NSƯT Thu Lan – Không chỉ tài năng
Trong làng thanh nhạc, đặc biệt là giới ca hát dòng thính phòng (académique) được đào tạo chính quy, bài bản ở nước ta, bên cạnh nhiều tên tuổi đã quen biết từ lâu, không thể không nhắc đến thạc sĩ, NSƯT Thu Lan - nguyên là Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chị hoạt động có hiệu quả ở cả hai lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy. Điều này không phải bất cứ nghệ sĩ thanh nhạc nào cũng đạt được. Có người chỉ giảng dạy tốt mà biểu diễn chưa khiến công chúng tán thưởng và ngược lại, hát hay khiến người nghe thích thú nhưng lại không có kinh nghiệm đào tạo. Thu Lan phát huy tác dụng được ở cả hai lĩnh vực do trước khi giảng dạy, từng có nhiều năm làm việc ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thu Lan có quê mẹ ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), quê cha ở Huế. Cha của chị là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau năm 1954, họ gặp nhau ở Vinh rồi sinh ra mấy chị em Thu Lan. Chị là cả, dưới có em trai, em gái. Năm 1976, cha của chị mang theo vợ con trở về quê ở Huế. Cô bé Thu Lan khi ấy 13 tuổi (sinh năm 1963) vào cố đô sinh sống. Hết phổ thông, cô vào học trường trung cấp âm nhạc Huế, khoa thanh nhạc dưới sự gảng dạy của các giảng viên Lô Thanh, Cao Thắng. Tốt nghiệp, cô ra Hà Nội thi tiếp vào hệ đại học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Một cô gái ở tuổi 22, lần đầu tiên ra thủ đô, ngơ ngác trước mọi thứ xa lạ. Hành trang của cô chỉ là mấy bộ quần áo, một chút tiền đủ ăn trong mấy ngày thi và một lá thư tay thày Lô Thanh viết cho cô Thúy Huyền khi ấy vừa là giảng viên, vừa Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội.
Thu Lan cực kỳ bỡ ngỡ, ngơ ngác như "quạ vào chuồng lợn", không quen biết bất cứ một ai. Cô thấy xung quanh mình phần nhiều thí sinh là người Hà Nội hoặc các thành phố ở miền Bắc. Họ có vẻ tự tin, không có gì là lo sợ. Bước vào phòng thi, các giáo viên chấm thi thấy cô gái nói tiếng trọ trẹ thì không thể không chú ý, ít nhiều băn khoăn không biết cô phát âm thế nào. Nhưng khi cô cất tiếng hát thì họ phải sửng sốt trước chất giọng trong trẻo, long lanh như giọt sương sớm, vang như chuông của cô gái mang hai dòng máu của xứ Nghệ và xứ Huế. Và cô đã đỗ để sau đó tiếp tục học 5 năm đại học tại một trung tâm đào tạo âm nhạc lớn nhất quốc gia.
Với bản tính cần cù, chịu khó, Thu Lan lao vào học hành, tu luyện đêm ngày khiến các giảng viên rất hài lòng và thương yêu cô học trò nghèo nhưng tận tâm, hiếu học. Tốt nghiệp, Thu Lan chính thức trở thành một giọng hát có bản sắc ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (sau này là Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) với việc thu thanh nhiều bài hát đơn ca khi được về nơi đây làm việc.
NSƯT Thu Lan
Hoàn cảnh xô dạt, về sau, cuối đời công cán, Thu Lan lại trở về cái nơi mình học hành suốt 5 năm đại học - nơi tích lũy được rất nhiều kiến thức và bản lĩnh nghề nghiệp. Sau bao ngày tiếp tục phấn đấu không ngưng nghỉ, cô đã học lên cao học, đạt được bằng thạc sĩ thanh nhạc. Có chuyên môn vững vàng, có phẩm cách chững chạc và sâu sắc, lại nghiêm túc trong mọi việc, cô được trao trách nhiệm Phó rồi Trưởng Khoa Thanh nhạc cho đến lúc nghỉ hưu.
Nói đến Thu Lan, ta nghĩ đến một ca sĩ học hành có hệ thống, chính quy, bài bản từ trung cấp lên đại học rồi tiếp tục cao học. Nhưng chị biết kết hợp nhuần nhuyễn lối hát dân ca vào những bài mình thể hiện để không bị cứng khi hát những bài giai điệu đậm màu sắc âm nhạc dân tộc.
Có thể thấy rõ điều này khi chị hát bài Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Đây là một ca khúc thuộc hàng kinh điển, được coi là bài hát Việt Nam hay nhất viết về biển từ trước tới nay (tác giả sáng tác cuối thập niên 50 thế kỷ trước). Đã từng có rất nhiều nữ ca sĩ thể hiện thành công mà cố nghệ sĩ Tân Nhân đã là một cái bóng lớn khiến các thế hệ nghệ sĩ sau này khó thoát ra. Riêng tôi thấy có hai người đã thoát ra được để tạo cho mình bản sắc riêng, gây được ấn tượng tốt cho người nghe. Đó là Anh Thơ và Thu Lan.
Nghe Thu Lan hát, tôi bị cuốn vào cảnh sắc biển cả và hiểu hết được tâm trạng của người dân vùng biển ở miền Trung khi đất nước còn bị chia cắt. Người ở hai bên bờ sông Bến Hải chỉ biết nhìn sang bên kia cầu mà ngóng đợi ngày Bắc - Nam sum họp về chung một nhà. Nỗi buồn, niềm thương nhớ của họ đã được Nguyễn Tài Tuệ thể hiện thật sinh động, tài tình. Người hát không thẩm thấu được điều này thì không thể thành công. Bên cạnh việc vẽ ra một mặt biển mênh mông dàn chải với sóng nước dập dờn rất đẹp của bất cứ một đại dương nào thì nỗi buồn sâu lắng với tâm trạng nặng trĩu của người dân vùng giới tuyến nói riêng cũng như của những người miền Nam tập kết nói chung đã hiện ra trong bài hát này thật vô cùng sâu sắc và sinh động. Thu Lan đã rất hiểu điều này để thể hiện qua giọng hát giàu nội lực của mình.
Cần thấy thêm một điều là chị có ưu thế, thuận hơn các ca sĩ thời nay hát bài này ở cái nguồn gốc quê quán và suốt thời niên thiếu sống ở miền Trung (Nghệ An và Huế) như đã nói. Chính điều này đã khiến chị thấm đẫm chất liệu dân ca xứ sở vào dòng máu mình một cách hết sức tự nhiên. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh thời là người rất khó tính trong nghệ thuật. Ông cũng phải ghi nhận và rất hài lòng khi nghe Thu Lan hát tác phẩm của mình mà trước đó ông cho rằng sau Tân Nhân chưa có ai vượt lên được.
Một nghệ sĩ được công chúng biết đến thì đương nhiên phải có sức thuyết phục từ tài năng của mình. Nhưng những người có tài năng trời phú rồi trở nên nổi tiếng cũng nhiều. Tuy nhiên nếu ai có dịp đi sâu, tìm hiểu cuộc sống riêng tư, đời thường với những quan niệm sống của họ thì không thể không ít nhiều thất vọng bởi họ chưa có được cái tâm trong sáng với những ứng xử đẹp trong nghề nghiệp và cuộc sống. Riêng trường hợp NSƯT Thu Lan có lẽ không thể không nói đến tấm lòng, cái tâm của chị đối với cuộc đời nói chung, nghề nghiệp nói riêng.
Nếu có dịp tiếp xúc nhiều và hiểu Thu Lan, bạn sẽ thấy chị ít có những phút thực sự thanh thản, nhẹ nhõm, thoải mái mà luôn đau đáu, trăn trở một điều gì. Chị không có cái “a-ma-tơ”(amateur) của nhiều nghệ sĩ mà lúc nào cũng như là tự thấy mình còn rất nhiều việc phải làm, cứ như là còn nợ cuộc đời nhiều. Mặc dù chị đã từng thu thanh cả trăm ca khúc, phát hành nhiều đĩa CD, tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình có ý nghĩa. Đặc biệt là đào tạo ra rất nhiều ca sĩ thành tài. Ngay cả khi chị đã làm Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội và đến nay đã nghỉ hưu, vẫn thấy như mọi việc còn ở phía trước.
Chị từng giúp đỡ, dìu dắt nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa, truyền cảm hứng của mình sang họ để họ có thêm nghị lực theo đuổi nghiệp ca hát. Không ít người thấy chị quá mất công sức, mệt mỏi vì học trò đã nói với chị đại ý rằng sao phải như vậy làm gì, hãy để chúng tự thân vận động, có tài ắt sẽ đến lúc phát tiết. Chị chỉ im lặng với ý nghĩ riêng của mình: Không thể vô tâm như vậy. Ngày trước mình từng được các thày, cô dìu dắt, dạy dỗ mới có được hôm nay thì sao mình không như vậy với những học trò của mình?
Với nhiều ca sĩ khác, vinh quang là ở nơi có ánh đèn sân khấu, ở sự nổi tiếng, đình đám trong thiên hạ, ở những “sô” diễn mà cát-xê tới vài chục triệu đồng thì với Thu Lan lại là ở những học trò thân thương, ở sự tiến bộ, trưởng thành qua từng ngày của họ.
Nếu bạn có dịp hỏi bất cứ một học sinh nào đã từng thụ giáo cô Thu Lan và ngay cả những người không có dịp học cô đều nói về cô thật tốt đẹp. Họ ngưỡng mộ, yêu thương, biết ơn cô bởi cô đã hết lòng vì họ. Sức thuyết phục lớn lao của Thu Lan đối với học trò ở năng lực chuyên môn của cô chỉ là một phần mà phần lớn hơn là ở cái tâm, cái đức, ở tấm lòng nhân hậu, vị tha, hết mình vì học trò như thế.
Một phẩm chất nổi rõ ở Thu Lan là đức khiêm tốn, ý thức cầu thị, vươn lên không ngưng nghỉ mà trong giới ca sĩ chưa nhiều người có được. Phổ biến là khi bắt đầu nổi tiếng, được một bộ phận công chúng biết đến, không ít ca sĩ đã tự ngộ nhận, huyễn hoặc, cho rằng mình hơn người, nghĩ người ta cần mình nên “chảnh”, kênh kiệu, hợm hĩnh, thậm chí coi thường cả nhạc sĩ - người có bài cho mình hát. Thu Lan luôn nghĩ mình còn nhiều khiếm khuyết, cần phải nỗ lực học hỏi. Chị không ngại mất thời gian tìm hiểu tác phẩm trước khi hát bất cứ bài gì, kể cả những bài đã quen biết. Cầu thị, chịu khó tìm tòi, học hỏi đã cho chị sự hiểu biết vượt lên trên mặt bằng ca sĩ hiện nay. Tình trạng ca sĩ ngoài chất giọng trời cho đã không biết gì hơn ngoài những nốt nhạc trên trang giấy còn khá phổ biến. Khi còn sống, một lần nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được Đài Truyền hình làm một chương trình, ông đã tiến cử Thu Lan phát biểu về mình khi nhà đài có ý mời một ca sĩ phát biểu về ông ngoài một vài người khác là nhạc sĩ. Trong số hàng chục ca sĩ rất nổi tiếng từng hát nhiều bài của mình, Nguyễn Tài Tuệ đã nghĩ tới Thu Lan mà không phải là người khác. Điều này chứng tỏ vị nhạc sĩ tài danh rất trân quý sự hiểu biết của Thu Lan đã vượt lên trình độ của một ca sĩ.
Hiện tại, Thu Lan đã nghỉ hưu. Nhưng chị vẫn có rất nhiều học trò đến học thanh nhạc. Đó quả là một hạnh phúc lớn lao mà không phải bất cứ người nghệ sĩ nào cũng có được.
NSƯT Thuý Lan là một trong những giọng nữ chính, chủ chốt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị sở hữu chất giọng giữa cao...
Bình luận