Một đời đắm đuối với đàn bầu

Gắn bó với cây đàn bầu hơn nửa thế kỷ nhưng Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Thị Thanh Tâm-nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) vẫn rất tâm huyết trong việc gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ cách chơi loại nhạc cụ độc đáo này.

Đến phố Hào Nam (quận Đống Đa, TP Hà Nội), chúng tôi không khó để hỏi thăm nhà của NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm. Trong căn nhà nhỏ, thứ quý giá nhất được nghệ sĩ giữ gìn cẩn thận là những tấm huy chương, bằng khen trong những cuộc thi trong nước và quốc tế như: Huy chương vàng độc tấu đàn bầu trong cuộc thi Âm nhạc và múa dân gian phong cách hóa tại Dijon (Pháp) năm 1993; 3 Cúp vàng, 3 Cúp bạc tại Liên hoan Nghệ thuật quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng-CHDCND Triều Tiên năm 1995, 2003, 2005; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin...

Nguyễn Thị Thanh Tâm sinh năm 1953, tại Hà Nội. Thời trẻ là một cô gái cá tính nên Thanh Tâm đã bỏ qua mọi lời xì xào của bạn bè để gắn bó với cây đàn bầu. Thanh Tâm trở thành nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành đàn bầu tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên mang tiếng đàn bầu đến với bạn bè quốc tế.

Một đời đắm đuối với đàn bầu - 1
NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm trong một tọa đàm về đàn bầu.

Trong những chuyến đi biểu diễn nước ngoài, NSND Thanh Tâm nhớ nhất lần tham gia một chương trình giao lưu nghệ thuật tại quảng trường ở Liên Xô (cũ) vào năm 1974. NSND Thanh Tâm chia sẻ: “Ngay khi những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc Nga Vonga vang lên trên cây đàn bầu Việt Nam thì trời bỗng đổ cơn mưa lớn. Nhưng vì đang biểu diễn nên tôi không thể rời vị trí mà tiếp tục chơi đàn cho đến hết bài. Điều đáng ngạc nhiên là tất nhiên khán giả cũng không ai bỏ chạy. Họ say đắm nghe tiếng đàn bầu và thả hồn vào những làn điệu của Việt Nam”.

Gắn bó với cây đàn bầu hơn nửa thế kỷ, NSND Thanh Tâm luôn cảm thấy bản thân mình may mắn khi được học hỏi, dìu dắt bởi những người thầy, những nghệ nhân xuất sắc như: NSND Vũ Tuấn Đức, nghệ sĩ Bạch Huệ, thầy Bá Sách... Nhờ những kiến thức của các thầy, cô mà bà có được ngày hôm nay. Bởi vậy từ lâu bà luôn ý thức rõ trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau.

Nói đến NSND Thanh Tâm thì ngoài những tấm huy chương quốc tế ra thì còn phải nhắc đến sự tâm huyết của bà trong việc biên soạn nhiều giáo trình trong việc truyền dạy nghệ thuật đàn bầu. Một trong những việc làm tâm huyết của bà trong nhiều năm qua là biên soạn giáo trình, giáo án cho đàn bầu ở các cấp học cũng như sưu tầm, tập hợp các tác phẩm như: Đàn bầu cho tuổi học đường (tập 1, tập 2); Tuyển tập bài tập kỹ thuật cho đàn bầu (tập 1, tập 2); Tuyển tập dân ca, ca khúc và tác phẩm nước ngoài chuyển soạn cho đàn bầu độc tấu; Sách học đàn bầu, Tiếng đàn bầu... Đặc biệt, gần đây bà đã dành nhiều công sức cho cuốn sách Giáo trình đào tạo tài năng hệ trung cấp chuyên ngành đàn bầu, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao.

Nhiều học trò của NSND Thanh Tâm giờ đã thành danh, đóng góp nhiều cho nghệ thuật nước nhà. Trong đó, nổi bật có thể kể đến NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Quang Hưng, NSƯT Lệ Giang, NSƯT Bùi Lệ Chi, NSƯT Kim Anh, NSƯT Kim Thành... NSƯT Quang Hưng, nhạc sĩ trong những bộ phim đình đám “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Thương nhớ ở ai” cũng không thể quên sự chỉ bảo tận tình của cô Thanh Tâm. NSƯT Quang Hưng chia sẻ: “Cô Thanh Tâm là người luôn quan tâm tới học trò. Với tôi, cô luôn tôn trọng tính sáng tạo, khuyến khích, động viên khi tôi tự cải biến kỹ năng để có được nét riêng trong cách chơi đàn. Cô Thanh Tâm là một trong những người có ảnh hưởng nhất đến với sự nghiệp của tôi”.

Theo QĐND
None

Tin liên quan

Tin mới nhất