Những trải lòng đầy xúc động của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội

“Vì xa tổ quốc từ rất lâu rồi, tôi không dám viết bao quát toàn bộ, tôi viết về các thầy, từ một giọt nước tôi nhìn ra biển cả, từ thầy này tôi nhìn sang thầy kia, từ một góc trường tôi nhìn ra toàn bộ mái trường” – Đó là những lời tâm sự đầy xúc động của tác giả Nguyễn Huy Hoàng trong buổi ra mắt cuốn hồi ức "Trăm năm cũng từ đây", một cuốn sách viết về Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và những năm tháng thanh xuân của tác giả.

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng tâm sự, lần ra mắt cuốn sách "Trăm năm cũng từ đây" này chứa đựng nhiều cảm xúc và ý nghĩa với ông, bởi trong thời gian trọng bệnh ông đã nghĩ rằng mình không thể trở về để thực hiện dự định ra mắt cuốn sách. Trong những ngày “rất nhàn cư và muốn làm việc thiện”, ông đã viết lại tất cả những gì mình biết về Đại học Tổng hợp, về những người thầy đã cho ông tri thức, về những em sinh viên mà ông đã giảng dạy.

“Cuốn sách là hồi tưởng lại toàn bộ quãng thời gian tôi được sống với mọi người, tôi cùng với mọi người, mọi người cùng tôi. Những thầy giáo dạy tôi, tôi cam đoan rằng mình không quên bất cứ một ai” – Tác giả Nguyễn Huy Hoàng xúc động chia sẻ.

Những trải lòng đầy xúc động của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - 1

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về cuốn sách “Trăm năm cũng từ đây” của mình. (Ảnh: Huyền Thương)

Về việc lựa chọn nhan đề “Trăm năm cũng từ đây” cho cuốn hồi ức của mình, ông đã nhắc lại câu thơ “trăm năm trong cõi người ta” của Truyện Kiều. Trăm năm theo ông không phải là 100 năm, cũng không phải 99 năm cộng 1 năm mà trăm năm là một đời người. “Trăm năm cũng từ đây” có nghĩa là một đời người được bắt đầu từ đây - từ Đại học Tổng hợp.

Tâm sự với các bạn đồng môn đã từng cùng học tập và trưởng thành từ mái trường Đại học Tổng hợp tác giả Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Chúng ta nếu xét về chức vị, nếu xét về tiền tài, nếu xét về đẳng cấp có lẽ chúng ta là những người không thành đạt lắm nhưng nếu xét về góc độ là người có nhân cách, có trí tuệ thì chúng ta cực kỳ thành đạt và thành đạt đó từ đâu? Đó là từ Đại học Tổng hợp”.

Những trải lòng đầy xúc động của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - 2

Buổi ra mắt sách diễn ra trong không khí đầm ấm, thân mật, nhiều cảm xúc và khẳng định tinh thần "ôn cố tri tân" của Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. (Ảnh: Huyền Thương) 

Ở xa quê hương 35 năm, ông quan niệm “cái nhìn ở xa bao giờ cũng rất rõ”, khi chứng kiến nhiều giá trị dần dần bị mai một, ông trăn trở: “tôi sợ vô cùng rằng những thế hệ sau này không còn như xưa nữa”. Vì vậy, ông khẳng định thông điệp của cuốn sách: Hãy sống như những người cũ, những người lớn lên dưới thời khó khăn, thiếu thốn nhưng hành trang lại đầy ắp cái tình - tình cảm thầy trò - tình cảm giữa những con người với nhau.

Ông tâm sự: “Tôi đã trải qua rất nhiều thăng giáng trong cuộc đời, nhưng kiểm nghiệm lại tôi nhận thấy cuộc đời luôn luôn là một chuỗi những lựa chọn và tổng kết một phần đời, tôi nghĩ rằng: tôi là người may mắn. May mắn vì được sống trong thời đại giao thoa của hai thế kỷ, tôi được học những người thầy giỏi nhất Khoa Văn của nước ta, đó là thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Hoàng Như Mai, thầy Đỗ Đức Hiểu,… và tôi ghi lại ký ức về các thầy. Ngày đó dù cuộc sống khó khăn nhưng đối với chúng tôi lại rất linh thiêng, mỗi bậc thầy là một tượng đài để chúng tôi thờ phụng, các thầy cho chúng tôi kiến thức, để từ đó chúng tôi mở rộng và ra đi”.

Những trải lòng đầy xúc động của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - 3

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này để nhớ về khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và những năm tháng trẻ trung của cuộc đời mình". (Ảnh: Huyền Thương)

“Trăm năm cũng từ đây” đã được tác giả viết bằng các cung bậc khác nhau, nhưng luôn luôn xuyên suốt trong đó là lòng kính trọng những người thầy. Cuốn sách đã thực hiện những mong muốn luôn thôi thúc tác giả Nguyễn Huy Hoàng trong những năm tháng xa quê:

“Sẽ gặp lại những thầy cô thuở ấy

Giờ nơi đâu, ai đã mất, ai còn?

Những kỷ niệm của một thời gian khổ

Đến lúc này, nhắc lại, hóa vàng son”

(Nghĩ về chuyến hành hương)

Những trải lòng đầy xúc động của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - 4

"Trăm năm cũng từ đây" là những hồi ức của tác giả Nguyễn Huy Hoàng từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi tốt nghiệp đại học và quãng thời gian ông giảng dạy tại khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. (Ảnh: Huyền Thương)

Cuốn sách của ông không rộng, không lớn nhưng nó còn có cả những nét chấm phá về Ký túc xá Mễ Trì – miền thánh địa của sinh viên Đại học Tổng hợp. Nhớ lại những năm tháng đó, tác giả Nguyễn Huy Hoàng cho biết đó là cái thời thánh thiện nhất của của ông và bạn bè cùng trang lứa, đó là thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời sinh viên.

Những trải lòng đầy xúc động của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - 5

Mùa hoa sưa tại ký túc xá Mễ Trì. (Ảnh: Sưu tầm)

Hoài niệm về “thánh địa Mễ Trì”, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ bùi ngùi nhớ lại những vần thơ ông đã viết:

Vẩn vơ gom nhặt xuân thì

Bằng lăng tím lối Mễ Trì chiều nay

Người xưa giờ cuối chân mây

Chuyện xưa nào dễ tháng ngày phôi pha

Cái thời lọ mực sẻ ba

Đĩa rau muống luộc nửa già nửa ôi

Cơm mỳ hai bát chơi vơi

Lâm râm cái đói suốt thời sinh viên…

TS. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho biết, cuốn sách “Trăm năm cũng từ đây” là một pho tư liệu hết sức quý giá về chân dung những người thầy, những bậc thầy đáng kính nhất của những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, cũng như chân dung về những con người với phẩm chất tuyệt vời nhất mà trong thời buổi ngày nay hiếm có được.

TS. Nguyễn Anh Vũ nhận định: Cuốn sách đưa chúng ta thêm một lần nữa trở lại thời khốn khó, thiếu thốn nhưng lại hết sức tình cảm, hết sức ấm áp, như Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, một cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn cũng từng nói, đó là cái thời: "Không làm gì, chỉ làm thơ và nói những chuyện vĩ cuồng trên mây”, đó là câu nói đúc kết thật đúng đắn về thời sinh viên tại Ký túc xá Mễ Trì.

Những trải lòng đầy xúc động của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội - 6

PGS.TS Phạm Quang Long chia sẻ về tác giả Nguyễn Huy Hoàng. (Ảnh: Huyền Thương)

Bày tỏ niềm xúc động lớn lao trong buổi ra mắt sách của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tâm sự: “Tôi hết sức thông cảm với anh Hoàng, tôi không hiểu sao số phận nó đày đọa anh nhiều như thế, quên thì thôi chứ nghĩ đến anh Hoàng, gia đình anh Hoàng thì điều đó làm cho tôi thấy không yên tâm…

Anh ấy viết cũng là một cách để anh ấy sống, cũng là một cách để anh ấy quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống này. Chúc anh Hoàng vẫn tiếp tục vươn lên, để vẫn viết, vẫn sống và chúng ta hãy cứ sống với nhau trong trong cái tình đồng môn, tình anh em, bạn bè thân thiết và hãy luôn nhớ rằng chúng ta luôn chịu ơn dạy dỗ, dưỡng dục của các thầy”.

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1953 tại Can Lộc, Hà Tĩnh, ông đã từng học tập và giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện ông sinh sống và làm việc tại Moskva – Liên Bang Nga.

Ông là tác giả của hơn 20 đầu sách và nhiều bài báo, công trình khoa học được xuất bản ở Việt Nam và Liên bang Nga. Một số công trình có thể kể đến như:

“Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX” (giáo trình) - Đại học Tổng hợp, 1988;

“Thi pháp truyện ngắn N. Gogol” (chuyên luận), Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia, 2001;

“Đếm bước cuộc hành trình” (ký sự), Nhà Xuất bản Lao động, 2012;

“Mưu sinh” (truyện ký), Nhà Xuất bản Hà Nội, 2006;

“Ngoảnh lại” (thơ), Nhà Xuất bản Văn học, 1995;

“Phía bên kia trời” (thơ), Nhà Xuất bản Văn học, 1999;

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (chủ biên), dịch sang tiếng Nga, 2012;

“Truyện Kiều” (chủ biên cùng Vũ Thế Khôi, A.Xocolov, Đoàn Tử Huyến, A.Popov), dịch sang tiếng Nga, 2015;

“Gia tộc Tổng thống V.V.Putin” (cùng Nguyễn Văn Minh), dịch từ tiếng Nga, 2017;

“Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” (cùng Nguyễn Văn Minh), dịch từ tiếng Nga, 2020.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống