Bão số 3 (Yagi) và sự tàn khốc của biến đổi khí hậu

Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) xác lập nhiều kỷ lục mới trong những thập kỷ qua, để lại hậu quả vô cùng nặng nề, gây thiệt hại về người, tài sản. Đây là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Hàng trăm năm qua, khí tượng thuỷ văn nước ta mới có 3 lần mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 3 thì đầu tháng 9/2024 lần đầu tiên trong lịch sử cấp độ 4 được sử dụng, cảnh báo…

Tên cơn bão Yagi có nguồn gốc như thế nào?  

Ở nước ta trong nhiều năm trước đây, các cơn bão thường theo thứ tự tần suất của bão (1, 2, 3, 4,…), có những năm xảy ra 12-15 cơn bão trong cả nước đều xuất phát từ Biển Đông thuộc khu vực Thái Bình Dương.

Còn trên thế giới, các cơn bão được đặt tên theo quy tắc khu vực, giới tính người, động và thực vật,v.v… Việc đặt tên cơn bão trở thành một phần quan trọng trong công tác dự báo và cảnh báo thiên tai. Quy trình này không chỉ giúp dễ dàng hơn trong việc theo dõi, mà còn giúp người dân nhanh chóng nhận biết và chuẩn bị ứng phó tình huống khẩn cấp

Ngày nay, việc đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới khu vực Thái Bình Dương được tuân theo danh sách cụ thể do Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đề xuất, thông qua Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), sau đó trình lên các quốc gia trong khu vực, chủ yếu là các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam. Mỗi quốc gia được đề xuất 10 tên và sẽ sử dụng luân phiên trong các năm, thường được chọn từ các địa danh, động, thực vật có ý nghĩa văn hoá (nước ta đã đề xuất các tên bão Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Ba Vì, Côn Sơn, Trà My, Hạ Long). Tên các cơn bão chỉ được đặt khi cơn bão nhiệt đới xảy ra với sức gió tối thiểu 63km/giờ (39 dặm/giờ) nếu sức gió tăng lên 119 km/giờ (74 dặm, giờ) mới được phân loại thành bão. Còn ở Đại Tây Dương luôn có một danh sách tên nữ, nam được sử dụng theo chu kỳ 6 năm, có giai đoạn có tới 21 cơn bão nhiệt đới được đặt tên như thế.

Cơn bão Yagi được Tổ chức Khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt tên. YAGI (nguồn gốc tiếng Nhật) có nghĩa là “con dê” hay là “Chòm sao Ma Kết”. “Chòm sao Ma Kết” liên quan đến “con dê” với sự mạnh mẽ, kiên cường và bền bỉ.

Bão số 3 (Yagi) và sự tàn khốc của biến đổi khí hậu - 1

Mắt bão số 3 (Yagi).

Những kỷ lục của bão Yagi và sự tàn phá khốc liệt của nó

Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) hình thành từ ngoài khơi Thái Bình Dương, được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng như một số đài khí tượng quốc tế đánh giá là hiếm thấy trên Biển Đông, là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhiều thập kỷ qua. Nguồn gốc của bão Yagi là do nhiệt độ bề mặt các đại dương, trong đó điển hình là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đạt mức cao kỷ lục.

Từ tháng 3/2023 đến 8/2024 nhiệt độ trung bình hàng tháng khu vực Thái Bình Dương hấp thu 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong hệ thống trái đất do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Sự đối đầu của hiện tượng El Nino, mô hình đối lập với La Nina từ năm 2023 cũng làm cho nước biển ấm lên. Việc tăng nhiệt độ trái đất chủ yếu do sử dụng quá mức năng lượng hoá thạch. Đó là nguyên nhân vừa gây bão lớn vừa làm tan băng khiến nước biển dâng cao, làm suy yếu hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương, một hệ thống các dòng hải lưu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu của hành tinh. 

Tối 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines. Sáng 2/9, bão vượt qua khu vực phía bắc bán đảo Lu Dông đi vào phía đông Biển Đông trở thành cơn bão số 3 đối với nước ta. Sau 2 ngày từ cấp 8 tăng nhanh lên 7 cấp. 10 giờ ngày 5/9, bão đạt cường độ cực đại cấp siêu bão (cấp 16, giật cấp 17). Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính 250km; vùng gió mạnh trên cấp 10 bán kính 150km và vùng gió mạnh trên cấp 12 bán kính khoảng 80km xung quanh tâm bão và trở thành siêu bão (cấp 16 trở lên).

Bão Yagi vào đảo Hải Nam và đất liền Trung Quốc tàn phá, gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh phía nam, đông nam nước này. Từ vịnh Bắc Bộ, bão Yagi mạnh cấp 13, 14 giật cấp 16 rồi tràn vào đất liền vùng Quảng Ninh, Hải Phòng đến Thanh Hoá với cường độ từ cấp 9 đến cấp 12, giật cấp 13, 14.

Sau hơn một ngày tấn công vào đất liền, bão số 3 suy yếu dần, hoàn lưu bão chuyển thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Bộ, đặc biệt nghiêm trọng trên vùng Tây Bắc.

Chiều tối  8/9, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, suy yếu và tan dần nhưng do hoàn lưu bão kéo dài, gây mưa lớn trên hầu khắc các tỉnh miền núi, đồng bằng, Thủ đô Hà Nội (trong các ngày 8 - 10/9).

Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, hàng nghìn nhà cửa, trụ sở, trường học bị hư hỏng, tốc mái, hàng trăm cột điện bị gãy, đổ khiến cho hệ thống lưới điện 500KV, 220KV, 110KV bị tê liệt. Các tỉnh này bị mất điện thời gian dài, hệ thống viễn thông cũng bị tê liệt theo.

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê một số thiệt hại tính đến đến 11h ngày 11/9, số người chết và mất lên tới 292 người, trong đó có 152 người chết, 140 người mất tích, hơn 800 người bị thương; khoảng 207.800ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị hư hại năng; hơn 795.000 con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 1.600 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi…

Bão số 3 (Yagi) và sự tàn khốc của biến đổi khí hậu - 2

12h trưa 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã vượt báo động 2 là 62cm. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết nội thành Hà Nội sẽ không bị ngập. Hiện lượng mưa ở miền Bắc đã giảm so với 2 ngày trước. Dự báo từ nay đến hết ngày 12/9 mưa vẫn còn và tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau ngày 12/9 mưa có thể giảm.

Chỉ đạo, ứng phó kịp thời

Ngay khi bão Yagi còn ở phía Đông Philippines, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện khẩn số 86/CĐ-TTg ngày 3/9; tiếp theo đó là Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại.

Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó; quyết định lập Ban Chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban đóng tại Quân khu 3 (thành phố Hải Phòng) để trực tiếp phối hợp với các địa phương ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 2 công điện, văn bản chỉ đạo sớm từ ngày 2/9 khi bão còn ở phía Đông Philippines. Chiều 4/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã họp trực tuyến với các bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố ven biển.

Ngày 6/9, trước khi bão đổ bộ, 2 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo tại Quảng Ninh.

Trước tình hình thiệt hại của người dân, ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão gửi các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa và các Bộ, ngành.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu.

Tại những khu vực xảy ra thiệt hại nghiêm trọng, lãnh đạo các cấp đã kịp thời có mặt để trực tiếp chỉ đạo, điều hành, triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất