Chiến lược và chính sách năng lượng để giảm thiểu biến đổi khí hậu ở khu vực đô thị
Tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu đặt ra những yêu cầu mới cho việc xây dựng các chính sách phát triển năng lượng.
Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có tổng số 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV, 702 đô thị loại V. Khu vực đô thị là nơi cư trú của khoảng hơn 41 triệu người hiện là khu vực động lực chính cho tăng trưởng cả nước với việc đóng góp tới 70% GDP cả nước.
Tuy nhiên nếu như Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu thì hệ thống đô thị Việt Nam lại là nơi chịu tác động cao nhất. Đô thị Việt Nam chia thành 2 nhóm chính đó là hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đồng bằng và hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên.
Hệ thống đô thị ven biển, ven sông và các khu vực đồng bằng (28 tỉnh, thành phố ven biển với khoảng 350 đô thị) có nguy cơ chịu tác động của nước biển dâng, chịu tác động bởi các hiểm họa liên quan đến khí hậu, như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và sạt lở đất và đi cùng đó là ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Trong khi đó, hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên (12 tỉnh miền núi, cao nguyên với khoảng 150 đô thị) có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và suy giảm nguồn nước ngầm.
Đặc biệt là tiêu thụ năng lượng ở các đô thị đang có tạo ra thách thức lớn trong phát triển đô thị bền vững.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển đô thị cho phù hợp với thực tiễn. Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 25/3/2021) với mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất…
Đặc biệt Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển đô thị ở Việt Nam về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quan điểm chỉ đạo thống nhất phát triển đô thị Việt Nam cũng dựa trên nền tảng phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.
Tuy nhiên việc phát triển đô thị xanh, công trình xanh tại Việt Nam cho phép tiết kiệm năng lượng sử dụng cũng như nhiều lợi ích thiết thực khác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu chính sách, chế tài hỗ trợ mạnh mẽ. Một trở ngại khác là còn sự thiếu sự mặn mà, quan tâm đầy đủ từ phía các chủ đầu tư. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đánh giá công trình xanh chính thức, gây cản trở cho việc phát triển và quản lý bền vững loại công trình này.
Trong bối cảnh đó các chuyên gia cho rằng các chính sách năng lượng và chiến lược phát triển đô thị ở Việt Nam để ứng phó với biến đổi khí hậu cần hướng tới việc thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời - gió và thủy điện, tòa nhà và công trình công cộng nên được trang bị hệ thống năng lượng sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Mặt khác cần tăng cường hệ thống cảnh báo và ứng phó khẩn cấp, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phương án ứng phó khẩn cấp với tình huống thời tiết cực đoan, đào tạo và nâng cao nhận thức cho người dân về cách đối phó với tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt cần kiên trì việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu sử dụng xe cá nhân để giảm khí thải và tắc nghẽn giao thông.
Ý kiến chuyên gia Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Viện Năng lượng: “Biến đổi khí hậu đã làm mực nước biển dâng cao khiến các công trình cảng như cầu tàu, nhà kho, bến bãi, đường sá ven biển thiết kế theo tiêu chuẩn cũ sẽ bị ngập nước. Nước biển dâng cũng làm cho một số cụm công nghiệp ở vùng thấp bị ngập, giao thông bị chia cắt trong khi mưa và dòng chảy thất thường gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất của các nhà máy thủy điện…Do vậy, vấn đề là chúng ta phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng và hạn chế thấp nhất năng lượng phải nhập khẩu như than, dầu”. TS Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Hiện có những công nghệ năng lượng trên phương tiện giao thông đô thị hoàn toàn có thể nội địa hóa thậm chí tới 70% nếu áp dụng các cơ chế đã có quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ. Chỉ cần kiên định chủ trương xây dựng đô thị dựa vào giao thông công cộng thay vì quy hoạch đô thị dựa vào giao thông cá nhân, tại các thành phố có quy mô dân cư là 500.000 người trở lên, mục tiêu giảm phát thải là hoàn toàn hiện thực”. |
Bình luận