Trò chuyện với Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh về “Sự dịch chuyển của văn học và dịch văn học Việt Nam" Kỳ 2
(Arttimes) - Mỗi nhà thơ đều có quyền định nghĩa bản thể thi ca của riêng mình, và tôi trân trọng những sự định vị mang những dấu ấn đời sống khác nhau của họ, bởi giá trị thật sự của một bài thơ không đến từ những định nghĩa hay định vị bản thể thi ca đó, mà giá trị thực sự của thơ được thể hiện ở triết lý và cảm thức của nhà thơ về cuộc sống khiến người đọc phải trăn trở, hoài nghi, thức tỉnh, và thay đổi
TS Võ Hương Quỳnh: Mỗi nhà thơ đều có quyền định nghĩa bản thể thi ca của riêng mình, và tôi trân trọng những sự định vị mang những dấu ấn đời sống khác nhau của họ, bởi giá trị thật sự của một bài thơ không đến từ những định nghĩa hay định vị bản thể thi ca đó, mà giá trị thực sự của thơ được thể hiện ở triết lý và cảm thức của nhà thơ về cuộc sống khiến người đọc phải trăn trở, hoài nghi, thức tỉnh, và thay đổi. Ở Mỹ, khoa Văn học luôn đi đầu trong những phong trào đấu tranh cho sự bình đẳng xã hội.
Chẳng hạn, các đồng nghiệp và sinh viên trong khoa Văn học Anh-Mỹ ở trường Hawaii nơi tôi đang giảng dạy không chỉ đấu tranh bằng ngòi bút, mà họ còn dấn thân vào các phong trào biểu tình bất bạo động để giành lại công lý cho những thành phần phải chịu thiệt thòi, bị đàn áp trong xã hội. Nhìn chung, tôi vẫn tin rằng để viết nên một tác phẩm có tư tưởng và giá trị trường tồn thì các nhà văn, nhà thơ, bên cạnh việc tiếp cận gần hơn với đời sống, cần phải bền bỉ trang bị cho mình nền tảng vững chắc về triết học, chính trị, văn hoá, tâm lý học, lịch sử, v.v. Bởi văn học sẽ không thể chạm đến trái tim những người đọc chân chính nếu không dựa trên những nền tảng tư duy về tri thức nhân loại.
Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh vẫn tin rằng để viết nên một tác phẩm có tư tưởng và giá trị trường tồn thì các nhà văn, nhà thơ, bên cạnh việc tiếp cận gần hơn với đời sống PV: Trong thời đại của Internet, sự khác biệt giữa nhà văn nội địa Việt Nam và nhà văn hải ngoại có còn giá trị?TS Võ Hương Quỳnh: Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang xoá mờ đi rất nhiều biên giới. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản vô hình đã tạo nên sự khác biệt giữa nhà văn hải ngoại và nhà văn trong nước. Rào cản đó chính là tư duy về lịch sử và văn hoá.
Trong khi các nhà văn hải ngoại thường viết về ký ức và những trăn trở với quá khứ, thời cuộc, thì các nhà văn trẻ trong nước lại có khuynh hướng mải mê thể nghiệm, khám phá những đề tài hiện đại hoặc phong cách sáng tác mới mà chưa thực tham gia đối thoại về văn học để tạo nên sự giao thoa về ý thức hệ, lịch sử, chính trị và từ đó tìm thấy những tiếng nói chung. Những nhà văn gốc Việt sinh ra ở nước ngoài và sáng tác bằng tiếng Anh thì không hiểu lắm về tiếng Việt cũng như văn hoá của Việt Nam, và những sáng tác của họ cũng chưa được phổ biến nhiều ở trong nước, nên tuy là mạng xã hội và Internet luôn rộng mở, sự khác biệt giữa nhà văn trong nước và hải ngoại vẫn còn khá lớn.
PV: Tại sao thơ văn Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài còn quá ít? Điều này, theo chị là do đâu? Và có cách gì để cải thiện tình trạng đó?TS Võ Hương Quỳnh: Sở dĩ thơ văn Việt Nam vẫn còn chưa được biết đến nhiều trên thế giới vì thứ nhất là vấn đề quy trình khá phức tạp: chẳng hạn, để xuất bản sách như tiểu thuyết, tuyển tập thơ, hồi ký ở Mỹ thì trước hết tác giả cần phải dịch tác phẩm của mình ra tiếng Anh và phải chủ động tiếp cận với công ty trung gian (agent) chuyên về xuất bản ở Mỹ để giới thiệu tác phẩm của mình. Nếu được chấp nhận, công ty trung gian đó sẽ tự tìm nhà xuất bản và thực hiện tất cả những khâu còn lại như ký hợp đồng bản quyền, phát hành, quảng bá trên truyền thông, lấy đánh giá phản hồi của độc giả, v.v. Thứ hai, những thể loại có thể xuất bản tại thị trường nước ngoài thường phải có dấu ấn đặc sắc về chính trị, văn hoá, lịch sử, con người của Việt Nam trong mối tương quan với thế giới, chẳng hạn như những đề tài về chiến tranh và hậu chiến; toàn cầu hoá, văn hoá hậu thuộc địa, v.v. mới có thể thu hút được độc giả bên ngoài vì nó cho thâý một Việt Nam không tách biệt hay tồn tại ngoài thế giới.
Theo tôi, các tác giả trong nước vẫn có thể dịch ra tiếng Anh và xuất bản những tác phẩm như truyện ngắn, thơ, và tiểu luận của mình ở những tạp chí văn học nước ngoài mà không cần qua trung gian. Tuy nhiên, để mang nền văn học Việt Nam đến gần hơn với thế giới, cần có những dự án kết nối và hợp tác giữa các nhà văn trong nước và các nhà văn ở hải ngoại biết tiếng Anh để cùng dịch và xuất bản hai chiều ở trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn chị!
Kiều Bích Hậu NoneBình luận