Mắt chữ

Làm học trò của thầy Chiểu được ít ngày, Điền và thầy Chiểu đã quyến luyến nhau, như là cái duyên trời định. Rồi quân Pháp đến. Thoạt đầu là chiếm ba tỉnh, sau chiếm tiếp sáu tỉnh. Vợ chồng Nguyễn Đình Chiểu tản cư về quê vợ, được Lê Tăng Quýnh cho ở nhờ ngôi nhà ngang khá rộng rãi. Điền là người vợ tần tảo, nhưng điều quan trọng hơn cả là bà hiểu văn chương, hiểu sự lao tâm khổ tứ của nghề văn nên bà rất trân quý ngòi bút của ông. Bà sẵn sàng đón nhận hết nỗi nhọc nhằn vất vả về mình để ông toàn tâm toàn ý cho ngòi bút.

Năm 1858, chính quyền bảo hộ Pháp biến tướng, lộ nguyên hình là một đội quân xâm lược, nổ những phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nghĩa sĩ Việt, quân Pháp rút vào Nam đánh phá thành Gia Định. Tháng 2 năm 1859, tòa thành này thất thủ, Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở Thanh Ba, Cần Giuộc, quê bà Lê Thị Điền, vợ ông.

Sự tích câu ca dao

Về đây ông tiếp tục mở lớp dạy học và treo biển bốc thuốc để có thêm nguồn sinh sống. Còn bà, tạm gấp tấm áo dài vải lanh bỏ vào rương, mặc bộ bà ba màu đen, xay thóc giã gạo làm hàng xáo đem ra chợ bán lấy đồng lãi; xuống đồng mò tôm bắt cá phụ vào bữa ăn. Thấy bà lam lũ quá, một lần ông bảo:

- Lấy tôi, mình phải nuôi tôi mù lòa, bây giờ thêm hai con nhỏ, vất vả quá. Có khi nào mình ân hận hay là tủi thân không?

- Không đâu mình - bà đáp - Em tự nguyện đến với mình. Em rất hạnh phúc và hãnh diện được làm vợ mình.

Ông biết bà trả lời thế là thật lòng.

Mắt chữ - 1

Minh họa Lê Huy Quang

Nguyễn Đình Chiểu có quê gốc ở làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa thiên. Phụ thân ông là Nguyễn Đình Huy, người có dòng dõi nho học. Dưới triều vua Gia Long, Tả quân Lê Văn Duyệt phái vào làm Tổng trấn Gia Định thành, Nguyễn Đình Huy được đi theo làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn. Nguyễn Đình Chiểu được sinh ra ở đây. Mẹ ông là vợ thứ hai của Nguyễn Đình Huy. Nguyễn Đình Huy luôn bận rộn việc quân cơ, việc nuôi dưỡng dạy dỗ Nguyễn Đình Chiểu là ở người mẹ.

Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Con nuôi Duyệt là Lê Văn Khôi, vì bất mãn với triều đình đối xử không công bằng với cha, đã nổi dậy, chiêu tâp quân lính chiếm thành Phiên An ở Gia Định, rồi đánh chiếm cả Nam kỳ. Nguyễn Đình Huy có liên lụy, bị cách hết chức tước. Ra khỏi cũng đình, Nguyễn Đình Huy trở vào Gia Định lén đưa Nguyễn Đình Chiểu ra Huế, gửi cho một người bạn làm Thái phó nuôi giúp để con trai có điều kiện ăn học.

Năm 18 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu trở về Gia Định tiếp tục theo học, rồi đỗ tú tài trường thi Gia Định. Sau đó Nguyễn Đình Chiểu lại trở ra Huế cùng đứa em trai chờ khóa thi Hương năm Kỷ Dậu 1849, nhưng vào tháng 12 năm 1848 được tin mẹ mất, ông bỏ thi, cùng em trai trở về Gia Định chịu tang.

Trên đường trở về, vì quá thương mẹ, khóc nhiều, cùng với thời tiết thất thường nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng, mù cả hai mắt. Người em trai dắt ông tìm đến một nhà thầy lang để chữa bệnh. Người này vốn dòng dõi ngự y, rất giỏi giang, nhưng cũng bó tay. Tuy bệnh không khỏi, nhưng vốn thông minh, Nguyễn Đình Chiểu đã học được nghề thuốc từ người thầy lang này. Tác phẩm đầu tay của ông ra đời tại đây, có tên là Dương Từ Hà Mậu, như một tín hiệu báo trước ông là một tài năng lớn của văn chương.

Cảm phục nghị lực của Nguyễn Đình Chiểu, người học trò của ông tên là Lê Tăng Quýnh, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc đã tác hợp Nguyễn Đình Chiểu với cô em gái của mình là Lê Thị Điền. Con nhà nền nếp, xinh đẹp, duyên dáng, đài các nhưng chưa có chàng trai nào lọt vào mắt nàng. Nàng đã nghe tiếng và đọc Dương Từ Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu, nhưng nàng vẫn muốn “mục sở thị” con người tàn tật mà tài cao này. Nàng đóng giả con trai đến nhà Nguyễn Đình Chiểu xin được làm học trò của ông. Sau mấy buổi học, Nguyễn Đình Chiểu hỏi nàng:

Này trò Điền, cho thầy hỏi, em là gái giả trai phải không?

Lê Thị Điền giật thột, đáp:

- Dạ thưa, sao thầy lại hỏi em như thế?

- Thầy tuy mù lòa, nhưng nghe tiếng em là thầy nhận ra thôi. Thầy theo đạo nho, dạy chữ nho, nhưng thầy không hà khắc đến nỗi từ chối đàn bà con gái học chữ thánh hiền đâu. Em không phải cải trang nữa, cứ ngồi học bình đẳng như tất cả những trò nam khác.

- Dạ, nếu thầy cho phép thế, em cũng không thể giấu thầy được nữa. Em chính là em gái của Lê Tăng Quýnh, cách đây ít năm cũng là học trò cưng của thầy đấy ạ.

- À, à! - Nguyễn Đình Chiểu gật gật đầu - Hình như thầy cũng từng nghe người ta nói về em, rằng em rất xinh đẹp, quá tuổi đôi mươi, nhiều chàng trai muốn trồng cây si nhưng chưa một ai lọt vào đôi mắt của em. Vì sao vậy?

- Em chưa hợp duyên đó thầy!

Làm học trò của thầy Chiểu được ít ngày, Điền và thầy Chiểu đã quyến luyến nhau, như là cái duyên trời định. Rồi quân Pháp đến. Thoạt đầu là chiếm ba tỉnh, sau chiếm tiếp sáu tỉnh. Vợ chồng Nguyễn Đình Chiểu tản cư về quê vợ, được Lê Tăng Quýnh cho ở nhờ ngôi nhà ngang khá rộng rãi.

Điền là người vợ tần tảo, nhưng điều quan trọng hơn cả là bà hiểu văn chương, hiểu sự lao tâm khổ tứ của nghề văn nên bà rất trân quý ngòi bút của ông. Bà sẵn sàng đón nhận hết nỗi nhọc nhằn vất vả về mình để ông toàn tâm toàn ý cho ngòi bút.

Khi ông sáng tác tác phẩm Lục Vân Tiên, mắt ông không nhìn rõ, chữ ông viết xộc xệch, chữ nọ đè lên chữ kia, có khi bút chấm vào nghiên mực đẫm quá rớt ra giấy nhòe nhoẹt, bà phải giúp ông chép sang bản khác. Nhiều chỗ bà nhận ra trong bóng dáng, cốt cách của nhân vật Kiều Nguyệt Nga hao hao giống mình, bà nói với ông:

- Sao mình cứ đưa em ghép vào nhân vật Kiều Nguyệt Nga thế? Em chỉ là người trần mắt thịt, sinh ra chốn miệt vườn, quê một cục, làm sao sánh được với cái móng tay của nàng Kiều?

- Mình không tự nhận ta những giá trị của mình đấy thôi; hoặc mình có nhận ra nhưng khiêm cung mà nói thế. Mình biết không, chính nhờ có mình và tình yêu của mình, tôi mới viết được tác phẩm Lục Vân Tiên đấy. Tôi biết ơn mình suốt đời…

- Sáng nay em ra chợ, thấy súng nổ ở xã bên, người ta bảo quân khởi nghĩa của ông Trương Định bạn mình đã về đến đó. Nhìn mấy cái cáng khiêng người tử trận đưa đi chôn, em nghĩ, người tử trận thì chôn cất, còn người bị thương thì sao, ai băng bó, lau rửa vết thương cho họ? Hay là vợ chồng mình nhận họ về nhà cứu chữa?

- Mình chẳng nói thì tôi cũng đã trù tính như vậy. Sáng nay lúc mình ra chợ bán gạo, tướng quân Trương Định sai người đến gặp tôi đã ngỏ ý muốn tôi giúp. Tôi đã nhận lời. Mình kiểm lại thuốc men trong giá, nếu còn ít thì mua bổ sung dự phòng.

- Em đã kiểm rồi. Có một số vị đã gần hết. Hôm qua ra đồng xúc cá, đi trên bờ kênh, em phát hiện ở đó mọc nhiều cây thuốc như cây sài hồ, cây chân vịt, cây bách bộ, cây bạch đồng nữ, cây bồ công anh, cây cam thảo đất, cây cỏ mần trầu… Hóa ra toàn những cây mà tuổi thơ em đã từng nhìn thấy, nhưng chỉ bây giờ làm vợ mình, em mới biết chúng là vị thuốc chữa bệnh cho con người. Chiến tranh loạn lạc khó khăn, em cứ chịu đi tìm thế nào cũng phát hiện ra nhiều cây thuốc nữa. Chỉ những vị hiếm, độc, mình mới phải ra hiệu bán sỉ ngoài chợ huyện mua thôi.

- Mình nghĩ thế là phải. Nhưng như thế thì mình vất vả quá.

- Mình đừng quá lo cho em. Đây là quê em nên nếu cần em có thể nhờ vả bà con thân tộc được mình ạ.

Nguyễn Đình Chiểu vừa nói đến đó thì có hai chiếc cáng thương do bốn người lính nghĩa quân khiêng đến. Họ hạ cáng xuống trước sân, rồi một người bước đến khoanh tay trước mặt Nguyễn Đình Chiểu:

- Thưa thầy, con là học trò cũ của thầy, con bỏ dở lớp học đi theo nghĩa quân của thầy Trương Định. Hai người đồng ngũ của con đang nằm trên cáng đây bị một quả tạc đạn bắn vào, thầy Trương Định bảo chúng con đưa anh em về đây nhờ thầy cứu chữa.

Nguyễn Đình Chiểu ra hiệu cho những người lính cáng thương khiêng hẳn thương binh đặt vào chiếc giường trong nhà. Ông mở áo quần của hai người lính bị đạn, đưa tay sờ nắn độ lớn của vết thương. Bà đồ chạy vào gian trong pha chế thuốc. Một lát sau bà bưng ra một bát lớn. Bà dùng vải lau rửa vết thương bằng thứ nước lá thuốc xanh đậm ấy, rồi bà cuốn băng cầm máu. Khi ấm thuốc đun bằng bếp củi đã nhừ, bà chắt ra hai cái bát cho họ uống. Nhận thấy tính mạng của hai người lính không bị đe dọa nữa, Nguyễn Đình Chiểu nói với những người lính cáng thương:

- Vết thương của hai người lính sẽ mau lành thôi. Tình hình ngoài chiến địa thế nào, các anh có thể cho kẻ mù lòa này biết không?

- Dạ thưa thầy, khi bọn Pháp-lăng-sa vào chiếm Gia Định, chúng đuổi dân ra khỏi thành. Tàu chiến các loại của chúng cập vào cảng Bến Nghé. Chúng xây đồn bốt ngay trước cổng thành. Bên trong thành chúng dựng soái phủ. Nhưng đêm đến nghĩa quân của thầy Trương Định vẫn dùng súng hỏa mai, dùng cả dao găm, mã tấy tiêu diệt bọn chúng. Chúng điên tiết cho địa lôi phá tan, san phẳng cả tòa thành. Bây giờ quân ta chiến đấu với chúng khó khăn hơn trước. Thương vong nhiều hơn.

- Thật là tiếc thay cho Gia Định đã từng là một đô thị vàng son! Thầy cũng lấy làm tiếc thay cho một số người đã bị cái hào nhoáng của người Tây làm cho mờ mắt. Như Đốc phủ sứ Tôn Thọ Trường, mới ngày nào vào soái phủ còn giữ được cốt cách, giờ thì tàn lọng, bơ sữa, gà quay, lợn sữa nó làm cho béo ú lên, mỡ bọc màng não nên mới can tâm theo giặc - Nguyễn Đình Chiểu không giấu được nỗi buồn nhân thế.

- Vâng, bây giờ Gia Định không còn là nơi phố phường sầm uất, dập dìu trai thanh gái lịch như xưa nưa nữa, chỗ nào cũng thấy đổ nát, ra đường là gặp lính Tây xì là xì lồ. Chúng hoạnh họe, sách nhiễu dân ta đủ điều. Cãi lại là chúng đá đít hoặc tiu cho phát đạn. Thưa thầy, chúng con thương nước thương dân bao nhiêu thì lại uất giận nhà vua bấy nhiêu. Nhà vua lại theo phải chủ hòa, chịu khoanh tay ngồi nhìn quân dân đổ máu mà không có một hành động phản kháng nào. Chán quá! Hôm qua trong đội quân của chúng con có truyền tay nhau một bài thơ rất hay của nhà thơ Phan Văn Trị chửi vua Tự Đức, thầy ạ. Ông ấy coi khinh vua đến độ vừa đi vừa đái vừa vừa làm thơ tặng vua. Con không nhớ cả bài, nhưng đại khái có hai câu như thế này:

 “Đứng lại làm chi cho mất công

  Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng”.

“Rồng” ở đây chính là vua đúng không thầy?

- Phan Văn Trị là bạn thầy. Ông ấy viết gì các anh tự đọc, tự suy ngẫm. Thầy cũng có thơ viết về vua và triều đình đây. Nếu các anh thích thì giấy dó đây, bút đây, nghiên mức đây, các anh chép đưa về cho anh em đồng ngũ cùng đọc:

“Dù đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn có mắt ông cha không thờ

Dù đui mà khỏi danh nhơ

Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình…”

Và đây nữa:

Lũ kiến bất tài muôn khóm giạt

Cánh bèo vô dụng mấy bè trôi

 Lơ thơ rừng rậm nghe chim hót

Ngất ngưởng giường cao thấy chó ngồi…”

Mấy người lính tranh nhau chép. Nguyễn Đình Chiểu nói:

- Bây giờ thì các anh hãy trở lại chiến địa mà chiến đấu chống giặc đi. Vợ chồng thầy sẽ chăm sóc những thương binh này, đến khi nào khỏe mạnh, họ sẽ tự tìm về đội ngũ.

Mấy đêm liền, tiếng súng nổ liên hồi từ phía Gia Đinh, rồi Long An. Có cả tiếng trống ngũ liên và tiếng mõ của các đội tuần sát. Cả làng thao thức không ai ngủ được. Những trai tráng thì vác hèo, giáo mác, gậy gộc tăng cường cho quân khỏi nghĩa và lên các điếm canh. Dân chúng tràn cả ra mặt đường, lên chiến lũy, sẵn sàng chống giặc nếu chúng lấn tới.

Để trách nguy hiểm cho gia đình em rể, em gái và hai cháu, vợ chồng Lê Tăng Quýnh nói với dân làng cho gia đình Nguyễn Đình Chiểu chuyển sang ở ngôi chùa xây kín đáo dưới vòm cây, để nếu giặc càn vào, có thể nơi thờ tự chúng chừa ra không làm điều xằng bậy.

Chiều hôm sau vẫn chưa ngớt tiếng súng. Khi nghĩa quân rút về Cần Giờ, khiêng theo rất nhiều thương binh và tử sĩ. Người ta cho xẻ gỗ đóng quan tài rồi tổ chức mai táng họ. Dân chúng cũng an lòng hơn khi biết trong số những chiến binh tham gia chiến đấu chống giặc lần này có cả đội quân của triều đình do Thống tướng Bùi Quang Diệu chỉ huy. Như vậy chứng tỏ phe chủ chiến trong triều đình đã không nghe theo phe chủ hòa mà bỏ cuộc.

Thống tướng Bùi Quang Diệu còn sai một người lính đến tận ngôi chùa gặp Nguyễn Đình Chiểu nêu nguyện vọng muốn nhà thơ viết một bài văn tế nghĩa sĩ. Nguyễn Đình Chiều đọc thư của Thống tướng xong, nói với người lính:

- Ngài Thống tướng đã cùng ý nghĩ với thầy. Anh về nói với ngài rắng thầy sẽ viết ngay!

…Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, ai làm cho bốn phía mây đen; ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ./Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ/ Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó/ Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.

Luồng cảm hứng tuôn trào, Nguyễn Đình Chiểu viết áng văn bất hủ này bằng cách ngôn ngữ tuôn chảy trong đầu đến đâu, ông đọc cho vợ chép đến đó. Bà chỉ chép có một lần mà không phải chỉnh sửa gì cả. Bắt đầu viết từ lúc nửa đêm. Viết đến dòng cuối cùng thì nghe có tiếng gà gáy. Bà đọc soát cho ông nghe lần cuối. Bà vừa dứt lời thì hai người lính bị thương vẫn nằm trên giường nhưng nói vọng sang phía cái bàn nghiên bút, nơi hai ông bà ngồi:

- Thưa thầy. Từ lúc thầy đọc cho cô viết, chúng con đã thức dậy nhưng nói thầm vào tai nhau không nói to làm ngắt mạch văn của thầy. Quả thật bài văn tế của thầy rất hay, hào khí ngùn ngụt, chữ của thầy như có mắt, làm chúng con vui rạo rực, vết thương của chúng con đã hết đau. Sáng mai chúng con xin phép thầy cô cho chúng con trở lại chiến địa.

- Nếu thế thì hay quá - Nguyễn Đình Chiểu nói - Từ giờ đến sáng, thầy sẽ đọc cho cô chép thành ba bản. Một bản thầy lưu lại. Hai bản các anh mang ra chiến địa tìm đến tướng quân Trương Định. Nói với tướng quân hãy giữ một bản, còn một bản cho người chuyển đến Thống tướng Bùi Quang Diệu. Các anh nói với họ rằng nên có một buổi lễ tế hương hồn các nghĩa sĩ đã mất. Hôm ấy vợ thầy sẽ dắt thầy đến. Thầy sẽ đích thân đọc bài văn tế.

Hai người lính bị thương thì một hãy còn bước cà nhắc, một thì băng vẫn còn cuốn trên đầu, nhưng họ quyết tâm trở lại chiến địa, mang theo bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

Lại sắp Tết Nguyên Đán. Thấy dân chúng có vẻ ngao ngán vì tiếng súng vẫn nổ đùng đoàng phía Cần Giờ, Kỳ Nam, Lăng Lộc, Định Tường… Nguyễn Đình Chiểu bảo vợ ra vườn chùa chọn một cây mai vàng trồng vào chậu chơi Tết. Thấy hàng xóm đến xem, Nguyễn Đình Chiểu nói với họ:

- Bắn phá, chém giết là việc của lũ cướp nước và bán nước, dân làng ta còn sống trên đất của tổ tiên ngày nào thì cũng phải cho ra sống. Bà con cứ đưa mai vàng vào nhà đón Tết, gói bánh tét, bó giò thủ, giò lạc, hưởng thụ một cái Tết truyền thống của người Việt ta…

Nguyễn Đình Chiểu vừa nói đến đó thì có một người đàn ông mặc áo nho sinh, đội khăn xếp, nhưng gương mặt dưới vành mũ thì lại vênh vác, ngạo mạn bước vào. Người đàn ông chào vợ chồng Nguyễn Đình Chiểu, đặt túi quà Tết lên bàn thờ, thắp hương khấn mấy vái rồi quay ra nói với ông bà đồ:

- Thưa nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tôi là người làm việc trong soái phủ. Ngài Misel Pông-sông có một món quà Tết phái tôi đến đây chúc tuổi sớm ông bà. Thưa ông bà, nước Đại Pháp là một cái nôi của văn chương thế giới. Chỉ một thành phố Pa-ri tráng lệ cũng đã sản sinh ra rất nhiều văn hào, thi hào mà chắc ngài cũng đã nghe tiếng. Bản thân ngài Misel Pôngsông cũng là một đệ tử của văn chương. Ngài ấy đã đọc xong tác phẩm Lục Vân Tiên của ông, rất lấy làm thích thú và có ý định cho dịch sang tiếng Pháp để công chúng nước của ngài thưởng thức. Vậy hôm nay, tôi được ngài ủy quyền mang quà đến chúc Tết ông bà và cũng xin ứng trước cho ngài tiền nhuận bút.

Vừa nói, người của soái phủ vừa đặt vào một bàn tay Nguyễn Đình Chiểu   chiếc túi màu hồng in hoa văn rất đẹp. Nguyễn Đình Chiểu lắc đầu, trao lại cái túi cho người đàn ông:

- Tôi không biết trong cái túi này có bao nhiêu tiền nhưng xin ông làm ơn hãy cho tôi gửi trả lại cho ngài Misel Pôngsông. Ông hãy nói với ngài ấy rằng, tác phẩm Lục Vân Tiên của tôi chưa dịch xong, chưa in bằng tiếng Pháp thì chẳng có ông chủ xuất bản nào trả nhuận bút cho tôi cả. Số tiền này do ông Misel Phôngsông ứng ra trả, tôi xin khước từ. Tôi tuy mù lòa, không dễ kiếm ra tiền trong thời buổi loạn ly này, nhưng tôi đã có vợ tôi, đồng bào máu đỏ da vàng của tôi che chở, giúp đỡ, họ chưa để tôi phải đứt bữa ngày nào.

Vợ chồng Nguyễn Đình Chiểu tiễn khách với vẻ lịch duyệt nhưng gương mặt ông khách vẫn không giấu được vẻ tẽn tò. Chờ ông khách đi khỏi, Nguyễn Đình Chiểu nói với vợ:

- Mình biết không, nếu hôm nay tôi nhận tiền của hắn, thì chỉ vài ngày sau thôi khắp nước Việt này sẽ ồn lên một cái tin: Nguyễn Đình Chiểu đã đồng ý hợp tác với quân Pháp. Và như thế tôi còn dám ngẩng mặt lên mà nhìn đồng bào, nhìn non sông bờ cõi nước Việt mình làm sao được nữa…

Nguyễn Văn Bổng - Nhà văn Chiến Sĩ hào hoa

Truyện ngắn của Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất