Đội quân tóc dài của làng văn
(Arttimes) - Theo thống kê mới nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, tính đến 2020, tổng số hội viên là hơn 1200, trong đó có 200 hội viên nữ. Đó thực sự là một “con số biết nói”.
Đọc lại “Phái đẹp cuộc đời & cây bút” (3 tập, NXB Hội Nhà văn, 2015), tôi nghĩ tới hình ảnh đội quân tóc dài trong văn chương. Trong chiến tranh đã có những khi đội quân tóc dài làm kẻ thù khiếp sợ. Trong thời bình, đội quân tóc dài đã đem lại niềm tin về một tương lai của văn chương nước nhà.
Phái đẹp cuộc đời & cây bút
Trong số 123 nữ sĩ hiện diện trong tuyển tập Phái đẹp cuộc đời & cây bút (tất nhiên là chưa đầy đủ) có những bậc “trưởng lão” trong làng văn như Nguyệt Tú (sinh 1926), Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (sinh 1927), Thanh Hương (sinh 1929), Đặng Anh Đào (sinh 1934). Lại có những cây bút trẻ khỏe như Đỗ Bích Thúy (sinh 1975) Nguyễn Ngọc Tư (sinh 1977), Trần Hoàng Thiên Kim (sinh 1981)...Tính chi li ra đội quân tóc dài trong văn chương nối tiếp đến 5 thế hệ. Tôi nghĩ một trong những điều kiện tồn vong của văn chương là sự tiếp nối sáng tạo các thế hệ.
Từ trái tim đến trái tim là quy luật của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật ngôn từ. Người nữ viết thơ tưởng chỉ có những lời thủ thỉ, tâm sự thường tình, ai ngờ: “Tôi là bông lúa vàng tươi/Cúi thấp xuống phù sa đến nỗi/Rạng đông lên tôi nhìn thấy bầu trời/Và ngôi sao mai như bóng trái tim tôi/In lên màu nước sáng/Những bạn bè tôi cúi xuống thấp hơn/Tấm thân nặng trĩu không đủ sức rì rào/Họ thầm thì những lời no ấm” (Lâm thị Mỹ Dạ - Lời của bông lúa). Trừ một số rất ít, tôi tin độc giả ngày nay không thích một lối thơ hoặc là rền vang hả hê, hoặc là ủy mị ẩm ướt quá mức. Người phụ nữ truyền thống có nhiều ràng buộc, người phụ nữ hiện đại có nhiều khao khát tự do. Nhưng “cái nào hơn cái nào?” đã được nhà thơ đặt ra như một câu hỏi ám ảnh tâm thức. Tôi thích bài thơ Tự do và ràng buộc của Nguyễn Thị Hồng Ngát là có cái lý do của nó:
“Giống như con thuyền không neo
Muôn đợt gió thổi qua thổi lại
Thế đấy
Ôi, ràng buộc và tự do
Cái nào hơn cái nào?”
Người nữ và thơ nữ thường gợi ở độc giả phái mày râu cái cảm giác “dịu dàng quá không chịu nổi”. Nhưng đôi khi ta lại thấy ở đâu đó, lúc nào đó họ bỗng trở nên “đanh đá”, thậm chí “ngang ngạnh” và mạnh mẽ một cách đáng yêu như Đoàn Thị Lam luyến dám Làm nhà trên lưng cá voi. Một người nữ mà cả gan:
“Tôi mơ tát cạn biển này
Để tìm cho được tháng ngày đôi ta
Nhưng rồi biển quá bao la
Ai-bảo-làm-nhà-trên-lưng-cá-voi?”
Một vài dẫn dụ như thế trong thơ để thấy dẫu cái tình là gốc của sáng tác nhưng cái tình đã thăng hoa, kết tinh, tỏa sáng, lan truyền nhờ vào cái chất trí tuệ được đốt cháy. Ai bảo người nữ chỉ biết “lụy tình”, “dại tình”?
Đọc văn xuôi nữ, riêng tôi lại càng cảm thức được cái chất trí tuệ thấm đượm trong những trang văn. Có thể ai đó thiển cận nghĩ rằng văn chương của phái đẹp thường ủy mị, sướt mướt. Hãy thử đọc một lần xem sao Kẻ nô tỳ được trang sức của Trần Thị Trường, bạn sẽ bớt đi cái định kiến về văn nữ dường như chỉ kể lể.
Đừng nghĩ người nữ chỉ thích kể lể một câu chuyện buồn vui nào đó của chính mình hoặc người thân quen của mình. Có những khi sau câu chuyện được kể ra có vẻ như là “chuyện thường ngày ở huyện” lại lấp lánh một triết lý nào đó về cuộc đời, về con người kiểu như Quanh chuyện sống với người già của Phan Thị Vàng Anh. Vấn đề quy luật “sinh lão bệnh tử”, vấn đề thế hệ, vấn đề tồn tại theo cái nhìn hiện sinh, tôi nghĩ, đầy ắp trong một truyện ngắn vỏn vẹn 2000 chữ.
Có một Nguyễn Thị Minh Thái lúc nào cũng “tung tăng như cá tươi” (Hồ Anh Thái), đọc rộng biết nhiều, viết lý luận phê bình tinh tế và sắc sảo mấy ai bằng nhưng bập vào viết truyện ngắn ngang ngửa với mấy người chuyên trụ hạng với thể loại “nhỏ” này trong văn chương. Tôi thấy thú vị khi chị tự nguyện đứng vào đội hình Văn với truyện ngắn Ngồi đợi ở bậc thềm. Một cái truyện trĩu nặng vì tâm trạng. Một lối kể như mũi khoan xoáy sâu vào nội tâm. Những đảo chiều không gian - thời gian như điện ảnh… Tất cả nhào nặn một thành một khối được dồn nén tối đa và bùng nổ tối đa. Triết lí mà cứ thoảng nhẹ như không bởi cái hơi thở đời sống đương đại phả vào từng câu chữ.
Người ta nói sinh ra nghệ thuật là để chống lại sự nhàm chán của cuộc đời. Chính vì thế nghệ thuật bản thân nó không được phép lặp lại và thật đáng buồn nếu tất cả chủ thể sáng tạo rập khuôn, một màu, một giọng, một cách lối thể hiện. Trong thơ độc giả nhận ra một lối “lặng lẽ tỏa hương” kiểu như Lệ Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Tuyết Nga, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Bảo Chân, Phạm Thu Yến,…Thơ của các nữ sĩ này không “lắm điều”, có vẻ như chỉ là những tiếng nói thầm, rất khiêm tốn, đôi khi cố tình giấu mình. Nhưng rất nhiều những say mê, thổn thức.
Lại có một lối thơ mạnh mẽ, quyết liệt kiểu như Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng, Vi Thùy Linh, Chu Thị Thơm, Huệ Triệu…Họ “ăn sóng nói gió” nhưng trong sâu thẳm họ cô đơn và khát khao chia sẻ, cũng như rất nhiều những mềm lòng. Một lối viết lấy cái chân thật làm đầu nên thơ họ giản dị, mộc mạc như lúa ngô khoai sắn, gần gũi và thiết yếu như nắng gió khí trời. Đó là thơ của Hoàng Thị Minh Khanh, Đỗ Bạch Mai, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Trần Kim Anh, Nông Thị Ngọc Hòa, Trần Thị Nương…
Trong văn xuôi nổi lên một lối viết giàu triết luận như Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Minh Thái, Phan Thị Vàng Anh,…Tác phẩm của họ mạnh về “vấn đề”, nghĩa là có xu hướng nghiêng triết lý đời sống, đôi khi như là những luận đề nhưng đã cố kết được với chất sống tươi nguyên. Lối viết trữ tình thể hiện rõ ở Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Vũ Minh Nguyệt, Trương Thị Thanh Huyền, Lê Thị Bích Hồng…Truyện của họ không quá chú trọng cốt truyện mà nhiều chất thơ, nhiều những “nhánh” rẽ ngang giàu tính chất “trữ tình ngoại đề”. Lối viết “tả chân” vốn được coi như một truyền thống của văn chương Việt Nam in dấu đậm trong truyện của Hà Thị Cẩm Anh, Lê Minh Khuê, Hiền Phương, Nguyễn Thị Anh Thư, Trầm Hương, Vũ Thảo Ngọc, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp…Truyện của họ nhiều tình huống gây cấn, nhiều chi tiết hay dễ “bắt mắt” độc giả.
Những nữ sĩ viết lý luận phê bình cũng rất đa thanh sắc: Một Đặng Anh Đào tài hoa, phóng khoáng in dấu trên từng trang viết về văn chương thế giới và Việt Nam. Một Lưu Khánh Thơ năng động, cây bút phê bình đa năng nhiều thể loại từ văn, thơ, kịch, đến chân dung. Một Lý Hoài Thu tinh tế và cẩn trọng, chắt chiu chữ nghĩa. Một Tôn Phương Lan mềm mại nhưng không kém phần sâu sắc trong tiếp nhận văn chương. Một Bích Thu lặng lẽ thành công với những tiểu luận - phê bình bám sát thời sự văn chương đương đại Việt Nam. Một Hỏa Diệu Thúy, cái tên không nói lên chất văn vốn rất điềm đạm, nhẹ nhàng. Một Cao Thị Hồng tỏa ngòi bút xuống lý luận, phê bình và sáng tác thơ…
Hà Nội, tháng 3/2022
None
Bình luận