Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức

Mặc dù bận khá nhiều công việc, nhưng được biết với tình yêu nghệ thuật, Chu Thu Phương, cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Áo vẫn dành thời gian cho đam mê nghệ thuật, nhất là dịch các tác phẩm thơ, âm nhạc nổi tiếng thế giới ra tiếng Việt. Qua điện thoại, Chị đã dành cho PV Thời báo Văn học nghệ thuật cuộc trò chuyện về một dự án âm nhạc khá đặc biệt sẽ diễn ra vào ngày 15/5/2022 tại một nhà hát nổi tiếng ở Viên - thủ đô nước Áo ...

Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức - 1

Dịch giả Chu Thu Phương

 PV: Nghe nói chị dã giành nhiều tâm huyết để thực hiện một dự án âm nhạc lớn này?

Tôi đã từng sống tại nhiều đất nước. Mỗi đất nước tôi đều có một tình cảm rất đặc biệt. Tôi được hưởng thụ những nét đặc sắc trong văn hóa của đất nước ấy, và tôi thường trả lại một điều gì đó như đáp lại một món nợ ân tình. Món nợ ân tình ấy  với Đức, đó là tập thơ Khúc đệm trữ tình của Heinrich Heine; với Nhật, đó là tập thơ Tóc Rối của Yoshino Akiko; còn với Áo - thì sao?

Tới Áo, tôi nhận thấy vẻ đẹp tuyệt vời của nhạc cổ điển, của opera, của các ca khúc nghệ thuật ngập tràn không gian. Tôi bắt đầu hiểu được điều Karl Krauss, một nhà phê bình văn học nổi tiếng từng nói “Đường phố ở Viên được lát bằng văn hoá. Đường ở những thành phố khác được trải bằng nhựa đường.” (Die Straßen Wiens sind mit Kultur gepflastert. Die Straßen anderer Städte mit Asphalt). Tôi nhớ trong một buổi tham quan quận Döbling (Thành phố Viên - Áo), người hướng dẫn khi ấy là TS Patrick Horvath có dừng lại giới thiệu về một cây bồ đề Schubert. Tôi rất tò mò, không hiểu tại sao cây bồ đề ấy lại tên là cây bồ để Schubert? Chính từ sự tò mò ấy, tôi biết được nước Áo không chỉ có một cây bồ đề Schubert mà có đến hàng trăm cây bồ đề Schubert cũng như tầm quan trọng của bài hát Cây bồ đề của nhạc sĩ Franz Schubert đối với Áo. Đó cũng là lần tôi choáng váng trước vẻ đẹp của tập ca khúc Hành trình mùa đông

Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức - 2

Ảnh poster quảng bá Hành trình mùa đông

Vâng, nhạc sỹ Franz Schubert đã từng viết một bài hát tên là Cây bồ đề. Một bài hát dịu dàng của dòng nhạc lãng mạn. Người ta hay quên nhắc tới tác giả bài thơ, là Willhelm Müller, một nhà thơ Đức mà Franz Schubert phổ thơ rất nhiều. Ca khúc Cây bồ đề là ca khúc thứ 5 nằm trong tập ca khúc Hành trình mùa đông nổi tiếng gồm 24 bài hát do nhạc sĩ Franz Schubert phổ thơ của nhà thơ Wilhelm Müller.

Do ảnh hưởng của bài thơ, hay là do ảnh hưởng của bài hát, hay là bài hát và bài thơ chịu ảnh hưởng của quan niệm truyền thống của Áo cũng không rõ nữa, nhưng từ lâu, cây bồ đề đã trở thành biểu tượng về quê hương của Áo. Một cây bồ đề Áo dịu dàng tỏa bóng trong mùa hè xanh mát, khác với một cây sồi Đức hiên ngang sừng sừng, thâm trầm.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của nhạc sĩ Franz Schubert, ngày 19.11.1928, Hiệp hội những người yêu mến nhạc sĩ Beethoven đã trồng hàng loạt cây bồ đề với cái tên cây Bồ đề Schubert khắp nơi trên nước Áo để kỷ niệm bài hát này của ông. Và, cũng Cây Bồ đề Schubert ấy đã dẫn dắt tôi đến với tập ca khúc Hành Trình mùa đông, đến với thế giới âm nhạc tuyệt vời của Áo tới với bản dịch tập ca khúc huyền thoại này.

 Niềm mến yêu nước Áo của tôi ngưng đọng lại trong một đêm diễn ngày 15/5/2022  tại Nhà hát thính phòng Oper in der Krypta, Viên, Áo. Lần đầu tiên tiếng Việt, bằng bản dịch tập ca khúc 24 bài hát với tên Hành trình mùa đông của nhà thơ Wilhelm Müller (Đức) và nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert (Áo) sẽ được cất lên ở giữa một nhà hát thính phòng nổi tiếng - Oper in der Krypta tại Viên, thủ đô của Áo, cũng là thủ đô âm nhạc của thế giới. Buổi Công diễn đầu tiên của tập ca khúc tiếng Việt này sẽ là một buổi pha trộn giữa một số bài hát chọn lọc được hát bằng tiếng Đức, tiếng Việt và những dẫn giải Đức - Việt xung quanh tập ca khúc này.

Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức - 3

Dịch giả Ngô Tự Lập

Chúng tôi mong dự án có một không hai này sẽ trở thành một món quà của cá nhân chúng tôi gửi đến bà con người Việt Nam ta ở Áo nói riêng (năm nay là năm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo), ở các nước nói tiếng Đức, các nước Châu Âu và trên thế giới cũng như các bạn yêu âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói chung.

Trong quá trình đưa Hành trình mùa đông đến với khán giả Việt, tôi đã nhận được những động viên, hỗ trợ và đồng hành quý báu của rất nhiều người bạn. Xin cảm ơn trước hết là dịch giả Ngô Tự Lập, người đã là nguồn động viên và là người đồng hành với tôi trong việc dịch tập ca khúc nổi tiếng này, cũng là người tôi rất khâm phục trong việc dịch ca từ, xin cảm ơn Giám đốc nhà hát Oper in der Krypta Dorothee Stanglmayr, người đã nhìn nhận ra vẻ đẹp của tập ca khúc ngay khi còn sơ khởi,  ca sĩ Tenor Hans-Jörg Gaugelhofer, ca sĩ Bassbaritone Florian Pejrimovsky, nghệ sĩ Piano Ekaterina Nokkert, cô phiên dịch trẻ Phạm Tâm Đan và toàn bộ các bạn đã có những đóng góp giúp đỡ để Buổi công diễn đầu tiên trên thế giới của Hành trình mùa đông tiếng Việt có thể được thực hiện vào ngày 15/5/2022 tới.

Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức - 4    

Bà Dorothee Stanglmayr - giám đốc nhà hát dưới hầm mộ nhà thờ thánh Peter (c) in höchsten Tönen

PV:  Những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện dự án và thông điệp của dự án Hành trình mùa đông là gì?

Có một điểm lạ lùng trong âm nhạc của Franz Schubert. Thông thường, gam trưởng được dùng để diễn tả những cảm xúc vui tươi, rạng rỡ, khoẻ khoắn; gam thứ thì dùng để diễn tả những cảm xúc êm dịu, man mác buồn, phải không? Thế nhưng ở Schubert thì gam trưởng và thứ dường như đưa lại những cảm xúc rất khác. Bạn cứ thử nghe bất cứ một bài nào trong Hành trình mùa đông mà xem. Gam thứ khi ấy ngân lên với một cảm xúc như kể về cõi thực, có cảm giác như kể về một điều nghiêm trọng, kể về cảm giác buông xuôi, bất hạnh; trong khi gam trưởng lại vang lên như từ một cõi mơ, như ảo ảnh của hạnh phúc không có thực, gam trưởng vang lên như một tiếng khóc than. Cái xung đột trong cảm giác đó làm người hát, người đàn cũng như người dịch chìm vào một nỗi bất hạnh triền miền ngày càng sâu thẳm đưa bạn đến rất gần với cái chết. Bởi vậy, tập đàn, tập hát cũng như dịch ca khúc của Hành trình mùa đông, bạn nên tự hiểu là đã đặt mình vào một mối nguy hiểm cận kề.

Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức - 5

Ca sĩ nam trầm - trung Florian Pejrimovski hát tiếng Đức (c) in höchsten Tönen

Hành trình mùa đông là một nỗi đau, triền miên, dai dẳng, không hồi kết, và chỉ dẫn đến một điểm duy nhất cuối con đường - CÁI CHẾT! Đúng là những đau đớn, khổ sở người ta nhận được khi bị quẳng ra ngoài đường, chỉ có thể nghe lũ chó xua đuổi, quạ vờn quanh trên đầu chỉ chực chờ ta chết để rỉa, cảm giác đến nghĩa địa mà tưởng đó là nhà trọ, mà rồi cả cái nhà trọ ấy cũng từ chối tiếp nhận ta, cảm giác đi vô định trên con đường tuyết trắng trải tràn tìm dấu chân thương mến ngày xưa… khủng khiếp đến chừng nào. Không ít lần trải qua khủng hoảng, không thiếu cả trầm cảm và suy nghĩ thường trực về cái chết trong đầu… phải chăng tất cả những điều này, và ở một mức độ mạnh hơn nhiều, Franz Schubert đã từng trải qua? Có phải vì thế mà ông đã mất ngay năm sau khi hoàn thành tập ca khúc? Ông quả là cô độc! Còn ta? Xin được dẫn lại những lời nhận định của bà Dorothee Stanglmayr (Giám đốc nhà hát Oper in der Krypta) … như là một chia sẻ về nỗi đớn đau, cô độc trong âm nhạc của Franz Schubert: “Mùa đông, Viên vừa độ chín giữa mùa nhạc thính phòng. Giữa lòng thủ đô âm nhạc của thế giới, ngay cạnh nhà thờ chính tòa Stephandom, dưới hầm mộ của nhà thờ thánh Peter nhỏ nhắn, một thế giới âm nhạc bí mật mở ra với những người yêu mến dòng nhạc kỹ tính này. Không gian xinh xắn với những mái vòm đặc trưng của khu hầm mộ nhà thờ tạo nên âm vang tuyệt đẹp cho những âm hưởng cất lên ở nơi chốn này. 

Cái khó ta vấp phải ngay khi bắt tay vào dịch là cái không khí của tập ca khúc. Xuyên suốt tập Hành trình mùa đông là một âm hưởng thản nhiên, vô cảm, buông xuôi, bỏ mặc tất cả. Nhà thơ, nhạc sĩ như đã trải qua hết cung bậc tình cảm, tâm đã chết, chỉ đây đó còn vương lại đôi ký ức của một hơi thở mỏng manh của sự sống, rồi tất cả lại ngay lập tức chìm đi trong một miền trắng chết chóc không tia hy vọng của tuyết trải mênh mông… Dịch tập ca khúc này, lòng người dịch cũng phải đã chết trong tâm… có như vậy mới tìm ra được từ ngữ và âm hưởng phù hợp để dịch, thậm chí là dịch thô.

Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức - 6

Ca sĩ nam cao Hans-Jörg Gaugelhofer hát tiếng Việt (c) in höchsten Tönen

Càng đi sâu vào dịch Hành trình mùa đông, ta càng thấy cái thách thức nằm ở chỗ đây là một tập ca khúc nghệ thuật cao. Sáng tác của Schubert khớp từng nốt nhạc với lời bài thơ. Mà mỗi ngôn ngữ lại có trật tự ngôn ngữ khác nhau, đặt được lời vào đúng nốt nhạc đã khó, tiếng Việt lại còn có đến 6 dấu, nên lựa chọn chữ để đặt được vào đúng chỗ, đúng cao độ lại càng khó khăn gấp bội.

Tôi rất thích chữ hót trong bài Giấc mơ xuân “von lustigen Vogelgeschrei” - “tưng bừng cùng hót gọi mùa xuân” chẳng hạn. chữ “hót” (Rê) không thể để nơi nào khác ngoài đúng nơi đó. Hoặc trong bài Hy vọng cuối cùng, chữ “Gedanken” - “suy tưởng” (Fa thăng) phải đúng là cảm thấy chông chênh bởi vậy mà riêng chữ này dịch phải đúng chữ và đúng là cảm thấy hơi chông chênh thì mới có cảm giác lạc vào một thế giới không thực được. Những cách ngắt nghỉ lấy hơi trong từng bài hát cũng là điểm cần chú ý, mặc dù không thể hiện trên bản nhạc. 

Tôi chỉ xin nêu hai ví dụ, và xin để các khán thính giả tự khám phá tiếp trong buổi biểu diễn 15/5/2022 tới.

Như dịch giả Ngô Tự Lập từng viết “Ý niệm về một bản dịch hoàn hảo luôn tồn tại, và tồn tại trước, còn nỗ lực của các dịch giả chỉ là nỗ lực để tiếp cận đến bản dịch hoàn hảo đó.” (Ngô Tự Lập, Dịch và dịch ca từ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016) Đây là những nỗ lực của hai dịch giả để có thể đưa lại với khán giả Việt vẻ đẹp chân thực nhất của Hành trình mùa đông. Do hai thứ tiếng Đức - Việt có những khác biệt lớn, đặc biệt là việc tiếng Việt có 6 thanh điệu, nên có những điểm vô cùng khó khăn khi chuyển đổi. Tôi rất cảm ơn dịch giả Ngô Tự Lập đã đồng hành với tôi vượt qua những khó khăn này.

Với Hành trình mùa đông, tôi đã tìm ra nét đẹp của Áo đã làm trái tim mình thổn thức, và hiểu ra, dịch tập ca khúc này là cách trả lại món nợ ân tình của tôi với nước Áo. Tôi dịch tập ca khúc này với mong muốn đưa vẻ đẹp của những ca khúc nghệ thuật kinh điển của Áo đến gần hơn với tâm hồn người Việt. Lần đầu tiên tiếng Việt, bằng bản dịch tập ca khúc 24 bài hát với tên Hành trình mùa đông của nhà thơ Wilhelm Müller (Đức) và nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert (Áo) sẽ được cất lên ở giữa một nhà hát thính phòng nổi tiếng - Oper in der Krypta tại Viên, thủ đô của Áo, cũng là thủ đô âm nhạc của thế giới. Buổi Công diễn đầu tiên (Premier) của tập ca khúc tiếng Việt này sẽ là một buổi pha trộn giữa một số bài hát chọn lọc được hát bằng tiếng Đức, tiếng Việt và những dẫn giải Đức - Việt xung quanh tập ca khúc này.

Trò chuyện với Thu Phương về dự án âm nhạc "Hành trình mùa đông" bằng tiếng Việt và tiếng Đức - 7

Nghệ sĩ piano Ekaterina Nokkert đệm đàn (c) in höchsten Tönen

Nguyện mong dự án có một không hai này sẽ trở thành một món quà gửi đến bà con người Việt Nam ta ở Áo nói riêng (năm nay là năm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo), ở các nước nói tiếng Đức, các nước Châu Âu và trên thế giới cũng như các bạn yêu âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói chung.

PV: Theo kinh nghiệm của chị, Chúng ta cần làm gì để dịch và quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam nước ngoài?

Để có thể dịch và quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, theo tôi, chúng ta trước hết cần phải có được những tác phẩm có chất lượng đủ tốt, không chỉ nói lên được những vấn đề trong nước, mà nêu lên được những vấn đề được sự quan tâm ở tầm quốc tế.

Thứ nữa, chúng ta cần phải có những người dịch hiểu biết văn hóa Việt, đủ tinh tế để nhận ra vẻ đẹp trong văn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt, lại đủ tinh tế để có thể chuyển ngữ sang tiếng mẹ đẻ của mình. Nghĩa là chúng ta cần phải có một mối quan hệ rộng rãi với bạn bè văn chương quốc tế để tìm ra người có hơi thở văn chương đồng điệu với mình. 

Điểm thứ ba, bản thân tôi cũng cho rằng người viết chúng ta cũng nên trau dồi thêm ngoại ngữ để có thể tiếp cận được với nền văn học các nước khác trực tiếp hơn. Ngoại ngữ rất quan trọng để mở ra những cánh cửa mới đến các nền văn hóa khác, giúp cho chúng ta hiểu được mình phải điều chỉnh cách viết như thế nào để phù hợp với thế giới. 

Với việc dịch thơ hay cao hơn nữa là ca từ lại càng như vậy, người dịch cần thấm đẫm được văn hóa của nước mình dịch, nhận ra được những nét tinh tế và trở thành cây cầu giữa hai nền văn hóa, để có thể thực hiện được giấc mơ phân tích được bản dịch như phân tích được bản gốc của tác phẩm. 

PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị, chúc cho buổi biểu diễn thành công tốt đẹp! 

Xin cảm ơn THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT đã dành cho tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay,và xin được gủi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc tới bạn đọc của Thời báo. 

None

Trần Việt thực hiện

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).