Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: “Nghề dạy học tạo điều kiện cho tôi sống tử tế”

Gần 50 năm đứng trên bục giảng, vừa cầm bút – vừa cầm phấn, vừa là nhà giáo – vừa viết văn và đến nay, khi đã ở tuổi nghỉ hưu, ông vẫn luôn lặng lẽ, cần mẫn làm việc, nghiên cứu, ông vẫn là một người thầy đáng kính của biết bao thế hệ học trò, vẫn là một cây bút phê bình văn chương mẫu mực. Và “người thầm lặng” ấy không phải ai khác, đó chính là nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng – người thầy miệt mài trên bục giảng – nhà văn say mê trước bàn viết.

Tháng 11 thật đặc biệt! Tháng của những người lái đò thầm lặng đã đưa biết bao thế hệ học trò qua dòng sông tri thức với hy vọng cập bến bờ hạnh phúc trong tương lai. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (20/11/1982 - 20/11/2022), Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có cuộc trò chuyện với Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng để nghe ông chia sẻ về nghiệp, về nghề.

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: “Nghề dạy học tạo điều kiện cho tôi sống tử tế” - 1

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng - một con người luôn miệt mài trên bục giảng và say mê trước bàn viết.

PV: Thưa nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng​​​​​​, trở thành một thầy giáo có phải là mong muốn từ đầu của ông khi ông theo học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội?

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: Tôi học khóa 14 (1969-1973) khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Một ngôi trường có tên rất dài (cười) khiến nhiều người không nhớ được.

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: “Nghề dạy học tạo điều kiện cho tôi sống tử tế” - 2

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngôi trường Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng đã gắn bó suốt chặng đường sự nghiệp của mình.

Lúc vào học cho đến khi tốt nghiệp, tôi không có ý niệm gì về việc trở thành một nhà giáo. Thích làm nghiên cứu ở Viện Văn học, chẳng hạn, hay làm biên tập ở một nhà xuất bản (lớn) nào đó (Nhà xuất bản Văn học chẳng hạn). Nhưng gia đình tôi có truyền thống về nghề dạy học và nghề thầy thuốc nên bố tôi đã động viên tôi nên làm nghề “phấn trắng bảng đen”. Cụ chỉ dẫn về tính ổn định, nề nếp, thanh tịnh của nghề giáo dễ thành NGƯỜI (chính bố tôi là giáo viên dạy môn chính trị ở trường phổ thông).

Khi Bộ môn Văn học Việt Nam và Lý luận văn học của khoa Ngữ văn giữ lại làm giảng viên, tôi nghĩ, vậy là nghề dạy học đã chọn mình. Ắt là “số phận” (?!). Đến hôm nay, sau 47 năm tham gia giảng dạy ở bậc đại học, tôi nhận ra sự phù hợp của nghề dạy học với tư chất, cá tính, năng lực của bản thân – trong nghề này tính ốn định, sự trong sạch, trọng nghĩa, tận hiến tạo điều kiện cho mình sống tử tế.

PV: Là một người thầy đã dành cả cuộc đời đứng trên bục giảng, ông quan niệm như thế nào về việc dạy văn?

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: Phải nói ngay, dạy học môn nào cũng có nét chung – truyền thụ kiến thức cho học sinh/sinh viên. Nhưng dạy văn có đặc thù (Văn học là nghệ thuật ngôn từ, Văn học là nhân học), nên ngoài việc truyền thụ kiến thức, thì người thầy/ cô giáo dạy văn còn cần nỗ lực dạy học trò làm NGƯỜI.

Nói chính xác hơn là cùng gia đình, xã hội, nhà trường góp thêm vào sứ mệnh rèn dũa và kiến tạo nhân cách văn hóa. Trong nhiệm vụ dài lâu và khó khăn này, các thầy/cô giáo là những người lính xung kích, mở đường tinh anh. Người thầy/ cô giáo dạy văn không chỉ giỏi lý thuyết (nhưng “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”- Gơt), còn cần phải giàu thực tiễn.

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, hiểu là chữ phải có nghĩa (chữ nghĩa). Một thầy/cô giáo dạy văn giỏi, nếu mình sống được với đời sống văn chương cùng thời, thì những điều mình truyền thụ cho học sinh sẽ sinh động, thấm thía hơn việc mang sách ra đọc cho người học chép (riêng tôi đã viết nhiều sách giáo trình, chuyên đề nhưng khi lên lớp tôi lại ít nói những gì đã viết).

Thầy/cô giáo dạy văn bậc đại học nếu thêm một danh hiệu NHÀ VĂN nữa thì càng hay (ở khoa Văn học hiện có 10 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong số này có 4 nhà văn đã mất).

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: “Nghề dạy học tạo điều kiện cho tôi sống tử tế” - 3

Theo Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng, ngoài việc truyền thụ kiến thức, thì người thầy, cô giáo dạy văn còn cần nỗ lực dạy học trò làm NGƯỜI.

PV: Theo ông, những bài học văn chương có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi con người?

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: Cuộc đời mỗi con người nhận được nhiều bài học ý nghĩa từ nhiều phương diện ( chính trị - kinh tế, chiến tranh - hòa bình, tự nhiên- xã hội, văn hóa - đạo đức, tiền tài - danh dự,...). Nhưng bài học văn chương đem đến cho mỗi người có đặc thù mà các lĩnh vực khác không (hoặc hạn chế) cung cấp được: Văn học đem tới những khám phá về những cuộc đời mới ngoài cuộc đời chính mình, tác phẩm văn học kinh điển sẽ là một “bách khoa thư” đời sống.

Nhưng quan trọng hơn cả, văn học đem lại những bài học sâu sắc về các giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”. Nói chính xác thì, những bài học đặc biệt về tinh thần, văn hóa, đạo đức, tâm lý chỉ có văn học là độc quyền. Tôi nêu một ví dụ điển hình: kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào - Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du đã cung cấp bài học về tình yêu tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt), là “vô đối”.

PV: Là một người thầy, ông mong muốn điều gì ở sinh viên của mình?

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: Trên lớp cũng như ngoài cuộc sống, tôi luôn chia sẻ với sinh viên về phương pháp tư duy khoa học cũng như phương pháp tư tưởng trong đời sống: cần thiết trở thành một người tử tế, khi đó sẽ có điều kiện trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Thái độ đi trước trình độ trong học tập và khi lập thân, lập nghiệp. Nếu 2 người cùng giỏi chuyên môn, nơi thi tuyển sẽ chọn người có thái độ tốt trước. Đó là điều chắc chắn.

Tôi cũng thường nghiêm khắc với sinh viên trong quá trình học tập. Có thể đang ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên không thích kỷ luật (quy chế, quy củ). Đa số thích sự dễ dãi, đôi khi buông lỏng, thậm chí buông thả. Nhưng sau khi vào đời, thầy trò gặp lại, không ít người thú nhận “ở trường các thầy chặt, ra đời lỏng là vừa”.

Tôi cũng thường chia sẻ với sinh viên sự cần thiết điều hòa giữa “học” và “hành”, cần duy trì vì có thể học giỏi nhưng hành kém. Với một số ít sinh viên giỏi và ngoan tôi cũng thường động viên cần phải có cao vọng (khát vọng làm được việc lớn).

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: “Nghề dạy học tạo điều kiện cho tôi sống tử tế” - 4

Ông là người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ học trò Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

PV: Khoa Văn học là cái nôi sinh ra nhiều nhà văn, nhiều giáo sư, các nhà khoa học, nhà báo nổi tiếng, nhiều cựu sinh viên khoa Văn học hiện đang giữ những trọng trách quan trọng của đất nước, vậy theo ông, Khoa Văn học hiện nay cần làm gì để phát huy truyền thống văn nhân đó?

Nhà giáo – nhà văn Bùi Việt Thắng: Phó giáo sư Trần Đình Hượu, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa có uy tín khoa học lớn đã viết công trình để đời “Đến hiện đại từ truyền thống” (1996). Câu hỏi của chị được trả lời trong công trình này, nếu đọc nó.

Những truyền thống tốt đẹp trong xã hội, có lúc có nơi bị mai một, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Giữ gìn và phát huy truyền thống là giữ gìn ký ức lương thiện. Truyền thống văn nhân của khoa Văn học nằm trong truyền thống dân tộc “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - Bình ngô đại cáo).

Bảo vệ và pháy huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là công việc của toàn dân, không riêng gì một giai cấp, chính đảng. Tương tự, muốn phát huy truyền thống văn nhân thì tất cả các thầy/ cô giáo và sinh viên khoa Văn học cần ghi khắc sứ mệnh tinh thần “ôn cố tri tân”./.

Cảm ơn ông! Chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục thực hiện những dự định của mình! 

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày