Mái trường cấp 3 Ngô Quyền sơ tán thời chống mỹ qua hồi ức của các cựu học sinh

Nếu ví von một chút thì trường THPT Ngô Quyền như một con sông lớn trong hệ thống dòng chảy của ngành GD&ĐT Hải Phòng. Tuy nhiên con sông ấy có những khúc quanh co bị chìm khuất trong mạch chảy vốn hào hùng của nó khi mà những chặng chảy chìm khuất ấy lại thực sự để lại những ấn tượng không thể nào quên. Bởi khúc sông tưởng như bị lớp bụi thời che phủ ấy vẫn rì rầm trong mạch chảy của tâm hồn những cựu học sinh một thuở.

Tôi đã hòa nhập vào khúc sông này qua miền thương nhớ trong cuộc gặp mặt sau 55 năm, của các cựu học sinh Ngô Quyền khi họ hành hương về khúc sông này: xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Không gian hội trường dường như tràn ngập hồi ức. Họ nhớ những thày cô đã đi xa, nhớ về những người bạn đến chiến trường không trở lại. Họ nhắc tên hàng trăm người bạn thành danh ở cuộc đời trên nhiều lĩnh vực…Những con người ấy đều có một lần học tập ở cái bến đầu đời này… Nguyên Thượng tá Cảnh sát Vũ Văn Cầu bồi hồi kể lại: Ngày ấy, trường phân tán khối học sinh ra nhiều thôn. Các lớp học đều nửa nổi nửa chìm, tường đất dày hàng mét mái tranh tre, nền nhà dẫn thẳng ra hệ thống giao thông hào và những hầm kèo chữ A, dọc đường vào hàng trăm hố cá nhân. Chúng tôi đều đội mũ rơm để tránh bom bi…

Trong những lớp học như vậy giữa không gian gào réo tiếng máy bay, tiếng bom nổ…các thày cô vẫn tận tâm đưa những chân trời xa từ trang sách giáo khoa truyền dạy cho học trò. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam thì chia sẻ: mặc máy bay gào thét và lớp học dưới hầm nóng hầm hập, các thày cô vuốt mồ hôi mà dạy còn chúng tôi lắng nghe… khi tiếng kẻng báo động vang lên chúng tôi mới chia theo từng tốp ra hầm trú ẩn…

Hồi ức của người lớp trưởng lớp 10A Nguyễn Văn Hiểu, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính của Bộ Tài chính lại gắn với từng gương mặt thày cô không quản gian lao ngày dạy, nhưng đêm đến từng nhà trọ thăm giúp các trò. Đó là thày Trần sỹ Thọ dạy Vật lí, cô Phạm Minh Nguyệt phát âm tiếng Nga như “gió”, thày Nguyễn Văn Tuấn dạy Toán hướng chop học sinh nhiều cách giải, Thày Phạm Thìn dạy bài “Con trâu nhà lão Am” bằng tất cả ngôn ngữ cơ thể khiến học sinh như nhập cuộc vào khung cảnh tác phẩm…

Mái trường cấp 3 Ngô Quyền sơ tán thời chống mỹ qua hồi ức của các cựu học sinh - 1

Các cựu học sinh chụp ảnh lưu niệm với cán bộ và đại diện các gia đình giúp đỡ nhà trường tại xã Hùng Tiến nơi trường sơ tán 1965-1969.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Dư, nguyên Bí thư đoàn trường THPT Ngô Quyền ngày ấy lại khiến cả khán phòng dự buổi gặp mặt sôi động. Bà kể về đêm văn nghệ với bài hát “Giải phóng miền Nam” nhạc và lời Huỳnh Minh Siêng. Mọi người đêm đốt đèn dầu hoặc nhờ ánh trăng mà tập, có buổi tối họ vẫn say sưa khi đạn 12 ly7 của ta bắn máy bay rực như hoa cải trên bầu trời …

Trong cuộc hành trình về nguồn của các cựu học sinh trường Ngô Quyền, tôi lái xe chở GSTSKH Trần Văn Vận, người đã giảng dạy hai bộ môn: Truyền động điện và Điều khiển học kỹ thuật ở nhiều trường đại học danh tiếng của Nga và Ucnaira như Trường Năng lượng Matskva, Bách khoa Odessa, Bách khoa Gdansk và Bách khoa Ternopol... đi khắp các ngõ ngách của xã Hùng Tiến. Anh tâm sự: chuyện kỳ lạ và xúc động nhất đời tôi là khi nhớ về “cái ao Thạch Sanh” của ông chủ nhà trọ. Bởi thương chúng tôi nghèo, học trọ nên bác thường dặn khi hết thức ăn các cháu cứ ra ao lấy vó mà cất cá. Chúng tôi cất suốt 3 năm mà hình như cái ao không hết cá… hóa ra bác đi đánh lưới hoặc cất vó hàng ngày, thường chọn những con cá to thả xuống… Ngày ấy mình ngây thơ và vô tư quá! Tấm lòng của người dân xã Hùng tiến dành cho chúng tôi đấy; quả là “Bát cơm Phiếu Mẫu” đáng giá ngàn vàng… Vị Giáo sư lặng lẽ lau những giọt nước mắt trào ra.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Tiến còn lưu những dòng ghi quyết định tiếp nhận trường Cấp 3 Ngô Quyền và chỉ đạo cán bộ nhân dân các thôn đóng góp tre gỗ và tham gia ngày công xây dựng các lớp học, đào hầm hào… Về quyết định này, Ths. Nguyễn Văn Cốc nguyên giảng viên trường Đại học Hàng hải Việt Nam, góp thêm một đoạn ký ức: Ngày ấy, Bí thư Đảng ủy xã là ông Nguyễn Văn Lộc. Tôi nhớ có lần xuống thăm lớp chúng tôi ở gần nhà thờ thôn Giom, ông nói: các cháu đều là con em chúng tôi, nên hãy yên tâm học hành. Ông khuyên “học một ngày bằng đi cày ba năm”, các cháu hãy cố gắng vì tương lai đất nước…

Mái trường cấp 3 Ngô Quyền sơ tán thời chống mỹ qua hồi ức của các cựu học sinh - 2

Các cựu học sinh thời sơ tán chụp kỉ niệm cùng các thày cô tại THPT Ngô Quyền.

Những dòng chảy ký ức của các cựu học sinh cấp 3 Ngô Quyền dường như vô tận. Tôi thấy ở đó lấp lánh niềm vui ngày hội ngộ, những ký ức gian nguy nhưng lãng mạn và long lanh tình bè bạn tình thày trò thủy chung thiêng liêng. Đặc biệt là lòng biết ơn với mảnh đất con người xã Hùng Tiến huyện Vĩnh Bảo một thời tưởng như đã chìm vào quên lãng hóa ra vẫn cháy đỏ trong lòng họ. Cô Bùi Lệ Du – nguyên Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1993 – 2000 đã bày tỏ sự trân trọng tri ân địa phương đã đùm bọc chở che cho thày cô và học sinh nhà trường một thời gian nan máu lửa. Đồng thời tự hào về nhà trường và các học sinh thời kỳ này. Cô cho rằng những sự kiện diễn ra của trường THPT Ngô Quyền sơ tán những năm 1965 -1969 và cả ở thời kỳ 1971-1972 ở xã Hùng Tiến luôn là mốc son đỏ của nhà trường cần được bổ sung và lưu giữ trong lịch sử truyền thống nhà trường.

Sau cuộc gặp mặt ấy, tôi có lần ngồi với Đại tá, nhà văn Quân đội Trung Trung Đỉnh; người từng đoạt Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Asean về văn học; người có tên trong 100 nhà văn tiêu biểu của 10 thế kỷ lưu danh ở Bảo tàng Văn học Việt Nam. Anh thầm thì tâm sự: Tôi là một trong số những học sinh sau khi tốt nghiệp tại ngôi trường sơ tán này vào thẳng chiến trường B chiến đấu gần một thập kỷ. Sau chiến tranh tôi đi nhiều nước trên thế giới, sống ở nhiều thành phố lớn Việt Nam…Nhưng mái trường cấp 3 Ngô Quyền thời sơ tán những năm 1965 -1969 ở nơi đây vẫn như một bến nước mà thuyền tôi buông neo. Tôi đều nhớ về nó mỗi khi vui hoặc buồn… bởi tình đất, tình người đặc biệt tình thày trò bè bạn…trong bối cảnh đã hóa thiêng liêng…

Những đoạn hồi ức và những gương mặt nhắc tới trong ghi chép này, có lẽ là một mảnh ghép vô tình trôi, mờ khuất cần được trục vớt để bồi đắp thêm vào những bến bờ vốn đã có nhiều dấu son đỏ của dòng sông giáo dục mang tên THPT Ngô Quyền. Bởi nó không chỉ là một khúc chảy thực với tên đất tên người… không thể tách rời của lịch sử nhà trường mà nó còn là hình ảnh của ngọn đuốc “Hai tốt” ngời sáng lung linh giữa thời chiến tranh chống Mĩ máu lửa của một mái trường thành phố Cảng anh hùng./.

Nguyễn Đình Minh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học

Kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học

Cho đến nay, đối với văn học nghệ thuật, Hà Nội vẫn còn nguyên sức hút của một thực thể văn hóa sinh động, nó hiện diện trong âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật và cả trong văn chương. Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, tọa đàm “Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại” đã nhấn mạnh sự hiện diện của Hà Nội trong dòng chảy của văn