Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo

Mười ba năm trước, tôi đến thăm và tặng sách ảnh “Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh” cho Giáo sư – Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Cuốn sách in ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, mang tầm cỡ đối ngoại. Trong sách có dành một số trang để in ảnh chân dung và phỏng vấn ông, đồng thời cũng xin ông đôi chữ nhận xét về ấn phẩm ấy. Ông mở xem ngay và cảm tưởng đầu tiên là rất hài lòng vì sách in đẹp, chất lượng cao, bắt mắt và bước đầu đã gây được sự chú ý với người đọc.

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 1

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo.

Ông mời tôi uống nước và hẹn tuần sau đến lấy đôi lời nhận xét. Theo đúng hẹn, ngày 25/5/2001 tôi đến gặp ông. Giữa cái nắng trưa hè, ông vẫn cặm cụi lật giở từng trang sách bên chiếc bàn nhỏ có những chiếc ghế mây giản dị, xinh xắn. Bên cạnh là hồ sen nhỏ tự tạo, những bông hoa sen đang nở rực rỡ, màu hồng rực, in trên mặt nước hồ xanh, vẳng có tiếng ve kêu và gió hiu hiu thổi. Nhìn thấy tôi, ông nở nụ cười hiền:

- Theo đúng hẹn, hôm nay tôi gửi chú cái “đáp án” về cuốn sách”. Chưa đầy một trang nhưng ông viết về tầm vóc con đường chiến lược với cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rồi mới đi thẳng vào vấn đề nhận xét cụ thể: “...Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh” do đồng chí Hoàng Kim Đáng chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản, thể hiện một cách sinh động những khoảnh khắc quý giá, đậm nét sử thi, có giá trị nghệ thuật khác với các cuốn sách chỉ nói bằng lời. Hình ảnh có giá trị thuyết phục, không ai có thể xuyên tạc được...

- Tôi viết như thế chú thấy thế nào?

- Giáo sư Thảo đặt bút viết chỉ có thể “trên cả tuyệt vời” thôi!

Ông cười.

- Hôm nay đến lượt tôi tặng sách chú. Nói rồi ông đứng dậy rút một cuốn sách mới xuất bản “Bàn về Nghệ thuật quân sự” do NXB Chính trị Quốc gia vừa ấn hành, viết đôi lời rồi ký tặng.

Ở tuổi gần 80 nhưng ông vẫn rất phong độ, uy nghi, điềm tĩnh. Người ông cao to. Đôi lông mày rậm, vẫn toát lên vẻ oai phong như một dũng tướng thời chiến trận.

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 2

Chân dung Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo.

Từ Tạ Thái An đến Hoàng Minh Thảo

Hoàng Minh Thảo, tên thật là Tạ Thái An, sinh ngày 25/10/1921 tại thôn Cao Xá, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Tạ Quang Khai - cha ông là một người yêu nước. Gia đình sinh sống bằng nghề thợ may, rất nổi tiếng ở quê hương. Ông sớm nhận biết con mình thông minh dĩnh ngộ, từ nhỏ đã có đôi chút tư chất khác với trẻ em cùng trang lứa.

Địch đã bắt đầu phát hiện thấy cha ông rất có nhiệt tình ủng hộ cách mạng nên sớm muộn cũng bị chúng bắt bớ nên đành phải rời bỏ quê hương ra Hòn Gai và một thời gian sau, gia đình ông chuyển lên vùng rừng núi Thất Khê – Lạng Sơn để làm ăn sinh sống. Năm 13 tuổi, Thái An được cha gửi về Hà Nội nhập học ở Trường tư thục Thăng Long (còn gọi là Trường Bưởi) – nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Tại đây, Tạ Thái An được học từ các thầy nổi tiếng, tài năng uyên bác như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám (là Hiệu trưởng), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 3

Thượng tướng, Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo tiếp Đại tá, Sư đoàn trưởng Phan Hữu Đại tại nhà riêng. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng)

Vừa học, vừa tìm hiểu về cách mạng qua sách báo từ Mặt trận bình dân bên Pháp chuyển sang. Địch phát hiện thấy cậu bé Tạ Thái An đọc sách có nội dung cách mạng, chúng bắt An tra khảo. Câu nói nổi tiếng đầu tiên làm cho kẻ địch ngỡ ngàng và đuối lý, không tìm ra bằng chứng, chúng đành phải thả. Câu nói nổi tiếng ấy là: “Cuốn sách tôi đang đọc được bày bán la liệt ở các cửa hàng sách sao các ông không cấm, không tịch thu; lại bắt tôi và đánh đập vô cớ?”. Cũng từ giờ phút này cậu bé An chính thức tìm đến với cách mạng.

Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, Tạ Thái An được Bác chọn cho đi học tại Trường võ bị quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) cùng với một số thanh niên yêu nước như Hoàng Văn Thái, Vũ Lập, Đàm Quang Trung, Nam Long... sau này họ đều trở thành những tướng quân nổi danh, cả kẻ địch và ta đều biết tiếng. Thời gian học ở Trung Quốc, Tạ Thái An được Bác Hồ yêu quý, đặt cho cái tên rất đẹp: Hoàng Minh Thảo. Hoàng Minh Thảo, tên mới này bắt đầu được dùng từ đây.

Về nước hoạt động, ở tuổi 24 Hoàng Minh Thảo đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh chiến khu III, thay tướng quân Nguyễn Bình được Bác Hồ giao trọng trách vào miền Nam công tác. Chàng thanh niên 24 tuổi Hoàng Minh Thảo bắt tay ngay vào việc tiễu phỉ khá hiểm nguy nhưng rất thành công bởi sách lược dùng quân sự kết hợp với binh vận thuyết phục được bọn chúng đầu hàng,nhanh chóng dẹp yên và giải phóng một vùng biên ải rộng lớn.

Năm 1946, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, chúng bắt đầu gây hấn từ Hải Phòng. Hoàng Minh Thảo trực tiếp tổ chức chỉ huy chiến đấu, ghìm chân địch theo mệnh lệnh của Võ Nguyên Giáp và được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Liên khu IV.

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 4

Bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo (ngoài cùng bên phải) Ảnh tư liệu.

Năm 1950, ở tuổi 29 ông được trao chức Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, một trong những Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Đại đoàn 304 lập được nhiều chiến công vang dội ở chiến trường Trung Lào, Hạ Lào, cánh đồng Chum... làm nhiệm vụ kìm chân địch, cắt đứt đường chi viện của quân Pháp cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đánh thắng đến đâu, Hoàng Minh Thảo liền viết tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ huy chiến đấu, sau này trở thành những trang giáo khoa thư chiến tranh trong quân sự Việt Nam.

Đầu năm 1954, ông được giao làm Hiệu trưởng trường bổ túc Quân Chính ở Bắc Sơn chuyên đào tạo sĩ quan chỉ huy chiến đấu của quân đội ta, đến năm 1956 tên trường chuyển thành Trường quân sự Trung cao, Học viện Quân sự, nay là Học viện Lục quân Đà Lạt. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông trở lại chiến trường và sớm trở thành một vị tướng trẻ, được “cắm chốt nằm vùng” suốt 10 năm ở núi rừng Tây Nguyên. Tên tuổi Hoàng Minh Thảo được gắn với những chiến dịch Đắc Tô I, Đắc Xiêng, Đắc Tô – Tân Cảnh (Đắc Tô II) rồi Đại thắng ở Buôn Mê Thuột, ở Tây Nguyên làm cho Mỹ ngụy khốn đốn trước thế cờ đảo ngược, đánh điểm, diệt viện, kẻ địch không biết đâu mà phán đoán rồi ông bày thế cờ dụ địch ra mà tiêu diệt gọn. Tên tướng Mỹ Jac-lô Timmet, cố vấn quân sự tối cao cho Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên cũng bị lừa một cách ngoạn mục. Timmet phải thú nhận: “Bằng chiến thuật nghi binh qua làn sóng điện, “Việt Cộng” đã lừa được đối phương rất thành công”.

Từ thực tiễn, ông đúc kết thành lý luận:

“Mưu cao nhất là mưu lừa địch

Kế hay nhất là kế điều địch

Thế tốt nhất là thế chia cắt địch

Thời đẹp nhất là lúc địch ít phòng bị

Mưu sinh ra kế - thế đẻ ra thời”

Kế hoạch tác chiến càng công phu, kỹ càng bao nhiêu thì thắng lợi cũng dễ bấy nhiêu. Thế trận càng phức tạp thì tình huống diễn ra càng đơn giản... Đó là biện chứng pháp trong nghệ thuật chỉ huy quân sự, cũng là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Lịch sử quân sự Việt Nam ghi nhận nhiều chiến công vang dội trên mặt trận Tây Nguyên do ông được cử làm Tư lệnh mặt trận. Không chỉ ở Tây Nguyên, ông còn giúp các nước bạn như Cách mạng Lào – Campuchia anh em có bước phát triển mới, mở rộng vành đai vùng giải phóng Lào – Campuchia, tạo nên sự liên hoàn nối liền mạch máu giao thông chi viện từ hậu phương miền Bắc thông suốt đến tận đồng bằng Nam Bộ.

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 5

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo trong đời thường. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng)

Từ năm 1973, sau đại thắng “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” ở miền Bắc, chiến thắng lớn trên toàn miền Nam, Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng đã chuẩn bị kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là một trong những người được mời tham gia việc hoạch định kế hoạch này.

Ông là một trong những người đầu tiên đề xuất chiến dịch mở màn trong Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, mở đầu là Tây Nguyên, ở Buôn Mê Thuột. Ngày 8/1/1975 Bộ chính trị đã thông qua hoạch định chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976 và nếu thời cơ thuận lợi thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương thông báo quyết định của Bộ chính trị về việc mở màn chiến dịch bắt đầu từ Tây Nguyên. Tham dự có các đồng chí: Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo và cử Thượng tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên. Trong hồi ký của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ghi rõ sự kiện này.

Sau lần được ông tặng sách, tôi lại đến gặp chỉ đề cập đến một câu hỏi thôi:

- Thưa anh, em đã đọc cuốn “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng” do NXB quân đội nhân dân tái bản năm 2004 của anh nhưng hình như anh né tránh nói đến vai trò của vị Tổng tư lệnh, như vậy có khiêm tốn quá không?

Ông cười:

- Chiến thắng Tây Nguyên quá lớn. Bộ Tư lệnh chiến dịch đâu chỉ mình tôi. Ngoài Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, còn có Chính ủy Đặng Vũ Hiệp, các Phó tư lệnh như Vũ Lăng, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang, Phan Hàm. Phó chính ủy, Thường vụ khu ủy khu V là anh Bùi San cùng một bộ sậu trong Bộ Tổng tham mưu bên cạnh Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Trong chiến dịch Tây Nguyên chọn hướng đánh Buôn Ma Thuột cũng là suy nghĩ của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị nữa chứ, đâu chỉ của mình tôi”.

- Thưa anh, trong lịch sử chiến tranh, nhiều trận đánh hay đã được ghi vào sử sách, vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam, như trận Bạch Đằng đánh quân Nam Hán; trận trên sông Như Nguyệt chống quân Tống; trận Chương Dương – Hàm Tử, Tây Kết, trận Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên – Mông; trận Chi Lăng – Xương Giang chống quân Minh; trận Ngọc Hồi – Đống Đa chống quân xâm lược nhà Thanh; chiến thắng Biên giới, chiến thắng Điện Biên Phủ chống thực dân Pháp; chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh trong chống Mỹ. Những trận đánh kinh điển, thắng vang dội như vậy thường gắn liền với tên tuổi của các vị tướng như Ngô Quyền, lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... Vậy Hoàng Minh Thảo với Tây Nguyên, tại sao không?

- Chú thông cảm, việc này để thế hệ sau phán xét. Chú yên tâm đi, lịch sử trước và sau cũng rất công bằng, tôi tin là như vậy.

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 6

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh tư liệu 

Lại trở về đúng với cương vị của mình

Biết rõ khả năng sở trường của Hoàng Minh Thảo, năm 1976 tổ chức lại

đưa ông về đúng với việc nghiên cứu, giảng dạy với cương vị Viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt (1976-1977). Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11 năm 1981 là Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1977, ông làm Viện trưởng Học viện Quân sự Cấp cao (Bộ Quốc phòng), nay là Học viện Quốc phòng Việt Nam. Năm 1987, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ quốc phòng. Từ năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu.

Đến năm 1995, ở tuổi 74 ông nghỉ công tác quản lý nhưng vẫn tham gia rất nhiều công việc: giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, hội thảo khoa học, viết sách, viết báo, các công trình nghiên cứu về khoa học và nghệ thuật quân sự... Đồng thời ông còn giữ các chức danh như: Ủy viên Hội đồng xét duyệt học hàm, học vị; Hội đồng chỉ đạo Bách khoa thư Nhà nước. Ông là tác giả của 16 công trình sách đã được xuất bản, có giá trị cao về khoa học và nghệ thuật quân sự.

Có những cuốn sách ông viết và xuất bản, phát hành rộng rãi trên toàn chiến trường đã trở thành cẩm nang cho cán bộ, chiến sĩ trước khi ra trận, như cuốn: “Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc” (1969 – 1971); “Sự thất bại của sức mạnh phi nghĩa” (1974), “Cách dùng binh” (1975)...

Trong đó có 8 cuốn sách là cụm công trình được Hội đồng xét giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đánh giá là: “Đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao, sử dụng từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học công nghệ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Cụm công trình này, năm 2005 đã được trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ”.

Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tài chỉ huy đánh giặc và nghiên cứu thành công nhiều công trình lý luận khoa học và nghệ thuật quân sự, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều Huân chương cao quý khác. Ông được phong học hàm học vị giáo sư đầu tiên trong quân đội danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Hơn 60 tuổi Đảng, dù bất kỳ ở cương vị nào, ông vẫn xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ”, sống một cuộc đời thanh sạch, giản dị, sâu nặng nghĩa tình đồng đội, đồng chí, tình quê hương đất nước, người Đảng viên gương mẫu, luôn học tập, rèn luyện và tu dưỡng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Đại tá Vũ Mạnh Thu nhận định: “Tôi trưởng thành như ngày nay là nhờ cụ Thảo. Cụ đúng là “Tướng của các vị tướng, thày của các thày”. Trung tướng Nguyễn Ngọc Thanh (nguyên Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng) nói: “Tôi cũng là học trò cưng của cụ Thảo. Cụ Thảo là Giám đốc Học viện liên tục tới 12 năm. Các tướng lĩnh nổi tiếng của Việt Nam chủ yếu được đưa về đây đào tạo thành Sư đoàn trưởng như Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Lê Linh, Trung tướng Nam Long, Trung tướng Hoàng Kiện”.

Tôi học từ khóa I. Cùng học với tôi, sau này nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ chỉ huy chiến lược của nhà nước Việt Nam như Đại tướng Phạm Văn Trà (Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Ủy viên Bộ chính trị), Thượng tướng, giáo sư - viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu (Thứ trưởng Bộ quốc Phòng), Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên  Ban chấp hành Trung ương Đảng. Kế tiếp các khóa sau này như Đại tướng Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Ủy viên Bộ chính trị), Đại tướng Lê Văn Dũng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Ủy viên Bộ chính trị), Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đương nhiệm)…

Có thể nói, Viện Chiến lược Quốc phòng, trước đây là Viện chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng cùng với tên tuổi Thượng tướng, giáo sư, nhà giáo nhân dân, Viện trưởng Hoàng Minh Thảo được xem là lò đúc nhân tài quân sự cho quân đội, cho đất nước.

Ngày 8/9/2008 ông đột ngột từ trần do tuổi cao, sức yếu, thọ 87 tuổi. Ông mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, cho họ hàng nội ngoại, đồng  đội, đồng chí, đồng bào, nhất là nhân dân Tây Nguyên, nơi diễn ra cuộc tiến công chiến lược toàn thắng.

Giáo sư, Thượng tướng, nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo mất đi là một tổn thất lớn lao cho quân đội ta, cho đất nước và cho nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Để lại tiếng thơm còn mãi

Có những nhân vật mất đi, lịch sử và nhân dân sẵn sàng quên lãng; thậm chí còn bị dư luận lên án nhưng Tạ Thái An hay Hoàng Minh Thảo mãi mãi được nhân dân tôn kính, Tổ quốc ghi nhận như một người con anh hùng của một dân tộc Việt Nam anh hùng.

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 7

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo (2001). (Ảnh: Hoàng Kim Đáng)

Trên bàn thờ của ông có một đôi câu đối chữ Nho của cựu đại tá Đinh Thế Hinh như sau:

“Làm tướng, làm thày, làm điều hiếu nghĩa

Dạy quân, dạy đạo lý, dạy văn hóa làm người”

Năm 2016, Bộ Quốc phòng, Viện Chiến lược Quốc phòng, Tổ chức UNESCO Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học mang tên: “Thượng tướng, giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo – Nhà nghệ thuật quân sự, nhân văn trong di sản Văn hóa Việt Nam”. Hội thảo đã nhận được 50 bản tham luận từ các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các bản tham luận đề cập đến Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ông là một vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam; Nhà giáo nhân dân có đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo các cán bộ cao cấp cho quân đội; Nhà nghiên cứu khoa học quân sự có nhiều đóng góp cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, Nhà sử học, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo nền văn hóa dân tộc vào thực tiễn Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc viết:

“Giáo sư - Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là một Tư lệnh chiến trường tài giỏi, với nhiều chiến công hiển hách tại chiến trường Tây Nguyên năm 1975. Ông còn là nhà sử gia quân sự lỗi lạc. Nhãn quan sử học của tướng Hoàng Minh Thảo đã khiến ông trở thành một bậc thầy cả về lý luận và thực tiễn của nghệ thuật dụng binh. Đó là nghệ thuật sử dụng không gian và thời gian mở chiến dịch, nghệ thuật xác định hướng chọn mục tiêu tiến công, vận dụng thành công các bài học lịch sử khiến ông luôn luôn chủ động về chiến lược phán đoán, dự báo âm mưu và hành động của đối phương để nắm thế chủ động về sử dụng lực lượng thế trận và cách đánh”.

Hai chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt” và “Vận động bao vây, tiến công liên tục” là sáng kiến của chính ông đã được ký giả Mỹ Neil Sheehan ghi nhận: “Đây là những chiến thuật đánh dập đầu rắn, lúc nào cũng mới vì sử dụng binh bất ngờ, được sáng tạo và dẫn dắt bởi một trong những tướng giỏi nhất Việt Nam là Hoàng Minh Thảo”. “Ông là một nhà lý luận quân sự, trong ông là cả một kho tàng kinh nghiệm, thực tiễn lịch sử...”

Thượng tướng – Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo - 8

Thủ đô Hà Nội đã có con đường mang tên Hoàng Minh Thảo. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng)

Thời thế, thế thời đã tạo ra Hoàng Minh Thảo đánh đông dẹp Bắc, trăm trận trăm thắng, trở thành Thượng tướng Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên dũng mãnh, góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ Tạ Thái An trực tiếp cầm súng chiến đấu đến Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là một danh tướng văn võ song toàn. Ông là một trong những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là một nhân vật gần như huyền thoại trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất