Văn học nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú

Xã hội hiện đại đòi hỏi con người ta phải có kỹ năng, phải nhanh nhạy, phải thực tế hơn thì những tác phẩm văn chương kinh điển lại có tính chất chung là lãng mạn, bay bổng và hư cấu, vậy sức sống của nó trong thời đại ngày nay ra sao?

Đọc văn chương có ích hay không? Làm thế nào để khuyến khích và tạo hứng thú cho trẻ đọc sách văn học là câu hỏi được điều rất nhiều bậc phụ huynh và các nhà giáo dục cùng nhau đi tìm lời giải đáp.

Để cùng đi tìm câu trả lời cho vấn đề đó, vừa qua, Nhã Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vai trò của văn học trong việc bồi dưỡng nhân cách của trẻ” với sự tham gia của Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Ngọc Minh, chủ nhiệm câu lạc bộ “Sách ơi mở ra” trong vai trò diễn giả.

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú - 1

Buổi trò chuyện diễn ra trong không khí ấm áp và gần gũi với sự tham gia của nhiều độc giả yêu thích văn học kinh điển.

Đọc văn chương có ích hay không?

Tiến sĩ Ngọc Minh đã dẫn chứng một số nghiên cứu chứng minh văn học rèn luyện cho con người khả năng thấu cảm. Cô định nghĩa: Thấu cảm, đó là một loại năng lực giúp người ta nhìn thấu được tâm trạng và cảm nhận được cảm xúc của người khác giống như thể mình đang xỏ chân vào chiếc giày của người ta vậy.

Theo Tiến sĩ Ngọc Minh, khi đọc văn chương, người ta không chỉ được biết mà còn được sống trong cuộc đời của nhân vật. Như khi đọc “Hai vạn dặm dưới đáy biển” ta sẽ thấy mình như đang ở trên con tàu đó cùng đi tới dưới đáy của đại dương. Hay khi đọc “Không gia đình” ta cảm thấy mình chính là cậu bé Rêmi đang lang thang trên chuyến hành trình cô độc, ta có thể cảm thấy tuyết rơi ở trên đường, ta có thể cảm thấy giá rét, sự hoang mang trong đêm tối,…

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú - 2

Sách văn học rèn luyện cho con người khả năng thấu cảm.

Văn chương giúp ta được sống thử với cuộc đời của người khác. Khi xem một bộ phim, cảm giác được hòa mình vào với nhân vật hẳn sẽ không sống động bằng việc trải nghiệm điều đó bằng đọc một tác phẩm văn chương. Vì lẽ đó, khi lĩnh hội văn chương, người ta sẽ thành thạo về mặt cảm xúc hơn, sẽ hiểu rõ tâm lý của người khác, cảnh ngộ người khác, giống như đang “đi guốc trong bụng” người khác.

Đọc văn nhiều sẽ giúp con người ta có khả năng tinh thế khi cảm nhận nội tâm của người khác và nó là cái nền tảng của thấu cảm. Khi ta có khả năng thấu cảm, khi ta gây tổn thương cho người khác thì ta sẽ biết được là người ấy sẽ đau như thế nào, vì vậy ta không nỡ ứng xử quá đáng – Tiến sĩ Ngọc Minh nhận định.

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú - 3

Sách văn học cho phép chúng ta được sống trong cuộc đời của nhân vật.

Sự tác động của văn học hư cấu đối với trí tưởng tượng của con người cũng vô cùng lớn. Tác phẩm văn chương kinh điển như một bảo tàng sống động, là những tác phẩm đã được sàng lọc nghiêm ngặt bởi thời gian và nó hướng tới những giá trị mang tính phổ quát không phải của một thời đại như là yêu thương, biết ơn, tôn trọng, bình đẳng,… đó đều là những giá trị cốt lõi mà theo Tiến sĩ Ngọc Minh nhân loại có phát triển thêm 2000 năm nữa thì những giá trị này cũng không thay đổi.

Những định kiến về sách văn học kinh điển

Một số cha mẹ hiện đại đã không cổ vũ con mình đọc sách văn học kinh điển và đánh giá chưa cao giá trị của dòng sách này. Theo Tiến sĩ Ngọc Minh việc lựa chọn một tác phẩm văn chương phụ thuộc rất nhiều vào thị hiếu của người đọc. Mỗi tác phẩm đều có số phận thăng trầm, nhận được đánh giá khác nhau của các thế hệ người đọc khác nhau.

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú - 4

Ảnh minh họa

Cô cho rằng định kiến về sách văn học kinh điển thể hiện một cách gián tiếp sự “chống đối” lại nền giáo dục truyền thống quá hà khắc. Và hiện nay một thế hệ phụ huynh Việt Nam đã được tiếp xúc với văn hóa phương Tây, với tư tưởng nòng cốt trong đó là tôn trọng trẻ, lấy trẻ làm trung tâm nên nhiều cha mẹ nghĩ rằng cách giáo dục theo lối giáo huấn, theo kiểu nêu gương đạo đức đã trở nên lỗi thời.

Nhưng theo Tiến sĩ Ngọc Minh, xét trên một bối cảnh rộng hơn thì chúng ta sẽ thấy những giá trị cốt lõi của thời đại được đọng lại trong những tác phẩm văn học kinh điển. Như với tác phẩm “Tâm hồn cao thượng”, sứ mệnh của nó trong thời đại bấy giờ là xây dựng mẫu hình công dân mới cho thời đại mới và sứ mệnh đó rất giống sứ mệnh của nền giáo dục Việt Nam sau năm 1975, nó kiến tạo nên mẫu công dân mới với cái nền tảng giá trị như là yêu tổ quốc, yêu đồng bào, kiêm tốn, thật thà, dũng cảm vì thế, ngay lập tức nó tìm được điểm tương đồng khiến cho tác phẩm này được tiếp nhận, ủng hộ, tuyên truyền rộng rãi.

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú - 5

Bìa cuốn sách "Tâm hồn cao thượng" (Ảnh: Nhã Nam)

Cô cho biết, giáo dục Việt Nam đã có những thay đổi, đặc biệt là thời kỳ sau năm 1991 và thời kỳ ở Việt Nam xuất hiện các trường tư thục đầu tiên đã tạo nên một trào lưu giáo dục rất khác, tức là không còn dựa trên kỷ luật hà khắc mà dựa trên việc tôn trọng, lấy trẻ làm trung tâm và chính sự thay đổi trong nhận thức về giáo dục này đã dẫn đến sự “kết án” đối với rất nhiều các tác phẩm văn chương, chúng bị coi là giáo huấn, trong đó có “Tâm hồn cao thượng”.

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú - 6

Trẻ con sẽ học được nhiều bài học đạo đức, những giá trị nhân văn trong những tác phẩm văn học kinh điển.

Trẻ con không nhìn thế giới như người lớn, trẻ con có xu hướng học theo, bắt chước theo những gì được đọc và được thấy. Trẻ con nhìn thế giới qua lăng kính của cảm xúc, nên sẽ quan tâm đến cảm xúc nhiều hơn khi tiếp cận với một tác phẩm văn học, vì thế, theo Tiến sĩ Ngọc Minh, những bài học đạo đức, những giá trị nhân văn trong văn học kinh điển sẽ thẩm thấu vào trong trẻ dễ dàng hơn, góp phần nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp và trí tưởng tượng phong phú.

Tâm hồn cao thượng là cuốn sách nổi tiếng của Ý được độc giả Việt Nam biết đến từ rất sớm qua bản dịch từ tiếng Pháp từ những năm 1945. Đây là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của nhà văn Edmondo De Amicis, được viết dưới dạng nhật ký của một cậu học trò mười tuổi trong năm học 1881-1882.

Thông qua những dòng nhật ký ngây thơ của cậu bé Enrico Bottini, tác giả vẽ nên bức tranh hiện thực xã hội một cách rõ nét và sâu sắc, cùng những vấn đề nổi cộm thời bấy giờ. Từ đó, Tâm hồn cao thượng gieo vào tâm hồn bạn đọc những hình ảnh đẹp đẽ về tình bạn, về nhà trường, về lòng vị tha..., và trở thành cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất