Chuyện làng văn nghệ: Ngô Quân Miện - "Da diết thế cái hương nồng của đất"

Mỗi lần qua phố Bà Triệu, không thể cưỡng được lòng mình, tôi lại vào thăm nhà thơ Ngô Quân Miện. Nhà anh ở khuất trong ngõ, cách mặt phố không xa. Nếu tính tuổi, anh cỡ tuổi cha tôi. Nghĩa là Ngô Quân Miện là nhà thơ đàn anh, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghiệp. Nhưng với nhà thơ "không bao giờ có tuổi" nên chúng tôi thường gọi là anh. Ngô Quân Miện là người dễ gần. Tính cởi mở và sức trẻ trong tâm hồn đôn hậu của anh khiến chúng tôi - lớp nhà thơ hậu sinh rất nể trọng, gần gũi anh mặc dù có nhiều độ chênh về tuổi tác.

Hồi ở thị xã Bắc Ninh (nay là Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), tình cờ tôi mượn được của một anh bạn mê văn chương cuốn Tạp chí Văn nghệ có in bài thơ Qua cầu sông Đuống của Ngô Quân Miện. Không khí bài thơ trong đêm bừng sáng ven sông với cái duyên dùng dằng "Mà câu quan họ ghẹo người vẫn sang" - nét ấn tượng khó quên trong tôi những ngày đầu còn tập tọng làm thơ. Cả màu hoa - tiếng chim trong Sức mới (Nhà xuất bản Văn học) đã bước vào trong tôi, khiến tôi mới háo hức làm sao:

Hoa dong riềng đỏ thắm 

Con chào mào say mê

(Tiếng hát người coi sa)

Đọc thơ Ngô Quân Miện, tôi có cảm giác thơ anh nghiêng về các gam màu dịu nhẹ của tranh thủy mặc, tranh lụa hoặc tranh màu nước. Thơ anh không chói gắt mà lan toả, chất hoành tráng ít mà gợi nhiều những vẻ đẹp bình dị. Đây là không gian của ngày mới sang mùa:

Hoa xoan ủ tím màu mây

Một vầng hoa gạo nở dầy tháng ba 

Lên tầng cũng có đầy hoa 

Êm êm tiếng gió như là tiếng ru

(Sang mùa)

Và những triết lý ẩn giấu, tiềm ẩn như thế này:

Không vẽ núi, tôi vẫn nhìn thấy núi

Cái màu xanh đáy nước: sắc Ba Vì

Ra thế đó, những sắc màu của đất 

Vẫn chìm sâu trong đáy mắt người đi

(Tranh sông Đà)

Và thoáng buồn khi tuổi đã qua thu:

Người nhìn theo bóng thu đi khuất 

Sông chẳng cho ta một cánh buồm 

Gió chẳng cho ta lời tiễn biệt 

Chùa chẳng đưa về một tiếng chuông

(Vòm trời anh đến)

Vẫn là "cũng gần" với những níu kéo cuộc đời hết mực yêu thương:

Cũng gần, cả tiếng chuông ngân 

Cũng gần cả những vang âm một thời 

Cũng gần em nữa. Và tôi 

Với mình tưởng đã xa xôi, cũng gần

(Một thoáng giữa hè)

Cùng với những trải nghiệm đời sống, thơ Ngô Quân Miện thấm tháp hư ảo mong manh: 

Bước đi áo tím nơi vườn ấy 

Gót động mơ hồ đến tận đâu

(Mùa thu vắng lặng

Cả những thảng thốt của tâm hồn quá nhiều nhạy cảm:

Em đi, áo mỏng phô bầy

Da thơm một thoáng giữa ngày dịu xanh

Mùa hoa đi vụt quá nhanh

Mùi hương chẳng để cho anh kịp cầm

(Mùa hoa loa kèn)

Chuyện làng văn nghệ: Ngô Quân Miện - "Da diết thế cái hương nồng của đất" - 1

Nhà thơ Ngô Quân Miện

Có một lần, tôi đến thăm Ngô Quân Miện ở nhà riêng. Lần ấy, anh có vẻ vội đi: "Thôi thế này, Kim ra quán bia với mình. Có gì ta trao đổi ngoài ấy nhé. Toàn người quen cả mà!".

Hóa ra, anh đưa tôi ra câu lạc bộ bia của anh. Tôi được gặp nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà thơ Trần Lê Văn, nhà thơ Vân Long, nhà văn Thanh Châu, họa sĩ Phan Kế An... Không khí thật thân mật, ấm cúng. Hỏi ra mới biết các "bố già" mỗi tuần gặp nhau vài buổi ở đây, vào các ngày được ấn định. Góp tiền uống bia nhưng gặp nhau trao đổi là chính.

Tôi được nghe đủ các chuyện nhân tình thể thái nhưng "chốt" lại vẫn là chuyện văn chương, nghệ thuật... Ngô Quân Miện rất ít nói. Người gần anh, quý anh bởi nét chân tình ấy. Ai cần việc gì trong khả năng có thể giúp được, anh không nề hà. Không chỉ bạn bè cùng trang lứa mà các bạn trẻ cũng rất đồng cảm với anh. Nhiều nhà thơ trẻ trưởng thành từ những bài thơ đầu tiên in trên báo Độc Lập thuở nào do anh phụ trách. Ngô Quân Miện nặng lòng với bè bạn, cái tình sâu đậm mà chân thành:

Bạn cho tôi tranh bạn vẽ sông Đà 

Bông lau tím, buổi chiều quê bến bãi 

Câu thơ cũ trời mây tôi tắm mãi 

Sóng đôi bờ ru vỗ tuổi thơ xa

(Tranh sông Đà - Tặng Quang Dũng)

Trong câu hát người xưa gợi nhiều giao cảm:

Dẫu là anh, cũng là tôi

Dẫu ai thì cũng là người đang yêu

Ai hát cho tôi hát theo

Dòng sông thì chảy, thả neo nỗi buồn

(Nghe khúc hát Trương Chi - Tặng Văn Cao)

Lo lắng cho bạn "vội trang viết, chữ câu quằn quại" giữa hối thúc của cơn bão thời gian:

Thôi anh ơi, việc đời đâu phải thế!

Có thể nào cập nhật suốt đời đâu 

Hãy cho trái tim anh thư giãn chút nào 

Ôi trái tim suốt một đời tất bật!

(Trái tim tất bật - Tặng Trần Lê Văn)

Cùng những mắc nợ ân tình trong cảnh sắc quê bạn:

Tôi - người xa đồng bãi 

Lặn lội tìm về 

mắc cạn

giữa mầu mắt quê

(Về đất bãi - Tặng Thanh Hào)

Dẫu đi đâu ở đâu, vùng đá ong núi Tản - sông Đà của xứ Đoài trong mạch nguồn chung của văn hóa Thăng Long - Hà Nội luôn khắc khoải trong tâm hồn nhà thơ với biết bao huyền tích, huyền thoại:

Đã bao nét hoa văn của những thời xa cũ 

Trái tim tôi ghi khắc đến bây giờ

Xương thịt tôi còn hằn bao thớ gỗ 

Làm nền cho đậm nhạt những câu thơ 

(Nét hoa văn)

Cả cái làng Khê Thượng nơi in đậm dấu vết tuổi thơ anh:

Ôi món nợ suốt đời ta có phải 

Tôi hình hài trong nhào nặn đất đai 

Máu của đất đã dồn lên hoa trái 

Đắng ngọt của làng, đắng ngọt của tôi

(Làng)

Của hồi nhớ ám ảnh tâm thức:

Sông chảy trong mơ hồn vẫn thức 

Núi xanh thăm thắm một chiều mong 

Ai xuôi - xuôi tiếng gà trên sóng 

Cho tuổi thơ tôi lội ngược dòng

(Với sông Đà)

"Da diết thế cái hương nồng của đất" - những lặng thầm chẳng nguôi ngoai của thơ anh như những bông hoa cỏ khiêm nhường, nhỏ nhoi đã len vào tâm trí tôi và ở lại... 

Nghe khúc hát Trương Chi

(Tặng nhạc sĩ Văn Cao)

Đêm. Nghe ai hát Trương Chi

Một mình tôi giữa canh khuya mạn thuyền

Một mình với cuộc tình duyên

Trăng bên cửa sổ, người bên mái lầu

Con sông trôi, sông về đâu

Khúc ca chẳng cất thành câu thành lời

Ai hát đó, tâm hồn tôi

Mất tăm mất hút chân trời đau thương

Anh là ai, hỡi chàng Trương

Mờ sương tiếng hát, mờ sương mặt người

Dẫu là anh, cũng là tôi

Dẫu ai thì cũng là người đang yêu

Ai hát cho tôi hát theo

Dòng sông thì chảy, thả neo nỗi buồn

Tranh sông Đà

(Tặng Quang Dũng)

Bạn cho tôi tranh bạn vẽ sông Đà

Bông lau tím, buổi chiều quê, bến bãi...

Câu thơ cũ, trời mây, tôi ngắm mãi

Sóng đôi bờ ru vỗ tuổi thơ xa

Không vẽ núi. Tôi vẫn nhìn thấy núi

Cái màu xanh đáy nước - sắc Ba Vì!

Ra thế đó, những sắc màu của đất

Vẫn chìm sâu trong đáy mắt người đi...

1-1970

Nguyễn T

Trò chơi của trẻ con làng tôi
Trò chơi của trẻ con làng tôi

Những năm còn nhỏ, tôi và các bạn cùng trang lứa trong làng sống cuộc sống lam lũ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc,...

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Từ Quảng Nam ra Huế phải qua đèo Hải Vân, có thể đi ô tô hoặc tàu lửa. Con đường quanh co men theo sườn núi, nhìn sang phía bên kia là biển xanh bao la, và ngang đầu mây trắng lửng lơ bay…