Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh dưới góc nhìn UNECO

Nhà văn Ôxíp Manđenxtam trong bài “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” trên tạp chí Ogoniok, số 39, ngày 23-12-1923 đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Dự cảm của Nhà văn Manđenxtam đã đúng khi hơn nửa thế kỷ sau, năm 1987, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã được UNECO công nhận là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam

Nghị quyết 24C/18-65 của UNESCO

Từ ngày 20/10 đến 21/11/1987, Đại hội đồng UNESCO khoá 24 họp ở Thủ đô Pari, và đã ra Nghị quyết 24C/18-65 nêu rõ: (1) “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội… ”.

Để đi đến kết luận này, nghị quyết của UNESCO khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì “những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.  Ngày 12 tháng 10 năm 2022, tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azouley đã bày tỏ vui mừng và nhắc lại kỷ niệm  về quyết định lịch sử  này của UNESCO.

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết: để đi đến kết luận khái quát trên đây và Nghị quyết 24C/18-65 được ban hành và đi vào đời sống thế giới, các chuyên gia lĩnh vực này của UNECO phải dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe để đưa ra quyết định. Theo đó, có rất nhiều nội dung liên quan đến tầm vóc văn hóa của Bác được thẩm định, đánh giá. Từ những tiêu chí mà UNECO sử dụng làm căn cứ đánh giá, chúng ta hoàn toàn có thể phân tích  và minh chứng qua rất nhiều nguồn tư tiệu.

Một biểu tượng tiêu biểu về tự học và chống tha hóa

Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh dưới góc nhìn UNECO - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón chào khi đến thăm thành phố Novosibirsk, mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô (nay là Liên bang Nga), ngày 10 tháng 7 năm 1955. (Ảnh tư liệu)

Khi tìm hiểu về những phẩm chất cá nhân của Người, chúng ta thấy trước hết, Hồ Chí Minh là lãnh tụ có học vấn uyên bác, người có trí tuệ siêu việt và đề cập đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự vĩ đại của Người chính là ý chí và năng lực tự học, điều mà mãi sang thế kỷ 21, giáo dục Việt Nam mới đề cập. Đây là một sự thật vì khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản được tổ chức tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga) vào tháng 8-1935, Bác Hồ đã khai rõ trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”.(2) Điều quan trọng là các “sản phẩm” tri thức của người được thực hành trong thực tế cách mạng và giá trị tác động của nó rất sâu đậm trong quá trình phát triển của xã hội loài người ở thế kỉ XX; Góp phần làm phương pháp và phát triển các giá trị chung của nhân loại. 

Trong phạm trù đạo đức của Người xét trên cương vị nhà lãnh đạo quần chúng thì Bác Hồ là một nhân cách của một người cầm quyền kiểu mới. Với 24 năm là nguyên thủ quốc gia mà không tha hoá. Khi chưa có chính quyền, Người sống với nhân dân, khi giành được chính quyền, Người phục vụ nhân dân, Người không nhận một đặc quyền nào cho cá nhân, cho đến khi tạ thế và để lại một di sản đồ sộ cho dân tộc mà “ Tư tưởng Hồ Chí Minh” trở thành “Công trình phi vật thể” mang sức sống và soi rọi bước hành trình của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đặt trong bối cảnh thế giới thế kỷ XX đang đứng trước một thảm hoạ tha hoá về văn minh vật chất thì Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng tiêu biểu về chống tha hóa.

Người giương cao ngọn cờ hòa bình đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức

Cuộc đời Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình huyền thoại mà không có lãnh tụ nào khác làm được trong thế kỷ 20, suốt 30 năm đi tìm đường cứu nước cho dân tộc mình, Người đã tới nhiều quốc gia khác nhau trên các châu lục để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất. Công lao lớn mà Người cống hiến cho nhân loại chính là thành tựu về lý luận tìm ra bản chất quy luật của Chủ nghĩa Thực dân (CNTD) và chỉ cho nhân loại con đường thoái khỏi CNTD đó, thông qua các hoạt động báo chí và xuất bản  tác phẩm từ năm 1919 tại Pháp và các nước khác trên thế giới.

Trên thực tế, Người đã viết hơn 2.000 bài báo với 167 bút danh khác bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh...trong đó có trên 100 bài đăng trên báo L’Humanité; khoảng 30 bài đăng trên Báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan của Hội Liên Hiệp Thuộc Địa. Những bài báo thời kỳ này giàu tinh thần bút chiến, Người đứng về “phe nước mắt” cần lao thế giới để chống lại CNTD.

Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh dưới góc nhìn UNECO - 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ba Lan cùng đông đảo người dân Thủ đô Warszawa nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm chính thức Ba Lan, ngày 21 tháng 7 năm 1957. Ảnh tư liệu

Khi với tư cách nhà văn, nhà thơ lớn, Bác cũng gửi gắm vào các tác phẩm nổi tiếng: Bản án chế độ Thực dân Pháp, Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn độc lập... tinh thần chiến đấu vì công lý và tình yêu dành cho nhân loại đang bị chà đạp áp bức. Hồ Chí Minh đã dành riêng và trút tâm lực của mình lãnh đạo dân tộc Việt Nam lật đổ ách thống trị của Thực dân Pháp, lập nên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông nan Á vào năm 1945. Sự kiện này trở thành phát súng hiệu triệu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa trên trên khắp hành tinh. Vì vậy từ năm 1960, UNESCO đã xác nhận “việc xoá bỏ CNTD toàn cầu có công của Hồ Chí Minh”. 

Một chú ý quan trọng là trong quá trình đấu tranh ấy, Hồ Chí minh vẫn coi trọng hình thức đấu tranh ngoại giao hòa bình. Bác có tư tưởng đối thoại tránh đối đầu từ năm 1946. Bằng phương pháp vừa kiên quyết vừa mềm mại thuyết phục ấy chúng ta đã đẩy 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam. Cũng với phương pháp đối thoại để tránh chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc Việt - Pháp, Bác đã ký Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 với Pháp.

Sinh thời, khi bình luận về vấn đề này, Bác chia sẻ: “Hiệp định Sơ bộ sẽ mở đường cho sự công nhận quốc tế, đồng thời hạn chế lực lượng của Pháp ở Việt Nam ở mức 15 ngàn quân, với thời hạn là 5 năm. Như vậy Việt Nam có thể giành độc lập từng bước không cần đổ máu.” (Philippe Devillers, Histoire du Vietnam, 1940 à 1952, AMS Press, 1975). Cũng vì vậy mà Liên hợp quốc coi Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề ra đối thoại giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia và đã lựa chọn phương pháp của Người làm phương pháp chủ công của Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề trên thế giới.

Nhà hoạt động văn hóa sáng tạo

Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh dưới góc nhìn UNECO - 3

Xét riêng trong lĩnh vực Văn hóa, Hồ Chí Minh là hình tượng sống động của sự hội tụ hài hòa tinh hoa văn hóa Việt Nam và nhân loại. Ảnh tư liệu

Ngày 11/10.2022, tại Trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris (Pháp), Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu khẳng định: Những giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi về độc lập dân tộc, giáo dục, khoa học, văn hoá cũng chính là sứ mệnh mà UNESCO đang theo đuổi ngày nay.(3) Khẳng định này cho thấy tiêu chí về “Nhà văn hóa thế giới” là rất cao để một con người đạt được, nhưng nó lại chính là những phẩm chất vốn có tự nhiên ở Hồ Chí Minh. Chính Người đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam. Với triết lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu ”, nên ngay từ ngày lập nước Người đã đề ra phong trào xoá nạn mù chữ với 2 sắc lệnh sắc lệnh 19/SL và 20/SL vào ngày 8/9, tức là chỉ sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đúng một tuần. Đây là một quyết định mang tầm nhìn chiến lược đi trước thế giới, bởi Liên hợp quốc vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX mới đề ra được chương trình phổ cập giáo dục toàn cầu. Quan trọng hơn, Người với tư cách nguyên thủ quốc gia đã đưa ra chiến lược giáo dục luôn đúng với mọi thời đại, mọi thể chế xã hội: “ Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm chúng ta phải trồng người”. Chỉ có tư tưởng, hành động của nhà văn hoá kiệt xuất mới đưa ra được chiến lược con người như vậy.

Xét riêng trong lĩnh vực Văn hóa, Hồ Chí Minh là hình tượng sống động của sự hội tụ hài hòa tinh hoa văn hóa Việt Nam và nhân loại. Tư tưởng của Người về văn hóa là sách lược dẫn dắt, định hướng việc xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ hai của Đảng (1951), Người chủ trương “Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Tuy nhiên Người cũng coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, quá trình “Ngoại giao văn hóa” ấy phải tuân thủ nguyên tắc “Mình có thể bắt chước cái hay của bất cứ nước nào ở Âu Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng”. Điều cốt yếu trong tư tưởng về văn hóa của Hồ Chí Minh là phải nhằm mục tiêu nâng cao dân trí phát triển đất nước. Người căn dặn: “Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”4; UNECO đánh giá tư tưởng này của Bác phù  hợp với khát vọng của các dân tộc muốn được tôn trọng, bảo vệ bản sắc dân tộc của mình. Con đường ấy trở thành nhịp cầu nối liền bờ văn hoá Đông - Tây, có hòa nhập nhưng không hòa tan và văn hoá các dân tộc nhỏ không bị đồng hóa.

  *

*  *

Hồ Chí Minh là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc ta suốt bốn ngàn năm lịch sử; đồng thời cũng là người hội tụ hài hòa tinh hoa văn hóa Việt Nam và nhân loại. Những giá trị cống hiến của Bác đều hướng về quyền lợi của Nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức đọa đày bởi CNTD kiểu cũ và kiểu mới; trong khi giữ trọn phẩm chất thanh cao rất “Con người” và chí khí của bậc “Đại trí, đại dũng”. Người chấp nhận hy sinh các quyền lợi cá nhân, các đặc ân dành cho một lãnh tụ để dâng hiến cho dân tộc. Điều đặc biệt là trong quá trình hoạt động văn hóa của mình, người đã sáng tạo những tư tưởng mới nhằm giúp cho nhân loại con đường đi đến hòa bình và khẳng định bản sắc của mình  với tư cách là những phát kiến đầu tiên của thế kỷ XX; mà chính Liên hợp quốc và UNECO công nhận, sử dụng nó vào hoạt động giữ gìn trật tự hòa bình thế giới như những giải pháp chủ công.

Đánh giá về tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, nhưng khi đề cập nội dung “Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh dưới góc nhìn UNECO", chúng tôi muốn đem đến một góc nhìn khách quan, một “đánh giá ngoài” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc về lãnh tụ của chúng ta. Theo đó điều trọng yếu nhất để tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh mang tầm vóc thế giới và tỏa sáng chính là sự tận hiến quên mình và hoạt động văn hóa sáng tạo thiên tài để tạo ra những giá trị cống hiến cho dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Tư liệu tham khảo:

1. Về Nghị quyết của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tạp chí Cộng sản Online

Thứ hai, 02/12/2019 16:40 (GMT+7)

2.Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần học và tự học – Wb: Bảo tàng Hồ Chí Minh 11:46 09/03/2018

3. Hồ Chí Minh: Con người vì hòa bình, danh nhân văn hoá kiệt xuất - Đài THVN tại châu Âu - ngày 12/10/2022 19:52 GMT+7

4. Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam, TS. Đặng Thị Minh Nguyệt - Học viện Chính trị Khu vực II

Th.s. Nguyễn Đình Long Hải

Tin liên quan

Tin mới nhất