Tiếp nhận lý luận tiểu thuyết thế giới, vận dụng sáng tác và nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

Từ nửa sau những năm tám mươi của thế kỷ XX, sự nghiệp Đổi mới đã thổi một làn gió tươi mới kích thích sáng tạo văn học nghệ thuật. Xu hướng hội nhập thế giới rộng và sâu là một tất yếu theo quy luật vận động xã hội. Nói riêng trong lĩnh vực văn học, những nền tảng mới về lý thuyết, đặc biệt lý thuyết thể loại tiểu thuyết, có cơ hội và điều kiện thấm nhuần vào Việt Nam khi “Trái đất là ngôi nhà chung của thế giới”. Tuy không phải sớm nhất nhưng quan trọng nhất là M. Bakhtin với công trình “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết” (Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1992).

Trước khi Lý luận và thi pháp tiểu thuyết được quảng bá ở Việt Nam, M. Bakhtin đã được một số nhà nghiên cứu đọc và vận dụng. GS Phan Cự Đệ trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập, NXB Đại học & Trung học chuyên nghiệp, 1974-1975) đã sớm vận dụng lý luận tiểu thuyết của M. Bakhtin, K. Coginov, để viết về nguồn gốc tiểu thuyết, mối quan hệ giữa tiểu thuyết và sử thi, về nhân vật tiểu tuyết, ngôn ngữ tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. GS Trần Đình Sử đã tiếp cận M. Bakhtin trên phương diện “thi pháp” và ứng dụng nghiên cứu văn học Việt Nam thời trung đại, hiện đại.

Tiếp nhận lý luận tiểu thuyết thế giới, vận dụng sáng tác và nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - 1

Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975)

Nhà văn Nguyễn Đình Thi trong tác phẩm Công việc của người viết tiểu thuyết (NXB Văn học, 1969), dù không ảnh hưởng trực tiếp M. Bakhtin nhưng những lập luận về tiểu thuyết cũng thấm đượm tinh thần của nhà khoa học Nga. Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh: Nhà tiểu thuyết phải “tắm mình giữa đời sống” và cách viết là “phải nhìn sát gần và tập trung sự thật”. Cách diễn đạt này phù hợp với đặc điểm của tư duy tiểu thuyết “tiếp cận cái chưa hoàn thành” của hiện thực đời sống.

M. Bakhtin là một trong những nhà khoa học nhân văn lỗi lạc nhất thế kỉ XX, vì: “Thiếu vắng cái gì khác chứ thiếu di sản của Bakhtin thì dứt khoát không thể nhận chân văn hoá nước ta cũng như văn hoá toàn thế giới” (X. Averintsev - Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên - Xô). 

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của nhà khoa học Nga M. Bakhtin chính là ở chỗ ông đã nâng lý thuyết thể loại lên một vị trí quan trọng trong khoa nghiên cứu văn học. Theo M. Bakhtin: “Đằng sau cái mặt ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta không nhìn thấy vận mệnh to lớn và cơ bản của văn học và ngôn ngữ, mà những nhân vật chính nơi đây trước hết là các thể loại, còn trào lưu, trường phái chỉ là những nhân vật hạng nhì và hạng ba”. Gần đây giới nghiên cứu văn học Việt Nam đang đi theo hướng nghiên cứu này và đã gặt hái được một số thành quả bước đầu đáng lạc quan. Nhưng điều đáng nói là, các nhà văn sáng tác tiểu thuyết cũng  bắt đầu quan tâm tới lý luận về tiểu thuyết, đặc biệt là lý luận về tiểu thuyết của M. Bakhtin.

M. BAKHTIN VÀ VẤN ĐỀ “TƯ DUY TIỂU THUYẾT”

“Tiểu thuyết như một thể loại văn học” là tiểu luận quan trọng nhất trong tác phẩm Lý luận và thi pháp tiểu thuyết của M. Bakhtin. Nhờ công trình này chúng ta được “vỡ vạc” một vấn đề cốt tử “tư duy tiểu thuyết”. Tác giả đã dẫn dắt chúng ta tới sự nhận biết đầy đủ về khái niệm “tư duy tiểu thuyết” bằng cách đi qua những “chướng ngại vật” đầu tiên như ý nghĩa của việc nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách một thể loại văn học quan trọng: “Nghiên cứu các thể loại khác tựa hồ như nghiên cứu các từ ngữ; nghiên cứu tiểu thuyết giống như nghiên cứu những sinh ngữ, mà lại sinh ngữ trẻ”.

Tiểu thuyết là một “sinh ngữ trẻ” bởi: “Tiểu thuyết không đơn thuần là một thể loại trong nhiều thể loại. Đó là thể loại duy nhất nảy sinh và được nuôi dưỡng bởi thời đại mới của lịch sử thế giới và vì thế mà thân thuộc sâu sắc với thời đại ấy, trong khi đó thì các thể loại lớn khác chỉ được thời đại mới kế thừa ở dạng đã hoàn tất và chúng chỉ thích nghi - khá hơn hoặc kém hơn - với những điều kiện sinh tồn của nó. So với chúng thì tiểu thuyết là một sinh linh thuộc giống nòi khác. Nó khó sống chung với các thể loại kia. Nó đấu tranh giành lấy địa vị thống trị trong văn chương, và nơi nào nó ưu thắng, ở đấy những thể loại khác, thể loại cũ, bị phân hoá”. Sở dĩ tiểu thuyết trở thành nhân vật chính của tấn kịch văn học bởi: “Nó là thể loại duy nhất do thế giới mới ấy sản sinh ra và đồng chất với thế giới ấy về mọi mặt”.

Tác giả cũng đã bàn về tính chất “tiểu thuyết hóa các thể loại” của tiểu thuyết trong các nền văn học khác nhau trên thế giới. Bản chất của tiểu thuyết chính là ở chỗ: “Tiểu thuyết là một thể loại văn chương duy nhất luôn luôn biến đổi, do đó nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn, nhạy bén hơn sự biến chuyển của bản thân hiện thực. Chỉ kẻ biến đổi mới hiểu được sự biến đổi”.

Từ sự dẫn dắt khéo léo trên, tác giả đã đưa chúng ta đến tất yếu nhận biết về “tư duy tiểu thuyết”. Ông giải thích một cách ngắn gọn nhưng cô đúc và  thuyết phục: “Tiểu thuyết tiếp xúc với môi trường cái hiện tại chưa hoàn thành, chính đặc điểm này không cho phép thể loại ấy bị đông cứng lại. Người viết tiểu thuyết thiên về tất cả những gì còn chưa xong xuôi”. Nhưng sẽ có người đặt câu hỏi: nếu tiểu thuyết chủ yếu tiếp xúc với “cái hiện tại chưa hoàn thành” thì thái độ của nhà tiểu thuyết đối với “”cái quá khứ”? Tác giả  kiến giải về vấn đề này: “Nhưng thời hiện tại như một điểm xuất phát mới cho sự định hướng nghệ thuật tuyệt nhiên không loại trừ sự miêu tả cái quá khứ anh hùng, và lại miêu tả không có sự “hí phỏng” nào hết. (…). Sự miêu tả quá khứ trong tiểu thuyết tuyệt nhiên không đòi hỏi phải hiện đại hoá cái quá khứ ấy. (…). Ngược lại, chỉ trong tiểu thuyết mới có thể miêu tả một cách thực sự khách quan quá khứ như là quá khứ”.

Trung tâm của tiểu thuyết vẫn là con người (nhân vật). Vấn đề này được M. Bakhtin giải quyết thấu đáo. Trước khi xác định tính chất của con người (nhân vật) trong tiểu thuyết, tác giả đã làm một phép so sánh giữa “sử thi” và “tiểu thuyết”: “Con người sử thi hoàn toàn không chủ động trong tư tưởng (cả nhân vật lẫn tác giả đều như thế)… Con người sử thi không có tính chủ động cả về ngôn ngữ. (…). Ở đây con người được phân biệt, cấu thành và cá thể hoá bằng những vị trí và số phận khác nhau, chứ không bằng những “chân lí”, những “lẽ phải” khác nhau… Những đặc điểm ấy của con người sử thi về cơ bản được tất cả các thể loại “giữ cự li’” khác chia sẻ, chúng tạo ra vẻ đẹp vô song, tính thuần toàn, trong sáng như pha lê và tính hoàn chỉnh nghệ thuật ở hình tượng con người ấy, nhưng đồng thời chúng cũng đẻ ra tính hạn hẹp, tính thiếu sức sống nhất định trong những điều kiện sinh tồn mới của loài người”. Tiểu thuyết đã phá vỡ “khoảng cách sử thi” trong việc chiếm lĩnh thực tại thời đại mới vì thế hệ quả tất yếu sẽ là: “Sự phá vỡ khoảng cách sử thi và chuyển vị hình tượng con người từ nơi xa cách vào trong khu vực tiếp xúc với những sự việc còn đang dở dang, chưa hoàn thành của cái hiện tại (và như thế là của cả tương lai) đưa đến việc cấu trúc lại từ nền móng hình tượng con người trong tiểu thuyết (và sau này cả  trong toàn bộ nền văn học)”. Tác giả giải thích: “Một trong những đề tài cơ bản có tính nội tại của tiểu thuyết chính là đề tài nhân vật không tương hợp với số phận và vị thế của nó. Con người hoặc cao lớn hơn thân phận của mình, hoặc nhỏ bé hơn tính người của mình. (…). Cuối cùng, trong tiểu thuyết con người được giao cho tính chủ động về tư tưởng và ngôn ngữ, tính chủ động này sẽ làm biến đổi tính chất của hình tượng con người”.

Cũng nhờ tiếp nhận M. Bakhtin mà chúng ta nhận biết khái niệm “tiểu thuyết phức điệu” qua tiểu luận Tiểu thuyết phức điệu của Dostoyevsky. Tác giả nhận xét: “Tính nhiều tiếng nói và nhiều ý thức độc lập không hòa đồng với nhau, tính phức điệu thực thụ của những tiếng nói có đầy đủ giá trị quả là đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Dostoyevsky. Không phải nhiều tính cách và số phận trong một thế giới khách quan thống nhất, dưới ánh sáng một ý thức tác giả thống nhất đã được xây dựng trong tác phẩm của ông mà chính là nhiều ý thức bình đẳng, với những thế giới của chúng, đã được kết hợp với nhau ở đây, tạo thành một sự cùng tồn tại thống nhất mà vẫn giữ nguyên tính không hòa đồng của mình. Những nhân vật chính của Dostoyevsky, ngay trong ý đồ sáng tác của người nghệ sĩ, cũng không chỉ là những khách thể của lời tác giả, mà còn là những chủ thể của lời nói có ý nghĩa trực tiếp của bản thân chúng. (…). Dostoyevsky là người sáng tạo ra tiểu thuyết phức điệu. Ông đã sáng tạo ra một loại hình tiểu thuyết mới về căn bản. Chính vì thế sáng tác của ông không thể xếp gọn được vào trong một khuôn khổ nào, không phù hợp với một sơ đồ văn học sử nào mà ta vẫn quen áp dụng để lí giải những hiện tượng tiểu thuyết châu Âu”. Tính phức điệu như cách lập luận của tác giả giúp chúng ta hiểu là “tính nhiều tiếng nói”, hay hiểu theo cách khác là “tính đối thoại” để phân biệt với “tính độc thoại” (còn gọi là “tính chủ điệu”) của tiểu thuyết châu Âu trước đó. Trong lý thuyết của M. Bakhtin, “đối thoại là phạm trù nền”. Hiện nay trong nhận thức chung của chúng ta đôi khi diễn ra tình trạng đánh đồng các khái niệm “phức điệu”- “đa thanh”- “đa âm”. Như vậy “Phức điệu” (tính đối thoại) là khái niệm do M.Bakhtin đề xuất còn “đa âm” (sự bình đẳng giữa các giọng) là khái niệm do M. Kundera đề xuất, còn “đa thanh” trong nhiều trường hợp được hiểu gần với “đa âm”.

CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM TIẾP NHẬN M. BAKHTIN

Từ Đổi mới (1986), không khí học thuật - “không khí nghề nghiệp” - không chỉ sôi nổi trong giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học mà còn thấm nhuần sang cả giới sáng tác. Thực tiễn đã đặt ra trước nhà văn nhu cầu được trang bị lý luận trong công việc cụ thể của mình. 

Từ trước đó, các nhà văn có kinh nghiệm và bản lĩnh nghệ thuật như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu đã có những ý kiến “sát sườn” về vấn đề đổi mới tư duy tiểu thuyết. Nguyễn Khải nêu ý kiến trực tiếp về đổi mới tư duy tiểu thuyết. Thông qua một nhân vật trong tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm nhà văn đã thể hiện quan điểm của mình: “Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ và màu đen, đầy rẫy những bất ngờ. (…). Chuyện của hôm nay dẫu buồn đến đâu, dẫu bực đến đâu vẫn cứ vui, vì nó là máu thịt của ngày hôm nay, của giờ này, nó tươi rói, nó đỏ hồng”. Cái hôm nay trong tư duy tiểu thuyết của Nguyễn Khải chính là “cái hiện tại chưa hoàn thành” - đó chính là mảnh đất màu mỡ để nhà tiểu thuyết khai phá, sáng tạo tác phẩm.

Nguyễn Minh Châu - “người mở đường tài năng và tinh anh” đổi mới văn học Việt Nam sau năm 1975 - bằng kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã viết một tiểu luận có giá trị gợi mở cả về lý thuyết cũng như thực tiễn sáng tác Bên lề tiểu thuyết (Trang giấy trước đèn, NXB Khoa học xã hội, 1994). Trong tiểu luận này nhà văn nhấn mạnh: “Bởi vì trong tiểu thuyết - và trước hết trong tiểu thuyết - lòng người và trường đời đã được tổng kết một cách sâu sắc không phải bằng vài ba khái niệm khô gầy mà nó hiện ra với tất cả mọi hình vẻ tươi mát và sống động y như cuộc đời thực, bởi vì cuộc đời thực chỉ diễn ra một cách tự nhiên, còn cuộc đời trong tiểu thuyết nó lại vừa tổng kết vừa diễn biến, phơi bày. (…).

Lâu nay xuất hiện những cách nói như viết về người bình thường, viết về cuộc đời thường. Những người viết không thể không quan tâm tới vấn đề này. Riêng tôi nghĩ, suy ra cho cùng, đó vẫn là cái ý hướng đào sâu hiện thực ở các tầng đáy của đời sống, ở đây những lí tưởng đạo đức cách mạng gặp gỡ với lương tri sâu xa vĩnh cửu của đời sống, ở đây những tiêu chuẩn đạo đức mới đối thoại với cái lẽ sống từ nghìn xưa của người Việt Nam”.

Tác giả khẳng định cội nguồn của những thành công trong sáng tác chính là: “Những cuốn tiểu thuyết viết thành công bao giờ cũng dường như có xu hướng phá vỡ khuôn khổ đề tài để tất cả cùng nhau đi đến một điểm chung - điều mà chúng ta thường gọi một cách cảm tính là chất tiểu thuyết - có phải chăng nó chính là những khám phá của chiều sâu tâm lí và tính cách, cũng như tầm khái quát xã hội của ngòi bút tiểu thuyết khi trình bày những số phận con người. Chính điều thường gọi là chất tiểu thuyết đó đã giúp ta cầm tay người đọc đến tận cùng”.

Nhân tố mà Nguyễn Minh Châu gọi một cách giản dị là “chất tiểu thuyết” thì trong lý luận hiện nay chúng ta gọi nó là “tư duy tiểu thuyết”. Về hình thức thể loại, nhà văn cũng dự báo sự xuất hiện các kiểu sau: 1. Tiểu thuyết mang bối cảnh lịch sử (thường đó là những tiểu thuyết nhân vật đa tuyến, gắn liền với lịch sử cách mạng, ôm trùm nhiều năm tháng và số trang cũng nhiều); 2. Tiểu thuyết nhập vào thể loại truyện vừa (nhân vật ít, trình bày thật sâu vào một nhân vật mang vấn đề thật mới mẻ, hoặc đó là những tiểu thuyết tâm lí, tiểu thuyết triết luận, v. v…).

Về khái niệm “cái hiện tại chưa hoàn thành” như là đặc trưng của “tư duy tiểu thuyết”, Nguyễn Minh Châu có cách nói giản dị hơn theo cách nghĩ của người Việt Nam: “Cũng như vài người thường nói, tôi cũng nghĩ rằng có lẽ chúng ta đang sống trong cái thời của tiểu thuyết. Bởi vì đời sống luôn luôn nối tiếp và trong cái dòng đời triền miên tuôn chảy, có những khoảnh khắc cuộc sống thật là đậm đặc. Đó là những phút ở đấy, con người bộc lộ ra hết”. Nguyễn Minh Châu cũng như Nguyễn Khải đặc biệt chú ý đến những “khoảnh khắc”, “những phút”, nơi cuộc sống và con người dễ bộc lộ bản chất của nó.

Trong cuộc hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2002 về “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”, nhiều ý kiến của các nhà văn gợi lên cho chúng ta suy nghĩ về những “lối ra” cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Ma Văn Kháng đã có những ý kiến sâu sắc về đổi mới tư duy tiểu thuyết. Trong tiểu luận Tiểu thuyết một giá trị không thể thay thế, sau khi phác họa diện mạo và vấn đề của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, ông khẳng định: “Tuy nhiên, từ hiện tượng Vũ Trọng Phụng, một tài năng tiểu thuyết đặc biệt không chỉ với nước ta, như vừa nói ở trên, chúng ta có thể rút ra một hệ luận thú vị nữa: tư duy tiểu thuyết, tầm suy nghĩ và năng lực vận dụng ngôn ngữ, xây dựng hình tượng nhân vật tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của thể loại tầm vóc lớn này. Tiểu thuyết quả nhiên là nơi lưu giữ bóng hình và là nghệ thuật khám phá cuộc sống, là một giá trị không thể thay thế được. (…).

Bằng dự cảm trước những gì đang manh nha có thể nói chắc rằng tiểu thuyết sẽ phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn về số lượng và chủng loại với nội hàm là cuộc sống hiện thực, dân tộc, đất nước. Trên cơ sở tiếp xúc tối đa với sự thật cuộc đời, với cái hiện tại ở thể chưa hoàn thành, tiếp nhận ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiểu thuyết mang nhiều phong cách biểu hiện mới mẻ, giàu chất trí tuệ, tự nhiên và chân thật, gắn bó sâu sắc với cuộc sống và ngày càng tỏ rõ là một giá trị không gì có thể thay thế được”. Trong tiểu luận sắc bén này, nhà văn đã trực tiếp nói đến “tư duy tiểu thuyết”, đến “tiếp xúc tối đa với sự thật cuộc đời”, với “cái hiện tại ở thể chưa hoàn thành”. Rõ ràng lý luận của M. Bakhtin đã thấm sâu vào tư duy nghệ thuật của các nhà văn Việt Nam đương thời.

Tiếp nhận lý luận tiểu thuyết thế giới, vận dụng sáng tác và nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - 2

Bìa cuốn sách "Lý luận và thi pháp tiểu thuyết".

GIỚI NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC VẬN DỤNG LÝ THUYẾT TIỂU THUYẾT THẾ GIỚI VÀO THỰC TIỄN VIỆT NAM

Một số các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình tiểu thuyết xuất bản thời gian gần đây: 

- Nhiều tác giả: Đổi mới tư duy tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2002

- Bùi Việt Thắng: Tiểu thuyết đương đại (Tiểu luận - Phê bình), NXB Quân đội nhân dân, 2005 (tái bản 2006)

- Nguyễn Thị Bình: Văn xuôi Việt Nam 1975-1995 - Những đổi mới cơ bản (Chuyên luận), NXB Giáo dục, 2007

- Mai Hải Oanh: Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Chuyên luận), NXB Hội Nhà văn, 2009

- Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh: Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến nay, NXB Đại học Vinh, 2012

- Hoàng Cẩm Giang: Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI - Cấu trúc và khuynh hướng (Chuyên khảo), NXB ĐHQG Hà Nội, 2015

- Thái Phan Vàng  Anh: Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI - Lạ hóa một cuộc chơi (Chuyên luận), NXB Đại học Huế, 2017.

- Bùi Việt Thắng: Thi pháp tiểu thuyết hiện đại (Tiểu luận-Phê bình), NXB Thanh niên, 2019

- Đỗ Hải Ninh: Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại (Chuyên luận), NXB Khoa học xã hội, 2020

- Nguyễn Thành: Những thế giới tiểu thuyết (Tiểu luận - Phê bình), NXB Văn học, 2021

Mười công trình trên phản ánh tinh thần khoa học của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình trong sự nỗ lực tiếp cận thực tiễn tiểu thuyết Việt Nam đương đại khi tựa vững vào nền móng lý thuyết tiểu thuyết thế giới. Chẳng hạn, những năm gần đây xuất hiện những tiểu thuyết có tính chất tự truyện như Thời xa vắng của Lê Lựu, Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thượng Đế thì cười của Nguyễn Khải, Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng, Kiếp người của Hữu Ước…

Giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đã vận dụng các quan điểm khoa học của tác giả người Đức Kate Hamburger trong công trình Logic học về các thể loại văn học để “giải phẫu” các tiểu thuyết kể trên. Nhà khoa học Đức đã có một phần viết quan trọng và thú vị về “Tiểu thuyết - hồi ký” trong đó ông nhấn mạnh đến “tính khả biến lớn của tiểu thuyết ở ngôi thứ nhất”; tác giả đã lý giải rõ hơn về ‘tính khả biến” của tiểu thuyết - hồi ký: “Tính khả biến đó là một chức năng của sự nhạy cảm. (…). Sự nhạy cảm đó đã được nổi rõ hơn vào thời đại hiện đại”.

Rõ ràng là những cuốn tiểu thuyết - hồi ký mà chúng tôi vừa dẫn ra ở trên đều có “độ nhạy cảm” rất lớn, xét cả về các mặt chính trị - xã hội - văn hoá. Những vấn đề then chốt này được thể hiện trong chuyên luận của Đỗ Hải Ninh, Mai Hải Oanh. Nguyễn Thành đã khảo sát kỹ về “Tiểu thuyết Việt Nam đương đại - những dấu hiệu hội nhập thế giới”, “Huyền thoại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại”, “Khuynh hướng lạ hóa trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại - một số bình diện tiêu biểu”.

Hoàng Cẩm Giang quan tâm tới “Tiểu thuyết như là trò chơi của tự sự và ngôn từ”, “Tiểu thuyết mảnh vỡ” như là mô hình lựa chọn tiêu biểu”. Thái Phan Vàng Anh thích thú phát hiện “Liên văn bản và tính đối thoại của tiểu thuyết”. Bùi Việt Thắng lý giải cặn kẽ về sự hưng thịnh của hình thức “tiểu thuyết ngắn” trong văn học Việt Nam đương đại... Đọc các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình tiểu thuyết tiêu biểu gần đây, chúng ta vui mừng nhận thấy tinh thần thực tiễn của giới nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học hiện nay đã biến chuyển để không rơi vào tình trạng “chay” (thuần lý thuyết) trong tác nghiệp.

Các công trình của các tác giả Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Bình, Mai Hải Oanh, Nguyễn Thành, Hoàng cẩm Giang, Thái Phan Vàng Anh, Đỗ Hải Ninh... đã vận dụng cùng lúc các luận thuyết khoa học của các tác giả M. Bakhtin, M. Kundera... về những vấn đề chân tủy, cốt lõi của thể loại tiểu thuyết: “Không gian - thời gian nghệ thuật”, “Phép tỉnh lược”, “Ngôn ngữ tiểu thuyết”, “Các hình thức của tiểu thuyết hiện đại”, “Ngôn ngữ tiểu thuyết”, “Cấu trúc tiểu thuyết”....Nhưng quan trọng hơn cả là, các tác giả đã “bấu chặt” lấy thực tiễn sáng tác tiểu thuyết Việt Nam, vì thế sự vận dụng lý thuyết thế giới trở nên mềm dẻo, linh hoạt, tránh được rập khuôn, máy móc.

Những thay đổi trong nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn của giới nghiên cứu và sáng tác văn học Việt Nam trong những năm qua chính là đòn bẩy hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực tiểu thuyết. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu, thời đại mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế, thời kì sân chơi có tầm thế giới thì việc tiếp nhận thành tựu của nhân loại là một phần tất yếu trên con đường đi tới thành công trong tất cả các lĩnh vực đời sống tinh thần, trong đó có văn học.

“Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” (Hồ Chí Minh)

Bùi Việt Thắng

Tiểu thuyết và cuộc sống
Tiểu thuyết và cuộc sống

Đọc bài "Tiểu thuyết Việt Nam năm 2023, nhìn lướt từ một góc" của nhà phê bình Hoài Nam trên Thời báo Văn học Nghệ...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động Cuộc thi ảnh

Phát động Cuộc thi ảnh "Đất nước ngàn hoa"

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và 50 năm Ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (5/5/1975 - 5/5/2025) Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Cuộc thi ảnh “Đất nước ngàn hoa”.