Phạm Đình Ân làm thơ đố dành cho trẻ em

Không chỉ dành riêng cho thiếu nhi, thơ đố (còn gọi là câu đố) vốn là một bộ phận của văn học dân gian cổ truyền, gồm truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện hài hước, ca dao, thành ngữ, tục ngữ, câu đố... Bên cạnh đó, cũng có ca dao hiện đại, truyện hài hước hiện đại và câu đố hiện đại. Riêng câu đố, thường thường chỉ tồn tại ở dạng thơ - thơ lục bát hoặc thơ 4 chữ, năm chữ, nhiều khi là một đoạn văn có nhịp điệu, gần như thơ.

Sách sưu tầm câu đố có: Câu đố Việt Nam của Ninh Viết Giao, NXB Khoa học Xã hội, 1990 và NXB Văn hóa - Thông tin, 2002; 501 câu đố dành cho học sinh tiểu học của Phạm Thu Yến, Lê Hữu Tỉnh, Trần Thị Lan (NXB Giáo dục, 1998), v.v. Những năm qua, câu đố hiện đại (chủ yếu dành cho thiếu nhi), đã được đăng báo, in sách nhưng rất ít khi được các tác giả chăm chút thật sự như viết thành những bài thơ theo hệ thống mà thường là viết tùy hứng. Sách thơ đố hiện đại riêng một tác giả thuộc loại sách cũ nhất có thể là Thơ đố của Nguyễn Thế Hội (NXB Hà Nội, 1983). Sách này mỏng 16 trang, khổ 13x19cm, in 20.150 cuốn, có 60 bài thơ loại bốn câu, thể lục bát xen kẽ bốn chữ, năm chữ.

Nhà thơ Phạm Đình Ân, bên cạnh thơ viết cho người trưởng thành, ông còn viết thơ dành riêng cho bạn đọc thiếu nhi - học sinh. Trải qua năm mươi năm viết cho trẻ em, ông đã có hai chục đầu sách sáng tác thơ văn và biên soạn có trăm bài thơ đố với khoảng một nghìn câu thơ lục bát được Phạm Đình Ân chọn lọc, công bố ở hai tập thơ: Đố vui giúp học tốt môn Tiếng Việt và Tự nhiên - Xã hội ở tiểu học (NXB Giáo dục Việt Nam, 2010) và Vui cùng thơ đố (NXB Phụ nữ, 2023). Tuy hướng tới bạn đọc nhỏ tuổi, nhưng trên thực tế, cả hai tập thơ đều cần cho cả người trưởng thành, bởi người lớn cũng thấy thú vị. Có một số bài, một số chi tiết rất cần các bậc phụ huynh giải nghĩa cùng các em.

Phạm Đình Ân làm thơ đố dành cho trẻ em - 1

Phạm Đình Ân làm thơ đố dành cho trẻ em - 2

Các tác phẩm của Phạm Đình Ân về chủ đề đố vui và thơ đố. 

Tại tập thơ đầu, do tên gọi các bài thơ đố được sắp xếp theo thứ tự A,B,C... (Áo gì?, Bàn gì?, Cá gì?...), tác giả đã giải thích ở lời nói đầu: “Đây là tập thơ lục bát mà mỗi bài thơ là một hệ thống những câu hỏi dạng đố vui về con người, sự vật, sự việc, hiện tượng muôn vẻ muôn màu. Tên gọi từng bài chỉ bằng một âm tiết (một tiếng) là cái cớ nảy sinh câu đố. Muốn giải đố, cần lưu ý đến đặc điểm phong phú, đa dạng, tinh tế của tiếng Việt ở cả trong sách vở và trong lời ăn tiếng nói được đúc kết qua ca dao, thành ngữ, tục ngữ... Sự chuyển đổi từ nghĩa ban đầu đến những nghĩa khác mang nhiều sắc thái trừu tượng, ẩn dụ là điều cần lưu ý khi đọc và giải đố thơ”. 

Nếu tập thơ trước dựa theo thứ tự tên chữ A, B, C để bố cục liền mạch thì tập thơ sau lại có hai phần. Phần I định danh các bộ phận thân thể con người, có nhan đề Từ đầu qua bụng xuống chân gồm 17 bài hỏi về đầu, tóc, mặt, mắt, tai, mũi, răng, miệng, lưỡi, cổ, vai, da, tay, bụng, lưng, ruột, chân. Phần II nói về hoạt động - hình ảnh sinh hoạt thường ngày của trẻ nhỏ, có nhan đề: Miên man cái biết mọc mầm trổ hoa, gồm 15 bài hỏi về nói, cười, hát, đi, đứng, ngồi, chạy, nằm, trông, nghe, hỏi, học, làm, ăn, chơi.

Phạm Đình Ân cho biết, là người rất quan tâm đến ngôn ngữ học nói chung và vấn đề giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt nói riêng, khi làm thơ đố, ông đã dùng một số phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt ẩn giấu trong lời hỏi nhằm gợi ý cho bạn đọc trả lời. Đối với phương tiện tu từ, ông chú ý đến tu từ từ vựng (thí dụ thành ngữ), tu từ ngữ nghĩa (thí dụ ẩn dụ, nhân hóa), tu từ cú pháp (thí dụ liệt kê). Đối với biện pháp tu từ, ông chú ý đến tu từ ngữ nghĩa (thí dụ so sánh), tu từ cú pháp (thí dụ lặp đầu chữ nhan đề hoặc chữ các câu thơ hỏi), v.v.

Phạm Đình Ân làm thơ đố dành cho trẻ em - 3

Điều làm nổi bật chất lượng nghệ thuật của tập thơ đố này là thơ lục bát nhuần nhị và chất dân gian đằm thắm.

Về thơ lục bát, có nhiều câu, nhóm câu khá thú vị, như dẫn ra dưới đây trong bài Cười gì? (Chỗ gạch chân là gợi ý giải đố về thành ngữ, tục ngữ, ca dao...):

Cười gì quên muối chưa nêm?

Cười gì hôm trước làm phiền hôm sau?  

Cười gì khóc xót lòng nhau?

Cười gì có cánh đậu vào bát canh?

Có thể nêu ra năm trường hợp có nhiều gợi ý về thành ngữ, tục ngữ, ca dao nhất, đó là các bài Đầu gì? có 6 thành ngữ, Tay gì? có 5 thành ngữ và 1 tục ngữ, Nói gì? có 6 thành ngữ và 1 tục ngữ, Trông gì? có 2 thành ngữ, 1 tục ngữ và 1 lời ca dao, Ăn gì? có 5 thành ngữ, 3 tục ngữ và 1 lời ca dao.

Xin dẫn ra trọn vẹn bài Ăn gì? để bạn đọc thưởng thức.  

Ăn gì vui vẻ thì ăn?

Ăn gì nhờ vả tháng năm thấy dài

Ăn gì nông nổi một mai?

Ăn đen nói trắng cho ai, ăn gì?

Ăn gì phải cảm ơn đi?

Ăn gì rào giậu chỉ vì riêng thôi?

Ăn chi nhìn hướng mà ngồi?

Ăn gì to lớn bơi bời gió giông?

Ăn chi mò mẫm trên đồng?

Ăn còn đổ vẩy, khóc không ai nhìn?

Ăn gì theo một niềm tin

bữa không thịt cá mà nên Niết Bàn?

Ăn gì thật đáng phàn nàn

mặn - chay, chân thật -dối gian thế nào?

Giải đố:

1-    Ăn mừng

2-  “Ăn chờ ở đợ” thành ngữ)

3-  “Ăn xổi ở thì” (thành ngữ)

4- “Ăn không nói có” (thành ngữ)

5-  “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” (ca dao)

6-  “Ăn cây nào rào cây ấy” (tục ngữ) 

 7-  “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng “ (tục ngữ)

8-  “Ăn sóng nói gió (thành ngữ)

9- “ Ăn ốc nói mò” (thành ngữ)

10- Ăn vạ

11- Ăn chay

12- “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối” (tục ngữ)

Theo tôi, cái mới và độc đáo của thơ đố Phạm Đình Ân là: tác giả làm thành bài như một đơn vị tác phẩm rồi liên kết thành sách, trở thành một đơn vị tác phẩm thứ hai. Thơ trong thơ, sách trong sách. Sách không phải  là số cộng của các bài thơ. Sách gồm các bài thơ liên hoàn. Cả quyển sách lại như một bài thơ dài. Yếu tố dân gian cũng là thế mạnh của tác phẩm.

Trước nay, chưa có tác giả nào gợi ý câu đáp bằng chất liệu dân gian một cách hệ thống và đậm đặc như vậy. Và, ở ngoài nội dung mà lại rất cần cho nội dung là: tập thơ quá đẹp! Tác giả rất trân trọng thiếu nhi, hiểu tâm lý trẻ em. Bìa và bốn phụ bản đẹp do họa sĩ Ngô Xuân Khôi thực hiện sẽ giúp độc giả nhỏ tuổi yêu thơ hơn, xúc cảm và ứng xử trong đời sống tốt đẹp hơn.

Tính khả dụng cao của tập thơ này đối với trẻ nhỏ có thể xác định được. Tập thơ giúp các em nâng cao trí tưởng tượng, năng lực quan sát bản thân và thế giới ngoại cảnh. Tập thơ giúp các em ý thức rõ rệt về tình yêu đối với bản thân, nêu cao tính tự lập. Tập thơ như một trò chơi giải trí, nói khác đi, đọc thơ như vừa chơi vừa học. Đọc thơ, các em thêm yêu tiếng Việt để viết văn, làm thơ vừa đúng vừa hay. Khi đọc thơ đố của Phạm Đình Ân các em cũng học hỏi về văn hóa – nghệ thuật dân gian qua lời ăn tiếng nói rất thú vị ở thành ngữ, tục ngữ, ca dao...

Phạm Đình Ân làm thơ đố dành cho trẻ em - 4

Nhà thơ Phạm Đình Ân (trái) và nhà văn Bắc Sơn (phải). Ảnh: Trung Hiền

Tác giả đã giúp các em để tâm hơn nữa đến văn hóa đọc, trong trường hợp tập thơ này là tình yêu đối với văn chương nói chung và thơ lục bát nói riêng, hướng dẫn các em làm thơ lục bát thuần thục (Thơ lục bát muốn hay thì không dễ làm, bởi chỉ loay hoay đặt câu, chữ cho khớp vần, lại đúng ý mình, liền mạch bài thơ, đã mệt mỏi lắm rồi). Nhân đây Phạm Đình Ân giúp các em rèn luyện kỹ năng sống đẹp. Mỗi bài thơ là một tích hợp lời khuyên về đạo đức ứng xử văn hóa trong các mối quan hệ gia đình - xã hội - thiên nhiên. Thơ đố của Phạm Đình Ân giúp các em chú ý đến ý thức chủ động, sáng tạo cùng tác giả.

Nhà thơ Phạm Đình Ân càng ngày càng dồi dào bút lục. Thơ ông càng ngày càng mềm mại, tinh tế và đằm thắm tình yêu thương. Bạn đọc nhỏ tuổi - và cả người trưởng thành - còn hy vọng nhiều ở ông.

          

Lê Huy Hòa

Thú vị thành ngữ
Thú vị thành ngữ

Trong kho tàng thành ngữ người Việt hàng nghìn câu, có nhiều câu thú vị. Dưới đây chúng tôi dẫn ra một số thí dụ tiêu...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nữ Idol TikTok Live chia sẻ bí quyết thu hút triệu người theo dõi trên nền tảng TikTok

Nữ Idol TikTok Live chia sẻ bí quyết thu hút triệu người theo dõi trên nền tảng TikTok

Trong thế giới mạng xã hội đang bùng nổ, TikTok nổi lên là một trong những nền tảng phổ biến nhất, thu hút hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Với vô vàn video được tải lên mỗi ngày, việc nổi tiếng trên nền tảng này rất khó. Tuy nhiên, Trần Hà Linh - một nữ Idol TikTok Live, đã thành công thu hút 1.2 triệu người theo dõi. Cô đã chia sẻ những chiến lược và bí quyết mà cô đã áp dụng đ