Ngày xuân nghĩ về nét hào hoa thanh lịch của người kinh đô xưa

Không biết tự bao giờ đã truyền tụng những câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An”. Từ lâu người dân Thăng Long - Hà Nội chẳng cần biết câu ca của ai mà mặc nhiên coi như nói về phẩm hạnh của mình, khẳng định, ngợi ca sự hào hoa, thanh lịch của người Kinh đô với niềm tự hào chính đáng. Vậy “người Tràng An” là người ở đâu mà trở thành chuẩn mực của vẻ đẹp thanh lịch, được người dân Thăng Long - Hà Nội ngưỡng mộ, đem ra để so sánh?

Có nhiều ý kiến cho rằng: Tràng An nay là thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vốn là Thủ đô của Triều đại nhà Đường (618 – 907). Thuở ấy, Tràng An là một trung tâm thương mại quốc tế, tập hợp thương nhân của hàng chục nước, là nơi hội tụ anh tài thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đến Tràng An để trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm sáng tạo. Các nhà tư tưởng và văn hóa đời Đường cũng say mê tiếp thu những tư tưởng triết học, âm nhạc, vũ đạo, kiến trúc, kể cả cách chế tạo y phục, nấu nướng ẩm thực… của Ba Tư, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á khác. Khi ấy, có một hiện tượng được gọi là “nghệ thuật hóa”: người ta đua nhau làm đẹp cho con người và cuộc sống. Dân trí Tràng An nhanh chóng được nâng cao. Họ trở thành một kiểu mẫu thanh lịch, tao nhã và nền văn hóa, nghệ thuật cao sang bậc nhất đời Đường.

Ngày xuân nghĩ về nét hào hoa thanh lịch của người kinh đô xưa - 1

Người Hà Nội xưa và nay thanh lịch trong tà áo dài. Ảnh tư liệu

Trải qua triều đại nhà Đinh tại Hoa Lư - Ninh Bình, Hoàng đế Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu), về định đô nơi có rồng vàng cuộn bay lên và gọi Kinh đô của Đại Việt là Thăng Long, cái tên đẹp của con Rồng, cháu Tiên. Từ thuở ấy, Thăng Long dấn thân vào lịch sử hào hùng để bừng lên hào khí Thăng Long. Thăng Long qua thăng trầm của lịch sử hơn nghìn năm, chung đúc khí hạo nhiên của dân Việt mà dịu dàng hình thành cốt cách hào hoa, thanh lịch của người Thăng Long, người Hà Nội, tự hào đối sánh trên tầng cao với sự thanh lịch của người Tràng An đời Đường:

Đấy vàng, đây cũng đồng đen, 

Đấy hoa sói trắng, đây sen Tây Hồ

Liệu “vàng”, có quý hơn “đồng đen”?, “Hoa sói trắng” có sánh được với “Sen Tây Hồ”? Đối sánh như thế cũng là cách để tỏ rõ ý chí tự cường, tự hào, bình đẳng giữa con người Kinh đô Đại Việt với con người của kinh đô nước khác. Còn thực chất, cốt cách hào hoa thanh lịch giữa người Thăng Long - Hà Nội với người Tràng An đời Đường không hề đồng nhất. Đâu dễ ngày một, ngày hai đua đòi, bắt chước mà có ngay được cốt cách, phong độ hào hoa, thanh lịch cho người dân thủ phủ một quốc gia. Thăng Long - Hà Nội chung đúc hồn thiêng sông núi, khí hạo nhiên của con người Đại Việt hàng mấy ngàn năm mà thành vẻ đẹp hào hoa thanh lịch.

*

Người Thăng Long - Hà Nội mang cốt cách hào hoa, thanh lịch của người Đại Việt: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi).. Các thế hệ trai thanh gái lịch của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm có một phẩm cách chung nhất, đó là: Anh hùng mà nghệ sĩ, gian khổ mà vẫn hào hoa. Đó là những người lên ngựa cầm thương, xuống ngựa cầm bút; lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa.

Có một chàng trai Thăng Long, sinh ở phường Thái Hòa (bây giờ là phố Hoàng Hoa Thám). Đó là Ngô Tuấn. Thầy dạy muốn Ngô Tuấn tài giỏi kiệt xuất nên đặt tên cho trò là Ngô Thường Kiệt. Lúc trưởng thành, Ngô Tuấn rất giỏi, ông cầm quân đánh tan quân xâm lược Tống hai lần, giữ yên bờ cõi. Ông được vua ban họ Lý, gọi là Lý Thường Kiệt. Ông để lại cho dân tộc ta bài thơ “tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng:

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Thượng tướng Trần Quang Khải (1241 - 1294) là con trai thứ ba của Vua Trần Thánh Tông. Ông có công lớn trong  hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông, Nguyên (1284 - 1285; 1287 - 1288), đặc biệt là trong chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử. Trần Quang Khải là người học rộng biết nhiều, một võ tướng lại là một thi sĩ có những vần thơ “sâu xa lý thú” (lời bình của sử gia Phan Huy Chú). Muôn đời sau còn truyền tụng bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư hào sảng của ông:

Đoạt sóc Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san

Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) trước là môn khách, sau là con rể của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Ông có công lớn trong kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên. Là võ tướng từng luyện võ ở Sảnh võ đường Thăng Long, Phạm Ngũ Lão lại có cốt cách, phong độ nghệ sĩ. Sinh bình, ông có nhã thú đọc sách, ngâm thơ, và từng được mệnh danh là người văn võ toàn tài. Ông để lại một số bài thơ, trong đó có bài Thuật hoài nổi tiếng:

Hoành sóc giang san kháp kỷ thu, 

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu. 

Những chàng trai Thăng Long hào hoa, thanh lịch, hào hùng như thế xuất hiện qua các thế hệ của ngàn năm Thăng Long, đời nào mà chẳng có.

“Trai thanh” đăng đối với “gái lịch” như vế đối sơn thủy hữu tình, như Nùng Sơn đối với Nhị Hà của Đế đô Thăng Long. Khi kể về gái lịch đất Thăng Long, ta không thể quên nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà Chúa thơ Nôm có cái tên rất đẹp này sinh trưởng ở đất Thăng Long. Thân phụ, thân mẫu ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận. Nguyễn Hữu Tiến viết: “Nhà nàng trông xuống Hồ Tây”, lại chú thêm: “Sau, Xuân Hương có thiên ra ở thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, bây giờ là phố Nhà Thờ, gần đền Lý Quốc Sư. Tương truyền, nữ sĩ có dựng  bên Hồ Tây một ngôi nhà và gọi tên là “Cổ Nguyệt đường”. Đọc thơ Nôm của Nữ sĩ, ta thấy được tính cách thanh lịch đặc biệt độc đáo của nữ lưu Thăng Long. 

Bà Huyện Thanh Quan người làng Nghi Tàm, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Phu quân của Bà là Lưu Nghi, người làng Nguyệt Áng, đỗ Cử nhân năm 1821, được bổ làm Tri huyện Thanh Quan. Những bài thơ của bà rất tao nhã, đài các, mẫu mực, trong đó những bài thơ nức tiếng như Thăng Long thành hoài cổ, Chiều hôm nhớ nhà, Qua đèo Ngang tức cảnh. Dưới triều Tự Đức, kiệu từ Kinh đô Huế ra Thăng Long đón bà vào Kinh nhậm chức Cung trung giáo tập để dạy các công chúa, cung phi lễ nghi, thù tiếp. Bà là khuôn vàng thước ngọc trong đời sống giới quý tộc và trong cả văn chương. 

Kể sao cho xiết tài tử, giai nhân, anh hùng, nghệ sĩ thuộc các thế hệ trai thanh, gái lịch của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

*

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm xưa nay hào hoa, thanh lịch trong nết ăn nết ở, trong nếp sống và nếp làm ăn.

Ngày xuân nghĩ về nét hào hoa thanh lịch của người kinh đô xưa - 2

Người phụ nữ Hà Nội trong tà áo dài xưa.

Từ một làng ven sông Tô, trải ngàn năm lịch sử không ngừng lớn lên thành huyện, thành tỉnh, rồi vụt sáng lòa ánh sáng kinh đô Đại Việt đầu thế kỷ XI. Thăng Long có Thành Nội, thành Long Phượng, có Đại La làm thành lũy chống giặc ngoại xâm và ngăn giặc lũ. Đê La Thành hơn 30km bao lấy 61 phố phường thủ công, buôn bán và 13 trại rau, trại lúa, trại hoa của kinh thành từ thời Lý, thời Trần, thời Lê... Thăng Long đất đai màu mỡ, được phù sa Nhị Hà tưới tắm, con người khéo lam làm nên có đủ của ngon, vật lạ: “cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì”, “dưa La, cà Láng”, “ớt Đình Công, nhãn lồng làng Quang”, “ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây”, “giò Chèm, nem Vẽ, chuối Sù”... Bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông đắp đổi là bốn mùa rau quả tốt tươi, hoa khoe hương sắc và in đậm tên vào đất Thăng Long: Chợ Mơ, Chợ Bưởi, Chợ Dừa, Cầu Muống, Cầu Dền, Cầu Cau... “Tốt lúa đồng Ngâu, tốt trâu Yên Mỹ”, “mạ Đơ Bùi, mùi kẻ Láng”... Người Thăng Long hay lam, hay làm, sành ăn sành mặc. Cho nên hào hoa, thanh lịch không phải chỉ có ăn chơi. Khéo làm mà có cái ăn ngon, khéo may mà mặc đẹp cho thanh lịch, cao sang. Dải đất phù sa ven sông Cái của Thăng Long tự cổ xưa xanh ngắt màu dâu để có “Một nong tằm là năm nong kén - Một nong kén là chín nén tơ”. Trại tằm tang Nghi Tàm thịnh vượng từ thời Lý: Sù Gạ thì giỏi chăn tằm/ Làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền.

Rồi từ đó mà có “Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng / May áo chàng vừa sóng áo em”. “Lụa Trúc, lĩnh Bưởi”; còn Trích Sài, Bái Ân là hai Phường dệt gấm nức tiếng.

Có lụa, có vải thì ắt sinh ra Hàng Bông, Thợ Nhuộm, Hàng Đào, Hàng Lam (nay là Hàng Ngang), phố Vải Thâm, vải nâu non Đồng Lầm (nay là Kim Liên). Kinh thành Thăng Long rực rỡ sắc màu của áo tứ thân mấy nếp, của thắt lưng hoa lý, hoa đào... Thêm một đôi dép cong và chiếc nón quai thao nữa là các thiếu nữ Kinh kỳ đượm vẻ thanh tao, “yểu điệu Thục Nữ”.

Kinh thành Thăng Long được thợ khéo trang hoàng thật lộng lẫy, nguy nga. Cung Vua gồm nhiều tòa nhà lớn và nhiều khu vườn rất rộng, có tường thành hai ba dặm bao quanh. Sảnh đường có những hàng cột lim đen nhánh nổi vân do dùng lá chuối khô đánh bóng. Những hàng cột bóng tới mức khiến ta có cảm giác như đi trong một tòa nhà bằng pha lê và kim cương của các truyện thần thoại.

*

Người Thăng Long biết lam làm, khéo léo mà cũng biết vui chơi tao nhã, lịch lãm, lành mạnh, bổ ích.

Từ thời Lý, thời Trần, thời Lê ... tinh thần thượng võ đã được đề cao. Thăng Long sớm có Sảnh võ đường. Vương hầu, quý tộc, tướng sĩ . . . đến đó cưỡi ngựa, bắn cung, luyện võ, đấu kiếm. Môn vật rất thịnh hành. Lò vật Mai Động nổi tiếng từ thời Hai Bà Trưng ; “Lò vật Quỳnh Đô, giỏ cua Cổ Điển” cũng là nơi đã huấn luyện nên những đô vật lừng danh cho xới vật Thăng Long. Trên sông Cái, sông Tô, sông Chèm, trên hồ Lục Thủy thường diễn ra các cuộc thi bơi. Bơi lặn, đua thuyền trên Đông Bộ Đầu vừa là thú chơi thu hút bao trai tráng, vừa là việc rèn luyện để chuẩn bị cho bao trận thủy chiến anh hùng.

Người Thăng Long ngàn năm nay thượng võ và trọng văn. Thi văn, thi võ để chọn anh tài văn võ song toàn. Trung tâm Văn chương là ở Văn Miếu và trường Giám ; đến thời Nguyễn là Ngọc Sơn và Đài Nghiên, Tháp Bút “viết lên trời xanh” (TẢ THANH THIÊN). Những cuộc bình văn được tổ chức ở trường Giám; những Đêm Thơ Trăng diễn ra ở Khán Đài. Khách Văn chương thỏa sức “nhả ngọc phun châu”, vung bút, “hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay”... Những cô gái đảm phủ Phụng Tiên bán rau quả, mua bút nghiên cho chồng theo nghiệp Nho, nuôi giấc mộng “kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau” 

Một Thăng Long nho nhã tiếp với một Thăng Long sùng Phật chí thiện. Hội Chùa, Hội Đình, Hội Quán... có nguồn gốc xa xưa của những nghi lễ nông nghiệp. Có Hội Xuân, Hội Thu, “xuân thu nhị kỳ”, cho nên có “gái tháng Hai, trai tháng Tám”.

Hội Mùa Xuân mở ra tưng bừng hàng năm. Mỗi phường phố đều dựng  cột đu; những tà áo, dây lưng đầy mầu sắc rực rỡ tung bay trong làn gió Xuân phơi phới. Có cả trò chơi kéo co, tung còn. Quả còn bằng bông, bằng lụa gấm, đính  giải lụa ngũ sắc bay qua bay lại hai phía trai thanh gái lịch. Đó cũng là dịp để đôi lứa giao duyên. Mùng 5 Tết mở tiệc Khai Hạ, quan liêu, dân chúng nô nức đi lễ Chùa, dạo chơi danh lam thắng cảnh. Đêm Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Thăng Long mở hội đèn Quảng Chiếu ngoài cửa Quảng Phúc (cửa Tây, mé Hội trường Ba Đình), muôn ngọn đèn lồng rực sáng đất trời. Các vị sư chạy đàn và cầu phúc.

Tháng Hai, Thăng Long dựng Đài Xuân biểu diễn chèo, tuồng ở sân khấu ngoài trời và chơi đủ các thứ trò vui khác gọi là “Bách hí”, cũng không bao giờ thiếu cờ tướng, cờ vây.

Tháng Ba, tiết Thượng tỵ là tiệc bánh trôi, bánh chay. 

Tháng Tư mùng tám là lễ Phật đản, Tiết tắm tượng Phật. “Trở về hội Láng, trở ra hội Thày”.. Mọi người hân hoan thả cá, thả chim, làm lễ phóng sinh cầu phúc.

Tháng Năm có Tết Đoan Ngọ, dân chúng ăn gạo nếp và hoa quả, hái cây cỏ làm thuốc chữa bách bệnh.

Hội Mùa Thu mở ra với tiết trời thanh nhẹ. Tiết Trung Nguyên thì lập Hội “Vu Lan bồn” siêu độ vong nhân.

Khi nước Thu dâng đầy sông hồ, Thăng Long mở hội đua thuyền, bơi chải trên sông. Trung thu là hội trông trăng rằm phá cỗ của trẻ thơ và phụ nữ, tiếng trống rộn ràng, có múa sư tử và rước đèn. Mùa hoa cúc cũng là mùa của ca xướng, của những trò xiếc, leo dây, múa rối. Múa rối cạn quanh chùa quán, múa rối nước trên hồ đầm, bãi sông, bến nước.. 

Tháng Mười là Tết Cơm Mới, tiếp đó là mùa đi săn. Ba mươi Tháng Chạp, Thăng Long dựng nêu. Tăng đồ, Đạo sĩ vào Cung làm lễ tống ma quỷ. Dân gian nổ pháo, dâng cơm rượu cúng Tổ tiên; đêm trừ tịch có diễn tuồng chèo. Giao thừa, trai gái nhà nghèo, quanh năm không cậy được mối lái, không sắm được sính lễ, yêu nhau cứ việc lấy nhau, thành vợ thành chồng đúng vào thời khắc thiêng liêng ấy của đất trời theo phong tục cổ. Đó là một phong tục nhân ái không hề trái với nếp sống thanh lịch của người Thăng Long.

Người Thăng Long - Hà Nội tài hoa, nghệ sĩ làm nên dòng tranh Hàng Trống độc đáo, nét vẽ điều phối cùng in gỗ với những sắc màu tươi tắn, rực rỡ. Những bức tranh Hàng Trống đẹp sang trọng kinh điển: tranh Tố Nữ, tranh “Lý ngư vọng nguyệt”, tranh hổ... Giữa tranh và đời có khi  nhập hồn vào nhau: có chàng Tú Uyên si tình đất Bích Câu mua được ở Cầu Đông - Tô Lịch bức tranh Giáng Kiều, và Người Đẹp từ trong tranh bước ra thành người thật, kết đôi với chàng ... 

Tiếng đàn bầu nỉ non, văng vẳng, ngân nga trong Cung điện triều Trần. Thăng Long Triều Lý có nàng Ả Đào nhan sắc chim sa cá lặn, giọng ca xếp Đệ nhất Giáo phường. Và điệu hát Ả Đào rất hay được sinh thành từ Thăng Long ngày đó, biến đổi qua thời gian, cho đến nay vẫn làm đắm say lòng người.

*

*        *

Thăng Long - Hà Nội tự ngàn xưa đến nay đã hội tụ, kết tinh khí thiêng sông núi sinh thành lớp lớp những Anh hùng cái thế, những Nghệ sĩ tài hoa, những Học giả uyên bác, những con người hào hoa, thanh lịch. Ngày nay, Đảng và Nhà nước hết sức chăm lo phát triển kinh tế làm cho dân giầu, nước mạnh, có thể sánh vai với cường quốc năm châu, đồng thời ưu tiên phát triển chiến lược con người kế thừa, tiếp nối tinh hoa Văn hóa Dân tộc, làm sáng lên vẻ đẹp của con người Việt Nam hào hoa, thanh lịch, anh hùng mà tuyệt vời Nghệ sĩ.

Đặng Tương Như

Những cánh diều bay mãi
Những cánh diều bay mãi

Quê tôi, dải đất miền Trung đầy khắc nghiệt nhưng cũng từ đó mà chất chứa nên vô vàn ký ức trong sâu thẳm tâm hồn....

Tin liên quan

Tin mới nhất