“Truyện cổ nước Việt” - Truyện thơ dành cho thiếu nhi của Phạm Thị Hồng Thu

Truyện cổ nước Việt, như đã nêu, là một quyển sách thơ rất đẹp, được làm công phu, hẳn trẻ em thích thú. Nhiều sự tích các cháu, các em đã biết. Nhưng sau khi đã đọc văn xuôi, các em lại được thêm một lần nữa yêu thích truyện cổ qua thơ ca. Độc giả nhỏ tuổi sẽ được mở mang hơn về trí tuệ, phong phú hơn về tâm hồn, trưởng thành hơn về nhân cách công dân.

Ý thức lịch sử luôn luôn là cơ sở quan trọng của lòng tự hào dân tộc. Ấy thế mà có một nghịch cảnh là, nhiều trẻ em và thanh niên, cả một số bộ phận người trưởng thành nữa, lại hiểu biết lịch sử, phim, ảnh Trung Quốc (hoặc phim Hàn Quốc, truyện lịch sử thế giới) nhiều hơn lịch sử Việt Nam.

Đã có ý kiến phàn nàn rằng học sinh, sinh viên học chưa tốt môn lịch sử. Văn chương nương theo truyện cổ dân gian hoặc lịch sử chính danh hướng tới độc giả trưởng thành đã có ở Việt Nam từ lâu, đến những năm gần đây thì xuất hiện rầm rộ, làm định hình một số tên tuổi nổi bật. Cả văn xuôi và thơ, cũng hướng nhiều đến bạn đọc trẻ em nhằm bổ sung kiến thức về lịch sử và ý thức trở về cội nguồn cho giới trẻ nói chung và các em học sinh, sinh viên nói riêng, như là một hoạt động văn hóa tinh thần bổ ích.

Nhiều nhà xuất bản, trong đó có Nhà xuất bản Kim Đồng, đã cho ra nhiều sách về truyện cổ dân gian, truyện lịch sử, nêu lên đức tính của người Việt và 53 dân tộc khác trong quá trình lập nước, giữ nước, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Thật vui mừng, trước mắt chúng ta là quyển truyện thơ Truyện cổ nước Việt của tác giả Phạm Thị Hồng Thu viết cho thiếu nhi, do Nhà xuất bản Phụ nữ công bố vào quý II năm 2023. Truyện cổ nước Việt, dày 220 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, giấy tốt, bìa đẹp, tất cả các trang đều in nhiều màu luân phiên thay đổi và có nhiều tranh minh họa hấp dẫn.

“Truyện cổ nước Việt” - Truyện thơ dành cho thiếu nhi của Phạm Thị Hồng Thu - 1

Nhà thơ Phạm Thị Hồng Thu 

Cầm quyển sách nặng tay, thấy tác giả nữ này, vốn là giáo viên (hiện là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) bởi chị rất yêu trẻ nhỏ, yêu thơ văn mà kỳ công viết và làm quyển sách hay, nặng tình nghĩa. Mong rằng mọi quyển sách dành cho trẻ em trước hết đều đẹp và hình thức, nhằm lôi cuốn các em vào nội dung.

Sự khổ luyện của tác giả khi trở về quá khứ để viết nên quyển thơ này là điều cần nói đến trước tiên. 54 bài thơ với 995 cặp câu lục bát (1990 dòng cả lục và bát) là một con số rất ấn tượng. Chắc là tác giả phải mất đến mấy năm cặm cụi đọc lại truyện cổ, chọn lọc rồi chuyển thành thơ. Thật công phu, đáng nể!

Nội dung các truyện thơ tạm phân ra mấy nhóm:

1 - Truyền thuyết lịch sử dân tộc

2 - Nhân vật nổi tiếng tài giỏi

3 - Sự tích huyền thoại về thiên nhiên, con người

4 - Sự tích các nhân vật lạ lùng, đặc biệt

5 - Sự tích phong tục tập quán, hoạt động văn hóa - nghệ thuật

6 - Truyện cổ tích thú vị về thực vật - động vật

7 - Truyện dí dỏm về đời sống thường ngày

8 - Truyện nương theo thành ngữ tục ngữ

9 - Những truyện khác

Kiểu cách sáng tác của Phạm Thị Hồng Thu chủ yếu là dựa vào truyện đã có sẵn để sáng tác. Nhiều truyền thuyết thần thoại dân gian và truyện cổ tích đã có văn bản (như sưu tập và sáng tác của Nguyễn Đổng Chi chẳng hạn). Bạn đọc gặp lại các truyện thân thuộc như Con Rồng cháu Tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, Chú Cuội, Sự tích trầu cau, Cây tre trăm đốt, Từ Thức...

Công sức của chị là tìm chọn truyện, sự tích, sau đó sàng lọc chi tiết của từng truyện rồi lập bố cục và “phổ thơ”. Việc làm này phù hợp với sáng tác hướng đến đối tượng bạn đọc trẻ em. Nếu hướng đến bạn đọc trưởng thành thì truyền thuyết hay lịch sử chính danh cũng không chuyển đổi thể loại - loại hình như vậy được mà phải sáng tác mới, hư cấu nhiều, không được dựa hoàn toàn vào sử liệu như trường hợp Phạm Thị Hồng Thu (và như nhiều tác giả khác tương tự, từng dựa theo văn bản cũ để viết mới cho dễ hiểu, kèm tranh, nhằm phục vụ bạn đọc trẻ thơ).

Trên đại thể, thơ lục bát ở quyển sách này lưu loát, trơn tru. Viết 54 bài, 1990 dòng thơ mà chỉ có 10 lỗi trật vần là một chứng cứ về lao động cần cù, sử dụng lục bát thuần thục. Có 4 truyện hoàn hảo nhất là Sự tích Trầu Cau, Cây khế, Từ Thức, Mồ côi xử kiện. Xin trích ra đây:

Vợ thành dây quấn quanh cây

Vua thùng nghe kể, một ngày đến xem

Lấy quả với lá nhai nghiền

Thân vôi nung đá môi mềm, má say

Phong tục đẹp có từ đây

Nhân duyên chồng vợ sum vầy bên nhau

Trầu là vợ, chồng là cau

Em là vôi - đá muôn say vẫn nồng

(Sự tích Trầu Cau)

Ở Thanh Hóa thuở xa xưa

Có chàng Từ Thức mới vừa làm quan

Tại vùng Kinh Bắc nhiều làng

Có chùa to lắm, vô vàn khách qua

Mẫu đơn xuân đến nở hoa

Khách phương xa tới như là hội đông

Có nàng mắt phượng, môi hồng

Lỡ làm cành gãy mà không thể đền

Chàng Từ cởi áo chuộc liền

Dân khen nhân đức. Từ quên tiền đồ

Chỉ mê ngắm cảnh làm thơ

Nhiều lần bị quở hững hờ việc quan

(Từ Thức)

Xin góp một vài ý nhỏ. Nếu sách tái bản, nên sẻ thành 2 tập để tránh gây cảm giác nặng nề, cần nhất quán chọn truyện theo một vài hướng chính, đừng làm tản mát ý tưởng. Dăm bảy truyện nào đó, nếu viết rồi mà vẫn thấy mỏng mảnh thì nên loại bỏ. Hãy chú ý đến những điều độc giả nhỏ tuổi cần, mà hạn chế cái mình sẵn có khi thuận viết.

Nên có thành ngữ, tục ngữ, ca dao phù hợp điểm xuyết vào những trường hợp cần thiết, làm đậm đà thêm hồn dân tộc, cũng là tránh chuyển đổi thể loại - loại hình văn học từ truyện có sẵn bằng văn xuôi bằng thơ, một cách ngang bằng chằn chặn. Tránh vướng vào trường hợp phải chú thích rườm rà làm ngăn cảm niềm vui thưởng thức văn chương còn đang non nớt của trẻ thơ.

Truyện cổ nước Việt, như đã nêu, là một quyển sách thơ rất đẹp, được làm công phu, hẳn trẻ em thích thú. Nhiều sự tích các cháu, các em đã biết. Nhưng sau khi đã đọc văn xuôi, các em lại được thêm một lần nữa yêu thích truyện cổ qua thơ ca. Độc giả nhỏ tuổi sẽ được mở mang hơn về trí tuệ, phong phú hơn về tâm hồn, trưởng thành hơn về nhân cách công dân.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất