Ghi nhận BA.5 cộng đồng: Hà Nội chủ trương giám sát chặt Covid-19
Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai, Thủ đô đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron tại cộng đồng. BA.5 được đánh giá có khả năng lây nhiễm nhanh hơn BA.1 và BA.2. Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hà Nội tăng cường thu thập mẫu để giải trình tự gene tìm biến chủng mới
Để tăng cường công tác giám sát, dự báo, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giám sát ca bệnh, virus theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam
CDC Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố triển khai hoạt động giám sát trọng điểm COVID-19.
Sở Y tế cũng yêu cầu CDC hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã thực hiện lấy mẫu dịch tỵ hầu đối với các trường hợp có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2; Tiếp nhận, lựa chọn giám sát giải trình tự gene; phối hợp gửi tới các đơn vị có năng lực thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế các địa phương cần phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai giám sát, thu thập mẫu bệnh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 gửi về CDC Hà Nội để tiến hành xét nghiệm để giải trình tự gene.
Các bệnh viện trực thuộc Sở được yêu cầu phối hợp với CDC thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã triển khai giám sát tình hình dịch Covid-19 và các biến chủng của SARS-CoV-2.
Đồng thời, các bệnh viện cần rà soát, sẵn sàng các điều kiện thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân thuộc tầng 2, tầng 3, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Những điều cần biết về biến thể phụ BA.5
Theo TS Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. "Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5".
Theo TS Socorro Escalante, đáp ứng vaccine ở các đối tượng không như nhau, như người suy giảm miễn dịch thì đáp ứng không như những người bình thường. Chính vì vậy, WHO khuyến cáo những đối tượng như vậy phải được nhận mũi tiêm thứ 3, 4 bởi khả năng của họ để tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác.
Theo Medical News Today, nhiều chuyên gia trên thế giới dự báo sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian tới do sự tái nhiễm, điều đã xảy ra ở Nam Phi.
Ảnh minh họa
Vào ngày 12/5, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã phân loại lại BA.4 và BA.5 là các biến thể cần quan tâm. ECDC báo cáo rằng mặc dù chưa có bằng chứng về mức độ nghiêm trọng tăng lên so với các biến thể trước đó, nhưng BA.4 và BA.5 dường như dễ lây lan hơn.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết đến nay một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc. Điều này làm dấy lên quan ngại về quá tải chăm sóc y tế.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan, khả năng gây bệnh nặng của 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 đến 13%. Đặc biệt, hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
"Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu để có bức tranh tổng thể", GS phân tích.
Bình luận