếu uý Nguyễn Minh Hương phụ trách, có Trợ lý dân vận của Binh trạm Trần Văn Khiếng đi cùng. Quá trình khảo sát tìm đường đến địa điểm kho mới, gặp một kho gạo, không thấy ai quản lý cả, gạo kê trên sàn gỗ có mái che, các bao bục ra, chảy xuống đất một lớp dày cả gang tay, rất nhiều mọt. Chúng tôi vào xem thật là tiếc. Anh Khiếng nói có thể của ta, hoặc của bạn do Việt Nam giúp vì toàn gạo tẻ, đã bỏ quên khi chuyển quân đến khu vực khác từ rất lâu rồi.

Trong kháng chiến chống Pháp, chiến sĩ Trần Văn Khiếng được giao nhiệm vụ coi kho hậu cần của quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào, Hiệp định Giơ ne vơ ký kết, quân đội Việt Nam rút về nước. Anh vẫn ở lại, không có đài báo, không biết tin tức gì, cứ một mình ở lại coi kho. Đến năm 1961, đường dây 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn, rồi mạng đường ô tô mở ra, anh mới gặp bộ đội ta. Từ đó, anh trở thành cán bộ dân vận của Binh Trạm 32.

Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát đường vào kho mới, lực lượng Công binh nhanh chóng mở đường. Đài quan sát lập ra để quan sát các hoạt động trên không của địch. Kho hàng của Binh trạm 32 đi vào hoạt động cùng với mạng đường kín mở ra, tạo nên một thế trận vận chuyển mới trên đường kín Trường Sơn.

Đón đọc Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất