Tố Hữu - nhà thơ nắm bắt tài tình xu thế của lịch sử

Sự nghiệp thơ của Tố Hữu gắn bó và song hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thơ của ông có sức chinh phục lớn lao với mọi tầng lớp nhân dân, từ những tri thức đến những người dân quê bình thường. Để tưởng nhớ một tâm hồn thơ đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp văn chương của nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (1920-2020).

Tố Hữu - nhà thơ nắm bắt tài tình xu thế của lịch sử - 1 Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Rất đông nhà văn, nhà thơ đã tề tựu đông đủ tại trụ trở của Hội Nhà văn Việt Nam để cùng đọc lại cho nhau nghe những bài thơ của nhà thơ Tố Hữu; cảm nhận những nét đẹp trong thơ và cả trong tâm hồn của nhà thơ yêu nước Tố Hữu…

“Từ ấy” làm nên một sự nghiệp thơ ca lớn của Tố Hữu

Đó là khẳng định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại buổi lễ. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nền thơ ca cách mạng Việt Nam có thể tự hào xem “Từ ấy” là pháo đài vinh quang, là trận thắng mở màn của thơ ca cách mạng. Ở đó, ta bắt gặp biết bao giục giã nồng nhiệt của một người say lý tưởng, tình yêu, khí phách của những người cộng sản và vẻ đẹp thi ca bừng sáng lên “ở những chỗ không ai ngờ nhất”. Để viết những vần thơ ấy, chỉ có tài năng và nhiệt huyết chưa đủ mà cần một sự dũng cảm.

GS Phong Lê, nhà nghiên cứu phê bình văn học cho biết: “Từ ấy”, tập thơ đầu tay của Tố Hữu viết trong hoàn cảnh đất nước còn trong tình cảnh nô lệ. Trong bối cảnh phong trào Thơ mới đã tiến hành xong một cuộc cách mạng trong thơ ca. “Từ ấy” đạt được cả hai phương diện, hai mục tiêu: Nội dung trữ tình cách mạng và ngôn ngữ, thể loại, giọng điệu mới. “Từ ấy”, có thể nói, đã cùng lúc thực hiện trong hai yêu cầu: Cách mạng hóa và hiện đại hóa, hai yêu cầu được khởi động từ đầu thế kỷ và diễn ra xuyên suốt cả thế kỷ.

Nếu “Từ ấy” là “tiếng ca của một người thanh niên, một người cộng sản” thì Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa là bản hợp ca, rồi tráng ca của một dân tộc anh hùng không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, khó khăn, gian khổ nào để giành cho được độc lập, tự do. Hình ảnh của những bé Lượm, bà Bủ, anh vệ quốc quân… tất cả đều là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, nhưng qua cái nhìn yêu thương, trân trọng và cảm phục của nhà thơ, những con người bình thường, cụ thể đóng bỗng được nâng lên thành “biểu tượng” của nhân dân, Tổ quốc. Lịch sử thơ ca Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại, có lẽ chưa đâu có những hình ảnh sinh động và thấm đẫm yêu thương đến thế về những con người bình thường mà làm nên lịch sử “Rất đẹp, hình anh lúc nắng chiều/Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo/Núi không đè nổi vai vươn tới/Lá ngụy trang reo với gió đèo..” (Bầm ơi).

Tố Hữu - nhà thơ nắm bắt tài tình xu thế của lịch sử - 2 Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các nhà thơ, nhà văn trong đó có nhà Tố Hữu (ngoài cùng bên trái) Khắc họa lịch sử bằng thơ ca

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ Tố Hữu là một pho sử thi rộng lớn về đất nước Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại và công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Mọi sự kiện của đất nước đều trở thành sự kiện của tâm hồn ông, kết đọng trong những trang thơ, vừa lay động vừa khái quát. Đó là một kỳ tích mà không một thi sĩ nào cùng thời có thể đạt được, không một thi sĩ nào có khả năng bao quát cục diện đất nước với cái nhìn toàn cảnh rộng lớn và sâu sắc bằng Tố Hữu. Nhà thơ đã nắm bắt tài tình xu thế của lịch sử, dòng chủ lưu của đời sống đến các sự kiện có tính cắm mốc cho từng giai đoạn. Với Tố Hữu, sông núi đã hóa thành văn, biết bao tên đất, tên người đã trở thành bất tử. Thơ Tố Hữu là biên niên sử tâm hồn của một nhà thơ lớn. Trong thơ ông, Tổ quốc và nhân dân hòa làm một. Khi ông tìm thấy “Mặt trời chân lý” thì cũng là lúc ông nhận lấy sứ mệnh “Tôi buộc lòng tôi với mọi người/Để tình trang trải với muôn nơi”. Tổ quốc và nhân dân luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất, sâu nặng nhất và thiêng liêng nhất trong suốt cuộc đời ông. Tình cảm đó theo ông đến giây phút cuối của cuộc đời “Tạm biệt đời yêu quý nhất/Còn mấy dòng thơ một nắm tro/Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/Sống là cho, chết cũng cho”.

Tố Hữu đã thể hiện trọn vẹn tình yêu quê hương, đất nước, thể hiện đậm đà nhất sự gắn bó sắt son, thủy chung với Đảng, cách mạng. Chưa có một nhà thơ nào viết nhiều, viết hay và xúc động về Bác bằng Tố Hữu. Mỗi bài thơ của ông là một sự tiếp cận bừng sáng và khái quát hình tượng Bác Hồ vô cùng lớn lao và gần gũi, chân thực và sinh động, “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Một trăm năm đã qua, Tố Hữu vẫn như “ngọn núi” lớn, thời gian càng lùi xa càng thấy cao. Ông là sự kết tinh đẹp đẽ của nền thơ ca cách mạng với những tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân văn.

Theo QĐND None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ; Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024”.