Lễ hội Macchabée

Nước ta hằng năm có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ, thường bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài cho đến hết mùa Xuân. Có một mẫu số chung cho những  lễ hội đó là ngoài cuộc du Xuân thì mục đích chính của người tham dự vẫn là cầu tài lộc, lợi danh… và phía ban tổ chức bao giờ cũng bội thu. Nhưng có một lễ hội thường tổ chức khi những cơn gió lạnh tràn về, khí trời u uẩn trong những ngày cuối Đông, và mọi người đến đây chỉ với một tấm lòng, không ai nghĩ đến việc cầu xin một thứ gì…

Xin thưa rằng, đó chính là Lễ hội Macchabée! Nếu bạn là người trong ngành Y thì hẳn nhiên không cần tôi giải thích, nhưng đại đa số người Việt Nam vẫn chưa biết gì về nó!

Lễ hội có nguồn gốc từ phương Tây, được hình thành từ thế kỉ XVI - thời điểm tôn giáo ngự trị luôn chống đối sự phát triển của khoa học kỹ thuật và Y học. Cũng như bây giờ, Giải phẫu học là môn cơ sở bắt buộc, là cánh cửa đầu tiên trước khi bước chân vào thế giới của Y học, nhưng sinh viên Y khoa khi ấy chỉ được thực tập trên xác động vật vì những định kiến và áp lực từ tôn giáo. Và như vậy thì những bộ phận trên thân thể người vẫn mãi là cánh cửa bí mật không thể khám phá.

Lễ hội Macchabée - 1

Sinh viên đang chuẩn bị cho lễ hội 

Nhận thấy những hạn chế đó, bác sĩ người Pháp Judas Macchabée đã cùng những đồng nghiệp và sinh viên lén lút đào mộ lấy cắp tử thi mới được đem chôn, hoặc bí mật đưa những xác chết vô thừa nhận ngoài đường về đem giấu ở những hầm rượu để giải phẫu. Tưởng nhớ “những người thầy thầm lặng” này, bác sĩ Macchabée đặt ra một buổi Lễ, lấy ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 12 hằng năm làm ngày tổ chức, vì theo Thiên chúa giáo thì Chúa Jesus mất vào ngày thứ 6.

Ban đầu, Lễ được tiến hành bí mật và người tham dự phải là những sinh viên tuyệt đối trung thành với các thầy, bởi lẽ nếu lộ ra thì sẽ chuốc lấy hậu quả khôn lường. Khi các quan niệm khắt khe trong tôn giáo dần chấm dứt, thì Lễ này được tổ chức công khai và “Macchabée” chính thức trở thành tên gọi cho Lễ tri ân những người hiến xác thân cho y học!

Ở Việt Nam, trường đào tạo Y khoa đầu tiên được thành lập năm 1902 tại Hà Nội với vị Hiệu trưởng là Bs. Alexandre Yersin, khi đó lễ Macchabée vẫn thường được tổ chức hằng năm. Từ 1954, do ảnh hưởng của những biến động lịch sử nên Lễ hội ngừng tổ chức. Nhưng ở miền Nam, từ 1954 - 1974 vẫn tiến hành vào dịp giáp Tết âm lịch, sau đó cũng bị gián đoạn.

Mãi đến năm 1990, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, PGS Nguyễn Quang Quyền - Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu của trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh - đã quyết định tái tổ chức Lễ hội Macchabée nhằm tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo Y khoa. Lễ hội năm 1990 ở Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nối và hòa nhập với Lễ tạ ơn Macchabée trên thế giới. Từ đó, Lễ hội đã nhanh chóng lan truyền sang tất cả các trường đại học Y ở Việt Nam, trở thành một ngày Lễ không thể thiếu đối với sinh viên Y khoa, với Nghi lễ tạ ơn và thông qua đó góp phần giáo dục Y đức cho sinh viên.

Sở dĩ hoạt động này gọi là Lễ hội vì ngoài phần Lễ được tổ chức trọng thể thì còn có phần Hội là các hoạt động vui chơi, phổ biến ở các nước phương Tây là hoá trang và khiêu vũ thể hiện tính đa dạng trong nghi lễ, hội hè, âm nhạc và nghệ thuật. Ở nước ta phần Hội thường tổ chức rước đèn, hoặc các sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc.

Lễ hội Macchabée - 2

Hàng ngàn con hạc giấy đủ màu được các bạn trẻ trang trí trong lễ hội 

Đêm 13/01/2023, trường Đại học Y Dược Huế đã long trọng tổ chức Lễ hội với sự tham gia của toàn thể Giáo sư - Bác sĩ và sinh viên của trường. Ngoài ra còn có sự góp mặt của các vị khách mời, và tôi đã được nhà trường trân trọng mời đến dự với tư cách là thân nhân của người hiến xác!

Chứng kiến buổi Lễ, tôi vô cùng xúc động bởi sự trang trọng và thành kính của đội ngũ Giáo sư cùng sinh viên của trường, thể hiện ở quy mô và không khí Lễ hội. Từ chiều, khán đài đã được trang hoàng lộng lẫy bởi hệ thống âm thanh và đèn chiếu sáng, kết hợp với những dải băng và những con hạc giấy treo lơ lửng. Bên ngoài, cũng hàng ngàn con hạc giấy, hàng ngàn ngọn hoa đăng lung linh rải khắp sân trường.

Buổi Lễ bắt đầu với các nghi lễ thiêng liêng như cầu hồn, tưởng niệm… và cuối cùng là những lời phát biểu của Ban lãnh đạo trường và các khách mời. Thay mặt nhà trường, PGS.TS Hoàng Bùi Bảo - Phó Hiệu trưởng - đã gửi lời tri ân đến những người đã khuất: “Họ đã về thế giới bên kia nhưng sự cống hiến, hy sinh của họ sẽ luôn đồng hành và mãi lưu giữ trong trang sách, trang vở của sinh viên Y khoa”. Ông cũng bày tỏ sự mong muốn và hy vọng rằng “các em sinh viên sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành những y bác sĩ vừa hồng vừa chuyên, để không phụ công sức của những người thầy thầm lặng đã hy sinh xác thân của mình cho sự nghiệp cứu người”.

Cuối buổi Lễ là tiết mục hoạt cảnh do sinh viên dàn dựng, rất sinh động và thấm đẫm chất nhân văn, nhằm tái hiện lại lịch sử đấu tranh, phát triển của Y khoa nói chung và Giải phẫu học nói riêng; các em đã diễn tả trọn vẹn cuộc đời của một con người với những đấu tranh về tâm lý, vượt qua những định kiến xã hội và rào cản gia đình để đi đến quyết định cuối cùng là cống hiến xác thân cho Y học.

Lễ hội Macchabée - 3

Những người tham gia lễ hội dâng hương và hoa đăng bày tỏ lòng tri ân 

Người xem đã cảm động thực sự và vô cùng ngưỡng mộ trước lòng quả cảm và đức hy sinh của những con người cao quý ấy! Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má họ, và tôi tin rằng trong lòng mỗi người đều dâng lên niềm biết ơn chân thành trước linh hồn những con người vĩ đại.

Tiếp sau phần Lễ là phần dâng hương tại Bộ môn Giải phẫu - Phẫu Thuật Thực hành. Từng đoàn người nối tiếp nhau đi, trên đôi tay nâng ngọn hoa đăng và lòng thành kính hướng về nơi những người đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng. Tuy trái tim đã ngừng đập nhưng những người nằm đó vẫn không yên nghỉ, hằng ngày lặng thầm cống hiến với ước nguyện lớn lao: góp phần làm cho nhân loại bớt đi đau khổ vì bệnh tật!

Từng nén hương được thắp lên, từng ngọn hoa đăng rọi sáng đã thay lời tri ân của những người tham dự Lễ hội. Chúng tôi thay mặt cho tất cả những người còn sống hôm nay gửi đến những người nằm lại lòng biết ơn sâu sắc! 

Trường Đại học Y Dược Huế tổ chức Lễ hội đã thành công với niềm hy vọng mọi người sẽ cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Riêng tôi vô cùng tự hào bởi người cha của mình rất quả cảm kiên cường, đã vượt qua mọi chướng ngại để trở thành một “người thầy thầm lặng”, hằng ngày đồng hành cùng các bác sĩ tương lai trong sự nghiệp cứu người!

Trần Thiên Hương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chờ thị trường lao dốc để mua cổ phiếu giá rẻ giống “người làm nghề tang lễ đang chờ đợi một trận dịch cúm”

Chờ thị trường lao dốc để mua cổ phiếu giá rẻ giống “người làm nghề tang lễ đang chờ đợi một trận dịch cúm”

Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư dài hạn thay vì chờ đợi thị trường lao dốc để mua cổ phiếu giá rẻ. Vậy tại sao Buffett cho rằng việc chờ đợi thị trường sụp đổ là vô ích và cách nào tốt hơn để đạt được thành công tài chính?