NSƯT Kiều Minh: Tay trong tay

"Kiều Minh vừa đàn vừa hát thì đáng nể rồi, vì Minh đã từng ôm đàn hát cùng nghệ sỹ Tường Vi ở Berlin. Tiếng đàn anh quyến rũ bao nhiêu thì giọng hát anh cũng quyến rũ bấy nhiêu. Trầm ấm và vô cùng tình cảm..."

Ngày 17/2/1979, khi tiếng súng bảo vệ Tổ quốc của chúng ta vang lên, tôi đi tiễn người bạn nghệ thuật thân thiết là Nghệ sỹ Kiều Minh cùng đội xung kích Đoàn ca múa Quân đội tay súng tay đàn hành quân cấp tốc lên biên giới phía Bắc.

NSƯT Kiều Minh: Tay trong tay - 1

NSƯT Kiều Minh 

Bên những nghệ sỹ dạn dày đạn lửa, đã từng đi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ , còn có những gương mặt rất trẻ, xinh đẹp mướt mát, quân phục còn thơm lựng mùi hồ, như nghệ sỹ trẻ Cao Mai Nhi vừa tốt nghiệp Trường Nhạc mới bổ sung về Đoàn cũng lên đường.

Cô là con gái nhà báo Cao Nhị, em gái của các nghệ sỹ mặc áo lính Trương Ngọc Ninh, Mai Thu Hiền, Mai Lâm… và đây là chuyến đi biểu diễn mặt trận đầu tiên của người nghệ sỹ trẻ này. “17 tuổi em đi ra mặt trận/ Hoa nhớ em tỏa hương suốt đêm thâu..”

Họ hành quân trong tiếng hát vang lên khắp những ngả đường, những cánh rừng, Và rồi chính họ sẽ hát vang lên bài ca ấy trong những chiến hào, trận địa phục vụ chiến sỹ:

“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới

Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương.

Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương” 

Khi còn là Đoàn trưởng Đoàn ca múa quân đội, hay khi đã chuyển ra biệt phái Bộ văn hoá làm giám đốc Vinaconcert, ông Khắc Tuế rất tin cậy và rất yêu chiều Kiều Minh. Nó là lính"cưng" của ông, là nghệ sỹ kéo đàn Acordeon của đoàn ca múa quân đội, là mũi nhọn xung kích của ông, đi mặt trận, đi nước ngoài biểu diễn, và ông Khắc Tuế thường cử nó làm Chỉ đạo nghệ thuật các Đoàn ở buổi đầu của Ban tổ chức biểu diễn ( Tiền thân của Vianaconcert) đi biểu diễn ở các địa phương.

Bởi là bạn thân Kiều Minh, nên tôi cũng được ông Khắc Tuế yêu quý và vị nể, nhiều khi được cử cùng anh Lục Chí Ngự làm phụ trách Đoàn. Anh Ngự người Tày, hiền lắm, là cán bộ của Ban và là con rể cụ Nguyễn Xuân Khoát, còn tôi là một người lính văn nghệ từ mặt trận về từng kinh qua lửa đạn....

Ngày ấy chúng tôi có một hợp đồng đi diễn ở Phú Thọ. Thường mỗi lần đi diễn như thế, gọi 6 ca sỹ, một ban nhạc nhẹ, một đôi múa Vasilo, một kịch câm…. Nếu như trong diễn viên hát, có Ngọc Tân, Thanh Hoa thì coi như mỹ mãn, người xem đảm bảo kéo đến đông nghìn nghịt và vỗ tay đến rát bỏng!

NSƯT Kiều Minh: Tay trong tay - 2

NSƯT Kiều Minh (phải) và nhà văn Châu La Việt (trái)

Thế nhưng không hiểu sao chiều ấy, ca sỹ chỉ có Ngọc Tân và Thúy Hà. Đã mời mà không thấy Lê Dung, Thanh Hoa, Thu Phương, Quang Huy… Tá hỏa tam tinh. Nói với Kiều Minh : "Làm sao đủ một chương trình?" Kiều Minh cũng hoảng. Vậy là “cậy thân” với Phan Lạc Hoa, chồng Thanh Hoa, Kiều Minh bảo đánh xe đến tận nhà Thanh Hoa, bắt cóc cho được Thanh Hoa. Nhưng không may Hoa lại đi vắng. Đến đón Lê Dung, Dung cũng đi diễn cho một chương trình khác. May còn chị Thu Phương, vội qua nhà đón chị, nằn nì mãi chị cũng" chiều", mang trang phục lên xe…

Kiều Minh bảo: ”Thôi, thế cũng ổn ông ạ”. Mở màn là chị Thu Phương hát: "Em ơi mùa xuân đến rồi đó”. Tiếp đến anh Khôi cóc (Trọng Khôi - anh nguyên là nghệ sỹ hát, nhưng sau chuyển sang thổi saxophone, hiện đã định cư tại Mỹ), sẽ hát Bài ca xây dựngTình ca du mục, rồi Ngọc Tân với Chiều trên bến cảng và song ca với Thúy Hà Gửi em ở cuối sông Hồng, rồi tiếp đến Thúy Hà sẽ hát Cánh chim báo tin vuiThắm hoa núi rừng

Nghe cũng có vẻ tinh tươm, nhưng tôi vẫn ái ngại... Minh bảo: "Thì còn kịch câm Hoàng Phúc Dỹ, Tình yêu màu xanh và tôi sẽ ôm đàn hát "Manh la đơ manh”.

Kiều Minh vừa đàn vừa hát thì đáng nể rồi, vì Minh đã từng ôm đàn hát cùng nghệ sỹ Tường Vi ở Berlin. Tiếng đàn anh quyến rũ bao nhiêu thì giọng hát anh cũng quyến rũ bấy nhiêu. Trầm ấm và vô cùng tình cảm. (Cũng lạ là cái lớp Accordion của trường nhạc Việt Nam năm ấy nhiều giọng hát rất hay. Như Vân Khánh, cô gái từ Vinh ra học đàn accordion, nhưng rẽ ngang thành một ca sỹ nổi tiếng, cũng là mối tình đầu của Kiều Minh).

Nhưng dẫu vậy, biết tôi còn băn khoăn thì Minh bảo nghe đây, rồi anh hát ngay trên ô tô:

“Khi ta bên em giây phút ân tình ngọt ngào

Cho nhau con tim, vui nắng trong mộng mơ

Đây tay trong tay, ta dắt nhau trong cuộc đời

Trong tim ta rung ôi những lời tình nồng…”

Không biết vì bài hát hay, hay giọng Kiều Minh hay, mà bài hát đã lôi cuốn mọi người. Xe cứ chạy và mọi người cứ hát theo, càng hát càng hứng, từ Ngọc Tân, Trọng Khôi, Thúy Hà...đến anh em trong ban nhạc (Hay các bố này đang yêu?) :

"Em đem đến với ta, bao mơ ước đắm say

Đôi tay nắm đôi tay, sống vui bên nhau

Ta vui bước đó đây, tuy nhân thế đổi thay

Đôi ta vẫn có nhau, vẫn tay trong tay…"

Nghe Kiều Minh hát, lại không khí anh em hào hứng như thế, tôi thấy "cực kỳ" rồi, chỉ đề nghị với Kiều Minh bài hát sẽ là tiết mục cuối, để "out" chương trình. Duy một điều tôi hỏi Kiều Minh tên bài hát là gì để giới thiệu chương trình, thì Minh ngớ người ra: ”Tôi chỉ biết hát theo băng nhạc, nhưng chắc chắn bài này là của Pháp, gọi là "Main Dans La Main”.

Nói thật tôi vốn là lính ở mặt trận, chẳng được học mấy nên kém ngoại ngữ, chưa hiểu Main Dans La Main nghĩa là gì nên gặng hỏi: "Dịch ra là gì chứ”. Thì bỗng một cậu đánh trống ngồi sau xe vọng lên: "Thế ngày nhỏ các ông không đá bóng bao giờ à?”. "Sao lại có chuyện bóng bánh ở đây nhỉ?”, tôi thầm nghĩ. Kiều Minh bỗng cười khằng khặc: "Thôi đúng rồi. Ngày nhỏ đá bóng, cứ mỗi lần bóng chạm tay là mọi người hét lên: Manh, manh! Chắc manh đây là Tay?”. Cậu nhạc công mới phá lên cười: "Chính xác là như vậy chứ còn gì nữa. Manh là tay. Main Dans La Main là Tay trong Tay, hay Tay cầm Tay. Các anh cứ giới thiệu tên bài hát như thế". 

Và đêm ấy, sau những Thu Phương "Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, Ngọc Tân “Chiều trên bến cảng”, Trọng Khôi “Bài ca xây dựng”, Thúy Hà “Cánh chim báo tin vui”… Main Dans La Main tức tay trong tay của Kiều Minh vang lên:

Em đem đến với ta, bao mơ ước đắm say

Đôi tay nắm đôi tay, sống vui bên nhau

Ta vui bước đó đây, tuy nhân thế đổi thay

Đôi ta vẫn có nhau, vẫn tay trong tay...

Bài hát cứ vang lên trong tiếng hát tuyệt vời của các nghệ sỹ, trong tiếng hát, tiếng vỗ tay hòa theo của khán giả, ngân dài mãi như không thể dứt. Cả ban nhạc, cả Kiều Minh, cả Ngọc Tân, Thu Phương, Thúy Hà…và rất nhiều bạn trẻ ào lên sân khấu, tay trong tay và hát mãi bài ca khiến cánh màn nhung không thể khép lại dù đã 11 giờ đêm…

Giờ đây Kiều Minh đã vào tuổi 70, là Thượng tá - NSƯT và đã về hưu. Anh là ông chủ một cửa hàng thực phẩm chế biến ở số 6 Ngõ Gạch (Hà Nội), bán bột sắn và tổng tập các loại mỳ ăn liền... Ngày ngày vẫn ngồi đếm tiền mệt nghỉ, thi thoảng hứng lên vẫn chúm miệng thổi sáo véo von bài "Cuộc đời vẫn đẹp sao". Rồi cuối tuần thì phóng xe về quê làng cổ Đường Lâm, chơi với cô con gái xinh xắn tuổi lên mười...

Thế cũng là mỹ mãn cuộc đời. Chỉ mong sao sau này con gái bạn sẽ lại kế tục con đường nghệ thuật trải đầy hoa hồng vinh quang của bố!

Cũng xin kể thêm, tình bạn của tôi và Minh, cùng nhiều diễn viên quân đội khác vô cùng nhiều kỷ niệm. Tôi ở măt trận về, chơi với những người bạn Đoàn Ca múa quân đội nên biết Kiều Minh. Rồi tôi yêu tiếng đàn của anh, và anh cũng thích những bài thơ của tôi. Rồi thân thiết với mọi bạn Kiều Minh như Lưu Minh, Vân Chung, Minh Quang, Đặng Hùng, Nguyễn Vĩnh...

Nói thật tình bạn ngày ấy trong trẻo lắm, uống với nhau một chén chè 5 xu, đọc của nhau một bài thơ được in báo, xem nhau một đêm diễn dù là bãi cỏ ven thành hay giữa nhà hát lớn, là mắt đã nhìn nhau lung linh ngưỡng mộ, yêu quý nhau bội phần! Hai thằng nên thân và thành trỉ kỷ từ lúc nào.

Minh hay rủ tôi về nhà ở số 6 Ngõ Gạch, bố mẹ Kiều Minh cũng hằng coi tôi và Minh Quang là những đứa con trong nhà. Đến giờ, tóc đã có sợi bạc, nếu ai hỏi người bạn nghệ thuật nào tri kỷ nhất, hỗ trợ cho tôi ở những năm tháng hàn vi nhiều nhất, sẻ chia với nhau nhiều vui buồn ước vọng nhất, thì đấy chính là Kiều Minh.

Trên một chiếc lán nhỏ lợp giấy dầu dựng thêm kiểu như một tum, thuở tôi còn đang học Đại học Sư phạm, tôi từng ngồi viết không ít những bài báo, những bài thơ, và luôn được  bố Kiều Minh lo cho chu đáo, không chỉ ăn uống, mà còn thuốc để hút, mực để viết...

Mẹ Kiều Minh cũng tuyệt vời như thế. Chúng tôi đều gọi bà là bầm, tức là mẹ theo tiếng gọi ở quê nhà Minh ở Phú Thọ. Chủ nhật nào tôi ở trường không về nhà, là bầm lại bắt Kiều Minh lọc cọc đạp chiếc xe Đuyra mang một cặp lồng thức ăn vào cho tôi. 

Lại nhớ những ngày miền Nam mới giải phóng, bạn bè nghệ thuật của Minh và tôi đi biểu diễn Sài Gòn, muốn mua hàng nhưng không có "vốn", thì  chỉ cần đến nói với bà:" Con là bạn thằng Việt với thằng Minh, con nhờ bác giúp cho vay ít tiền để đi miền Nam". Thế là bà đếm tiền cho mượn ngay, cũng chẳng cần hỏi tên cháu là gì, làm việc ở đâu, bao giờ thì cháu trả (Mà tiền nong ngày ấy quý hiếm lắm, nhất là bà chỉ buôn bán bột sắn).

Sau này có một lần tôi ngồi với Nghệ sỹ Tất Bình, anh ấy còn nhắc lại những chuyện trên (Cho bạn vay tiền, tới khi bạn mang trả, ngớ người ra hỏi tiền gì? Đấy là Kiều Minh! Nhớ mãi không quên!). Tất thảy bạn nghệ thuật của Minh, bà đều coi như con của bà. Hiếm có bà mẹ nào từ tâm như thế, như những bà bầm ở Phú Thọ quê hương đã đi vào thơ ca "Bao bà cụ từ tâm làm Mẹ/ Yêu quý con như đẻ con ra/ Cho con nào áo nào quà/ Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi..."

Bầm ơi, từ Sài gòn: "Chiều nay có đứa con xa nhớ Bầm"...

Những điều ít biết về tác giả một bài hát bất hủ

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.