Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, những câu chuyện đời thường

Rất vô tình, tôi bỗng thấy tên Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn trong chuyến đi công tác Trường Sa 10 ngày (4/2023). Tại sao một người như Tạ Ngọc Tấn, vốn vừa nhiều lần đi Trường Sa các năm trước thì đi làm gì nhỉ? Ông đã cao tuổi, việc Đảng, việc nước bộn bề, thời gian luôn là vàng bạc, có cần phải tiếp tục các chuyến đi như vậy? Song, ông đã ở thềm tàu Kiểm ngư KN 290, tôi lập tức nhờ anh em chụp một kiểu ảnh. Ông bảo: Phùng Văn Khai à! Biết nhà văn rồi!

Chúng tôi lên tàu. Trường Sa là đất mẹ. Tôi nhiều lần đi Trường Sa, nhưng ở cương vị lãnh đạo chỉ huy thì mới là lần thứ nhất. Có hề gì! Cuộc sống là cuộc sống. Nó luôn vẫy mời và chuyển động với tất cả chúng ta. Bao gồm cả Giáo sư Tạ Ngọc Tấn.

Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, những câu chuyện đời thường - 1

Tác giả bài báo và Giáo sư Tạ Ngọc Tấn.

Giáo sư Tạ Ngọc Tấn hoàn toàn không nhớ tôi đã biết ông từ rất lâu. Khi đó tôi còn công tác ở Truyền hình Quân đội nhân dân, chuyên viết kịch bản các cuộc giao lưu như: Cách mạng tháng Tám - Quốc khánh 2/9; Kỷ niệm các năm chẵn Giải phóng Điện Biên; Giải phóng miền Nam Thống nhất đất nước, xây dựng những kịch bản giao lưu để phát sóng truyền hình VTV3 đời thường và mềm mại. Các cuộc ấy, tôi đã đưa các nhà báo, nhà văn Vũ Cao, Lê Kim, Trần Đăng Khoa, Lê Lựu, Nguyễn Anh Chinh tới Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hoa và nước mắt. Những tiếng cười sâu sắc yêu thương. Khi nhà thơ Lê Kim đọc bài thơ của ông thời chống Pháp: “Ba thằng một cái chăn bông/ Nằm dọc cũng dở, nằm cong cũng phiền/ Đắp dọc thì hở hai bên/ Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân/ Mặc cho trời đất xoay vần/ Thịt da ta lại đắp lần thịt da/ Thằng nghiêng nằm giữa thằng co/ Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu" khiến tác giả hoa hô như sấm.

Dẫn chương trình - nhà báo xinh đẹp Tùng Lâm quá say sưa còn hát theo Nguyễn Anh Chinh những câu hát thẳm sâu tận đáy lòng: “Ai yêu miền Nam như tấm lòng miền Bắc/ Có mối tình nào vừa thủy chung vừa son sắt/ Như tấm lòng miền Bắc, hướng về miền Nam/ Bao núi bao sông, bấy nghĩa bấy tình…”. Chương trình được hàng nghìn sinh viên vỗ tay không dứt. Tôi khi ấy trong tư cách đạo diễn đã cùng anh em quay phim quay được những giọt nước mắt của Tạ Ngọc Tấn.

Thời gian vùn vụt bên trời.

Tôi mưu sinh và viết sách. Biết bao ưu ái, chìm nổi, dẫn dụ, bâng khuâng. Những cuốn sách phải viết ra. Những khu vực lịch sử phải tường minh trùng điệp như sóng biển. Tôi chỉ biết đến giáo sư Tạ Ngọc Tấn qua tivi, những điều động, bổ nhiệm của Đảng ta với ông, đều là vô cùng sáng suốt. 

Cuộc đời mênh mông, dài rộng. Những bậc đàn anh đi trước của Tạ Ngọc Tấn như giáo sư Phùng Hữu Phú, chắc hẳn luôn sáng suốt, trưởng thành, từ ăn ở sinh hoạt đến thích nghi, cống hiến thể chế khôn cùng hẳn rằng đáng nhớ hơn Tạ Ngọc Tấn nhiều chứ? Cuộc sống trong đó có cuộc sống văn hóa - chính trị - lịch sử, đều không phải đang diễn ra như vậy hay sao? 

Cho đến một hôm, trong mịt mùng Covid -19, khi ấy tôi đang học Lớp Cao cấp Lý luận chính trị bị phong tỏa ngặt nghèo, may có ông anh Đỗ Phú Thọ - đương kim Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân bảo: “Tôi đóng học phí và tiền ăn cho Phùng Văn Khai”. Chao ôi! Ông anh thật vĩ đại! Tôi vào học như đúng rồi, phát biểu khiến các thầy phát sốt, biên tập những cuốn sách quan trọng trong tâm thế được Đỗ Phú Thọ bao cấp trăm bề. Là một người biết nặng - nhẹ, tôi bèn viết một bài Nhà báo Đỗ Phú Thọ - và ngọn lửa nhiệt tình đã cháy lên.

Trong nghiệp văn bút của tôi, bài nào cũng ào ào, song bài này có vẻ cẩn thận, dư luận ầm ầm, các báo mạng đều cho rằng Đỗ Phú Thọ đã chuyển hóa tên phản động thành Đảng viên bốn tốt.

Tôi luôn có một số người không thích, thường hay “nhặt sạn” sát sàn sạt, nhiều lúc như công kích cá nhân nhưng nghiệp văn bút luôn là như vậy. Như thế cũng là người khác vì yêu mà chỉ bảo cho thiếu khuyết trong tác phẩm, nhất là những bài báo chân dung mỗi người mỗi việc mỗi khác ấy. Việc nhà báo Đỗ Phú Thọ chuyển hóa tên phản động thành Đảng viên bốn tốt thực chất là do tôi bịa ra, nhưng nếu có tên phản động thật và giao cho Đỗ Phú Thọ thực hiện việc này chắc chắn anh sẽ làm tốt hơn cả những phán đoán của tôi. Các nhà văn khi viết báo, với bản tính nghệ sĩ của mình thường hay mắc những lỗi như vậy. 

Khi tôi đã dường như quên bài báo thì vấn đề lại được xới lên theo chiều hướng không tốt cho tôi và nhà báo Đỗ Phú Thọ. Như thế là như thế nào nhỉ? Tôi viết theo kiến thức của mình cộng với hai mấy năm trong khối thi đua với Đỗ Phú Thọ đều chân thành viết ra một cách thực thà, có phần hài hước. Thiên hạ xô vào đọc càng tốt, nhưng suy diễn lung tung thật chẳng ra sao? May thay, lúc đó, Đỗ Phú Thọ rất hân hoan bảo: “Thầy Tạ Ngọc Tấn đã đọc. Rất thích phong vị bài báo. Viết như vậy mới đúng, viết thế  không dễ đâu”.

Chúng tôi đều thở phào nhẹ nhàng. Một bài báo được một người như Giáo sư Tạ Ngọc Tấn đánh giá tốt, còn khen rất thẳng thừng luôn là điều hiếm. Xưa nay, chúng ta viết các bài báo về cá nhân thường công thức và khuôn sáo. Khen đúng về nhau cũng sợ mà chê đúng về nhau càng sợ hơn. Cùng nhau đối thoại về một vấn đề gì đó, nhất là về bản chất của thể chế, quyền lực của thể chế chẳng hạn là chỉ chăm chú né tránh, nói những điều tận đẩu đâu rồi cứ thế trích Nghị quyết cho an toàn. Như thế đâu phải là tác phẩm báo chí? Một tác phẩm báo chí phải có phong vị riêng, quan điểm riêng và nhất là cá tính riêng mới là hữu ích. Điều này có thể khiến người viết phải đối mặt với những điều không đáng có, thậm chí là phương hại tới lợi ích vật chất và sự yêu ghét của một số người, song chính là sự thật được nhắc tới, được thể hiện, được trình ra như nó vốn có thì cái giá kia cũng là rất đáng. Tất cả các bài báo, nhất là các chân dung văn học tôi đều viết trên tinh thần như vậy.

Tôi đang mải mê viết tiểu thuyết lịch sử, có hề gì mọi sự khen chê, cho dù là những bài viết tâm huyết của mình, có những chuyện động đến thiên đình, người đời im lặng. Vậy có hề gì câu chuyện của ông anh mà tôi quý mến. Tôi mỗi ngày viết một bài báo, hay dở đều do thiên hạ định luận, từ trước tới nay đều không vì chiều miệng lưỡi thế gian mà viết khác đi.

Rồi đột ngột tôi được gặp Giáo sư Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn.

Rất đặc biệt. Trên chuyến tàu đi công tác các tuyến đảo Trường Sa.

Tôi bỗng ý thức phải tranh thủ rất nhanh để gặp gỡ và trao đổi với một bậc thầy. Giữa trùng khơi sóng vỗ, mênh mang hồn biển hồn dân tộc, ít bị sự quấy rầy, thì việc tôi nhất định gặp gỡ và tìm hỏi những câu chuyện khó, những vấn đề thử thách, những thách thức đặt ra trùng trùng lớn hơn nhiều việc văn bút đã được tôi mau chóng thực thi.

Tôi không thể ngờ, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn không chỉ hứng thú với những vấn đề tôi đặt ra, cả nhiều thắc mắc, mà ngài còn chủ động khơi dẫn và đặt ra những vấn đề lớn hơn nhiều với một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử như tôi. Tôi không thể ngờ vị Giáo sư, với những cương vị đã trải qua và đang đảm nhiệm của mình lại chân thành, giản dị và sâu sắc đến như vậy.

Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, những câu chuyện đời thường - 2

Một vị giáo sư tưởng xa lơ xa lắc, mấy chục năm cũng chỉ gặp đôi lần, hoàn toàn không hiểu biết nhiều về nhau, sao bỗng tự nhiên thiết thân gần gũi đến không còn khoảng cách...

Giáo sư Tạ Ngọc Tấn nhiều năm đảm nhiệm các cương vị, trọng trách của Đảng, ông sinh ngày 1/1/1954 tại làng Phú Hậu, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, từng đảm đương cương vị Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và hiện tại đang giữ cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Đây chính là niềm tin rất lớn của Đảng, Bộ Chính trị đồng thời cũng là trọng trách rất nặng nề đối với Giáo sư Tạ Ngọc Tấn. Ông là một trong những trụ cột của Hội đồng Lý luận Trung ương với đóng góp lớn trong một khoảng thời gian dài với nhiều công trình về Nghiên cứu Lý luận có giá trị thực tiễn rất cao đã trở thành kinh điển và những giáo trình trong giáo dục đào tạo chuyên ngành Lý luận và Báo chí. Ấy vậy mà, trong Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1962-2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, là người đại diện cho các thế hệ lãnh đạo Học viện phát biểu, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn lại rất khiêm tốn, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. 

Ông chia sẻ: “Tháng 2/1975, tôi có mặt ở Trường với tư cách là học viên biệt phái của báo Quân đội nhân dân, và sau khi ra trường, tháng 6/1979, tôi được Nhà trường giữ lại làm cán bộ nghiên cứu giảng dạy. Rời quân ngũ với bao nhiêu ấp ủ, hoài bão của nghề làm báo, nhưng ở lại trường, tôi lại có những may mắn không dễ gì và không phải ai trong số bạn bè cùng trang lứa của tôi có được.

Đó là trở thành cán bộ của một trường Đảng, nơi được giao trách nhiệm chuyên trách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng cho Đảng, Nhà nước; nơi đã có tên trên bản đồ tình báo quân sự của người Mỹ.

Đó là được sống và làm việc cùng với những bậc cha chú, anh chị, những con người mà cuộc đời của họ đã như là huyền thoại, những người đã từng bị tù đày ở các nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò, những người đã tham gia Cách mạng Tháng Tám, đã đánh trận Điện Biên Phủ, những bộ đội, thanh niên xung phong từ các chiến trường chống Mỹ cứu nước ác liệt trở về.

Đó là được sống, phấn đấu và trưởng thành trong bầu không khí ấm áp tình người theo đúng nghĩa trân quý của trường Đảng; được chỉ bảo, tạo điều kiện để học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ; được quan tâm giúp đỡ, chia sẻ lúc khó khăn, hoạn nạn. Nói như vậy không có nghĩa là đôi khi không có những điều xô lệch, những thiên kiến hay những điều nhỏ nhặt buộc người ta phải suy tư, trăn trở. Nhưng đó chỉ là những điều quá nhỏ nhặt so với cái số thành; tựu trung, đặc trưng và lấn át tất cả là tình đồng chí, tình người ấm áp.”

Thật là những tâm sự rất xúc động, bình dị mà nói được rất nhiều điều; đó cũng chính là tôn chỉ, mục đích sống của Giáo sư Tạ Ngọc Tấn. 

Mỗi con người chúng ta, để sống giản dị và sâu sắc đã không dễ dàng mà nói được những điều đó với đông đảo mọi người, với sự kiểm chứng, thậm chí là soi xét nghiêm khắc của cộng đồng càng hết sức khó khăn. Toàn văn bài nói chuyện của Giáo sư Tạ Ngọc Tấn tại Lễ kỷ niệm hôm đó chính là một biên bản trung thực, sinh động và giàu ý nghĩa nhất về cá nhân ông. Tôi luôn khâm phục những con người như vậy.

Đạo Phật có câu: “Thế giới vô cùng - vạn vật giai không” cũng là thông điệp về giới hạn tri thức của con người. Chúng ta nên biết đúng và biết đủ. Chúng ta nên biết những giới hạn của mình, hãy học tập và cống hiến những gì hữu ích dù nhỏ nhất mới là điều chính yếu. Còn thì việc nước, việc quân, những là mênh mông triều chính, những thành bại quốc gia, dân tộc, không phải ai, lúc nào, ở đâu, cũng có thể nói được ra.

Chuyến đi Trường Sa với những cuộc trò chuyện như thế đã mở mắt cho tôi rất nhiều điều.

Như mọi chuyến đi biển khác, chúng tôi đều phải trở lại đất liền. 

Điều đầu tiên, tôi liên lạc và theo lời hẹn tới tặng sách Giáo sư Tạ Ngọc Tấn.

Ông bình dân quá đỗi đến sơ khoáng cũng rất thuận lẽ tự nhiên. Căn phòng đơn sơ. Chủ nhân thanh bạch. Anh em vào ra hoặc xin ý kiến việc này việc khác, hoặc chúng tôi nhờ chụp ảnh để Zalo cũng đều hết sức tự nhiên. Ở một cương vị và tầm tri thức như Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, hoàn toàn có thể trịnh trọng tạo ra các hành lang cách bức, các khu vực rào cản, thậm chí là các mê cung cũng chẳng sao. Nhưng vị Giáo sư đã chọn cách hành xử đơn giản hơn nhiều, đó là bình thường hóa tất thảy mọi việc diễn ra trong cuộc sống.

Tôi bỗng mê mẩn ngắm ông, một vị giáo sư tưởng xa lơ xa lắc, mấy chục năm cũng chỉ gặp đôi lần, hoàn toàn không hiểu biết nhiều về nhau, sao bỗng tự nhiên thiết thân gần gũi đến không còn khoảng cách. Ông còn hỏi về thú ăn uống của đội trẻ hôm nay. Ông lại bảo anh em chụp những bức ảnh xì - tin trong một tâm thế vô cùng tự nhiên thoải mái. Một vị quan cao ngành lý luận trung ương, lúc nào cũng chịu vô vàn áp lực về những đúng - sai, sáng - tối, tiến - lùi ở tầm quốc gia sao lại bình dị như vậy được nhỉ? Thôi thì mặc kệ, cũng là biết thân biết phận bản thân mình.

Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, với vai trò vị trí chức năng của mình, đã có nhiều đóng góp về trí tuệ, chuyên môn, đạo đức, nhân cách với Đảng, với các khu vực mà ông chịu trách nhiệm. Điều này nói thì ngắn gọn thế thôi, nhưng đến được một thực chất lý luận như ông là vô cùng khó và hiếm. Điều này chính là những ngọn ngành để chúng ta hiểu hơn, tự hào hơn về tổ chức của chúng ta, về Đảng của chúng ta.

Trong một cuộc điện thoại gần đây nhất, vị giáo sư tôi yêu mến rất phấn chấn nhắc về một cuộc hẹn ăn uống của cánh đàn ông. Ôi chao! Đàn ông đoàn kết nhất trí với nhau, thì từ trước tới nay, không ít do ăn uống mà thành đó sao? Ở tuổi của ông, những phù du mây nổi bèo dạt chân trời gió đùa hoa hẹn hẳn đã từ lâu lơ lắc? Thì như vậy, cuộc gặp trước sau gì chẳng là những mưu hoạch ích nước lợi dân, những phát kiến mạnh mẽ không sợ gì tham quan nhũng lại, những đớn đau trước thế thái nhân tình, và sau đó, chắc chắn sẽ là sự kiên quyết đồng hành với niềm tin, lẽ sống bất chấp không ít xanh, đỏ, tím, vàng đang trà trộn xung quanh.

Điện thoại hẹn gặp đã dứt từ lâu, mà tôi vẫn còn bâng khuâng mãi.

Phùng Văn Khai

Tin liên quan

Tin mới nhất