Thú vị thành ngữ

Trong kho tàng thành ngữ người Việt hàng nghìn câu, có nhiều câu thú vị. Dưới đây chúng tôi dẫn ra một số thí dụ tiêu biểu.

Hằng Hà sa số

Hằng Hà là tên một con sông nổi tiếng ở nước Ấn Độ. Sông Hằng từ nghìn xưa đã trở nên địa chỉ và biểu tượng tôn giáo vô cùng thiêng liêng của đất nước này. Sông Hằng dài 2500km, bắt nguồn từ dãy núi Himalaya nổi tiếng, chảy qua Ấn Độ rồi đổ ra biển. Đạo Phật được xem như là quốc giáo của dân tộc Ấn Độ. Trong kinh điển đạo Phật, có nói đến số lượng thế giới trong không gian mà loài người đang sống nhiều như vạn trùng những hạt cát sông Hằng, tức là “hằng hà sa số” thế giới. 

“Hằng Hà sa số” tuy gốc gác là nói về một địa danh xa xôi nhưng lại được người Việt Nam hay nhắc đến khi liên hệ đến những cái gì rất nhiều về số lượng. Vì vậy mà chúng ta hiểu thêm muôn vẻ phong phú của lời nói dân gian, khơi gợi ý thức ham mê tìm hiểu, khám phá mọi miền đất lạ.

Chuối sau, cau trước

Cau, dừa, chuối, mít, v.v. là những loài cây, quả thân thuộc. “Chuối sau, cau trước” là thành ngữ khẳng định một sự việc, một hiện tượng. Sau và trước là danh từ chỉ vị trí. Vậy thì thành ngữ này nói đến vị trí của hai loài cây, quả đối với ngôi nhà, hay là vị trí của hai loại quả đối với buồng của chúng (quả cau trong buồng cau, quả chuối trong buồng chuối, nải chuối)?

Thú vị thành ngữ - 1

Tranh minh họa thành ngữ "Chuối sau cau trước".

Chúng ta dễ dàng thấy rằng, quả cau ở vị trí nào trong buồng của nó cũng được. Chuối cũng có buồng nhưng nải càng ra muộn càng kém. Xét quả trong nải thì quả phía sau như là đằng lưng, bị khuất lấp, dễ bị thâm khi cắt rời từng nải ra để đặt xuống mâm, bàn.

Chỉ có thể hiểu là chuối trồng đằng sau nhà thì râm mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông; cau trồng trước nhà thì đẹp dáng, cây càng cao, lớn lên càng bớt đi tàu lá xòe ra chắn gió, che khuất tầm nhìn.

Thành ngữ “Chuối sau, cau trước” giúp chúng ta hiểu thêm về tập quán ăn ở, làm lụng của cư dân nông nghiệp.

Sinh con, đẻ cái

Cấu trúc của một kiểu thành ngữ có hai phần song đối (nhắc lại: song đối), bên này có chữ sinh, bên kia có chữ đẻ, thì con cũng phải đi với cái, vậy thì cái cũng là con. Ngày trước, khi chế độ mẫu quyền tồn tại, người mẹ được đặt lên vị trí cao. Vì thế mà có trường hợp cái là mẹ (như sông cái, đường cái, rễ cái, hoặc như trong thành ngữ “Con dại, cái mang”…). 

Rốt cuộc, chúng ta nên hiểu cái có thể là mẹ, cũng có thể là con ở những trường hợp cụ thể. Cách nói “Sinh con, đẻ cái” chỉ có nghĩa đen là bố mẹ sinh con, không có nghĩa bóng. Con và cái ở đây khác âm mà cùng nghĩa, như câu ca dao: “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Đêm nằm, năm ở 

Thành ngữ thường là một nhóm từ mang tính cố định cao, rút ra từ một câu nói đầy đủ ý nghĩa hơn. “Đêm nằm, năm ở” là cách nói rút gọn của câu “Một đêm nằm cảm thấy dài bằng cả một năm”.

Thú vị thành ngữ - 2

Tranh minh họa thành ngữ "Đêm nằm năm ở".

Chuyện kể rằng, có đôi bạn gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Một người tìm được nhà bạn và nghỉ qua đêm. Họ say sưa tâm sự. Đêm ấy thật là dài. Lại có trường hợp một người xa nhà, qua đêm tại đâu đó, do nhớ nhà, thấy không thuận lợi về sinh hoạt, khó ngủ, cảm nhận thấy đêm dài như một năm đằng đẵng.

Khi lưu ý đến chữ nằm và chữ ở, chúng ta thấy thành ngữ “Đêm nằm, năm ở” chủ yếu nói đến chất lượng cuộc sống tinh thần của con người ở khía cạnh định tính: một đêm bằng một năm. Thành ngữ này cũng có hai vế nhưng không thể hoán vị cho nhau. Không thể nói “năm ở, đêm nằm”, bởi vì đêm là cái đem ra so sánh, năm là cái được so sánh.

Đơm đó ngọn tre

Cái đó (hoặc lờ) là dụng cụ bắt cá làm bằng tre, nứa, được dùng phổ biến ở nông thôn. Đơm là hành động dùng đồ vật ấy đặt dưới hồ, sông, rãnh nước để đón, hứng cá chui vào. Lẽ thường, người ta hiểu đây là câu nói có ý đùa cợt hoặc châm biếm về một việc làm ngược đời, ngớ ngẩn. Thật ra thành ngữ này có tính lưỡng phân, tức vừa là thành ngữ, vừa là tục ngữ. Có thể hiểu hình ảnh này theo hướng khác: Cây tre ở phần ngọn làm đó tốt hơn, hoặc là khi lũ lụt, cái đó dùng bắt cá nổi lên lềnh bềnh, bám vào ngọn tre. 

Một thành ngữ đơn giản mà lại không dễ giải thích như giúp chúng ta yêu thêm lời ăn tiếng nói của dân gian, từ đó hiểu biết thêm về phong tục, tập quán của thôn làng - nơi lưu giữ nếp văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Quýt làm cam chịu

Chuyện kể rằng, xưa kia Trạng Lợn là người có tài bói toán. Một hôm, công chúa bị mất đôi vòng ngọc quý. Viên quan coi việc an ninh trong triều lập tức cho lính triệu ngay Trạng Lợn đến và trao cho việc truy tìm thủ phạm. Trạng Lợn biết là khó gỡ, bèn tìm cách xin Vua cho được lùi đến mươi lăm ngày sau để suy tính. Trạng Lợn nghĩ quanh quẩn được bảy tám ngày mà vẫn chẳng tìm ra được diệu kế gì. Nghĩ quẩn quá, ông đập tay xuống chiếu mà than rằng: “Hừ, rõ thật quýt làm cam chịu!”. Không ngờ, trong vụ ấy thằng Quýt thông đồng với thằng Cam lấy trộm vòng ngọc của công chúa. Hai tên trộm đã đến rình dưới căn gác nơi Trạng ở để nghe xem động tĩnh thế nào. Khi nghe thấy câu phán “Quýt làm cam chịu” chúng hoảng hốt, vội ra đầu thú. 

Đấy là chuyện hai người có tên là Cam và Quýt. Còn chuyện sau đây là cây cam - quả cam, cây quýt - quả quýt. Người nông dân có kinh nghiệm rằng: Trong một vườn đã trồng cam thì thôi trồng quýt và ngược lại. Bởi nếu trồng hai loại cây ấy ở bên nhau thì cam sẽ kém ngon, còn quýt thì to quả hơn, vừa không đẹp lại nhạt.

Có một thành ngữ gần nghĩa với thành ngữ này, đó là “Kẻ ăn ốc người đổ vỏ”. Thành ngữ “Quýt làm cam chịu” có cái thú vị riêng, vì tác giả dân gian đã vô tình dựa vào thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ - cải danh. Đây là câu nhắc nhở chúng ta hãy suy nghĩ chín chắn trước khi làm một việc gì và phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, chớ để lại hậu quả cho người khác phải hứng chịu; đồng thời, người xem xét sự việc để kết luận cũng phải rất thận trọng.

Bán cá mũi thuyền

Thuyền chở cá vừa mới cập bến, hàng chục người mua buôn ngồi đợi (từ sáng sớm tinh mơ) đã vội vàng cầm rổ chạy ào đến. Chủ thuyền và người giúp việc kéo các thúng cá từ trong khoang ra mũi thuyền. Rộn rịp kẻ cân, người tính. Bên mua sắp xếp hàng xong, trả tiền. Bên bán đếm đếm và nói lẩm bẩm. Một góc bến sông xôn xao, náo động. Ấy thế mà chỉ mươi, mười lăm phút, nhóm buôn cá đã đẩy xe hàng lên đê và hối hả phóng đi. Chủ thuyền lôi cái cầu lên thuyền, chống sào và cho thuyền quay ngoắt thật nhanh ra giữa sông. Những con sóng dòng sông quê tỏa loang ra, như quyến luyến đi theo con thuyền để chào tạm biệt và hẹn ngày trở lại.

Cách bán cá nhanh gọn như vậy gọi là “Bán cá mũi thuyền”. Người mua mua được rẻ, cá lại tươi, người bán mau xong việc nhưng phải chịu thiệt. Nếu cá được mang xuống bãi sông, hoặc người mua lên hẳn khoang thuyền mà chọn, thì bên bán sẽ thu được nhiều tiền hơn.

Tương tự với cách bán cá này, người trồng lúa có kiểu bán lúa non, tức là bán tại ruộng khi bông lúa chưa ngả màu vàng. Chuyện làm nhanh ăn xổi là vậy.

Thành ngữ “Bán cá mũi thuyền” không có ý rõ ra là chê trách người bán cá. Nó chỉ nêu lên một hiện tượng, một cách ứng xử về mua và bán, từ đó mọi người sẽ rút ra được bài học. 

Thành ngữ Việt Nam đã được nhiều tác giả nói đến, thường là nêu ra gốc tích. Chúng tôi nghiêng về phía luận bàn. Sự gặp gỡ phần nào về ý kiến giữa các tác giả là điều bình thường. Những lời dân gian chạm đến ý nghĩa thế sự - nhân sinh tuy đặc sắc nhưng gợi ra xúc cảm nặng nề thì xin bàn vào dịp khác.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi