Vĩnh biệt nhà thơ Trần Quang Quý

Thế là nhà thơ, nhà báo Trần Quang Quý đã rời cõi tạm về “Miền mây trắng” vào ngày Rằm Trung thu năm 2022. Sau hơn ba năm chống chọi với căn bệnh nan y, mọi cố gắng của y học và tình cảm của gia đình, bạn bè không níu được ông ở lại cùng dương thế, tiếp tục dấn thân cho văn học, nghệ thuật như ông từng dâng hiến.

Nhà thơ Trần Quang Quý sinh năm 1955, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Khi làm báo, cương vị cao nhất của ông là Tổng Biên tập báo Gia đình và Xã hội; khi làm văn, cương vị lãnh đạo ông từng đảm trách là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Cho đến khi giã biệt dương gian, nhà thơ Trần Quang Quý đã xuất bản 14 tác phẩm cả trong và ngoài nước. Về thành tựu, nhà thơ Trần Quang Quý từng đạt 3 Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao cho 3 tập thơ Giấc mơ hình chiếc thớt, (năm 2004); Màu tự do của đất, năm 2012; Nguồn, năm 2019. Nhưng, danh giá nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2016.

Trần Quang Quý từ lâu đã nổi lên như một gương mặt ấn tượng, bền bỉ tìm tòi đổi mới theo cách của ông và hiện nay vẫn là “giọng điệu riêng” của thi đàn Việt Nam, khó lẫn. Nhìn sáng tác của ông dễ nhận ra sự dấn thân và trải nghiệm. Thơ ông vừa vạm vỡ vừa gân guốc; thơ ông vừa êm dịu vừa gai góc. Ông như người bóc tách từng chữ, quyết tìm ra hồn vía của chữ; thơ ông mạnh mẽ đầy “động từ”, ít “tính từ” quen thuộc và nhàn nhạt.

Vĩnh biệt nhà thơ Trần Quang Quý - 1

Nhà thơ Trần Quang Quý

Trần Quang Quý quan niệm: “Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi nó ở trong lòng bạn đọc. Con đường văn chương cực gian nan, dễ huyễn hoặc và phụ thuộc vào tài năng, sức lao động… mà nếu không thức ngộ được thì có khi cả cuộc đời chỉ là bản nháp”. Miệt mài sáng tạo với một thái độ dấn thân, nhập cuộc quyết liệt, anh đã có nhiều tập thơ hay dành cho bạn đọc.

Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ra và lớn lên tại làng Hạ Bì, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh  Phú Thọ. Làng quê Trần Quang Quý, ngay bên con sông Đà vừa hung dữ, vừa hiền hòa, không xa núi Tản. Ông giới thiệu vùng đất đó trong thơ:

“Trên ban thờ nhà tôi dâng một hũ đất

lấy từ làng Hạ Bì nơi ông bà tôi nằm lại nơi này

nơi Tổ tiên tôi dạt hạ lưu, bờ tả sông Đà lập ấp

bên kia Ba Vì mây tụ uy linh hổ phục rồng chầu”

(Đất linh)

Những năm sáng tác các thi phẩm trong tập Nguồn (năm 2019), với Trần Quang Quý có nhiều sự kiện, biến cố với cuộc đời ông. Về sự nghiệp đó là quãng thời gian nhà thơ rời “nhiệm sở”, sau bao nhiêu năm cống hiến, đó cũng là thời gian ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đó cũng là thời gian người mẹ yêu thương của ông về với Tổ tiên. Trần Quang Quý năng về quê hơn. Với đời bất cứ ai, gần như thành quy luật, càng lớn tuổi quê càng thức dậy trong tâm hồn. Với Trần Quang Quý cũng thế, dẫu đã đi qua bốn biển năm châu, ngủ trong các căn phòng 5 sao, 6 sao, về với quê hương ông nhận ra, đến giấc ngủ cũng đặc biệt:

“Lâu, chưa có giấc ngủ sâu đến thế

ngực thở sông Đà

và gió tươi cánh đồng Hạ Bì sao đêm vằng vặc

tôi về ngủ như thuở chăn bò, đánh dậm”

(Giấc quê)

Quê với ông thao thức đến mức: “Có lúc tôi muốn mang quê đặt vào Hà Nội/ nhổ Hà Nội đặt vào quê/ không sao lắp đặt trật tự tâm hồn/ phong vị quê và dòng chảy văn hóa/ ríu ran ngõ làng, những vườn cây xanh mướt phù sa/ đóng tôi vào căn cước làng Hạ Bì và sông Đà núi Tản”. Bề ngoài nhà thơ Trần Quang Quý vâm vấp, nắng gió bầm dập đến chắc chắn như thớ mít, thớ lim; thế nhưng trái tim ông đầy cảm thức, nhạy cảm với những gì thuộc về quê.

Tôi đã về quê Trần Quang Quý, nhà ông bên mé sông, cách cầu Trung Hà không xa, có nghĩa bên này là Hà Nội, bên kia là Phú Thọ. Trượt vài bước chân khỏi bờ đê là chạm sân gạch nhà ông. Với Trần Quang Quý, nơi ấy là “nguồn” không chỉ là nơi mẹ sinh ra các anh em ông mà còn là “nguồn” của những điều sâu sắc về nhân sinh, long lanh, khi lớn lên kịp vỡ òa về vẻ đẹp:

“Những quả đồi nằm gối hoang nhau

mùa hoa sim và con đường sỏi thuở chân đất

em chín một cặp môi

tóc đuôi gà thích thú với từng giỏ sim ngọt

nấp vào sim nụ cười tinh nghịch

nấp vào chiều dải yếm hoàng hôn”

(Mùa sim)

Cũng như các nhà thơ khác, Trần Quang Quý, tất nhiên có thơ về mẹ. Ngày mẹ mất, trái tim ai cũng ứa máu. Trần Quang Quý với Đưa Mẹ về cõi Tiên lại khác. Vượt qua nỗi đau thông thường, ông “vắt” nỗi đau, ngộ ra về một tư tưởng:

“Bình vôi của mẹ hóa mây trắng vắt ngang sông Đà

quấn khăn tang non tản

để mỗi lần nhìn lên chúng con thấy cao xanh có mẹ

sông cũng nằm lép sóng

cánh cò về nghiêng lời biệt ru”

Người quê đi đến chỗ nào chả quê, chắc Trần Quang Quý ngẫm từ mình mà viết vậy, thay một “định nghĩa” về mình. Tôi biết, Trần Quang Quý không “thần tượng” một nhà thơ cụ thể nào. Nhưng ông cho biết, rất thích chất suy tưởng trong thơ Chế Lan Viên, thuở mới vào nghề, lại mê Exenhin.

Có lẽ chất đồng quê lãng mạn nhưng ẩn chứa nhiều trăn trở của Exenhin cũng ảnh hưởng phần nào trong nhiều sáng tác của Trần Quang Quý? Điều này chỉ có Trần Quang Quý mới trả lời được. Trần Quang Quý chưa bao giờ thôi hết trăn trở, với thơ, bởi cuộc đời chẳng bao giờ hết những vấn đề day dứt nghĩ suy, cũng như thơ ca luôn cựa mình đòi đổi mới. Kể cả việc, ông sáng tạo thể loại thơ “năm câu” ở Việt Nam và đã xuất bản tập thơ Namkau (năm 2016).

Thơ Trần Quang Quý trẻ hơn tuổi tác và vẻ ngoài của anh, điều này nhiều người thừa nhận. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học khen Trần Quang Quý không muốn lặp lại những nẻo đường của người khác đã đi. Cho đến nay, Trần Quang Quý đã xuất bản 11 tập thơ, cả trong và ngoài nước. Anh là tác giả của những tập thơ mang tên lạ: Siêu thị mặt, Giấc mơ hình chiếc thớt… Vai nào anh sắm đạt nhất trong cuộc đời?, hỏi Trần Quang Quý. Anh đáp: “Vai đạt nhất và lộ nhất chính là mặt tôi”. Đó là một anh nông dân, quê kiểng, người đánh dậm... trên cánh đồng Hạ Bì, nhưng với thơ đó là định vị “bản thể” Trần Quang Quý: vũ trụ của suy tưởng, suy tưởng về vũ trụ, về nhân sinh.

Có người quả quyết rằng, Trần Quang Quý làm thơ đến “rỗng” đời. Ông lao động văn chương trên nhiều phương diện, nhưng “Nàng thơ” gần như là đứa “con cưng” nhất, trút hết cả tâm lực và trí lực cho thơ. Trần Quang Quý là con người “sáng tạo chữ”. Từ năm 2016, ông còn sáng tạo ra một thể thơ mới, gọi là “thơ namkau”, tức là mỗi bài thơ có 5 câu và năm 2020, Trần Quang Quý đã xuất bản tập thơ namkau đầu tiên có tên Ướp nhớ. Ông là chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ namkau do chính mình thai nghén.

Thơ Trần Quang Quý dù hiện đại đến đâu vẫn một giọng đầm đìa hồn quê. Ông thuộc về quê hương, đất nước. Càng xa quê ông càng dành tình cảm cho quê hương nhiều hơn, sâu nặng hơn. Những ngày bươn chải mưu sinh nơi phố phường, gặp gỡ bao mặt người sáng tối, thật có, giả có, cho ông thêm trải nghiệm, chiêm nghiệm về lẽ đời, tình đời. Ông đứng ra bênh vực cho lẽ phải, cho cái đẹp còn bị hiểu sai, bị vùi dập. Tuổi càng lớn thêm lên, ông lại càng “dặt dìu” với quê, điều này gần như là “căn cước” để định vị “Nguồn”.

“Không có gì bứng tôi được khỏi cố hương

điệu hát Xoan nảy mầm cửa đình và lưỡi cày nhân sinh

lưỡi cuốc khai địa linh sự sống

bánh chưng gói hồn quê ướp nhân số phận

Có gì đánh đổi được

tôi ký thác tôi trên đất Tổ tiên”

(Cố hương)

Chính Trần Quang Quý từng nói: “Ký ức hay đời sống thôn quê là mảng đời, là nguồn cảm hứng sáng tác rất quan trọng trong thơ tôi”. Bởi, nơi ấy: “Những thửa ruộng, như con dấu vuông đóng dấu đời người trên bùn đất... Nơi ông bà tôi đã yên rồi, bóng dáng người di cảo trong hạt thóc... Tất cả cùng hái gặt trên cánh đồng này, và cánh đồng đã gặt hái họ", ông cũng đã từng “khái niệm” trong bài thơ Cánh đồng sáng tác trước đây. Lần này Trần Quang Quý xác quyết lại trong Nguồn.

Nói như Raxun Gamzatop trong tác phẩm Đaghexxtan của tôi: “Ông yêu làng quê của mình và không bao giờ đổi nó lấy bất cứ một thủ đô nào trên trái đất này”.

Không ai “bứng” được Trần Quang Quý ra khỏi “nguồn” và chính “nguồn” cho một đời sống tâm hồn phong phú, thăng hoa; cho ông nội lực mạnh mẽ và con đường. Từ cổ chí kim, những nhà thơ yêu quê hương đều để lại những tác phẩm bất hủ, những trang sách, trang thơ lay động trái tim cũng chính là là khi họ viết về quê hương. Không ngoại lệ, Trần Quang Quý thuộc về núi Tản, sông Đà.

“Tôi đi sáng nay cùng dòng sông ấu thơ

tôi đi sáng nay ngàn con sóng mùa hè tuổi trẻ

tôi đi sáng nay cùng mùa thu đan mềm giai điệu lá

thả xuống heo may những bâng quơ”

(Có con đường)

Cách đây một tháng, khi cùng nhà thơ Phạm Đình Ân đến thăm ông khi đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), ông tặng chúng tôi hai tập thơ Những nẻo người và Miền tỏa bóng. Nếu như Miền tỏa bóng là tập thơ, tiếp tục dòng cảm xúc tri ân với cuộc đời, quê hương; thì Những nẻo người là tập thơ của biên độ cảm xúc với “nẻo người” ông đã gặp trên những nẻo đường đất nước.

Đây là hai tập thơ Trần Quang Quý hoàn thành trong thời gian điều trị bệnh. Ông chia sẻ đang dự định là Tổng tập Trần Quang Quý, khi dự cảm thời gian dành cho mình không nhiều nữa. Nhưng ông đã không kịp nữa rồi.

“Người ta sống dài hơn bằng tầm vóc tâm hồn, trí tuệ

biển rộng yêu thương trong vỉa tầng nhân thế

điều duy nhất thời gian ghen tị”

(Lợp thời gian)

Trần Quang Quý đã đi xa, nhưng có thể tự hào là một trong những nhà thơ “lợp thời gian” bằng cả tâm hồn và trí tuệ. “Khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên”, tiểu thuyết gia, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương từng nhận định như vậy. Thế hệ này và mai sau, chắc chắn sẽ còn bàn nhiều đến “đồi núi thơ” Trần Quang Quý. Kính vĩnh biệt ông.

Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi nó ở trong lòng bạn đọc. Con đường văn chương cực gian nan, dễ huyễn hoặc và phụ thuộc vào tài năng, sức lao động… mà nếu không thức ngộ được thì có khi cả cuộc đời chỉ là bản nháp - nhà thơ Trần Quang Quý

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất