Đôi mắt cầu vồng

"Những đêm trong căn phòng trọ tôi ôm Mây vào lòng, ru con ngủ bằng câu chuyện của núi rừng quê hương, mong con có trong tâm hồn vẻ đẹp nguyên sơ nơi tôi sinh ra. Nhưng lúc này đúng như lời Mây thắc mắc, cảnh vật giờ đây đã đổi thay quá nhiều..."

Mẹ ơi núi kìa! Núi cao như chạm vào mây. Nhưng sao núi không được cây cối phủ xanh. Mẹ ơi sông kìa! Nhưng sao dòng sông đục ngầu mà không trong biếc như trong câu hát của mẹ. Mẹ ơi! kia là hoa ban phải không? Sao hoa ban không... Mây hỏi luôn miệng.

Mây nhún nhảy lúc reo mừng, lúc tỏ ra hẫng hụt trước cảnh vật vừa lướt qua phía ngoài cửa kính chiếc xe. Cả xe đã ngủ nên không để ý thấy tôi đang nói chuyện một mình. Chiếc xe khách đang lầm lũi ngược dốc về phía thượng ngàn đầy mụ mị…

Những đêm trong căn phòng trọ tôi ôm Mây vào lòng, ru con ngủ bằng câu chuyện của núi rừng quê hương, mong con có trong tâm hồn vẻ đẹp nguyên sơ nơi tôi sinh ra. Nhưng lúc này đúng như lời Mây thắc mắc, cảnh vật giờ đây đã đổi thay quá nhiều.

Đôi mắt cầu vồng - 1

(Minh họa - Lê Huy Quang)

*

Một ngày xuân, bố trút lên đầu tôi cơn giận dữ còn hơn cả đòn roi.

- Họ Cầm ở bản Nà Tòng bao đời danh giá, không thể có đứa con gái chửa hoang như vậy.

          Mẹ ôm tôi vào lòng, lần đầu tiên tôi thấy mẹ làm trái ý bố. Lời nói của bố luôn là mệnh lệnh trong căn nhà này.

Mùa hoa ban năm ấy, trai gái bản gần, bản xa tay trong tay vào nhau mừng vui trong vòng xoè. Bàn tay tôi vô tình nằm trong bàn tay ấm áp của Long từ lúc nào. Vòng xoè kết thúc, tôi ngượng ngùng khi chạm vào gương mặt trắng trẻo không giống các chàng trai Tây Bắc. Đôi mắt Long nhìn tôi như có lửa. Tôi ngượng ngùng hỏi Long:

- Ai dú bản lằu lê?

- Em vừa nói gì anh không hiểu, anh không phải người vùng này.

- Em hỏi anh ở đâu?

Long chỉ tay về phía những dãy nhà lán dựng dưới chân núi, tôi hiểu ra anh là người dưới xuôi lên đây xây dựng thuỷ điện. Chàng trai của bản thường kiếm cớ qua gầm sàn nhà tôi đã theo gia đình đến khu tái định cư. Mùa ban ấy, chỉ có đôi mắt và giọng nói ấm áp của Long.

Long cho tôi xem những bức ảnh thành phố trong chiếc điện thoại. Những toà nhà cao tầng cùng những chiếc ô tô. Tôi thấy người thành phố ai cũng sang trọng. Long dạy tôi tạo dáng bên cây hoa ban nở để anh chụp ảnh. Một thứ ánh sáng ma mị chớp loé khiến tôi tò mò. Tôi có cảm giác như mình xinh đẹp hơn lúc soi mình vào nước suối đầu bản.

Sau ngày ấy, chiếc điện thoại mà Long tặng tôi dịp sinh nhật thường vang lên tiếng chuông bản nhạc Long cài riêng mỗi khi anh gọi đến. Hai đứa hẹn gặp nhau dưới vầng trăng muộn. Long bảo:

 - Em có muốn cùng anh về với đồng bằng không? Anh sẽ đón em về làm dâu bằng một xe hoa phủ đầy hoa ban!

Nói rồi, Long choàng tay ôm lấy cơ thể tôi rồi đặt lên môi tôi nụ hôn sâu. Lưng tôi ngả xuống phiến đá đầy ánh trăng. Tôi nhắm mắt, tay nắm chặt sợi cỏ, cảm nhận tình yêu của Long đang quyện hoà trong cơ thể tôi nóng ấm.

Một thời gian sau, tôi nhắn tin cho Long khi chiếc que thử hiện rõ hai vạch đỏ. Long bỗng nhiên không trả lời tin nhắn như trước nữa. Tôi gọi cho Long nhưng chỉ có âm thanh quen thuộc từ giọng nói của nhà mạng dành cho những người thất vọng.

Tôi nghĩ Long bận hay đi đâu đó, xoa bàn tay lên bụng, tôi nghĩ đến chiếc xe dâu hoa phủ đầy hoa ban. Tôi tin...

*

Chiếc áo chật khiến tôi không thể che giấu đôi mắt từng trải của mẹ. Mẹ không cấm cản chuyện tình yêu nhưng mẹ vẫn luôn dặn tôi cảnh giác với con trai miền xuôi. Mỗi khi xin phép mẹ ra khỏi nhà để gặp Long, tôi thường chạm vào đôi mắt lo âu của mẹ. Mẹ ôm tôi khóc như hồi anh trai tôi bị dòng lũ cuốn trôi.

Nhiều lần, bố mẹ đưa tôi đến những căn nhà tập thể tìm Long nhưng chỉ bắt những ánh mắt nhìn gia đình chúng tôi đầy thương cảm.

Bố từ rừng trở về ném cho tôi nắm lá. Nếu nhai nắm lá đó, cái thai sẽ biến mất. Tôi nhặt nắm lá vò nát rồi bỏ vào miệng, vị đắng chát làm đầu óc tôi lan man. Tôi cố gắng nuốt nhưng bàn tay của mẹ đã chặn lại. Mẹ móc lá ra khỏi miệng tôi trước cái nhìn đầy hậm hực của bố. Bố

đấm mạnh tay vào cột nhà gào lên "lũ bất trị" rồi bỏ ra ngoài.

Đêm ấy, mẹ đặt vào tay tôi một ít tiền rồi bảo tôi hãy đi thật xa.

Chuyến xe khách đưa tôi xuống thành phố với Hường - đứa

bạn thân thuở nhỏ vẫn thường rủ tôi xuống đó. Những lần Hường về bản với khuôn mặt trang điểm đậm và bộ quần áo hợp thời trang khiến đám trai bản mải nhìn theo quên cả việc ruộng nương. Tôi hỏi, Hường bảo làm may trong khu công nghiệp.

Một tối, tôi theo Hường đi tìm việc. Hường bảo, bà chủ chỗ nó làm tốt lắm, cứ đến chỗ nó làm việc tạm, chứ bụng mang dạ chửa thế này làm gì có công ty nào nhận. Bà chủ quán karaoke sau khi ngắm nghía khuôn mặt tôi chợt dừng ánh mắt nghi ngại phía dưới bụng tôi. Bà bảo, cứ tạm thời làm phục vụ dọn dẹp sau này sẽ sắp xếp.

Mỗi tối, Hường đưa tôi đến quán, dọn dẹp phòng hát sau khi khách đã tan. Nhiều lần đứng ở quầy tiếp khách, tôi nghe thấy giọng đàn ông đã nhè nhè say nói với bà chủ: “Cho mấy em phục vụ”. Tôi thấy bà chủ liếc mắt ra hiệu cho Hường và vài người con gái khác mặc áo trễ, váy ngắn vào phòng hát cùng khách đến tận khuya.

Những đêm trở về căn phòng trọ Hường rút những đồng tiền xanh đỏ từ chiếc áo ngực rồi chép miệng khen chê gã này xông xênh, gã kia bủn xỉn. Như mọi đêm, Hường lại đặt một tờ tiền vào lòng bàn tay tôi bảo tôi dành dụm đến ngày sinh. Tôi nhẩm tính tiền lương mấy tháng của tôi trong con lợn đất cũng đã đủ cho một cuộc "vượt cạn".

Tôi đếm những tháng ngày con chào đời. Những đêm nghe con quẫy đạp, tôi giở lại những tấm hình siêu âm ngắm nhìn con. Nhưng trên đôi môi của nó thấp thoáng nụ cười của Long…

Một đêm, bà chủ bảo tôi mang thêm bia lên phòng hát. Tôi thẹn thùng khi cánh cửa phòng hát mở ra, Hường và vài gã đàn ông không mảnh vải che thân đang quay cuồng nhảy nhót trong tiếng nhạc lớn. Vừa đặt két bia xuống tôi chợt hẫng người ngã xuống chiếc ghế sô fa.

Gã đàn ông trán hói bụng phệ, cơ thể trộn lẫn mùi rượu và nước hoa ghì lấy đôi bàn tay tôi, bàn tay đeo nhẫn cưới của gã luồn vào áo tôi. Gã lè nhè: "Chiều anh chút rồi anh bo".

Tôi giật tay ra khỏi tay gã, lấy cốc bia trên bàn trút vào mặt gã với những căm tức. Gã vuốt những bọt bia trên mặt gào lên giật tóc vật ngửa tôi xuống ghế, gã bóp miệng dốc chai bia trên bàn xuống mặt tôi. Tôi vùng vẫy, bất lực hứng chịu cơn giận giữ của con thú hoang.

“Choang!” Gã đàn ông hét lên đau đớn, máu đỏ thấm đỏ chiếc áo tôi. Hường kéo tay tôi chạy khỏi quán karaoke.

Về đến phòng trọ, Hường bảo thu dọn quần áo rồi đi khỏi đây trước khi bọn bảo kê tìm đến. Chiếc xe đưa chúng tôi lao vào màn đêm vô định.

Cơn đau chuyển dạ khiến tôi lịm đi khi chúng tôi vừa đến thành phố ven biển. Sáng ấy, tôi sinh. Hường ẵm bồng bé trai đến bên tôi, nó xuýt xoa khen da đứa bé trắng trẻo. “Hay chúng mình đặt tên nó là Mây”.

**

Căn phòng trọ chật hẹp thuê gần khu công nghiệp là mái ấm của hai mẹ con tôi và Hường. Hường lại làm cho một quán karaoke cách đó vài cây số. Tối đến, tôi vẫn thấy một gã cao gầy, xăm trổ đến đưa đón Hường.

Những khi bé Mây ngủ say, nằm cạnh Hường, tôi rủ nó cùng xin vào làm trong khu công nghiệp. Hường bảo:

Tay chân tao vụng về không, lại chẳng quen thức khuya dậy sớm. Mà lương thấp thế làm sao đủ chi phí sinh hoạt cho ba miệng ăn.

Tôi lặng im bởi chính hai mẹ con tôi cũng đáng sống dựa vào Hường.

Một đêm, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện. Một số điện thoại lạ, người đó nói Hường đã bị bắt cùng một nhóm thanh niên vì sử dụng ma tuý. Từ ngày Hường đi cải tạo, một mình tôi vật lộn với cuộc sống nơi phố biển. Ngày ngày, tôi gửi Mây vào trường mầm non rồi đến công ty may ở khu công nghiệp.

Trong bữa ăn trưa, chị đồng nghiệp kể chồng chị từng là dân công trình nay đây mai đó rồi anh bỏ nghề về chạy xe ôm ở bến xe, chấp nhận khoản thu nhập không đều đặn để được sống gần vợ con. Câu chuyện của chị làm tôi chạnh lòng nhớ đến câu hỏi của bé Mây đêm qua:

Sao bố vẫn chưa về với con?

 Ba năm trôi qua tôi đã phải nói dối rằng bố đi làm xa và ru con ngủ bằng những câu chuyện của miền quê ngoại.

*

Cơn say xe làm tôi khó chịu nhưng tôi chẳng giám tháo bỏ chiếc khẩu trang. Tôi sợ mọi người trên xe sẽ kinh sợ những vết sẹo dị hình nhăn nhúm trên khuôn mặt.

Ngày cuối tuần, tôi gặp lại Long trong một lần cùng Mây thả diều trên bãi cát biển. Trong quán cà fe Long đã nhận ra tôi và đứa bé mang khuôn mặt nụ cười của Long. Long chạy đến gọi tên rồi ôm tôi và Mây trong ồn áo tiếng sóng. Tôi muốn đẩy Long ra nhưng những cảm xúc của tiếng suối phiến đá đêm nào khiến tôi cứ thế lặng yên trong vòng tay Long.

Long đặt tay tôi lên vết sẹo trên đầu anh, Long bảo rằng hôm anh từ công trường về quê thì bị tai nạn giao thông, phải điều trị mất cả năm. Sau ngày bình phục anh trở lại Tây Bắc tìm tôi nhưng con dao quắm trên tay bố tôi chẳng cho anh cơ hội mở lời.

Bặt tin tôi. Anh trở về quê làm việc và kết hôn với một người phụ nữ anh quen trong những ngày tháng anh điều trị trong bệnh viện. Người phụ nữ ấy đã giúp đỡ gia đình anh rất nhiều. Anh đến với cô ấy cũng vì một phần để trả ơn. Nhờ gia đình cô ấy mà anh đã mở công ty riêng. Anh vừa nhận được công trình dưới này và đang tiếp đối tác. Nhìn Long với giày đen, quần âu, áo cổ cồn trắng khác xa với nét bụi bặm năm nào. Tôi tin Long.

Ngày cuối tuần, Long thường xuống thăm tôi và Mây. Tôi và Mây gối đầu trên cánh tay rắn chắc nghe Long kể chuyện về những miền đất xa lạ. Có những ngày cuối tuần Long không về thăm, bé Mây phụng phịu bố Long không nhớ Mây hay sao mà không về thăm Mây!

Lần ấy, Long nhắn tin rằng vợ anh đã hồ nghi chồng.

Hôm ấy, đón Mây từ trường mầm non về phòng trọ. Tôi bỗng chạm ánh nhìn sắc như dao của một người phụ nữ. Khoảng cách không còn xa, bất ngờ người phụ nữ hất thứ nước trong chiếc can nhựa đã mở nắp về phía hai mẹ con tôi. Tôi cảm thấy da bỏng rát như có trăm ngàn ngọn lửa thiêu đốt. Trên hè phố tiếng người gọila hét. Tôi nghe tiếng Mây gào khóc: "Mẹ ơi cứu con" rồi ngất lịm trong cơn đau.

Trong phiên toà xét xử bị cáo là vợ của Long hôm ấy. Tiếng khóc của những đứa con gái của Long làm khoé mắt tôi bỗng trào dâng những giọt nước mắt cảm thương. Trước hôm xử án, Long đến bệnh viện thăm tôi. Long quỳ xuống cầu xin tôi xin toà giảm án để vợ con Long sớm đoàn viên. Lời cuối cùng tôi nói trong phiên toà ấy, tôi xin toà giảm nhẹ hình phạt cho vợ Long.

Giờ đây, tôi đang cầm lọ tro cốt dán di ảnh của Mây ngược dốc về bản. Phía trước, Mây đang dắt tôi đi bằng đôi chân nhẹ tênh, không nặng trĩu ưu tư của cõi người. Khi thấy cầu vồng vắt ngang qua thác nước dưới chân đập thuỷ điện, Mây hét lên:

- Con bay về phía cầu vồng đây mẹ ơi! Mỗi khi cầu vồng thắp sáng bầu trời sau cơn mưa, mẹ sẽ nhìn thấy đôi mắt của con…

Mây như một cơn gió tan biến vào cầu vồng.

Kiều Xuân Quỳnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước