"Một kỷ niệm về thơ với Bùi Mạnh Nhị và Nguyễn Vinh Hiển"

Tôi có một kỷ niệm về thơ rất nên thơ với PGS. TSKH. Bùi Mạnh Nhị đó là về bài thơ “Vô đề” của anh, đã được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, sau này được tuyển in trong bộ “Nghìn năm thơ Việt (1010–2010)” do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Anh Nhị quê Vụ Bản, Nam Định, đồng hương Nam Định của tôi. Vùng quê Vụ Bản của anh là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng, có nhiều người tài như Lương Thế Vinh, Trần Huy Liệu, Văn Cao, Vũ Cao, Văn Ký, Nguyễn Bính, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Bùi Huy Đáp, Phạm Bình Minh,...

"Một kỷ niệm về thơ với Bùi Mạnh Nhị và Nguyễn Vinh Hiển" - 1

PGS. TSKH. Bùi Mạnh Nhị 

Từ thời học phổ thông, anh đã học giỏi, thể hiện sớm năng khiếu văn thơ, đã được dự thi học sinh giỏi văn lớp 7 toàn miền Bắc, được tuyển chọn vào lớp chuyên Văn của tỉnh tại Trường THPT danh tiếng Lê Hồng Phong và thường đạt giải Nhất, giải Nhì học sinh giỏi Văn của tỉnh Nam Hà lúc đó. Khi học THCS tại Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định, tôi cũng được đi dự thi học sinh giỏi Văn lớp 7 toàn tỉnh Nam Định và toàn miền Bắc, nhưng không đạt được thành tích cao như Anh.

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội, anh cùng người yêu (sau này là vợ, PGS. TS. Trần Quỳnh Nga) được cử vào công tác ở trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Anh đã bảo vệ thành công luận án TS, sau đó bảo vệ thành công luận án TSKH Văn chương ở Viện Văn học Nga thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tại cố đô Saint-Petersburg và được phong PGS năm 2001.

Với tín nhiệm cao, anh đã trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hai khóa liền. GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã điều động anh từ TP. HCM ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và anh đã làm Vụ trưởng hai nhiệm kỳ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng GS. TS. Phạm Vũ Luận. Hiện nay anh được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và chúng tôi có dịp được làm việc trực tiếp với nhau.

"Một kỷ niệm về thơ với Bùi Mạnh Nhị và Nguyễn Vinh Hiển" - 2

Năm 2003, trong một dịp đi công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của một số trường đại học, tôi có đến Trường ĐHSP TP. HCM, do PGS. TSKH. Bùi Mạnh Nhị làm Hiệu trưởng. Xong công việc, vào một buổi tối, nhà trường và anh Nhị mời đoàn công tác và tôi ăn tối tại nhà hàng Lotus, đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. HCM.

Hai vợ chồng chủ nhà hàng trước đây đều làm nghệ thuật: Anh Phạm Lân (cùng lớp đại học Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) làm ở Tạp chí Điện ảnh, chị là Hồng Quang, diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Nhà hàng có nhiều món ăn truyền thống, tinh tế, đậm chất quê, như nem Phùng, cá kho riềng Nam Định, thịt ba chỉ chấm mắm tép, bắp cải muối rau răm, thịt đông, canh cua rau đay, cà pháo chấm mắm tôm.

Vì vậy các văn nghệ sĩ, nhà khoa học, giảng viên đại học như GS. Cao Xuân Hạo, GS. Đặng Đình Áng (chú ruột của Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn, nhà toán học mà tôi kính trọng, yêu quý), các nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, nhà sử học Dương Trung Quốc, ngay cả GS. Trần Thanh Vân mỗi khi ở nước ngoài về cũng hay lui tới đây. Thầy Hiệu trưởng cũng nằm trong số khách hàng quen thuộc, sành ăn, sành thơ, sành văn hóa đó. Tôi và các bạn cùng đi công tác cũng thật may, dù chỉ một vài lần, được thưởng thức văn hóa ẩm thực trong không gian văn hóa nơi này.

Một điều may mắn hôm đó nữa là thầy Hiệu trưởng mời chúng tôi uống “rượu Tây xách tay” theo đúng nghĩa của nó. Đó là một chai rượu do bà Giáo sư Hiệu trưởng Trường Đại học Caen Basse-Normandie của Pháp đích thân cùng chồng lựa chọn ở vùng Caen gửi tặng. Khi đã bắt đầu ngấm rượu, anh Nhị nói với tôi và các bạn: “Nhìn cách uống rượu của anh, em rất thích. Từ cách anh cầm ly làm sao cho rượu sóng sánh, toát lên hương vị thơm nhất, cảm nhận được cả mùi thùng gỗ sồi, mùi khói,... Rồi anh nhấp rượu để thấy cái tinh túy của nó, để rượu tỏa hương lên má, lên hai huyệt nghinh hương bên sống mũi,... Anh có cách nói chuyện lôi cuốn, giao lưu thân mật với mọi người, luôn quan tâm đến chiều sâu nhưng rất dí dỏm, đời thường”.

Tất nhiên là tôi rất khoái và phổng mũi rồi, nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để thấy rằng mình còn phải cố gắng thêm nhiều nữa thì mới xứng với sự động viên của người bạn yêu quý. Dần dần ngấm rượu Tây, ngất ngây thêm chút nữa, anh Nhị đọc hai câu thơ tặng tôi: “Rót cho đầy ly cạn, Uống cho cạn ly đầy”.

Là một giáo viên toán cũng thích thơ, thích cả rượu, khi đã ngấm rượu, tôi nói: Hai câu thơ của chú rất hay, mới đọc lên nghe đã sướng cái lỗ tai, vì chúng đối xứng cả về ngữ nghĩa, về động tác, về trạng thái, về cấu tạo từ ngữ và âm thanh. Nào, ta cùng thử xem có bao nhiêu cặp từ đối xứng trong hai câu thơ: Đối xứng 1-1 “Rót”-“uống”, “cạn”-“đầy”, đối xứng 2-2 nhưng lệch “đầy ly”-“ly đầy”, “ly cạn”-“cạn ly”, đối xứng 3-3 “đầy ly cạn”-“cạn ly đầy” và đối xứng 4-4 “Rót cho đầy ly cạn”-“uống cho cạn ly đầy”.

Như vậy điều thú vị ở đây là Tác giả đã lồng ghép được đến 6 cặp từ đối xứng chỉ trong một “không gian chật hẹp” của hai câu thơ ngắn với tổng cộng chỉ có 10 chữ. Mặc dù tính đối xứng đã làm cho hai câu thơ thật độc đáo, nhưng chú phải sớm viết tiếp, ít nhất thêm hai câu nữa, nếu không anh cảm thấy còn thiếu thông điệp, ý muốn nhắn gửi của nhà thơ qua hai câu thơ này là gì. Chúng chỉ mới tả thực chuyện ly đầy ly vơi trên bàn nhậu. Anh Nhị và các bạn đồng ý với sự phân tích và nguyện vọng của tôi, để cho anh Nhị “nợ”.

Hơn năm sau, vào ngày Tết âm lịch, nhắn tin chúc Tết tôi, anh Nhị cho biết mới viết thêm được hai câu nữa và gửi tôi luôn, thay cho lời chúc Tết cũng như lời cám ơn tôi: “Rót cho đầy ly cạn, Uống cho cạn ly đầy. Rót cho đầy vĩnh cửu, uống cho cạn thoáng qua”.

Tôi trả lời anh Nhị: “Tuyệt! Tuyệt! Cám ơn GS Hiệu trưởng! Có thế chứ! Với hai câu thơ mới vẫn giữ được tính đối xứng, trừu tượng hơn, nhân văn hơn, thông điệp của Tác giả, của bài thơ gồm bốn câu nay đã rõ: Với những người bạn tâm phúc, tri kỷ ta chẳng tiếc gì, ta rót cho bằng hết rượu, ta mở hết lòng, ta tin tưởng, chung sống mãi mãi; còn đối với những kẻ cơ hội, những kẻ xấu, ta uống nhanh cho xong rồi quên hắn đi, ngay làm bạn rượu, bạn nhậu cũng không đáng, huống chi bạn tri kỷ”.

Anh Nhị trả lời tôi khiêm tốn: “Cám ơn anh về lời bình! Em cũng không nghĩ rằng thơ em hay đến mức như anh bình.”

Sau này anh Nhị tâm sự: Một phần nhờ sự động viên và mong mỏi của tôi, anh đã hoàn thành bài thơ gồm 12 câu, với bốn câu đầu như trên. Bài thơ này đã được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó được tuyển in trong bộ “Nghìn năm thơ Việt (1010-2010)” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đúng vào dịp cả nước và Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Toàn văn Bài thơ của PGS. TSKH. Bùi Mạnh Nhị như sau:

Vô đề

Rót cho đầy ly cạn

Uống cho cạn ly đầy

Ta uống đừng bảo ta tỉnh

Ta uống chớ nói ta say

Ly này thật thà như trẻ

Ly này cao sâu như già

Rót đất trời vào ly nhỏ

Thiên địa rung rinh lòng ta

Rót cho đầy vĩnh cửu

Uống cho cạn thoáng qua

Sao em nhìn ta bật khóc

Rượu này có nước mắt pha!

Tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ này nhiều lần, rất lấy làm thú vị, chí lý và hiểu được tại sao Bài thơ lại được tuyển in trong bộ “Nghìn năm thơ Việt (1010-2010)”, một công trình văn hóa đồ sộ ở tầm cao. Thật vinh dự cho bạn mình và cũng thỏa mong ước của chính mình. Tôi nghĩ bài thơ không “vô đề” mà có đề, chẳng hạn “Rượu thơ” hay “Uống rượu”. 12 câu thơ được chia thành sáu cặp. Tính đối xứng được bảo đảm trong từng cặp. Mỗi cặp mang một ý khác nhau.

Nhưng tổng hòa lại thành cả bài thơ cho ta cảm xúc khoan khoái đa nhiều: Bắt đầu là những vần thơ khoan thai, ít nghĩ ngợi, uống đã…; rượu ngon càng uống càng vào, càng vào càng thêm ngất ngây, càng ngất ngây càng hay lý sự, lý sự trong chao đảo, lúc hồn nhiên, lúc cao đạo, ngộ rằng cả vũ trụ, đất trời nằm trong chén rượu, uống cạn chén rượu nơi đất trời in bóng để thu cả trời đất, cả tâm linh vào lòng, cuối cùng nhận ra, ngộ ra có em, có tình yêu rất sâu, rất lắng, bồn chồn, lo âu nơi đáy chén.

Tôi rất thích đàm đạo với anh Nhị và bè bạn về thơ nói chung, thơ anh nói riêng, tất nhiên chỉ với góc nhìn của người làm toán, ngoại đạo, chỉ mới hiểu biết cảm tính. Có lần anh nói với tôi: “Anh ạ, em có cái mũi ngửi văn khá thính”. Chúng tôi thường đọc để cùng nghe, cùng bình những câu thơ, những ca từ hay, để trầm trồ, để ngẫm và nghĩ, để hành động và, nhiều khi, để khóc.

Trong bài thơ “Thú nhàn” của Nhà thơ Cao Bá Quát (1809–1855) có câu: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng”. Anh Nhị và tôi đều rất thích câu thơ này. Tôi đã mạo muội diễn giải nôm na, chẳng hạn, một ý của câu thơ trong thời hiện đại như sau: Một con người thông minh giàu bản ngã có thể khai thác nhiều vô tận kho tàng trí tuệ của nhân loại, nhất là trong thời đại IT/ICT ngày nay.

Nguồn thông tin, dữ liệu, trí tuệ chung của cả loài người nằm trong kho chung của cả thế giới. Ai khôn ngoan biết sử dụng Google, internet thì người đó “giàu có” vô hạn. Vì “thông tin là quyền lực” (“information is power”).

Rồi những lời ca Quan Họ, thương và nhớ đứt ruột, cả đau nữa, đến đứt lòng: “Chiều hôm mây kéo tối sầm, Một mình em chịu hàng trăm cơn sầu”, “Còn duyên kẻ đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”. Rồi những bài về mẹ chảy nước mắt: “Mẹ ơi con đã già rồi, Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con... Mẹ ơi thế giới mênh mông, Mênh mông không bằng nhà mình, Dù cho phú quý vinh quang, Vinh quang không bằng có mẹ” (lời bài hát “Mẹ tôi” của Trần Tiến).

Rồi ca từ giản dị như không có thơ nhưng đẫm thơ, quỷ thần mang tới cho Trịnh Công Sơn: “Em hãy ngủ đi, ngoài phố kia loài người đã về”, Lê Minh Sơn: “Những con kiến chân đất bò trên đất, Những con cò chân không đạp khoảng không”,...

Bây giờ ta trở lại với thơ Bùi Mạnh Nhị. Tôi thích thơ anh vì phong cách vừa dân dã vừa hàn lâm, vừa cụ thể vừa trừu tượng, không dung tục nhưng gợi cảm, kích thích trí tưởng tượng hình khối, hương vị, màu sắc, đa chiều của bạn đọc. Thơ anh kiệm lời, kiệm chữ. Anh viết từ tốn, chọn lựa và khó tính, “đẻ” chậm nhưng chắc.

Như anh lấy vẻ đẹp thiếu nữ xuân thì mà ký họa cảnh Đà Lạt “Ai vén sương mù lên Đà Lạt, Có thấy mùa thu phủ ngực hồ, Ai xức hoa rừng lên má núi, Có thấy đồi thông ngước ngẩn ngơ...”, hay ký họa sông Hồng Hà Nội: “Đêm nay sông Hồng gối đầu vào cơn mưa nằm ngủ”. Có thể vì anh làm thơ và thưởng thức thơ với nhiều vai, nhiều góc nhìn: Một nhà khoa học, một TSKH nghiên cứu về ca dao Việt Nam và một học sinh, một người làm thơ từ cánh đồng chiêm trũng Vụ Bản, Núi Gôi Nam Định.

Có lẽ do có sẵn chất văn hóa, nghệ sĩ, lại có giọng ấm, khỏe anh đọc sớ hay làm MC bất đắc dĩ đều tròn vai. Anh kể: Do hồi niên thiếu, cứ ngồi dệt cửi là mang sáo ra thổi nên lồng ngực trữ hơi rất tốt. Hôm Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước làm Lễ Dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội trước Lễ Công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015 ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, anh đọc Chúc văn dâng hương (do PGS. TS. Trần Thị Hà dự thảo) đúng cái giọng của các cụ ngày xưa trong nhịp chiêng trống rất huyền thoại của nhà đền. GS. BT Phạm Vũ Luận, GS. Bùi Chí Bửu, GS. Phạm Gia Khánh, GS. Hà Huy Khoái, GS. Vũ Minh Thục và tân GS. Lê Thị Thanh Nhàn cùng các tân GS, PGS đại diện đều ngạc nhiên, thích thú. Tôi bảo anh: Từ năm sau, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước không nhờ MC nào hết, chỉ Bùi Mạnh Nhị!

Anh Nhị kể lại: “TS. Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng thích bài thơ này của em”.

"Một kỷ niệm về thơ với Bùi Mạnh Nhị và Nguyễn Vinh Hiển" - 3

TS. Nguyễn Vinh Hiển.

Khi giao lưu văn nghệ ở Bắc Cạn (Bắc Kạn), anh Hiển đọc “Uống cho cạn ly đầy”, nhưng khi giao lưu ở Cao Bằng lại đọc “Rót cho đầy ly cạn”. Và tất nhiên, anh Hiển cũng luôn đọc hai câu mà nhờ có anh góp ý, em mới viết tiếp được “Rót cho đầy vĩnh cửu, Uống cho cạn thoáng qua”.

Nếu để ý ta sẽ thấy anh Nguyễn Vinh Hiển đã trích dẫn thơ Bùi Mạnh Nhi khá tinh tế. Từ Bắc Cạn sang Cao Bằng, từ cặp chữ cái BC đổi sang CB, anh Hiển đã đổi từ câu thơ “Uống cho cạn ly đầy” sang câu thơ đối xứng của nó “Rót cho đầy ly cạn”. Anh Hiển đi công tác lên miền núi, uống nhiều rượu rồi mà vẫn còn tỉnh táo đến thế thì quả là đáng khâm phục!

Một hôm Chủ Nhật, giữa mùa Đông, PGS. TS. Trần Quang Quý (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT), PGS. TS. Trần Thị Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học) và TS. Lê Thị Phương Hồng (Phó Vụ trưởng, Chánh VP Ban Cán sự Đảng) đã cùng với tôi về thăm quê anh Hiển ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Bố vợ tôi cũng quê Hải Dương nhưng ở huyện Chí Linh.

Mỗi năm khi mùa hè về, anh Hiển đều gửi cho tôi và một số bạn, mỗi người một hộp các tông to đựng vải Thanh Hà, Hải Dương. Nhận được quà quê hương từ anh Nguyễn Vinh Hiển, tôi xúc động và đã ứng tác rồi gửi anh hai câu thơ lục bát sau đây qua điện thoại di động thay lời cám ơn: “Hải Dương có vải Thanh Hà, Bộ ta có chú đúng là Hiển Vinh”.

Lần này về quê Anh giữa mùa Đông, thay vì ăn vải mùa hè, chúng tôi được anh Hiển và chị Hồng mời thưởng thức món rươi đặc sản rất ngon của Hải Dương vào đúng mùa rươi, ở quán Vụ Xuyên, Cầu Xe, bên cạnh một dòng sông đào thời Bắc Hưng Hải. Chả rươi, có lẽ bây giờ, ngon nhất cả nước là ở đây chăng! Chúng tôi lại cùng nhau nhắc lại hai câu thơ lục bát nói trên. Nhờ món rươi gợi ý, tối về đến nhà, học cách Bùi Mạnh Nhị, tôi đã cố làm tiếp hai câu lục bát nữa cho trọn bộ, trọn tình, trọn nghĩa với bạn mình: “Hải Dương có vải Thanh Hà, Bộ ta có chú đúng là Hiển Vinh, Ở lâu thêm hiểu ta – mình, Rươi thơm vải ngọt nhắc tình Hải Dương”.

GS. TS. Trần Văn Nhung

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 70 năm, nhưng những sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn còn vang vọng mãi với non sông đất nước, là niềm tự hào của con dân nước Việt. Đọc lại những trang hồi ký của các cựu chiến binh, chúng ta càng thêm xúc động trước những câu chuyện thú vị của một thời oanh liệt. Và theo năm tháng những con người nhân ch

Dự báo giá vàng ngày 9/5: Tiếp tục lao dốc

Dự báo giá vàng ngày 9/5: Tiếp tục lao dốc

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, đối tác quản lý Ryan McIntyre của Sprott Inc đánh giá cao sức mạnh của vàng và dự báo các nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua vào khi giá giảm.